Một năm 365 ngày, bạn có biết có một ngày “thăng Thiên”?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày mồng 9 tháng Chín theo Âm lịch được gọi là Tết Trùng Dương, cũng gọi là Tết Trùng Cửu. Với nhiều người đây là ngày kính lão trọng già, mong cầu trường thọ, giải nạn tiêu tai. Nhưng bạn có biết, Tết Trùng Cửu còn gắn liền với một câu chuyện truyền kỳ, trong ngày ấy rất nhiều bậc cao nhân đã bạch nhật thăng Thiên?

Phí Trường Phòng

Trong “Hậu Hán Thư”, quyển 82 hạ, phần “Phương thuật liệt truyện” có câu chuyện về Phí Trường Phòng như sau:

Vào thời Đông Hán, ở vùng Nhữ Nam tỉnh Hà Nam (nay là thị trấn Trú Mã Điếm, huyện Nhữ Nam) có một chàng trai trẻ tên là Phí Trường Phòng. Chàng Phí sống trên tầng lầu trong một khu phố chợ sầm uất. Những lúc rảnh rỗi, anh thường đứng tựa vào cửa sổ quan sát đám đông náo nhiệt và các quầy hàng đủ mọi sắc màu sặc sỡ dưới lầu.

Một ngày, Phí Trường Phòng ngạc nhiên phát hiện một cảnh tượng kỳ lạ khiến anh không thể rời mắt. Anh thấy một ông lão bán thuốc bí ẩn, ngày nào cũng vậy, vào lúc tờ mờ sáng khi chợ vừa mới mở ông lão lại treo một bầu hồ lô lên cửa sạp, đến tối khi chợ đã đóng cửa, ông lại tung người nhảy vào trong hồ lô, không còn thấy bóng dáng đâu nữa.

Trên con phố ấy người người qua lại tấp nập, nhưng không một ai phát hiện ra chuyện kỳ lạ ấy, duy chỉ có Phí Trường Phòng là nhìn thấy. Anh thầm nghĩ: “Vị lão nhân này hẳn không phải kẻ tầm thường, rất có thể ngài là một bậc chân Tiên, ta phải đến thăm bái ngài mới được”.

Quả đúng như anh nghĩ, ông lão ấy chính là Thần Tiên, bởi vi phạm Thiên quy nên bị giáng xuống trần. Đến nay thời hạn đã mãn, ngài đã có thể quy vị về Trời. Nhưng đúng vào lúc Tiên nhân chuẩn bị rời đi thì bất ngờ lại lọt vào tầm mắt của một chàng trai trẻ trên lầu.

Hôm sau Phí Trường Phòng đến thăm, anh cũng không quên mang rượu ngon và thịt khô dâng lên lão nhân. Ông lão vừa nhìn liền biết chàng trai trẻ này có cơ duyên tu Đạo. Ông nghĩ bụng: “Căn cơ không tệ, ngộ tính cũng khá, lại có Tiên duyên. Được lắm, nếu cậu tiểu tử này thành tâm thành ý, tín tâm trọn vẹn mười phần, vậy thì ta sẽ thu nhận cậu ta làm đệ tử!”. Nghĩ vậy, lão nhân liền hẹn Phí Trường Phòng ngày mai lại đến.

Phí Trường Phòng vâng theo lời hẹn, sáng sớm hôm sau lại đến bái kiến lão nhân. Ông lão muốn khảo nghiệm tín tâm của anh, liền bảo Phí Trường Phòng hãy theo mình nhảy vào bầu hồ lô. Phí Trường Phòng không hề do dự, liền tung người nhảy theo ông lão. Vừa vào trong bầu hồ lô anh liền phát hiện đây là một thế giới mỹ hảo vô tỉ, rộng lớn vô cùng, lại có cả cung điện lớn nguy nga cùng với đủ loại mỹ tửu giai hào.

