Khoa học phát hiện ra 'Chân không' là vật chất, tiếp cận cái Không của Phật giáo, và Vô của Đạo giáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Hơn nữa, nghiên cứu của các nhà khoa học về trạng thái khí công của các khí công sư cho thấy, những gì mà họ phát ra là một trường năng lượng rất phức tạp...

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe đến bộ phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng thế giới “Thanh gươm diệt quỷ” (Demon Slayer). Những cảnh chiến đấu đẫm máu và các chiêu thức giết ma trong đó thực sự rất tàn khốc.

Nhân vật chính trong truyện là một tổ chức mang tên ‘đội diệt quỷ’. Họ có thể sử dụng các chiêu thức tăng cường các loại nguyên tố để tiêu diệt yêu ma, thông qua phương pháp hoàn toàn tập trung vào thở.

Trong đó bao gồm 5 phương pháp thở như ngọn lửa, nước, nham thạch, gió và sấm sét. Các phương pháp thở trong bộ phim hoạt hình này bắt nguồn từ “Nhật chi hô hấp” cổ đại. Ngày nay, tất nhiên, những người bình thường chúng ta không thể thông qua “phương pháp hoàn toàn tập trung vào hơi thở” để xuất ra các động tác tuyệt vời.

Điều đó là không thể, nhưng khái niệm này thực sự rất giống với khái niệm về khí công mà chúng ta biết hiện nay.

Theo Wikipedia, khí công là một phương pháp tập luyện, sử dụng việc điều chỉnh hơi thở, điều chỉnh hoạt động cơ thể, và điều chỉnh ý thức để đạt được mục đích bồi bổ cơ thể, thể chất và tinh thần khỏe mạnh, chống lại bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, và khai phát tiềm năng…

Vì vậy, chúng ta cũng nghe nói rằng, một số khí công sư có công năng đặc dị, đồng thời họ có thể phát ra các trường năng lượng mạnh mẽ.

Từ cổ chí kim, trong Phật gia và Đạo gia cũng xuất hiện rất nhiều vị Thần nhân, đều sở hữu thần thông quảng đại, như Đạt Ma, Mục Kiền Liên, Liên Hoa Sắc... Họ đều là người tu luyện. Từ xưa, khí công, tu luyện đều giảng về ngồi thiền, tĩnh tâm, vận khí, hít thở…

Nói cách khác, khái niệm tu luyện đã có từ xa xưa, nhưng điều khiến nhiều người thắc mắc là: mục đích của tu luyện là gì?

Đạo gia giảng về “Vô”, trong khi Phật gia giảng về “Không”. Vậy có phải tu càng lên cao, sẽ càng đạt đến trạng thái “vô, không”?

Một số người có thể nói rằng, điều này không phải là rất nhàm chán sao? Hỷ nộ ai lạc đều không có, cuộc sống của người đó thật không có ý nghĩa. Vậy “không” và “vô” được đề cập trong tôn giáo có phải là thực sự không còn gì không? Rốt cuộc nó là gì?

“Vô” trong Đạo giáo

Vào thời cổ đại, khi còn chưa có nhân loại, cũng chưa có trời đất, vạn vật, chỉ có hỗn độn, giống như một quả trứng mang trong nó sinh mệnh, trong hỗn độn đó thai nghén trời, đất và vạn vật.

Ngân Hà, Big Bang, Nổ, Khoảng Trống
Vào thời cổ đại, khi còn chưa có nhân loại, cũng chưa có trời đất, vạn vật, chỉ có hỗn độn. (Ảnh; Pixabay)

Bàn Cổ, vị Thần nguyên thủy của vũ trụ chúng ta, đã hóa sinh trong năm tháng lâu dài. Trời đất cũng dần dần hình thành cùng với sự sinh ra của Bàn Cổ.

Đây là trạng thái hỗn độn đầu tiên của vũ trụ được ghi chép trong “Tam ngũ lịch kỷ”. Từ xưa, Đạo gia đã có thuyết pháp về “nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”, xuất phát từ “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử. Nó nói rõ rằng vạn vật trong vũ trụ đều có cùng bản nguyên tồn tại.

