Rừng dâu nắng đổ, vua Thang cầu mưa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thành Thang là bậc quân chủ khai quốc triều Thương thời cổ đại, ông cũng là vị vua hiền đức yêu dân như con. Kể từ khi Thành Thang thống lĩnh quân đội chống lại vua Kiệt bạo chúa và lập ra triều Thương, nhân dân mới có được cuộc sống thực sự ấm no, yên bình.

Nhưng chẳng bao lâu sau trời lại giáng hạn hán, ròng rã mấy năm liền không có một hạt mưa. Sông, ngòi, ao, hồ dần dần cạn nước đến mức trơ cả đáy. Mặt trời thiêu đốt khiến đá ở lòng sông cũng phơi mình dưới nắng. Nơi đồng ruộng không một nhánh cây cọng cỏ nào mọc được, cây cối thảy đều khô héo, hoa màu cũng chết hết. Con người không còn gì để ăn, đành phải tìm vỏ và rễ cây sống qua ngày. Vì không có cách nào khác, họ bèn tụ tập cùng nhau, xếp thành hàng dài khua chiêng gõ trống, cử hành nghi lễ tế Thượng Thiên, mong Trời xanh sẽ lại ban ân.

Nhưng đã bảy năm trôi qua mà vẫn không có bóng dáng một giọt mưa. Vua Thành Thang tận mắt chứng kiến cảnh dân chúng lầm than, kêu trời gọi đất, trong lòng ông đầy bi thương và đau xót. Ông không biết làm gì hơn ngoài việc ra sức lập đàn tế lễ, nhưng dẫu có thêm bao nhiêu người cầu mưa thì vẫn chẳng mang lại kết quả gì.

Một ngày, có vị quan toán mệnh là Bốc quan đến tâu với Thành Thang: “Hạ thần vừa gieo quẻ tượng, thấy rằng cần phải dùng nhân mệnh để tế Trời thì mới có hy vọng cầu được mưa”.

Vua Thành Thang chau mày đáp: “Cầu mưa là để cứu muôn dân khỏi hạn hán, nếu chỉ vì việc này mà lấy mạng người làm vật hiến tế, há chẳng phải sẽ mang tội với Trời sao? Trẫm không thể làm vậy được”.

Nhưng suy đi tính lại vẫn không còn biện pháp nào khả thi, vua Thang thở dài ngao ngán nói: “Nếu nhất định cứ phải dùng người làm vật hiến tế thì hãy dùng tấm thân mọn này của trẫm đi”.

Vậy là, vua Thành Thang đã tình nguyện dâng hiến cả sinh mệnh của bản thân để cứu nguy cho dân chúng.

Đến ngày cử hành đại lễ, vua Thang mặc bộ áo vải thô màu trắng, tóc để xõa, sợi dây thừng dẫn lửa quấn quanh ông cũng màu trắng. Một cỗ xe trắng do hai con ngựa bạch kéo, đưa nhà vua tiến về tòa đại điện trong rừng dâu. Dẫn đầu đoàn là đội quân nâng bảo đỉnh, giương cờ xí, tấu lên khúc nhạc du dương réo rắt. Cỗ xe ngựa của vua Thang chầm chậm theo sau, bên cạnh là các vị quan tế tự đang cao giọng tụng đọc lời cầu nguyện. Đó quả thực là cảnh tượng trang nghiêm thần thánh, nhưng đồng thời cũng có phần thê lương.

Chẳng bao lâu sau rừng dâu đã hiện ra trước mặt. Đây là nơi có tòa điện thờ nguy nga chỉ dùng trong những buổi lễ trọng đại. Vua Thang và đoàn tùy tùng vừa đến đã thấy trước mặt cả biển người mênh mông. Ai cũng hồi hộp đếm từng giờ từng khắc để cùng chứng kiến sự kiện lịch sử này. Chỉ thấy tế đàn nghi ngút khói hương, ở giữa là ngọn lửa cháy hừng hừng, phía trước chất đống củi khô, xung quanh là các vị Tế quan đang làm công tác chuẩn bị cho buổi lễ cầu mưa.

