Căng thẳng Biển Đỏ, ngành thuỷ sản 2024 tìm cách thích ứng khó khăn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết, thách thức mới và lớn của thương mại thủy sản toàn cầu năm nay là vận tải biển qua cả kênh đào Suez và Panama đều gặp khó.

Gần đây, xung đột Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển phải ra thông báo dừng vận chuyển hàng hóa hoặc thay đổi lịch trình, kéo theo hệ luỵ là cước vận tải biển gia tăng với nhiều khoản phụ phí phát sinh. Điều này đang có những tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024.

Cụ thể, đơn hàng phải vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ đã nhận được thông báo tăng giá cước từ một số hãng tàu biển áp dụng từ đầu năm 2024. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 1/2024, nhiều hãng tàu, như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ. Theo đó, bắt đầu từ tháng 1/2024, cước đi Mỹ, Canada và EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023. Cụ thể, Bờ Tây (LA) tăng 800 USD - 1.250 USD/container, tùy theo tuyến; Bờ Đông (NY) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD/container tùy theo tuyến…

Ngoài ra, điều khiến doanh nghiệp lo lắng không phải chỉ giá cước tàu biển qua tuyến này tăng mà có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng giá theo do tình trạng ách tắc kéo dài. Đây là thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng phương thức vận chuyển trong ngắn hạn. Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin và phối hợp làm việc trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý khi ký kết, đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên bổ sung điều khoản về bồi thường… trong những tình huống khẩn cấp cũng như mua bảo hiểm đầy đủ. Ngoài việc đa dạng phương thức vận chuyển, doanh nghiệp xuất khẩu nên đa dạng nhà cung cấp nguyên, phụ liệu để tránh bị gián đoạn quá trình sản xuất, ảnh hưởng tiến độ giao hàng…

Ứng phó với tác động kép

Ngoài cước vận tải tăng, các doanh nghiệp thủy sản nhận định, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024 vì hàng tồn kho vẫn còn nhiều.

Hiện các doanh nghiệp đang đối diện với chi phí lớn và tăng cao của thức ăn đồng thời dịch bệnh trên tôm nuôi chưa kiểm soát được. Đây là thách thức lớn cho ngành nuôi tôm của Việt Nam. Cùng với khó khăn về nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh tôm với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024; các rào cản thương mại gia tăng và quy định thị trường khắt khe hơn, trong đó có vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam.

Năm 2023, xuất khẩu những mặt hàng chính là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 16-25%. Xuất khẩu các loài cá khác (chủ yếu là cá biển: cá thu, cá hồi, cá nục, cá cơm, cá minh thái...) giảm nhẹ 7%, cua ghẹ cũng giảm 4%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 20% và nhuyễn thể có vỏ (nghêu, sò, ốc...) giảm 14%. Nguyên nhân lớn nhất kéo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm qua tụt xuống đó là giá nhập khẩu tại các thị trường đều giảm sâu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 12/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là 745,1 triệu USD, giảm 1% so với tháng 12/2022. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là 8,97 tỷ USD, giảm 17,8% so với năm 2022.

Xuất khẩu thủy sản năm 2023 giảm mạnh, so với mức cao kỷ lục đạt được trong 8 tháng đầu năm 2022, khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng nhằm đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tháng 11 và 12/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 12/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Hoa Kỳ, Úc, Anh, Canada, Brazil, Nga… Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn giảm, nhưng mức giảm đã cải thiện đáng kể.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 12/2023, đạt 123,99 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 4/2023. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,51 tỷ USD, giảm 11,2% so với năm 2022.

Tháng 12/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 113,4 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2022 đến nay. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,56 tỷ USD, giảm 26,9% so với năm 2022.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm chậm lại so với mức 14,6% của tháng 11/2023, giảm 11,4% trong tháng 12/2023, đạt 91,1 triệu USD. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,34 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, những tín hiệu cuối năm 2023 cho thấy xuất khẩu thủy sản năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, mức độ phục hồi trong nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức thấp do nhu cầu thị trường chưa phục hồi chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này khó phục hồi mạnh.

Việt Nam Kinh tế

Căng thẳng Biển Đỏ, ngành thuỷ sản 2024 tìm cách thích ứng khó khăn