Bermuda phương Đông: Những vụ mất tích bí ẩn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một địa danh được coi là Bermuda phương Đông với những vụ mất tích bí ẩn. Đó là một nơi hoang vắng, có tên là Lop Nur, nằm ở cuối phía đông của lưu vực Tarim ở Tân Cương, Trung Quốc.

Nhưng trong lịch sử, Lop Nur từng là một hồ nước lớn. Chỉ là nước hồ rất không ổn định, thường xuyên biến mất không rõ nguyên nhân. Điều này cũng khiến Lop Nur trải qua nhiều lần thay đổi, từ sa mạc thành đầm lầy, rồi lại thành sa mạc. Không biết có bao nhiêu nền văn minh đã hình thành bên hồ, và bao nhiêu nền văn minh đã bị chôn vùi trong cát vàng. Sự biến mất của thành phố cổ Lâu Lan chỉ sau một đêm đã phủ lên tấm màn bí ẩn đối với Lop Nur.

Những sự kiện bí ẩn ở Lop Nur

Sau năm 1949, những sự việc bí ẩn bắt đầu xảy ra thường xuyên ở khu vực Lop Nur. Điều này cũng mang lại cho Lop Nur danh hiệu Bermuda của phương Đông.

Năm 1949, một chiếc máy bay bay từ Trùng Khánh đến Urumqi đã biến mất trên bầu trời Turpan. Chín năm sau, mảnh vỡ của chiếc máy bay được tìm thấy ở Lop Nur, cách đó hơn 200 km về phía nam, tất cả những người trên máy bay đều thiệt mạng.

undefined
Ảnh vệ tinh Lop Nur - khu vực mệnh danh Bermuda phương Đông. (Miền công cộng)

Năm 1950, một cảnh vệ của đơn vị "tiễu phỉ" của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã biến mất một cách bí ẩn. Hơn ba mươi năm sau, thi thể của ông được tìm thấy ở rãnh Hồng Liễu Câu, bờ nam Lop Nur, cách hiện trường vụ tai nạn hơn 100 km. Không ai biết ông đến đó bằng cách nào.

Mùa hè năm 1995, ba công nhân nông trại đến Lop Nur để đào kho báu nhưng sau đó mất liên lạc. Thi thể của hai người đã được tìm thấy ngay sau đó, còn người còn lại hiện chưa rõ tung tích. Xe của họ còn nguyên vẹn, trên xe còn đủ nước và xăng.

Năm 1996, Dư Thuần Thuận, người được coi là nhà thám hiểm số 1 của Trung Quốc, đã biến mất khi đi bộ đường dài một mình ở Lop Nur. Nghe nói đây là cuộc thám hiểm một mình, nhưng thực ra Dư Thuần Thuận lúc đó đang hợp tác với một đài truyền hình, ông đã bố trí trước các trạm tiếp tế, và có một đội quay phim đi theo ông trong suốt chuyến đi bộ đường dài. Có rất nhiều người đi theo ông, do đó có thể nói là không có rủi ro.

Điều kỳ lạ là vào ngày cuối cùng, Dư Thuần Thuận nhất quyết muốn rời nhóm và đi một mình, rồi biến mất. Phải mất 5 ngày, mọi người mới tìm thấy ông ấy. Lúc đó ông ấy đã bị chết cách trạm tiếp tế gần nhất chưa đầy 500 mét. Là nhà thám hiểm số 1 của Trung Quốc, Dư Thuần Thuận có khả năng sinh tồn cực kỳ mạnh mẽ trong tự nhiên, điều gì khiến ông ấy trở nên mất phương hướng đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Dư Thuần Thuận - nhà thám hiểm số 1 Trung Quốc. (Chụp video)

Và Lop Nur một lần nữa khiến các tờ báo lớn giật tít với cái tên “Thung lũng tử thần”. Lần cuối cùng Lop Nur thu hút được sự chú ý như vậy là vào năm 1980. Đây là vụ mất tích Bành Gia Mộc nổi tiếng .

Vụ án Bành Gia Mộc mất tích: Phải chăng là một vụ giết người?