Lão nhân triển hiện một chút Thần tích trước mặt Phí Trường Phòng, anh vô cùng phấn khích liền quỳ xuống xin được bái sư học Đạo. Mặc dù vậy, trong lòng anh vẫn không tránh khỏi vẫn còn chút bận tâm về gia đình.

Lão nhân thấy vậy liền đưa cho anh một cây trúc cao bằng thân người, dặn anh hãy mang về treo. Không ngờ cây trúc liền biến thành hình dạng giống hệt Phí Trường Phòng, ai cũng cho là anh phẫn chí đã treo cổ lên xà nhà tự tử. Mặc dù Phí Trường Phòng thật bằng xương bằng thịt đang đứng bên cạnh nhưng họ lại không nhận ra (do anh được sư phụ dùng phép che mắt), chỉ nhìn thấy Phí Trường Phòng giả bằng cây trúc đã qua đời. Từ đó anh hoàn toàn buông bỏ được tình thân quyến, toàn tâm toàn ý theo sư phụ vào núi tu luyện.

Vị lão nhân lại an bài thêm nhiều lần khảo nghiệm khác: Có lần, anh bị bầy hổ bao vây, nhưng anh không hề sợ hãi chút nào. Lại có lần anh ngồi đả tọa, thấy trên đầu treo một tảng đá lớn, bên trên có đàn rắn đang ra sức cắn sợi dây thừng. Sợi dây sắp bị cắn đứt, chỉ trong chốc lát cả tảng đá nặng vạn cân sẽ rơi xuống đầu, nhưng anh vẫn toàn thân bất động, không hề hoảng loạn.

Lão nhân vô cùng hài lòng về căn cơ và ngộ tính của đệ tử. Ông cao hứng vỗ vào vai anh và nói: “Con khá lắm, có thể dạy dỗ được rồi”.

Nói rồi, ông liền an bài thêm một khảo nghiệm, và đó cũng là khảo nghiệm cuối cùng, vượt qua quan này Phí Trường Phòng sẽ có thể đắc Đạo thành Tiên. Lão nhân chỉ tay vào một đống phân và yêu cầu anh phải ăn. Phí Trường Phòng thấy đống phân bốc mùi nồng nặc, hôi thối không gì tả được, hơn nữa ở giữa còn có mấy con giòi đang ngọ nguậy, ngọ nguậy… Phí Trường Phòng ghê tởm đến mức gần như sắp nôn ọe, và lần này anh đã cự tuyệt không làm theo lời sư phụ yêu cầu.

Vị lão nhân lắc đầu thở dài nói: “Con của ta, suýt chút nữa con đã có thể đắc Đạo rồi. Không vượt qua được quan ải này thì thật là đáng tiếc, đáng tiếc!”

Mãi đến lúc này Phí Trường Phòng mới hiểu ra rằng anh vừa để lỡ mất cơ duyên đắc Đạo. Không còn hy vọng trở thành Thần, cuối cùng chỉ có thể làm người.

Tuy vậy, trước khi rời đi, sư phụ vẫn tặng cho anh một số pháp bảo, và căn dặn anh hãy tiếp tục làm việc tốt, đuổi tà trị bệnh hành tẩu giữa nhân gian.

“Tục Tề Hài Ký” ghi chép rằng, sau này có một số đệ tử theo chân Phí Trường Phòng đi vân du khắp nơi, trong đó có một người đã theo anh rất nhiều năm, tên là Hoàn Cảnh.

Một ngày, Phí Trường Phòng nói với Hoàn Cảnh rằng: Vào ngày mồng 9 tháng Chín sắp tới, trong nhà cậu sẽ xảy ra tai họa, cậu hãy mau mau về báo tin cho người nhà biết. Đừng quên dặn người nhà hái cây thù du buộc vào cánh tay, sau đó lên núi cao uống rượu hoa cúc, như vậy mới có thể tránh được tai họa.