Giờ hoàng đạo đã đến, các vị Tế quan dìu vua Thang xuống xe ngựa bước về phía điện thờ. Nhà vua quỳ trước tế đàn, thành kính nói lời cầu nguyện với Trời xanh: “Là vì con không đủ hiền đức nên muôn dân phải khổ. Tội lỗi này là do con, Thượng Thiên có trách phạt xin hãy để một mình con gánh chịu, thỉnh xin Thần đừng giáng tội xuống muôn dân…”

Lúc này, Đại tế sư - vị quan chủ trì nghi thức cầu mưa bước đến trước mặt Thành Thang, giúp nhà vua cắt tóc và móng tay rồi đốt trên điện thờ.

Sau đó, hai vị Tế quan đỡ vua dậy và dìu ông bước lên đống củi trước tế đàn. Vua Thang khẽ cúi đầu, lòng bình yên thản đãng đợi chờ khoảnh khắc sắp đến.

Cảnh tượng ấy trông thật bi thảm: Trên không trung thái dương như quả cầu rực lửa thiêu đốt mặt đất, bầu trời không một gợn mây, chỉ có làn gió bi ai đang khe khẽ thổi. Dân chúng đứng chật khắp rừng dâu, ai cũng xót xa cho vị hiền vương mà họ muôn vàn tôn kính.

Cuối cùng thời khắc ấy cũng đến, tiếng kèn thê lương vang lên khiến trái tim ai cũng thắt lại. Các vị Tế quan châm lửa thắp lên những ngọn đuốc lớn, chỉ đợi tiếng hạ lệnh của Đại tế sư là bốn bề sẽ đồng thời châm lửa.

Cuối cùng, các Tế quan hạ ngọn đuốc trong tay xuống, ngọn lửa đỏ phừng phừng bén vào củi nỏ, từ xa trông như con mãnh thú chồm lên vây chặt lấy vua Thang đang đứng trên đống củi. Sợi dây màu trắng đang quấn quanh người ông cũng bắt đầu bén lửa.

Đúng vào khoảnh khắc ấy, một trận cuồng phong cuốn theo mây đen từ phía đông bắc cuồn cuộn kéo tới, che kín bầu trời chỉ vài phút trước vẫn còn là mặt trời chói chang.

Tiếng sấm vang rền, rồi mưa rơi như trút dập tắt đám lửa thử lòng người. Những giọt mưa to bằng hạt đậu tí tách trên tế đàn, tưới mát bàn tay đang cầu nguyện. Dân chúng khao khát cơn mưa này đã lâu lắm rồi, nay mới được toại nguyện. Họ mừng vui khôn xiết, ai cũng đội mưa nhảy múa và cất vang lời chúc tụng. Người thì nghểnh mặt hớp từng giọt ngọc Trời ban, tưới mát cổ họng đã bao ngày khô khốc, người lại ngửa lòng bàn tay hứng lấy nước hắt lên mặt, lên đầu, hòa tan niềm hạnh phúc trong cơn mưa diệu kỳ.

Vua Thang đang đứng trên đống củi cũng ngước lên nhìn bầu thiên khung cao vời vợi. Bao nhiêu năm qua, đôi lông mày từng chau lại vì âu lo ấy nay mới có được cảm giác thảnh thơi. Từ đáy lòng mình ông cảm tạ Thượng Thiên, đồng thời cũng cảm tạ thần dân đã cùng ông kề vai sát cánh. Chính tấm lòng thành muốn giải cứu muôn dân của ông đã làm cảm động Thượng Thiên, và cơn mưa chính là lời đáp lại của Trời xanh. Mây từ bốn diện tám phương vẫn không ngừng tụ về nơi này, trận đại hạn bảy năm qua cũng biết mất không còn dấu vết.

Trong mưa mọi người cất cao giọng hát những bài ca hoan lạc. Còn trên tế đàn, các vị Tế quan đưa vị hiền vương vì dân quên mình ấy trở về. Cũng từ đó, trong dân gian lưu truyền câu nói: “Tang lâm đảo vũ" (rừng dâu cầu mưa) để ghi nhớ sự kiện lịch sử này.

Theo Phi Phi - Chánh Kiến
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Rừng dâu nắng đổ, vua Thang cầu mưa