Xét nghiệm diện rộng COVID-19: Quá tốn kém cho cuộc ‘đại nhảy vọt'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cho đến cuối tháng 9/2021, Việt Nam mới từ bỏ chiến lược “zero COVID". Như “công dã tràng", hàng nghìn tỉ đồng đã được chi cho xét nghiệm diện rộng tại các tỉnh, thành.

Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26/9, ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thông tin về giá một bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19: “Theo tôi được biết, giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test. Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng".

Theo ông Hồng Anh, hiện nay các tỉnh, thành đang đấu thầu giá 60.000 - 70.000 đồng/bộ thì dẫn đến rất lãng phí tiền và đề nghị Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc này.

‘Đại nhảy vọt' lập kỷ lục xét nghiệm diện rộng COVID-19

Liên quan đến việc xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, ở hai “điểm nóng” TP. HCM và Hà Nội, ngành y tế đã liên tục công bố số lượng mẫu xét nghiệm COVID-19 cao kỷ lục.

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát ngày 28/4/2021, TP. HCM đã thực hiện 3 đợt xét nghiệm diện rộng truy tìm F0 với khoảng 11,5 triệu mẫu và đang thực hiện đợt xét nghiệm thứ 4 (từ 15/9 đến 30/9).

Trong đợt xét nghiệm đầu tiên 20 ngày (từ 26/5 đến 13/6), ngành y tế thành phố đã lấy gần 560.300 mẫu xét nghiệm.

Đợt lấy mẫu thứ hai được thực hiện trong 10 ngày (từ 26/6 đến 5/7). Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành lấy mẫu 5 triệu người (mỗi ngày lấy mẫu 500.000 người).

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đã lập 1.000 đội lấy mẫu, gồm 3.000 nhân viên y tế, 6.000 sinh viên y khoa. Thống kê kết quả đợt xét nghiệm thứ 2, ngành y tế thành phố đã lấy gần 1,7 triệu mẫu xét nghiệm.

Đánh giá về đợt xét nghiệm thứ 2, ông Ngô Minh Châu - Phó chủ tịch UBND TP. HCM - cho biết, mục tiêu lấy số lượng mẫu rất lớn nhưng năng lực thực tế không đạt. Điều này đã phát sinh nhiều vấn đề như năng lực không đảm bảo, áp lực chỉ tiêu lấy mẫu lớn dẫn đến nhập liệu, chất lượng lấy mẫu không cao.

“Tỉ lệ phát hiện các ca F0 thấp, chỉ đạt 0,06 - 0,08%. Điều này cho thấy công sức đổ ra nhiều nhưng kết quả thu được không cao, gây lãng phí nhân lực và thời gian", ông Châu nói.

Vì vậy, đến ngày 5/7, TP. HCM đã thay đổi chiến lược, chuyển sang phương thức lấy mẫu theo trọng điểm, tập trung lấy ở những nơi có khả năng lây nhiễm rất cao như: chợ đầu mối, khu đông dân cư, nhất là các khu nhà trọ nhỏ hẹp nhưng đông công nhân.

Đến đợt xét nghiệm diện rộng thứ 3, thành phố xét nghiệm nhanh toàn bộ người dân ở khu vực có nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ) theo mẫu đơn từ ngày 23/8 và hoàn thành trong 3 ngày, sau đó lặp lại xét nghiệm lần 2.

Sau 7 ngày thực hiện, ngành y tế thành phố đã lấy hơn 1,6 triệu mẫu xét nghiệm ở “vùng đỏ" và “vùng cam", phát hiện gần 64.300 ca dương tính (tỉ lệ 3,8%) và tiếp tục vòng 2. Với yêu cầu “chà đi xát lại", nhiều vùng đỏ và cam đã được lấy mẫu đến vòng 3. Tính riêng test nhanh, thời gian này, ngành y tế thành phố đã lấy khoảng 4,8 triệu mẫu.

Theo Sở Y tế TP. HCM, từ ngày 27/4 đến ngày 15/9, ngành y tế thành phố đã lấy tổng cộng gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên. Hiện, thành phố vẫn chưa công bố chi phí các đợt xét nghiệm.

Về chi phí xét nghiệm, theo Công văn số 5378/BYT-KHTC hướng dẫn thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 được Bộ Y tế công bố hôm 7/7, phí xét nghiệm là 238.000 đồng/mẫu test nhanh và 734.000 đồng/mẫu với phương pháp RT-PCR.