Hoàn Cảnh nghe theo lời căn dặn, đúng vào ngày mồng 9 tháng Chín đã đưa cả gia đình lên núi, đến tối quay về thì phát hiện toàn bộ gia súc trong nhà như dê, bò, gà, lợn… đều chết hết. Phí Trường Phòng nói rằng, những con vật ấy đã gánh chịu tai họa thay cho gia chủ.

Từ đó về sau, trong dân gian có tập tục leo núi, uống rượu hoa cúc, và đeo cành thù du tránh tà vào ngày Trùng Dương.

Vậy còn vị lão nhân treo hồ lô bán thuốc trong câu chuyện này, người đương thời gọi ông là Hồ Ông. Nguồn gốc điển cố “Huyền hồ tế thế” (treo hồ lô cứu đời) chính là từ Hồ Ông mà ra vậy.

Phi thăng thành Tiên

Bên cạnh truyền thuyết kể trên, trong cuốn sách “Vật Nguyên” thời Minh, phần “Tề Cảnh Công thủy trí Trùng Dương, Đoan Ngọ” còn có ghi chép rằng: Ngày lễ Tết Trùng Dương là do Tề Cảnh Công đề xướng vào thời Xuân Thu, sớm hơn 500 năm so với thời Đông Hán của Phí Trường Phòng.

Như vậy, nguồn gốc Tết Trùng Dương gắn liền với rất nhiều truyền thuyết khác nhau, ý nghĩa của Tết Trùng Dương thời cổ đại cũng khác biệt rất lớn so với ngày nay. Trong đó có một tầng nghĩa gắn liền với tu luyện Đạo gia: Đây là ngày những bậc Thánh nhân đắc Đạo từng bạch nhân phi thăng.

Chúng ta biết, Tết Trùng Dương diễn ra vào ngày mồng 9 tháng Chín theo Âm lịch. Trong “Kinh Dịch” thì 9 được coi là số dương, như vậy ngày lễ này có hai số 9 trùng lặp, do đó mới gọi là Trùng Dương.

Giới tu Đạo cho rằng, đây là ngày dương khí lên cao nhất, thanh khí (khí trong) thăng lên, trọc khí (khí đục) hạ xuống, người đã tu luyện viên mãn sẽ có thể cưỡi khí thăng Thiên. Do đó, Tết Trùng Dương là thời điểm lý tưởng để bay lên thành Tiên.

Cách đây 5000 năm, đúng vào ngày mồng 9 tháng Chín, Hiên Viên Hoàng Đế đã cưỡi rồng thăng thiên. Chân Vũ Đại Đế, tức Huyền Vũ Đại Đế, cũng bạch nhật phi thăng vào ngày này.

“Trương Thiên Sư gia truyện” ghi chép rằng, ông tổ sáng lập Đạo giáo là Trương Đạo Lăng Thiên Sư cũng từng đắc Đạo trở thành Chân nhân đúng vào ngày Trùng Dương.

Ông tổ sáng lập Đạo giáo là Trương Đạo Lăng Thiên Sư. (Wikipedia)

Còn theo “Sắc Phong Thiên Hậu Chí - My Châu miếu khảo”, một vị Thần bảo hộ vùng duyên hải là Ma Tổ Nương Nương cũng phi thăng thành Tiên vào ngày này.

Do đó, đối với những người tu Đạo thì ngày mồng 9 tháng Chín là một ngày đại cát tường cho những bậc chân tu.

Tiêu tai trừ họa

Tuy nhiên, đối với một số người thì tiết Trùng Dương cũng có thể là ngày đại hung, vì sao vậy?

Như đã đề cập, số 9 là dương số, cũng là số lớn nhất trong các số dương, tượng trưng cho trạng thái cao nhất, rộng nhất và lớn nhất. Hai số 9 đứng cạnh nhau cho thấy hết thảy đều đã đạt đến cực điểm.