Lão Tử tổng kết sự hài hoà nguyên thủy nhất vũ trụ, đó là hỗn độn. Lão Tử nói: Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh; tự chi viết Đạo”.

Có nghĩa là: Có một vật hỗn độn hình thành, sinh trước trời đất; không nghe thấy âm thanh của nó, không nhìn thấy hình dáng, nó yên lặng, hư không; tồn tại độc lập mà lại vận động tuần hoàn, sinh sôi không ngừng; là cội nguồn của vạn vật thiên địa. Ta không biết tên nó là gì, nên đành gọi là ‘Đạo’”.

Lão Tử còn được người đời sau gọi là Thái Thượng Lão quân. Hiển nhiên ông không phải người thường, ông có thân thế rất kỳ lạ. Truyền thuyết kể rằng, mẹ ông một lần nhìn thấy ngôi sao băng lớn bay trên bầu trời và sau đó mang thai ông.

Mẹ của Lão Tử mang thai ông 72 năm mới mở nách trái sinh hạ ra ông. Mới sinh ra tóc ông đã bạc, nên được đặt tên là Lão Tử. Khi mới sinh ra, Lão Tử đã biết nói. Cũng có ghi chép rằng mẹ của Lão Tử tình cờ sinh ra ông dưới Lý Thụ (cây mận). Mới sinh ra, Lão Tử đã biết nói và ông chỉ vào cây mận (Lý thụ) và nói: “Hãy lấy nó làm họ của con”.

Những người được trời giao phó sứ mệnh, đều có xuất thế rất kỳ lạ. Lão Tử cũng là một trong số những người như thế. Ông đến thế giới với sứ mệnh truyền bá văn hóa tu Đạo hồi thiên của Đạo gia, phản bổn quy chân.

Đạo gia giảng về ‘vô vi’, ‘thượng thiện nhược thuỷ’ (nước là thiện nhất). ‘Vô vi’ có phải là không làm gì cả, không có gì cả? Thực ra không phải vậy.

Trong “Thần tiên truyện” có ghi chép về câu chuyện Bá Lạc vấn Lão Tử. Bá Lạc hỏi Lão Tử rằng: “Bậc quân vương thánh minh nên cai trị đất nước như thế nào?”.

Lão Tử trả lời: “Bậc quân vương thánh minh trị nước tuy có công lao cái thế, nhưng xem như chẳng liên quan gì đến mình, giáo hóa vạn vật, nhưng lại khiến người ta không cảm thấy dựa vào ông. Đức hạnh vô cùng cao, nhưng không khiến người ta biết đến, ca tụng. Không ai biết ông ở đâu, nhưng ông ở khắp mọi nơi”.

Lão Tử nêu ra rõ ràng tư tưởng Đạo thuận theo tự nhiên, quy luật của Đạo là để vạn vật phát triển tự nhiên, không can thiệp.

Và sự phát triển của vạn vật đều dựa vào Đạo làm cơ sở, chứ không bao giờ lệch khỏi Đạo. Tư tưởng Đạo gia theo ý nghĩa chân chính là ‘hư’ chứ không phải ‘không’, chính là không bị vướng mắc vào một đầu. ‘Hư’ không phải là cái gì cũng không có.

Chúng ta thường cho rằng ‘nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo’ (con người tuân theo quy luật của đất, đất tuân theo quy luật của trời và trời tuân theo Đạo). Câu này xuất phát từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử, nhưng trên thực tế, tư tưởng Đạo bắt nguồn từ Phục Hy - một trong Tam Hoàng thời cổ đại.

Dựa vào sự thay đổi âm dương giữa trời và đất, sự lên xuống của mặt trời và mặt trăng, Phục Hy đã nhận ra sự huyền bí của vũ trụ, và từ đó lập ra Thái cực, Ngũ hành và Bát quái. Ông còn dùng Bát quái âm dương để giải thích quy luật diễn hoá của vũ trụ và trật tự nhân luân.