Với mức chi phí tham khảo này, có thể tính ra TP. HCM đã chi khoảng 1.468 tỉ đồng cho xét nghiệm RT-PCR và 2.261 tỉ đồng cho test nhanh. Tổng chi phí xét nghiệm diện rộng là: 3.729 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, từ ngày 8/9 đến 16/9, ngành y tế thành phố đã thực hiện hơn 4,25 triệu mẫu xét nghiệm, gồm hơn 2,96 triệu xét nghiệm bằng RT-PCR (kể cả xét nghiệm gộp 10 mẫu/xét nghiệm) và gần 1,29 triệu mẫu test nhanh.

Theo mức giá tham khảo trong công văn của Bộ Y tế, chi phí bỏ ra cho xét nghiệm trong thời gian 9 ngày là: hơn 307 tỉ đồng cho test nhanh và 2.172,64 tỉ đồng cho xét nghiệm RT-PCR. Tổng chi phí là hơn 2.479,64 tỉ đồng. Kết quả phát hiện được 21 mẫu dương tính (tất cả đều ở khu vực có nguy cơ) - tương đương tiêu tốn hơn 118 tỉ đồng để tìm ra 1 F0.

Ghi nhận từ thực tế, bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 ở Việt Nam có rất nhiều mức giá khác nhau theo nhãn hàng, nơi bán. Hiện, chỉ có một sản phẩm test nhanh kháng nguyên sản xuất trong nước được cấp phép có giá bán công bố gần 100.000 đồng/test (đã giảm hơn 35.000 đồng so với thông báo trước đó). Về nhập khẩu, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 20 sản phẩm test nhanh kháng nguyên của nước ngoài với mức giá công bố dao động từ 80.000 - 200.000 đồng/test.

Tuy nhiên, có không ít người dân phải trả mức giá khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng/lần xét nghiệm nhanh.

Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được bán với giá thấp hoặc được phát miễn phí cho người dân.

Tại Malaysia, Chính phủ đã ấn định mức giá trần bán lẻ bộ kit xét nghiệm COVID-19 là 19,9 RM/bộ (110.000 đồng), còn giá sỉ là 16 RM/bộ (gần 90.000 đồng), có hiệu lực từ ngày 5/9.

Singapore, từ ngày 28/8 đến 27/9, Bộ Y tế đã phát miễn phí kit xét nghiệm nhanh cho toàn dân. Mỗi hộ gia đình được nhận 6 bộ kit qua đường bưu điện. Ngoài ra, mỗi học sinh, giáo viên và người lao động trong ngành giáo dục được phát miễn phí 3 bộ kit xét nghiệm nhanh từ ngày 13/9.

Bắt đầu từ ngày 25/9, 8 trung tâm sàng lọc khu vực và 3 trung tâm test nhanh ở Singapore đã mở cửa vào các ngày cuối tuần để những người có triệu chứng hô hấp cấp tính được xét nghiệm PCR miễn phí.

Tại Canada, Chính phủ liên bang, một số chính quyền cấp tỉnh/vùng lãnh thổ cũng phân phát miễn phí bộ kit xét nghiệm nhanh cho các tổ chức, doanh nghiệp. Dựa theo địa chỉ và số lượng nhân viên của mỗi tổ chức, doanh nghiệp, ngành y tế sẽ điều phối bộ kit xét nghiệm nhanh phù hợp nhất: có thể là trực tiếp từ Chính phủ liên bang hoặc thông qua chính quyền cấp tỉnh/lãnh thổ, hoặc thông qua các đối tác phân phối (bao gồm: hiệu thuốc, phòng thương mại, Hội Chữ thập đỏ Canada).

Xét nghiệm nhanh diện rộng COVID-19 có như “công dã tràng"?

Tại cuộc gặp lãnh đạo TP. HCM hôm 17/9, nhiều chuyên gia đã đề nghị thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển sang phương án lấy mẫu trường hợp có nguy cơ cao, có triệu chứng. Nguồn chi phí từ xét nghiệm diện rộng cần được tập trung vào việc bao phủ vaccine tới người dân, nhất là nhóm người có nguy cơ cao, trên 65 tuổi.

Trong một báo cáo tập hợp các ý kiến chuyên gia được TP. HCM báo cáo Thủ tướng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia mới đây, tất cả các chuyên gia cũng đều thống nhất quan điểm “không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng truy vết".

Các chuyên gia đều cho rằng nên tập trung xét nghiệm cho những người có triệu chứng, những người F1 thuộc nhóm có nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền); xét nghiệm cho người hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu để đảm bảo an toàn khi hoạt động (như nhân viên y tế, shipper, nhân viên sân bay, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất…).

Có chuyên gia cũng cho rằng mỗi đợt xét nghiệm chỉ là một lát cắt của tình hình dịch thực tế. Ngay sau khi xét nghiệm, người có kết quả xét nghiệm âm tính lại tiếp tục di chuyển, sinh hoạt trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ lây bệnh.

