Khổng Tử coi trọng đức, quy chính dân phong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mọi người đều biết Khổng Tử nói: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, ý nghĩa rõ ràng nhất là không áp đặt lên người khác.

Khổng Tử còn một câu nữa: “Điều mình muốn tạo dựng thì tạo dựng cho người, điều mình muốn thành tựu thì thành tựu cho người”, là nhấn mạnh trách nhiệm với người khác, là hết lòng giúp đỡ người khác, nhấn mạnh là “trung”.

Theo quan điểm của Khổng Tử, nhân nghĩa, trung nghĩa đều là những đức tính cơ bản mà một người nên có. Bất kể làm người hay làm việc, bạn cần phải phù hợp với đức tính của nhân và nghĩa.

Khổng Tử tham gia chính sự, quy chính phong khí xã hội

“Sử ký – Khổng Tử thế gia” của Tư Mã Thiên ghi chép rằng:

Vào năm Lỗ Định Công thứ 14 (năm 496 TCN), Khổng Tử 56 tuổi. Khổng Tử được vua Lỗ bổ nhiệm chức Đại tư khấu, làm việc như tướng quốc nên sắc mặt rất vui mừng. Các đệ tử của ông nói: “Chúng con nghe nói rằng, một người quân tử không sợ khi tai họa lớn đến, cũng không vui mừng khi phúc lớn đến”.

Khổng Tử nói: “Đúng là có câu nói này. Chẳng phải còn có câu nói khác ‘Vui mừng khi ở vị trí cao, mà kính trọng người đức và kẻ sĩ’ đó sao?”.

Vì vậy, Khổng Tử đã giết đại phu Thiếu Chính Mão, người đã làm rối loạn quốc sự.

Khổng Tử làm quan ba tháng, những thương nhân buôn lợn bán cừu không dám ép giá, nam nữ đi đường theo hàng riêng, vật rơi trên đường không ai nhặt, du khách tứ phương kéo đến các thành ấp của nước Lỗ, họ không cần cầu xin và tặng quà các quan chức, nhưng họ vẫn được chăm sóc thỏa đáng, như thể họ trở về nhà. Phong khí xã hội và môi trường sống này là điều mà Khổng Tử mong muốn, và cũng là điều mà người dân cần.

Lý do giết Thiếu Chính Mão

Ghi chép về việc Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão sau bảy ngày làm tướng quốc, lần đầu tiên được ghi lại trong sách “Tuân Tử”. Đối với sách “Tuân Tử”, giống như bất kỳ tài liệu lịch sử nào khác, liệu nó có hoàn toàn đúng và chính trực hay không, và những yếu tố cá nhân nào được trộn lẫn trong đó, lại là một chủ đề khác khó hơn.

Tương truyền rằng Thiếu Chính Mão là một đại phu của nước Lỗ vào thời Xuân Thu. “Thiếu Chính” là một chức quan được thiết lập vào thời nhà Chu, thuộc về tình trạng “dùng chức quan làm tên họ” lúc bấy giờ, còn Mão là tên gọi.

Theo ghi chép lịch sử, Thiếu Chính Mão chiêu mộ đệ tử để giảng dạy, khiến ba nghìn đệ tử của Khổng Tử nhiều lần bị thu hút đi. Khổng môn “tam doanh tam hư” (Khổng môn 3 lần đầy, 3 lần trống vắng), chỉ có Nhan Uyên là bất động. Nhan Uyên là một trong mười đệ tử hiền năng được Khổng Tử trực tiếp khen ngợi vì đức hạnh tốt. Hành vi trung thành với sư môn của Nhan Hồi cũng đã chứng thực nhân phẩm của ông.

