Nhiều người rơi vào cái bẫy chạy tiền, xin việc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều bạn trẻ mong muốn ra trường có ngay một công việc ổn định, lương cao, Vậy nên không ít gia đình sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để "chạy cửa sau" cho con em mình, bất chấp phải đi vay mượn, thậm chí là bị lừa tài sản.

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị tiền mất, tật mang vì xin việc cho con cháu. Đây không còn là chuyện riêng của một ai, mà đã trở thành một vấn đề nhức nhối của nhiều người, của cộng đồng.

Trường hợp của chị Nguyễn Thùy V. ở Nha Trang (Khánh Hòa) là một ví dụ. Chị đã nhờ nhóm Đặng Văn H. ở quận Đống Đa (Hà Nội) xin một suất cho cháu trai vào làm việc ở Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh với chi phí là 800 triệu đồng vào cuối năm 2021.

Ngay trước Tết Nguyên đán, H. giục chị V. chuyển 300 triệu đồng để quan hệ với các lãnh đạo của Tổng cục Hải quan.

H. hứa hẹn cuối tháng 4/2022 cháu chị V. sẽ được nhận công tác. Sau nhiều cuộc điện thoại giục giã, chị V. tiếp tục chuyển tiền cho Hùng, tổng cộng là 800 triệu đồng.

Mặc dù chuyển tiền đầy đủ, nhưng chị V. chờ đợi mãi vẫn không thấy có quyết định cho cháu đi làm. Sau đó, chị V. gửi đơn đến cơ quan công an tố giác hành vi lừa đảo của H. và đồng bọn.

Chị V. chỉ là một nạn nhân bị lừa tài sản của H.

Trường hợp của anh Nguyễn Tiến T. (Lào Cai) cũng bị chiếm đoạt số tiền lớn bởi đối tượng trên. Qua các mối quan hệ xã hội, anh T. quen biết với H. Lúc đó, H. nói đang công tác tại Bộ Công an, có nhiều mối quan hệ nên anh T. xin cho con gái vào công tác trong ngành.

Qua quá trình trao đổi, H. hứa hẹn sẽ xin cho con gái anh T. vào công tác tại Công an tỉnh Lào Cai với phí 1 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền cho H., con gái anh T. nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 tại Công an tỉnh Lào Cai. Nhưng quá trình khám sức khỏe, con gái anh T. không đủ điều kiện về chiều cao, nên không đạt kỳ sơ tuyển. Lúc này anh T. mới tá hoả vì biết mình bị lừa.

Đặc biệt nhất là trường hợp của chị Trần Thị Hồng T. (quận Đống Đa, Hà Nội). Chị là nạn nhân trong vụ án Trần Thị Nhật L. (Phú Thọ) lừa đảo chiếm đoạt 7,5 tỷ đồng. Khi thấy L. bị bắt, chị T. lo lắng nên tìm cách để đòi lại tiền.

Chưa hết, vì tin tưởng H. công tác ở Bộ Công an, chị T. tiếp tục tin tưởng nhóm của H. và đã chấp nhận chuyển trước cho người này 300 triệu đồng để H. đi “ngoại giao”. Kỳ thực, H. dùng số tiền trên để trả nợ và chi tiêu cá nhân. Khi chị T. dò hỏi thì H. lại ra nhiều ý do khác nhau.

Đến nay nhóm của H. đã bị bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều đối tượng lừa tiền những người nhẹ dạ cả tin, mau chóng muốn tìm việc cho con em mà bị "sập bẫy" với mức thiệt hại khác nhau.

Bà Trần Thị Vân T. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bị các đối tượng lừa chiếm đoạt 500 triệu đồng khi cố gắng xin việc cho người thân vào làm việc tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Hay trường hợp ông Lê Đình H. (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng bị lừa số tiền lên tới 3,5 tỷ đồng để chạy việc cho 5 người quen qua vài lần hứa hẹn của các đối tượng.

Qua thực tiễn cho thấy, các đối tượng thường không có khả năng trả lại tiền hoặc cố tình chiếm đoạt tiền.

Theo quy định hiện hành, hành vi nhận tiền chạy việc, không có ý định trả tiền và bỏ trốn thì đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự một trong hai tội: Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Thực tế, nguyên nhân phát sinh tội phạm “chạy việc làm", thi công chức, viên chức là do một phần tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đến đời sống xã hội. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm không được giải quyết triệt để, từ đó các đối tượng đã lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, đưa ra các thông tin giả để nhận tiền rồi chiếm đoạt.

Việt Nam Xã hội

Nhiều người rơi vào cái bẫy chạy tiền, xin việc