Phục Hy đã nhận ra sự huyền bí của vũ trụ, và từ đó lập ra Thái cực, Ngũ hành và Bát quái.

Đây cũng là cơ sở tư tưởng để con người dùng Kinh Dịch và Bát quái để chiêm bói hung cát. Bát quái của Phục Hy tiết lộ quy luật như sau: con người nên noi theo đất, đất noi theo trời, trời noi theo Đạo. Đạo là quy luật của tự nhiên, tức là quy luật của vũ trụ.

Đó là nói về con người ở trong trời đất, phải biết trời đất, phải hiểu vị trí của con người trong tự nhiên và vị trí trong xã hội, từ đó noi gương trời đất. Phục Hy cảm ngộ được quy luật vận động và biến đổi của vạn vật, trời đất; đã đặt định ra khái niệm tổng thể và hệ thống hoàn chỉnh về sự hợp nhất của tam tài: trời, đất và con người.

Tới thời kỳ Hoàng Đế xuất hiện 5.000 năm trước, Hoàng Đế xuất thế với tư cách là một vị hoàng đế cai trị và một người tu luyện đắc Đạo. Ông đã diễn dịch mối liên hệ giữa “thiên văn” và “nhân văn”, và diễn dịch ‘thiên nhân hợp nhất’ cho người đời sau suốt 5000 năm.

Cuối cùng, Hoàng đế viên mãn quay trở về, và cũng để nói với thế nhân rằng, tu Đạo đã có từ xưa đến nay. Mục đích tu luyện của Đạo gia là phản bổn quy chân, mục tiêu cuối cùng là trở thành Chân Nhân. Còn Phật gia thực ra cũng rất giống với khái niệm của Đạo gia.

“Không” trong Phật giáo

Phật gia cho rằng “Vặn Pháp giai không” (tất cả các pháp đều là không). Trong “Tây Du Ký” của tác giả Ngô Thừa Ân đời nhà Minh, kể rằng Đường Tăng trên đường đi Tây Thiên thỉnh kinh, mỗi lần thu đồ đệ, đều đặt cho một pháp danh. Mục đích là để buông bỏ quá khứ và cái tên quá khứ cũng không quá quan trọng. Chúng ta đều biết ba đồ đệ của Đường Tăng là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng.

Pháp danh của họ là Ngộ Không, Ngộ Năng và Ngộ Tĩnh. Ngộ Không nghĩa là vứt bỏ các chấp trước, mọi sự đều là không. Ngộ Năng chính là năng lực tu luyện, khống chế bản thân, giữ giới chính là một loại năng lực. Vì vậy mới có tên gọi Trư Bát Giới.

Trên đường đi lấy kinh, Trư Bát Giới đều tu luyện năng lực giữ giới. Lúc đầu định lực không đủ, gặp mỹ nữ thì không thể rời đi được. Ngoài việc ham sắc đẹp, Trư Bát Giới còn tham ăn, tham ngủ. Đây đều là những điều cần phải vứt bỏ. Về sau Trư Bát Giới dần thay đổi, khả năng kiềm chế bản thân ngày càng mạnh mẽ. Còn Ngộ Tĩnh là duy trì sự thuần tịnh nội tâm, không ảo tưởng, sân hận, và phàn nàn, giữ tròn tâm như một, hướng về cõi tịnh độ Tây Phương.

Do đó, có thể thấy cảnh giới “không” mà Phật gia muốn đạt được là buông bỏ thất tình lục dục nơi thế gian thông qua tu luyện. Dù là Phật gia hay Đạo gia, họ đều nói đến việc xem nhẹ dục vọng hoặc chấp trước nơi thế gian. Liệu có thể tu thành thông qua loại phương pháp tu luyện này không? Điều này có cơ sở khoa học không?

Trong cuộc sống, chúng ta đều thích tiếp xúc với những người đơn thuần và tốt bụng, ngay cả khi không quen cũng rất muốn trò chuyện với họ. Dường như xung quanh cơ thể của người đó có một trường năng lượng tốt.