Trong tình hình dịch bùng phát rộng, các chuyên gia đề nghị chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên mà không cần phải làm lại xét nghiệm khẳng định RT-PCR để tránh lãng phí.

Quan điểm không xét nghiệm COVID-19 diện rộng đã được nhiều chuyên gia y tế nước ngoài lên tiếng. Hôm 11/8, tờ Sydney Morning Herald đưa tin, một trong những chuyên gia tham gia phát triển vaccine AstraZeneca - Giáo sư Andrew Pollard - cho biết, biến thể Delta đã phá huỷ cơ hội đạt được miễn dịch cộng đồng. Giáo sư Pollard cũng kêu gọi chấm dứt việc xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng để nước Anh có thể bắt đầu sống chung với virus.

Giáo sư Pollard lập luận rằng, nước Anh có thể liên tục tiêm chủng cho người dân nhưng không mang lại lợi ích sức khỏe thực sự nếu tiếp tục xét nghiệm hàng loạt.

Ông Pollard nói: “Tôi nghĩ rằng khi chúng ta nhìn vào dân số trưởng thành trong tương lai, nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi xét nghiệm cộng đồng và lo lắng về những kết quả này, chúng ta rốt cuộc sẽ rơi vào tình huống mà chúng ta sẽ liên tục bị thúc đẩy để xét nghiệm và đối phó với điều gì đó không thể quản lý được”. “Việc này cần được chuyển hướng sang thử nghiệm lâm sàng, trong đó những người tham gia sẵn sàng được xét nghiệm, điều trị và quản lý, thay vì xét nghiệm cộng đồng trên diện rộng…”

Lời xin lỗi có muộn màng?

Kinh tế Việt Nam trong đợt dịch COVID-19 đã kiệt quệ khi hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể, các doanh nghiệp FDI lần lượt cắt giảm đơn hàng và xem xét rời khỏi Việt Nam bởi các chính sách không hợp lý từ Chính phủ cũng như những bất cập giữa chính quyền Trung ương và mỗi địa phương.

Các đợt xét nghiệm diện rộng khẩn cấp tại các điểm nóng với áp lực “chạy" chỉ tiêu có thể mang đến những con số thành tích kỷ lục nhưng đã đẩy người dân vào cuộc khủng hoảng tâm lý, đầy ám ảnh với “ngoáy mũi" và “xét nghiệm".

Tối 26/9, Sở Văn hoá và Thể thao TP. HCM, Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng Quỹ Trịnh Công Sơn phối hợp thực hiện đêm nhạc Nối vòng tay lớn với thông điệp “Đất nước đồng lòng, vượt qua đại dịch COVID-19”.

Kết thúc chương trình, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM - bày tỏ: "Thay mặt chính quyền thành phố, chúng tôi xin nhận thiếu sót và mong được sự lượng thứ của đồng bào. Chính quyền thành phố đã rút ra những bài học sâu sắc và sẽ tiếp tục dành hết sức lực, tâm trí để bảo vệ người dân, quyết tâm đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh".

"Trong 4 tháng qua, thành phố đã trải qua những khó khăn chồng chất, những thử thách to lớn khi phải đối phó với những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch COVID-19. Giãn cách xã hội như một biện pháp tất yếu để khống chế dịch bệnh, nhưng cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội", ông Mãi nói.

Vị lãnh đạo TP. HCM nhìn nhận, thành phố đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Mãi cũng thừa nhận trước tình huống rất khắc nghiệt của dịch COVID-19, thành phố chưa thể lường được hết hậu quả. Bởi vậy, có những lúc, công tác điều hành của thành phố không tránh khỏi lúng túng, hạn chế, bất cập.

Qua nhiều đợt xét nghiệm COVID-19 diện rộng chạy “thành tích”, đến cuối tháng 9, Việt Nam mới từ bỏ chiến lược “zero COVID".

“Đạt “zero COVID" sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vaccine đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói hôm 23/9.

Tính đến ngày 27/9, đã có 18.758 người Việt tử vong liên quan đến COVID-19 trong đợt dịch thứ 4. Suốt từ ngày 25/8 đến nay, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam duy trì ở mức 2,4 - 2,5% (cao hơn so với tỉ lệ 2,0 - 2,1% của thế giới).

Riêng tại TP. HCM, có tới 14.501 ca tử vong được công bố, 1.500 em nhỏ đã mất cha, mẹ hoặc mất cả cha và mẹ.

Nhìn từ TP. HCM, liệu Việt Nam có điều chỉnh việc xét nghiệm diện rộng COVID-19 trong thời gian tới như nhiều ý kiến phân tích của các chuyên gia?

Tường Vân


Xét nghiệm diện rộng COVID-19: Quá tốn kém cho cuộc ‘đại nhảy vọt'