Vào ngày 17 tháng 6 năm 1980, nhà khoa học nổi tiếng Bành Gia Mộc biến mất trong một cuộc khảo sát ở Lop Nur. Cơ quan chức năng đã triển khai máy bay, quân đội, chó cảnh sát, và tốn rất nhiều nhân lực, vật lực để tìm kiếm trên diện rộng, nhưng vẫn không tìm thấy gì.

Ngày nay, nhiều năm sau, Bành Gia Mộc vẫn ở trong tình trạng không biết là còn sống hay đã chết. Sự biến mất của Bành Gia Mộc cũng được giới truyền thông gọi là nghi án lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Năm 2005, một xác ướp được phát hiện ở sa mạc Kumtag ở rìa Lop Nur, bị nghi ngờ là Bành Gia Mộc. Nhưng chính quyền đứng ra nói là không phải, và vấn đề lại chìm xuống.

Cho đến năm 2016, một cuốn “Nhật ký xử lý vụ án” bắt đầu được lan truyền trên Internet, tác giả là một bác sĩ pháp y cấp cao họ Đặng. Bác sĩ pháp y Đặng cho biết, thực tế có hai xác ướp được phát hiện vào năm 2005, một trong số đó là Bành Gia Mộc, nguyên nhân cái chết là do bị sát hại, nhưng nhà chức trách đã che giấu thông tin này.

Một hòn đá này đã khuấy động cả ngàn con sóng. Mọi người bắt đầu tìm kiếm, cuối cùng phát hiện ra rằng bác sĩ pháp y Đặng đã qua đời. Người xuất bản cuốn nhật ký cũng là một bác sĩ pháp y, tên là Chu Minh Xuyên, người đã từng xuất bản một cuốn sách tên là "Viện nghiên cứu pháp y", và " Vụ án xác ướp Lop Nur" chính là một trong những câu chuyện trong cuốn sách đó. Cuốn sách này hiện cũng được bán trực tuyến. Tuy nhiên, không thể xác minh Chu Minh Xuyên là bút danh hay người thật.

Kết quả giám định pháp y của bác sĩ Đặng cho thấy, thi thể có nhiều vết đâm ở tứ chi, ngực, bụng, lưng, và khi tử vong không có dấu hiệu mất nước. Như vậy hiển nhiên Bành Gia Mộc không phải chết khát, mà bị đâm chết bằng dao.

Vậy kẻ giết người là ai?

Lúc đó Lop Nur là khu vực cấm quân sự, nếu không có giấy phép đặc biệt của quân đội, người ngoài không thể vào được. Như vậy kẻ sát nhân chỉ có thể là thành viên của đội thám hiểm khoa học.

Nhưng họ đều là những nhà khoa học, đã có trình độ học vấn cao, ai lại làm ra chuyện tàn nhẫn như vậy?

Bác sĩ pháp y Đặng cũng bối rối không thể lý giải được. Sau đó, ông mời các thành viên trong nhóm thám hiểm khoa học năm đó đến trò chuyện. Bác sĩ pháp y Đặng đã đi thẳng vào vấn đề, nói về kết quả khám nghiệm tử thi. Các thành viên trong đoàn thám hiểm khoa học hoảng sợ. Lúc đầu, họ còn tự bào chữa, nhưng sau đó họ không thể biện minh được, nên đã nói ra một sự thật chấn động.

Hóa ra lúc đó Bành Gia Mộc đang gánh vác nhiệm vụ quan trọng là đội trưởng đoàn thám hiểm khoa học, nhưng lại được chẩn đoán mắc hai loại ung thư, và sức khỏe đã rất yếu. Ông ấy sức khỏe không tốt, tính tình thất thường, rất bướng bỉnh, và không hòa hợp với mọi người.

Trưởng đoàn thám hiểm Bành Gia Mộc. (Chụp video)

Khi đó nguồn cung cấp của đoàn thám hiểm khoa học không còn đủ nữa, sau khi kế hoạch ban đầu hoàn thành, mọi người đều muốn rút lui. Nhưng với tư cách là đội trưởng, Bành Gia Mộc khăng khăng theo ý mình, đưa mọi người tiến sâu hơn vào Lop Nur.

