'Đại' án đăng kiểm: Bỏ ra 100.000 USD để che giấu nhận hối lộ 40 tỷ đồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Đặng Việt Hà, cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, bị cáo buộc nhận hối lộ của các trung tâm tổng cộng 40 tỷ đồng. Đồng thời, ông Hà lo sợ các sai phạm cá nhân bị phát hiện nên đã trích ra 100.000 USD để "chạy" tội.

Ngày 26/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND cùng cấp truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan liên quan.

Các bị can trong vụ án bị đề nghị truy tố về các tội: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Tham ô tài sản; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đó, nhiều bị can nguyên là lãnh đạo các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam như Nguyễn Vũ Hải (Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam), Trần Anh Quân (Quyền Trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới), Đỗ Trung Học (Trưởng Phòng tàu sông), Bùi Quốc Hưng (Trưởng Phòng tàu sông) cùng nhiều Giám đốc, Phó Giám đốc các Chi cục, Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn cả nước.

Quá trình điều tra, cảnh sát đã thu hồi, tạm giữ tổng cộng hơn 43 tỷ đồng và 118.800 USD cùng nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả.

Trong đó, Bị can Đặng Việt Hà (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị tố cáo nhận hối lộ của các trung tâm tổng cộng 40 tỷ đồng.

Đây là tiền các đơn vị Phòng kiểm định xe cơ giới (từ tháng 8/2021 đến 9/2022, là hơn 31 tỷ đồng); 4 trung tâm đăng kiểm (Khối V, thuộc Cục tại TP. HCM từ 1/4 đến tháng 11/2022 là hơn 7,6 tỷ đồng); 5 trung tâm đăng kiểm Khối V tại Hà Nội (780 triệu đồng) và tiền hối lộ của các Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm khối D (680 triệu đồng), bản thân ông Hà hưởng lợi gần 8,8 tỷ đồng và 13.000 USD.

Ngoài ra, khi công an điều tra, ông Hà lo sợ các sai phạm cá nhân bị phát hiện, nên đưa 100.000 USD cho Nguyễn Văn Chung nhằm giúp đỡ, tìm hiểu thông tin về kết quả điều tra và "chạy" cho mình không bị xử lý. Chung nhận tiền nhưng không thực hiện mà chiếm đoạt. Ngày 29/8/2023, ông Hà tố hành vi của Chung.

Cảnh sát điều tra phần mềm can thiệp trái phép vào cơ sở dữ liệu để chỉnh sửa kết quả kiểm định xe (Ảnh: Cảnh sát cung cấp)

Đại án đăng kiểm được đánh giá là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi có hệ thống, xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm. Khi vụ án được phát hiện, hầu hết các trung tâm trên cả nước bị dừng hoạt động để làm rõ sai phạm, ảnh hưởng nặng nề đến người dân.

Hơn một năm qua, từ khi bắt đầu điều tra sai phạm trên diện rộng về lĩnh vực đăng kiểm, tính đến cuối năm 2023, công an tại 49 địa phương đã khởi tố 114 vụ án, hơn 800 bị can. Nhà chức trách cho rằng có điểm chung là ăn chia "có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên tục, nhiều cấp độ".

Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục.

Hiện, cả nước có hơn 20 trung tâm đăng kiểm bị dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Thủ đoạn của các trung tâm sai phạm là nhận tiền "lót tay" của những người môi giới, bỏ qua lỗi vi phạm của phương tiện trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Đơn cử xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay đổi kích thước thành thùng xe, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...

Nhà chức trách ước tính có 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo cách "làm luật" như vậy. Các trung tâm kiểm định đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thành lập, lập danh sách kiểm định viên giả để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ kiểm định xe cơ giới.


'Đại' án đăng kiểm: Bỏ ra 100.000 USD để che giấu nhận hối lộ 40 tỷ đồng