Nghiên cứu quang sinh học hiện đại đã chỉ ra rằng cơ thể con người thực sự có thể tự phát ra các electron và photon, sản sinh ra ánh quang mà mắt thường không nhìn thấy. Các nhà khoa học coi các electron và photon do cơ thể con người phát ra là biểu hiện của năng lượng con người. Nghiên cứu của khoa học phương tây cũng phát hiện ra rằng, trạng thái tinh thần và cảm xúc của con người, có thể ảnh hưởng đến trường năng lượng của cơ thể con người.

Thông qua kỹ thuật chụp GDV, có thể quan sát sự thay đổi trong trường năng lượng của cơ thể với những cảm xúc khác nhau. Ví dụ, khi một người thể hiện những cảm xúc tích cực, chẳng hạn như vui vẻ, hạnh phúc, trường năng lượng của họ sẽ tăng mạnh. Khi con người có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, ghen tị và sân hận, sẽ làm cho trường năng lượng bị thu hẹp, tổn khuyết, thậm chí biến mất.

Điều nghiêm trọng hơn là những người có cảm xúc tiêu cực sẽ không chỉ làm giảm trường năng lượng của chính họ, mà còn ảnh hưởng đến trường năng lượng của người khác. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi một người có cảm xúc thù hận, trường năng lượng của những người xung quanh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Ngược lại, quá trình tu luyện Phật gia hay Đạo gia, chính là không ngừng loại bỏ những cảm xúc tiêu cực này, thậm chí ngay cả những cảm xúc tích cực trong thế giới, chẳng hạn như sự phấn khích cũng coi rất nhẹ, khiến chúng ngày càng ít đi. Vô hình trung, sẽ làm giảm sự tổn thất của năng lượng này. Điều này phần nào cũng đã chứng thực được vì sao có những cao tăng sở hữu trường năng lượng rất mạnh. Trong Phật giáo cũng có câu nói rằng “Phật quang phổ chiếu”.

Khi Lão Tử đi qua Hàm Cốc Quan, Doãn Hỷ quan sát trên bầu trời, thấy tử khí (khí màu tím) bay từ phía đông đến, ông biết rằng sẽ có vị Thánh nhân đi qua đây. Quả đúng vậy, Lão Tử đã cưỡi trâu xanh đi tới. Sau này, khí tím được coi như biểu tượng của điềm lành. Tử khí ở đây rất có thể là chỉ năng lượng của cơ thể người. Chúng ta biết rằng mỗi người có trường năng lượng với màu sắc khác nhau.

Truyền kỳ Lão Tử - Ông Tổ của Đạo gia (P-2): Truyền Đạo cho Doãn Hỷ
Lão Tử đi qua Hàm Cốc Quan (Ảnh: Commons wikimedia - CC BY-SA 3.0)

Trong Phật giáo, Thiền tông thường nói về ‘không’. Người sáng lập ra Thiền tông - Đạt Ma, trước khi xuất gia là hoàng tử thứ ba của Hương Chí Đại Vương ở Nam Ấn Độ. Vì bảo vệ đất nước, ông đã xuất gia và trở thành đệ tử đời thứ 28 của Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau này ông sáng lập ra pháp môn Thiền tông.

“Không vô” trong Thiền tông

Ban đầu khi Thiền tông du nhập vào Trung Quốc, Phật giáo bản địa của Trung Quốc không thực sự hoan nghênh. Quan điểm của các thiền sư về kinh sách khác với quan điểm của kinh sư, luận sư. Sau này, người ta còn tranh luận không ngừng về việc có nên đọc kinh hay không. Bồ Đề Đạt Ma cho rằng, giới Phật giáo thời đó đọc kinh suốt ngày là chấp trước vào biểu hiện bề mặt, nhưng không hiểu tâm pháp, cốt lõi của Phật Pháp.

Chúng ta có thể hiểu một chút từ câu chuyện vị Ngũ tổ của Thiền tông Hoằng Nhẫn truyền lại y bát cho Lục tổ Huệ Năng. Từ bé Huệ Năng vốn rất thông minh, tham ngộ về Phật Pháp nhanh hơn nhưng người tu hành khác.