Trong “Đạo Đức Kinh” có câu: “Họa hề phúc sở ỷ, phúc hề họa sở phục” (Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của họa). Người xưa cho rằng họa và phúc cùng nương tựa vào nhau, “vật cực tất phản”, dương cực sinh âm, do đó vào ngày Trùng Cửu cũng có thể xuất hiện một số tai họa. Tai họa này không ảnh hưởng tới những bậc chân tu đắc Đạo, nhưng lại có thể tác động tới bách tính bình dân. Người bình thường không có năng lực đề kháng, vậy nên cần có biện pháp để tiêu tai, tránh tà.

Gia đình Hoàn Cảnh nhờ có Phí Trường Phòng điểm hóa nên tránh được kiếp nạn. Từ đó, người đời sau bắt đầu học theo cách ấy, cứ đến tiết Trùng Dương người ta lại cùng thân nhân leo núi để nhận thêm dương khí, và đeo thù du để giải độc, tránh tà.

Kéo dài tuổi thọ

Ngoài ra, Tết Trùng Dương còn mang ý nghĩa cầu được trường sinh, kéo dài tuổi thọ.

Con trai của Tào Tháo là Ngụy Văn Đế Tào Phi từng viết trong một lá thư rằng: Chữ “Cửu” (九 - số 9) đồng âm với chữ “Cửu” (久 - lâu dài), vậy nên ngày mồng 9 tháng Chín còn mang ý nghĩa trường cửu, trường thọ. Trong dân gian có tập tục leo núi và tổ chức yến tiệc vào ngày Trùng Dương để cầu mong được tăng thêm thọ mệnh.

Cuốn “Tây Kinh Tạp Ký” thời Tây Hán chép rằng: Vào thời Hán Cao Tổ Lưu Bang, mỗi năm cứ đến ngày Trùng Cửu, người trong cung đều đeo cành thù du, ăn bánh bồng nhị và uống rượu hoa cúc để kéo dài tuổi thọ.

Còn cuốn “Thái Thanh Ký” thời Ngụy Tấn thì ghi chép rằng, vào ngày Trùng Cửu nên hái hoa cúc và nấm phục linh, lại lấy dầu thông rồi đem tất cả pha trộn lại, uống trong thời gian dài sẽ có tác dụng chống lão hóa, trẻ mãi không già.

Nếu như ngày nay người ta coi Tết Trùng Dương là ngày lễ đối với bậc lão niên, thì thời cổ đại đây lại là dịp mà cả già trẻ gái trai đều cầu trường thọ, và mong được giải nạn tiêu tai, hoàn toàn không hề giới hạn ở hàm nghĩa kính lão, trọng già.

Vậy vì sao Tết Trùng Dương lại biến thành ngày lễ người cao tuổi như hiện nay?

Năm 1966, ngay sau khi tiến hành Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc, ĐCSTQ đã ra lệnh bãi bỏ các ngày lễ truyền thống, trong đó có Tết Trùng Dương. Cùng năm ấy, Chính phủ Đài Loan quy định ngày mồng 9 tháng Chín theo Âm lịch là “Lão nhân tiết”. Đến năm 1988, ĐCSTQ cũng đưa ra quy định ngày Trùng Dương là “Trung Quốc lão niên tiết”. Từ đó, Tết Trùng Dương được định nghĩa là ngày lễ chuyên dành cho người già, nội hàm ban đầu cũng bị xóa bỏ và hoàn toàn bị thay thế bằng ý nghĩa kính lão, trọng già.

Kỳ thực, tôn vinh và kính trọng người cao tuổi là truyền thống của các dân tộc Á Đông, là điều mà con cháu có nghĩa vụ thực hiện thường hằng, chứ không phải là việc phải làm vào một ngày cụ thể nào đó.

Hy vọng đến đây bạn đã có góc nhìn mới về Tết Trùng Dương. Đó là một ngày với nhiều ý nghĩa thật đặc biệt, bạn có tin như vậy hay không?

Theo Ally - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Một năm 365 ngày, bạn có biết có một ngày “thăng Thiên”?