Loạn môi giới bất động sản: Khó phân biệt giữa xe ôm, sinh viên và môi giới viên chuyên nghiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều sàn môi giới ồ ạt tuyển nhân sự. Từ xe ôm, người bán nước trà đá, sinh viên tới công chức nhà nước... đều có thể tham gia kết nối giao dịch.

Thời gian vừa qua, các sàn môi giới lớn đồng loạt tuyển dụng nhân viên kinh doanh và cộng tác viên ở mọi cấp độ, cũng như tổ chức nhiều chương trình tập huấn thực tế, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ kinh doanh.

Thị trường ghi nhận sự cạnh tranh khốc liệt về chính sách tuyển dụng và cam kết trả phí. Nhiều công ty môi giới ban hành chính sách tuyển dụng với mức thu nhập và hỗ trợ hấp dẫn để thu hút nhân viên kinh doanh, như lương cơ bản dao động từ 5–20 triệu đồng/tháng, hỗ trợ chi phí makerting, cam kết thời gian thanh toán nhanh hoa hồng trong 48h, thời gian thưởng nóng trong 24 giờ.

Động thái này được đánh giá là sự chuẩn bị nguồn lực và đào tạo đội ngũ cho các dự án dự kiến mở bán trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Cũng chính vì vậy, ngày càng nhiều người đủ mọi tầng lớp, không cần chuyên môn vẫn có thể tham gia.

Mặc dù là sinh viên của một trường cao đẳng y tại Hà Nội, anh T.P (20 tuổi) vẫn có thể dễ dàng xin việc vào một sàn giao dịch môi giới địa ốc. Chính người này cũng ngỡ ngàng vì không hiểu tại sao bản thân lại được nhận một cách đơn giản như vậy.

Chia sẻ với báo Đầu tư Online, anh T.P cho biết: “Người tuyển dụng nói thẳng với tôi rằng kinh nghiệm và bằng cấp không quan trọng. Khi vào công ty, các anh chị tiền bối sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực chiến cho tôi. Còn trong phần lớn thời gian của buổi phỏng vấn, họ chỉ ngồi kể về những thành tích mà công ty đạt được, mức thu nhập cao ra sao, lượng hàng bán được nhiều thế nào…”

Khi vào làm việc tại công ty, anh T.P thực sự “vỡ mộng”. Theo đó, sàn môi giới này sẽ trả 1,5 triệu đồng/tháng để hỗ trợ xăng xe, cước điện thoại. Phần lớn thu nhập sẽ đến từ khoản hoa hồng của việc bán nhà. Đây cũng là lúc mà những vấn đề được lộ diện - công ty đó kinh doanh không hề tốt như những gì họ từng công bố.

Anh T.P kể lại: “Suốt 1 tháng liền, chỉ có duy nhất một môi giới viên bán được hàng. Các buổi chia sẻ kiến thức cho người mới chỉ diễn ra trong một vài buổi, mỗi buổi kéo dài chưa đến 1 tiếng, lịch học cũng diễn ra ngẫu nhiên. Bản thân họ cũng đang mông lung vì chưa bán được nhà nên cũng không biết phải chia sẻ điều gì”.

Gần như không có rào cản khi gia nhập

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), cả nước có 300.000 môi giới nhưng chỉ có khoảng 30.000 - 40.000 môi giới có chứng chỉ hành nghề. Những cá nhân còn lại có thể là bất cứ ai, bao gồm từ xe ôm, người bán hàng rong cho tới công chức Nhà nước.

“Những người này chỉ tiếp nhận, truyền tải thông tin một cách thụ động từ nguồn phát đến khách hàng mà không có sự phân tích, kiểm định, đánh giá về các vấn đề như pháp lý. Thậm chí, họ còn lấp liếm thông tin với hy vọng nhận tiền hoa hồng nhanh nhất”, các chuyên gia của VARs cho biết.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Cao Văn Hữu, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty Southern Homes Việt Nam, cho biết nhiều môi giới viên không “mặn mà” với tấm chứng chỉ hành nghề vì phần lớn họ đều là các “tay ngang”.

Ông Hữu cho biết những người đó không coi môi giới bất động sản là một “nghề” sẽ gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó là sự thờ ơ của nhiều sàn môi giới, các điều kiện tuyển dụng còn quá dễ dàng, phần lớn không yêu cầu chứng chỉ hành nghề.

Trong thực tế, chỉ có một số ít trường hợp môi giới viên thiếu chứng chỉ bị xử lý theo quy định của pháp luật, dẫn đến việc nhiều người “chưa biết sợ”.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, cho biết môi giới bất động sản vẫn là ngành nghề gần như không có rào cản khi gia nhập hay rút lui, mọi cá nhân đều có thể tham gia. Các cá nhân này không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào.

"Vì vậy, không sai khi gọi những đối tượng này là 'cò', bởi những cá nhân này chỉ tiếp nhận, truyền tải thông tin một cách thụ động từ nguồn phát đến khách hàng mà không có sự phân tích, kiểm định, đánh giá về các vấn đề như pháp lý, thậm chí còn lấp liếm thông tin với hy vọng nhận tiền hoa hồng nhanh nhất. Bên cạnh đó là việc 'thổi' thông tin, tranh thủ sự khan hiếm nguồn hàng, nhằm mục đích làm giá, thậm chí còn lướt cọc hoặc bán chênh với khách, để trục lợi, kiếm lời. Những hành vi này vô hình chung khiến cho thị trường bị lũng đoạn, gây nguy cơ cho các đợt sốt ảo hay bong bóng bất động sản”, ông Đính chia sẻ.

Theo ông Đính, để thoát nhãn “cò đất”, môi giới bất động sản cần tham gia các khóa đào tạo, tích lũy kinh nghiệm trong cả một quá trình, và đặc biệt là thông qua kỳ thi chứng chỉ môi giới. Ngoài đạo đức hành nghề cơ bản và khả năng trình bày, thuyết phục khách hàng, môi giới cần biết làm nghề, có kỹ năng về tư vấn, có kỹ năng về định giá, biết đọc bản vẽ thiết kế, lên phương án dòng tiền, hiểu rõ luật. Có như vậy mới đảm bảo quá trình tư vấn cho khách hàng vừa hiệu quả, vừa đảm bảo tính an toàn cho khách.

Hiện nay, không phải giao dịch được ghi nhận thành công nào môi giới cũng cần cung cấp cho khách hàng những thông tin như vậy. Họ chỉ quan tâm làm sao để giao dịch thành công nhanh nhất, để nhận được khoản phí hoa hồng, bằng 2-4% giá trị giao dịch. Hành vi này không những gây rủi ro cho người mua còn gián tiếp làm ảnh hưởng đến thị trường, khiến niềm tin của nhà đầu tư ngày càng sụt giảm.

Việt Nam Xã hội

Loạn môi giới bất động sản: Khó phân biệt giữa xe ôm, sinh viên và môi giới viên chuyên nghiệp