Huệ Năng sống với mẹ góa khi còn nhỏ, cậu là trụ cột chính, đốn củi kiếm kế sinh nhai. Cuộc sống của họ vô cùng nghèo khó. Một hôm, sau khi bán hết củi ở chợ, cậu nghe thấy một gia đình nào đó đang niệm tụng kinh Phật.

Cậu tò mò liền tới hỏi họ đang đọc kinh gì, họ nói với Huệ Năng rằng đó là kinh Kim Cương, và cho biết Ngũ tổ của Thiền tông, đại sư Hoằng Nhẫn, khuyên mọi người đọc kinh này, trong kinh đó có pháp môn kiến tính thành Phật.

Bởi vì mong muốn đắc được Phật Pháp, Huệ Năng xuất niệm muốn tới chùa Đông Sơn học Pháp của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Sau khi về nhà, sắp xếp ổn thoả cho mẹ, Huệ Năng liền vội vã ngày đêm trên đường để tới chùa Đông Sơn. Vài tháng sau, Hoằng Nhẫn tập hợp các đệ tử, yêu cầu mỗi người dùng trí huệ và kiến giải của bản thân, để viết câu kệ. Nếu ai có thể chân chính lĩnh ngộ được đại ý của Phật Pháp, ông sẽ truyền y bát cho người đó.

Lúc này, ai cũng nghĩ đến Thần Tú, bởi vì Thần Tú là đệ tử đắc ý nhất của Hoằng Nhẫn. Khi còn trẻ, Thần Tú đọc rất nhiều sách và các tác phẩm kinh điển, hơn nữa đã đi theo Hoằng Nhẫn nhiều năm, được đánh giá cao, làm thượng tọa. Thần Tú còn thường thay mặt Ngũ tổ Hoằng Nhẫn giảng Pháp cho mọi người. Ai nấy đều biết Thần Tú sẽ là người được truyền y bát, nên không ai muốn viết bài kệ.

Vậy là Thần Tú viết bài kệ lên bức tường hành lang:

Thân thị Bồ đề thụ
Tâm như minh kính đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai

Tạm dịch:

Thân là cây Bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Thời thời chăm lau phủi
Chớ để bám bụi trần

Mọi người xem bài kệ, tất cả đều đồng thanh tán thưởng. Chỉ có Ngũ tổ là trầm ngâm suy ngẫm. Sau đó, ông nói với Thần Tú: “Cảnh giới bài kệ này nói rõ ngươi đã tới cửa rồi, nhưng vẫn chưa bước vào, bản tính vẫn chưa hiển hiện, nên vẫn chưa có được đại trí huệ”.

Hoằng Nhẫn bảo Thần Tú hãy về, nghĩ lại hai ngày, viết bài kệ mới để ông xem. Nếu Thần Tú thực sự có thể giác ngộ, thì y bát sẽ được trao cho ông. Như thể bị dội một chậu nước lạnh vào người, Thần Tú đứng ngồi không yên, và mất tập trung. Làm sao có thể viết được bài kệ mới?

Một ngày nọ, Huệ Năng, vốn không biết sự tình gì, nghe thấy một cậu bé ở ngoài cửa vừa đi vừa hát câu kệ. Huệ Năng vội vàng dừng cậu bé lại và hỏi cậu đang hát gì.

Cậu bé nói với Huệ Năng rằng cậu ấy hát bài kệ của Thần Tú làm, và đem hết sự việc kể cho Huệ Năng. Huệ Năng cười sảng khoái khi nghe bài kệ, và cũng muốn tham gia vào cuộc vui. Nhưng vì cậu không biết chữ, nên đã đọc và nhờ người viết bài kệ ra.

Bởi vì Huệ Năng chỉ là người làm các việc nặng nhọc, mọi người đều cho rằng, cậu không có bản sự gì, hiện tại lại muốn viết bài kệ lên tường cùng với Thần Tú, các hoà thường trong chùa đều cho rằng người này điên rồi.