Sau khi Thiếu Chính Mão bị Khổng Tử giết chết, các đệ tử của Khổng Tử không hiểu tại sao Khổng Tử lại giết Mão, họ không nén nổi, và đã nói ra nghi vấn của họ. Khổng Tử trả lời:

Thiếu Chính Mão có năm điều ác:

  1. Một là trong lòng ấp ủ điều phản nghịch, bụng dạ hiểm ác.
  2. Hai là hành vi tà ác mà cố chấp không chịu sửa đổi.
  3. Ba là yêu ngôn mê hoặc mọi người.
  4. Bốn là có tri thức rộng về bàng môn tả đạo.
  5. Năm là theo chủ trương sai lầm lại giỏi ra sức che đậy”.

Đó là kẻ tiểu nhân kiệt hùng “ngũ ác” có khả năng mê hoặc mọi người tạo phản. Rõ ràng, việc chọn người của Khổng Tử là dựa vào đánh giá đức hạnh, người nào có đạo đức không tốt, vượt quá giới hạn cho phép thì bị coi là bất nhân, bất nghĩa, có hại và không có lợi cho xã hội.

Sự kiện giết Mão chủ yếu xuất hiện trong các cuộc thảo luận của các thế hệ sau với diện mục “hiền nhân trị gian”, đặc biệt có rất nhiều ghi chép về những cuộc thảo luận như vậy trong các triều đại nhà Hán và nhà Tống. Tất nhiên, khó tránh khỏi có những lời trích dẫn thô tục, nên mỗi người có cách hiểu và cách nói riêng.

Sau khi Thiếu Chính Mão bị giết, nội dung bài giảng của ông ta vẫn chưa được lưu truyền, chứ đừng nói đến việc trở thành một học thuyết. Một số học giả tin rằng chỉ có một nguyên nhân sâu xa: Thiếu Chính Mão là một người có thuật nhưng không có Đạo. Những người có phương pháp và kỹ năng nhưng không coi trọng nhân nghĩa và đạo nghĩa, dù có hưng thịnh nhất thời cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, cuối cùng họ sẽ bị xã hội nhân loại đào thải.

Về Ngũ Ác

Ngũ Ác (Năm điều ác) được ghi lại trong “Tuân Tử – Hựu tọa” rằng: “Con người có năm điều ác, nhưng trộm cắp không trong số đó:

  1. Một là, nội tâm thông đạt minh bạch nhưng tà ác bất chính.
  2. Hai là, hành vi tà tịch lại ngoan cố không thay đổi.
  3. Ba là, lời nói giả dối ngụy biện nhưng lại viện dẫn lý lẽ chứng cứ.
  4. Bốn là, chuyên ghi nhớ những thứ xấu ác, nhưng lại hiểu biết rất nhiều và rộng.
  5. Năm là, chuyên tán đồng những lời nói việc làm sai trái, lại còn tiến hành bổ sung”.

Lời kết

Từ hiệu quả chấp chính của Khổng Tử và cách xử lý của ông với Thiếu Chính Mão, có thể thấy Khổng Tử rất coi trọng đức hạnh làm người. Tất nhiên, Khổng Tử đã nói về “Trung dung”, đức hạnh tốt không có nghĩa là không tì vết, thập toàn thập mỹ.

Mười môn đồ của Khổng Tử được gọi là “Thập triết”, mỗi người đều có những sở trường hơn người, lần lượt là: Đức hạnh (Nhan Hồi, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung), ăn nói (Tể Ngã, Tử Cống), chính sự (Nhiễm Cầu, Tử Lộ) và văn học (Tử Do, Tử Hạ), được ghi chép trong “Tuyển tiến thiên” của sách “Luận ngữ”.

Không ai trong số mười người này là hoàn hảo, toàn tài, nhưng họ đều được Khổng Tử công nhận về phẩm đức mà họ đã triển hiện ra trong việc làm người, làm việc.

Nhất Ngôn - vi.minghui.org
Trung Hòa biên tập (có chỉnh sửa)



BÀI CHỌN LỌC

Khổng Tử coi trọng đức, quy chính dân phong