Việc này chẳng khác gì dẫn người ta vào chỗ chết. Các thành viên trong đòn đều không chịu: “Anh bị bệnh nan y, không quan tâm đến việc sống hay chết, nhưng chúng tôi vẫn muốn sống”.

Sau đó họ bàn bạc và nói: “Vậy thì trước tiên nên giải quyết vấn đề cung cấp, quan trọng nhất là nước, vì vậy chúng ta nên tìm nguồn nước gần đó trước”.

Nhưng dù có cố gắng thế nào, họ cũng không thể tìm thấy nguồn nước. Nhận thấy nguồn cung cấp trong tay ngày càng ít, sự oán hận giữa Bành Gia Mộc xấu tính và các thành viên trong đoàn ngày càng sâu sắc hơn.

Ngày 16/6/1980, đoàn thám hiểm khoa học tìm thấy thi thể của Bành Gia Mộc cách trại khoảng 100 m về phía tây, người đầy máu. Trong thâm tâm mọi người đều biết rằng kẻ giết Bành Gia Mộc chỉ có thể là một người trong số họ, hoặc một nhóm gồm vài người, nhưng không ai chịu thừa nhận điều đó.

Sau một đêm họp bàn bạc, các thành viên trong nhóm quyết định cùng nhau bịa ra những lời nói dối để che giấu sự thật, đồng thời họ bịa ra câu chuyện về việc Bành Gia Mục mất tích khi đi tìm nước. Bởi vì thật trùng hợp là trong tay Bành Gia Mộc có một tờ giấy có ghi: “Tôi đi về phía đông tìm giếng nước”.

Mẩu giấy nổi tiếng này quả thực là do Bành Gia Mộc viết ra, đồng thời cũng là bằng chứng quan trọng nhất khẳng định sự mất tích của ông ấy.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, sẽ thấy ngày ký có dấu vết thay đổi rõ ràng, tức là đã được thay đổi từ ngày 16 thành ngày 17. Bác sĩ pháp y Đặng cho biết, điều này đã được các thành viên trong đoàn thay đổi để hợp lý hóa việc nói dối. Thế là điều này đã trở thành một bằng chứng quan trọng khác khẳng định Bành Gia Mộc đã tự sát.

Tuy nhiên, cuối cùng vụ việc không được xử lý. Bởi vì lúc đó Bành Gia Mộc đã được ca ngợi là anh hùng. Đối với bất kỳ người nào cũng sẽ không có lợi nếu sự thật được tiết lộ ra.

Sau khi cuốn nhật ký được đăng tải, vụ việc bắt đầu xôn xao trên mạng, và những “sự thật” chấn động hơn về vụ án Bành Gia Mộc được tiết lộ.

Virus Lop Nor

Bí ẩn lớn nhất là Bành Gia Mộc là một nhà virus học thực vật. Nhưng không có cây cối nào để khảo sát ở nơi hoang vắng ở Lop Nur, vậy ông ấy đang làm gì ở đó? Mà lại còn là là đội trưởng của đoàn thám hiểm khoa học.

Thông tin chính thức cho biết, ông tình nguyện đi tìm nước nặng, một loại khoáng chất tự nhiên quý hiếm, và đây là chuyến thám hiểm thứ ba vào năm 1980.

Mọi người đều biết rằng có một khoảng cách giữa các ngành nghề, đặc biệt là trong thế giới khoa học. Nước nặng thường được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân. Vậy làm thế nào mà Bành Gia Mộc, một người không phải là nhà vật lý nguyên tử hay nhà hóa học phóng xạ, lại có mối liên hệ với nước nặng?

Điều kỳ lạ hơn nữa là sau khi Bành Gia Mộc mất tích, cả nước lại tốn rất nhiều tiền để tìm kiếm ông ấy, thậm chí còn dùng lực lượng quân sự để tìm kiếm ông ấy. Làm sao Bành Gia Mộc, một trưởng đoàn thám hiểm khoa học nhỏ bé, lại có thể nhận được đãi ngộ như vậy? Liệu ông ấy có bí mật đáng kinh ngạc nào không?