Huệ Năng chỉ mỉm cười cất giọng đọc:

Bồ đề bản vô thụ
Minh kính diệc vô đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai

Tạm dịch:

Bồ đề cây chẳng có
Gương sáng đài cũng không
Bản lai không hết thảy
Nơi nào bám bụi đây

Kết quả, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn tới đọc bài kệ của Huệ Năng, và trong lòng rất vui mừng, vì bài kệ của Huệ Năng ngắn gọn, dễ hiểu, thể hiện được tâm trong sáng

Vì vậy, đêm hôm đó, Ngũ tổ đã truyền y bát cho Huệ Năng. Ông trở thành Lục tổ. Từ đó Thiền tông phân thành “Nam đốn Bắc tiệm”, vì Lục tổ Huệ Năng giảng ‘đốn ngộ’, và Thần Tú Bắc phái giảng ‘tiệm ngộ’, hai phái đã tranh luận với nhau trong thời gian rất dài. Nhưng trên thực tế, họ đều đang tranh luận lý ‘không vô’ trong các cảnh giới khác nhau.

Vậy ‘không’ và ‘vô’ của Phật gia và Đạo gia thực sự có phải là cảnh giới ‘không vô tất cả’?

“Không vô” thực ra là vật chất

Các nhà triết học Hy Lạp cổ đại, cũng như các nhà triết học phương Đông đều muốn khám phá nguồn gốc của thế giới. Nhà triết học Aristotle đề cập tới nguyên tố vật chất, ngoại trừ nước, lửa, khí, đất, còn có nguyên tố thứ năm của vũ trụ - ether nằm ở tầng trên của bầu trời.

Vũ Trụ, Bầu Trời, Các Ngôi Sao, Khoảng Trống, Ngân Hà
Ngoại trừ nước, lửa, khí, đất, còn có nguyên tố thứ năm của vũ trụ - ether nằm ở tầng trên của bầu trời. Ảnh minh họa: Pixabay)

Nguồn gốc ether mà ông đề xuất là tương đồng với hàm nghĩa ‘đạo’ của Lão Tử. Người hiện đại thường cho rằng chân không, hư không là cái gì cũng không có. Trên thực tế, so với vật chất hữu hình, chân không chiếm không gian nhiều hơn, trong nó cũng chứa đựng bí ẩn phong phú hơn.

Sau này, sự hiểu biết của con người về vật chất dần dần sâu sắc hơn. Từ các thiên thể hoặc vật thể có thể nhìn thấy và sờ tới được, đến các phân tử, hạt nhân, hạt cơ bản, cần được phát hiện bằng dụng cụ; từ vật chất có hình dạng và kích thước, đến ether và trường không có hình dạng và kích thước, khiến nhìn nhận về vật chất của con người có những thay đổi to lớn.

Cuối cùng nhận ra rằng, chân không hoàn toàn không có gì là không tồn tại, cái gọi là chân không thực chất là một dạng tồn tại của vật chất khác với vật chất hữu hình. Trong chân không có điện trường, từ trường, trường hấp dẫn… chúng đều là biểu hiện của chân không, không phải là trống rỗng. Vì vậy một số nhà vật lý thích dùng từ ether thay cho chân không.

Lý thuyết trường lượng tử cho rằng, thế giới vật lý được cấu tạo bởi nhiều hệ thống trường lượng tử khác nhau. Sự kích phát của trường lượng tử thể hiện sự sản sinh các hạt. Sự kích giảm của trường lượng tử thể hiện sự biến mất của các hạt. Trạng thái năng lượng thấp nhất của các trường lượng tử này là trạng thái cơ bản của trường lượng tử, chính là chân không.

Trong chân không lượng tử như vậy, có những chuyển động lượng tử còn được gọi là dao động điểm không, với năng lượng điểm không, như trường lượng tử giới hạn trong một thể tích nhất định khi thể tích thay đổi, năng lượng dao động điểm không sẽ thay đổi tương ứng, dẫn đến hiệu ứng Casimir có thể quan sát được. Trong chân không lượng tử như vậy cũng có sự phân cực chân không, tạo ra hiệu ứng có thể quan sát được.

