Ngày 8/3: Các tiểu thương lo ế ẩm, không dám nhập nhiều

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên thị trường hoa tươi khá trầm lắng, kém sôi động hơn những năm trước.

Vào thời điểm này mọi năm, thị trường hoa tươi tại TP Hà Nội đã rất sôi động, với nhiều loại hoa lạ được nhập khẩu về để bán phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường hoa tươi ngày 8/3 năm nay tại Thủ đô không khởi sắc như mong đợi.

Một chủ cửa hàng hoa tại TP Thủ Đức cho biết, vào thời điểm này các năm trước, nhân viên và chủ cửa hàng cặm cụi cắm hoa, tất bật nhận đơn và giao hoa cho khách. Nhưng lượng khách năm nay dự đoán sẽ giảm 20%-30% và tiêu xài tiết kiệm hơn nên cửa hàng tập trung các sản phẩm có giá 300.000 - 400.000 đồng. Đối với giỏ hoa tươi khách đặt có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng, cửa hàng chủ động giảm giá 10%-15%. Nếu khách muốn mua hoa lẻ để tự cắm, cửa hàng vẫn bán bình thường.

Cách đó vài nhà, chủ tiệm hoa Kim Phụng cũng cho biết, dịp 8/3 năm nay bà không dám đặt nhiều hàng vì lo ế, khi nào bán hết thì đặt thêm.

Chủ một cửa hàng hoa trên đường Nguyễn Phong Sắc (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết, do những năm qua xảy ra dịch bệnh nên kinh tế khó khăn, sức mua năm nay cũng yếu.

Theo các tiểu thương, mặc dù sức mua yếu song giá hoa năm nay lại khá cao. Giá hoa dao động 250.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/bó. Theo đó, hoa hồng có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/bông, hoa hồng nhập có giá 50.000 đồng/bông; hoa tulip có giá từ 200.000 - 250.000 đồng/bó (5 bông); hoa phăng có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/bó; hoa hướng dương có giá 30.000 -50.000 đồng/bông; hoa mao lương có giá từ 70.000 - 200.000 đồng/bó... Nhìn chung các loại hoa này đều tăng từ 20 - 40% so với thời điểm trước đó.

Ngoài ra, việc lựa chọn hoa tươi, người mua sẽ chọn mua những món quà thiết thực hơn vì vậy nhiều cửa hàng hoa khác cũng “dè chừng” trong mùa kinh doanh này. Các chủ cửa hàng hoa không tăng cường nhập hoa cũng không triển khai các chương trình khuyến mại sâu vì hoa tăng giá, khách hàng cũng ít quan tâm.

Dạo qua các phố chuyên bán hoa tươi như: Nghĩa Tân, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Yên Lãng, Phan Đình Phùng... thị trường cũng khá trầm lắng.

Chủ cửa hàng hoa tươi nằm trên phố Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm nay do kinh tế khó khăn nên khách đến đặt mua hoa tươi cũng ít hơn mọi năm. Thường vào dịp này các năm trước, cửa hàng phải có tới 15 nhân viên để cắm hoa nhưng năm nay đến thời điểm này cũng mới chỉ có hơn nửa số đơn của khách quen đặt hàng. Do việc tiêu thụ chậm nên cửa hàng cũng không nhập nhiều các loại hoa ngoại về bán mà chủ yếu là các loại hoa của Mê Linh, hoa Đà Lạt và một số loại hoa của Trung Quốc.

Không chỉ hoa tươi truyền thống, thị trường hoa Ngày 8/3 năm nay còn có thêm nhiều mặt hàng hoa khác như: hoa sáp, hoa lụa, hoa len, hoa kẽm nhung… để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Giá các loại hoa này thường “mềm” hơn giá hoa tươi và phù hợp với các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, theo quan sát, thị trường của các loại hoa này cũng không “khá khẩm” hơn hoa tươi là mấy.

Một số cơ sở kinh doanh hoa khác ở quận Bình Thạnh, Gò Vấp...tại TP. HCM cũng nhập lượng hoa ít hơn những năm trước 5%-10%. So với đợt lễ tình nhân 14/2, mặc dù giá cả đầu vào có sự tăng nhẹ nhưng các chủ cửa hàng vẫn giữ giá để thu hút khách.

Việt Nam Xã hội

Ngày 8/3: Các tiểu thương lo ế ẩm, không dám nhập nhiều