Có người trên mạng nói rằng: Hầu hết thông tin chính thức đều là tin giả. Tôi nói cho bạn biết, mục đích của Bành Gia Mộc đến Lop Nur hoàn toàn không phải để tìm nước nặng, mà là để tìm virus thực vật, vì vậy ông ấy cần phải đích thân đi tìm kiếm.

Virus thực vật ở đâu trong sa mạc rộng lớn?

Điều này phải kể đến một truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi trong người dân địa phương.

Truyền thuyết kể rằng, có một tàn tích thành phố cổ khổng lồ nơi Bành Gia Mộc và những người khác đã đến khảo sát. Sau khi di tích được phát hiện, nhiều bạn trẻ bắt đầu quan tâm đến việc đào tìm kho báu trong thành cổ. Nhưng không ngờ những người trẻ tuổi này khi trở về lại có cảm giác như bị quỷ ám, chạy như điên, chân chảy máu cũng không biết đau đớn, cho đến khi kiệt sức thì chết.

Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy, họ đều có một điểm chung, đó là dạ dày của họ chứa đầy một loại thực vật bí ẩn mà chưa ai từng thấy trước đây.

Thực vật này đến từ đâu?

Có người bước ra nói về sự việc này. Hóa ra Lop Nur lúc đó là sa mạc không có người ở nên trở thành địa điểm lý tưởng để thử bom hạt nhân. Sau vụ nổ hạt nhân, một loại virus đột biến được tạo ra, và một số lượng lớn người đã chết sau khi bị nhiễm loại "virus" này. Tuy nhiên, vì quân đội phong tỏa tin tức nên thế giới bên ngoài biết được rất ít.

undefined
Đám mây hình nấm từ 1 vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc ở Lop Nur năm 1964. (Miền công cộng)

Khi Bành Gia Mộc đang khảo sát Lop Nur, ông vô tình phát hiện ra rằng virus sinh ra sau vụ nổ hạt nhân đã ký sinh trên thực vật Lop Nur. Vào ngày Bành Gia Mộc mất tích, ông đã mang theo mẫu virus. Sau khi ông biến mất, các mẫu virus cũng biến mất. Khi nhà nước thậm chí còn phái quân đội đi tìm Bành Gia Mộc, mục đích chỉ để tìm ra mẫu virus này.

Đây chính là “thuyết virus Lop Nur” được lan truyền rộng rãi trên Internet. Xem ra thì câu chuyện này không phải không có cơ sở.

Năm 1986, vụ rò rỉ hạt nhân xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô cũ, được coi là vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Năm năm sau, cộng đồng khoa học phát hiện ra một loại nấm ở vùng thảm họa sử dụng bức xạ hạt nhân làm chất dinh dưỡng. Đây là một loại cryptococcus có hại cho con người. Nếu cơ thể bị nhiễm trùng, nó sẽ phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể, và gây ra bệnh cryptococcosis.

Nhưng loại nấm này có hàm lượng melanin cao, có khả năng hấp thụ bức xạ và chuyển hóa thành năng lượng hóa học. Một số nhà khoa học cho rằng, nếu được phát triển đúng cách, loại nấm này có thể được chế tạo thành các sản phẩm chăm sóc da có khả năng chống bức xạ, giá thành rẻ, dành cho du hành vũ trụ của con người.

Lop Nur là cơ sở thử nghiệm hạt nhân từ những năm 1960. Đây có thể nói là một bí mật mở. Vì vậy, một số người phân tích, nói rằng có thể quân đội Trung Quốc đã phát hiện ra loại nấm này vào thời điểm đó, và nhiệm vụ của Bành Gia Mộc có lẽ là tìm ra loại nấm này.

Nhưng loại nấm này rốt cuộc có hại cho cơ thể con người, chính quyền cũng không muốn thông tin rộng rãi, nên đã tìm ra cái tên “nước nặng” để che giấu sự thực. Đáng tiếc trên thế giới không có bức tường kín, và cuối cùng lan truyền câu chuyện về vi khuẩn Lop Nur này.

Tuy nhiên, nếu vụ án Bành Gia Mộc chỉ chứa đựng hai câu chuyện này thì sẽ không gọi là “bí ẩn lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Có một truyền thuyết khác thậm chí còn kỳ lạ hơn, lan truyền trên mạng, đó là Ngọc bội Song Ngư.