Chẳng hạn như sự dịch chuyển Lamb của nguyên tử hydro hay sự di chuyển bất thường của electron. Ngoài ra, lý thuyết trường lượng tử cũng cho thấy hiệu ứng đường hầm chân không, chuyển pha chân không, đông tụ chân không, cấu trúc chip chân không… Tất cả những điều này minh chứng rằng chân không tương tự như một phương tiện, một thực tại vật lý, và có thể thấy rằng ether là một vật chất chứ không phải là một khoảng không không có gì.

Cơn sốt khí công thịnh hành vào những năm 1980 và 1990, nhiều người tập khí công cũng có những cảm nhận khác nhau, dù họ không thể nhìn thấy hay chạm được nhưng họ thực sự có thể cảm nhận được.

Hơn nữa, nghiên cứu của các nhà khoa học về trạng thái khí công của các khí công sư cho thấy, những gì mà họ phát ra là một trường năng lượng rất phức tạp.

Nhà vật lý thực nghiệm người Anh - Hans Bethe và nhà vật lý lý luận David Bohm đã đo được trên thân các khí công sư phát ra các hạt bức xạ hạt nhân và tia X.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, năng lượng do khí công sư phát ra không chỉ có thể xuyên qua tấm chì dày 20 cm, mà còn có thể thay đổi trật tự của các nguyên tử trong kim loại. Không chỉ vậy, các phương pháp vật lý hiện nay đã phát hiện ra các dạng vật chất khác trong những năng lượng này, chẳng hạn như sóng điện từ tần số cao và thấp, bức xạ hồng ngoại, rung động hạ âm, ánh sáng nhìn thấy mờ mờ…

Vậy quay lại câu hỏi, Phật gia giảng “không” và Đạo gia giảng “vô”, có thực sự không còn gì không? Người tu luyện đến cảnh giới không vô, có phải rất nhàm chán không? Vậy sao vẫn theo đuổi không vô?

Chúng ta biết rằng Phật Đà là tiếng Phạn, có nghĩa là người đã giác ngộ. Phật vốn là đại tự tại, rất nhiều đệ tử của Phật có thần thông đại hiển, thế giới của Phật vô cùng đẹp không thể hình dung.

Trong “Dược Sư Như Lai Bản Nguyện kinh” đã mô tả về thế giới Lưu Ly như sau: đất Phật này thanh tịnh và trang nghiêm, không có sự phân biệt nam nữ, và không có sự đau khổ. Vùng đất Phật cũng giống như thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, được làm bằng ngọc lưu ly, và những sợi dây phân định ranh giới được làm bằng vàng, thành đài cung các đều làm bằng thất bảo.

Có thể đây chỉ là những thú vui ở cảnh giới cao mà chúng ta được biết, nhiều hơn nữa thì không thể hiểu được. Trong mắt người thường về những người tu hành, có thể cảm thấy rằng họ cần phải mất đi rất nhiều thứ nơi thế gian để đạt được không vô. Nhưng họ căn bản lại không mất cả. Bởi vì khi con người bắt đầu buông bỏ những thứ trong tam giới và đạt đến cảnh giới cao hơn, thì những vật chất ở tầng thứ cao hơn mới bắt đầu hiển hiện cho chúng ta.

Nhưng chính vì chúng ta không thể nhìn thấy hay chạm vào được những vật chất của cảnh giới cao này, nên mọi người coi chúng là Thần tích. Theo thuyết Âm-Dương của Đạo gia, mọi thứ đều tương đối, có thiện thì có ác, có ánh sáng thì có bóng tối, có hư không thì có thực tại

Có lẽ nào kỳ thực hư không là thế gian con người chúng ta, còn thực mới là ở cảnh giới bên trên?

Minh An
Theo EarthInn



BÀI CHỌN LỌC

Khoa học phát hiện ra 'Chân không' là vật chất, tiếp cận cái Không của Phật giáo, và Vô của Đạo giáo