Câu chuyện này thậm chí còn được các trang web chính thức của Trung Quốc gọi là "truyền thuyết số 1 trong mười truyền thuyết bí ẩn hàng đầu của Trung Quốc".

Ngọc bội Song Ngư

Bức ảnh Ngọc bội Song Ngư lan truyền trên mạng được khai quật từ lăng mộ của một công chúa Vương quốc Liêu ở Nội Mông. Hai con cá trông giống hệt nhau được kết nối với nhau, một con ở bên trái và con kia ở bên phải.

Ngọc bội Song Ngư. (Chụp video)

Câu chuyện kể rằng Bành Gia Mộc và nhóm của ông cũng tìm thấy một Ngọc bội Song Ngư trong di tích cổ ở Lop Nur. Tuy nhiên, Ngọc bội này có sức mạnh bí ẩn, và có thể "sao chép" con người và những sinh vật khác. Bành Gia Mộc vô tình bị phục chế, hai Bành Gia Mộc xuất hiện. Để che giấu sự thật, nhà chức trách đã tung ra thông tin Bành Gia Mộc mất tích. Người cố tình ẩn giấu thì không tìm được, thế nên mới có chuyện Bành Gia Mộc đã mất tích nhiều năm như vậy.

Tuy nhiên, nếu câu chuyện kết thúc ở đây thì sẽ không xứng đáng với danh hiệu “truyền thuyết số 1 trong 10 truyền thuyết bí ẩn nhất”.

Có một phiên bản nâng cao của câu chuyện này. "Ngọc bội Song Ngư" thực chất là mật danh, ám chỉ "cỗ máy thời gian của nền văn minh siêu nhân", được phát hiện tại một thành phố cổ ở Lop Nur, có thể truyền vật phẩm giữa nhiều không gian vật lý mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Còn về cỗ máy này đến từ một nền văn minh cổ đại, hay là một cơ sở bị người ngoài hành tinh bỏ rơi, thì vẫn chờ xác minh.

Các nhà khoa học đã từng sử dụng thiết bị này để tái tạo một con cá. Để chứng minh mối quan hệ giữa hai con cá, họ đã đánh dấu ở một bên của một con cá, kết quả là con cá sao chép cũng có dấu đó nhưng ở vị trí ngược lại. Chuyển động của hai con cá cùng lúc hoàn toàn khác nhau, như thể chúng là hai con cá không liên quan đang bơi, và chúng dường như là hai sinh vật sống độc lập.

Sau khi các nhà khoa học giết chết một con cá, con còn lại vẫn còn sống. Nhưng con cá còn lại cũng chết bảy giờ sau đó, nên các nhà khoa học kết luận rằng, hai con cá vẫn là một con cá, nhưng ở những trạng thái khác nhau, trong thời gian và không gian khác nhau, thông qua chức năng của thiết bị Ngọc bội. Điều này có thể có sự chênh lệch thời gian 7 giờ giữa hai không gian thời gian này.

Trên thực tế, vào những năm 1980, khoảng thời gian Bành Gia Mộc biến mất, “cơn sốt khí công” bắt đầu trở nên phổ biến ở Trung Quốc, và nhiều bậc thầy về khả năng đặc biệt đã xuất hiện. Tin tức thường đưa tin về nhiều khả năng đặc biệt khác nhau, chẳng hạn như lấy đồ vật từ trên không, đọc bằng tai, dự đoán tương lai, đốt lửa bằng ngón tay, v.v.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi câu chuyện về "Ngọc bội Song Ngư" bắt đầu lan truyền trong bối cảnh này, ít nhất nó cũng phản ánh tâm lý của con người, tức là mọi người vẫn còn khá quan tâm đến những thời gian và không gian khác. Có thể thấy điều này qua sự phổ biến của các bộ phim truyền hình du hành thời gian trong những năm qua. Mọi người đều biết rằng “câu chuyện này hoàn toàn là hư cấu”, nhưng ai cũng thích xem những bộ phim khoa học viễn tưởng xuyên thời không như thế này.

Phù Dao - xinbuxinyouni
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bermuda phương Đông: Những vụ mất tích bí ẩn