Tránh sa vào chú trọng mệnh giá tiền, cách lì xì này khiến nhiều người đồng tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thay vì mừng tuổi con trẻ bằng tiền mặt, giờ đây nhiều người lớn đã nghĩ ra các cách mừng tuổi khác sáng tạo hơn như tặng sách hoặc đồ dùng học tập.

Mừng tuổi, hay thường gọi là lì xì là nét văn hóa của người Việt. Lì xì bằng tiền, như một cách đem may mắn đến với người nhận, cũng là sự thể hiện tấm lòng của người lì xì. Nhưng lì xì như thế nào để không bị biến tướng và sa vào quá chú trọng tờ tiền có mệnh giá lớn, giữ được sự hồn nhiên cho trẻ nhỏ mới là điều quan trọng.

Nhiều người vì suy nghĩ phải mừng tiền mệnh giá cao cho đỡ ngại, nên khoản tiền này, tưởng nhỏ, nhưng lại trở thành gánh nặng tài chính rất lớn. Có trường hợp trẻ em bóc bao lì xì ngay trước mặt khách, rồi so sánh người này, người kia cho ít cho nhiều. Không hiếm người đã bị trẻ con làm cho bẽ mặt trong ngày Tết. Về lâu dài, điều này tạo ra một lối sống thực dụng cho trẻ từ nhỏ.

Để giữ được phong tục truyền thống, các gia đình nên giáo dục cho trẻ biết tiền mừng tuổi đó là lộc, dù ít hay nhiều cũng phải biết nói lời cảm ơn và thể hiện sự vui mừng, vì người ta đã mang cái lộc may mắn đến cho mình.

Các bậc cha mẹ cũng cần giải thích rõ cho con hiểu về ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì đầu năm, dạy con cách nhận mừng tuổi có văn hóa: Không xé bao lì xì trước mặt khách, biết thưa gửi, cảm ơn khi nhận tiền lì xì, không bình luận về mệnh giá của tờ tiền, biết tích tiểu thành đại, dùng số tiền này một cách có ý nghĩa như để mua sách vở, đồ dùng học tập hay để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn...

Để tránh tình trạng nhận lì xì là chú trọng vào mệnh giá tiền, nhiều người đã nghĩ ra cách lì xì độc đáo như tặng sách phù hợp cho lứa tuổi trẻ em hay đồ dùng học tập.

Chị Tuyết Anh (giáo viên mầm non tại Hà Nội) chia sẻ, trước Tết chị mua sẵn rất nhiều bút hay đồ dùng học tập để có thể lì xì cho học sinh hay con cháu trong họ hàng mà không cần phải lo nghĩ về mệnh giá tiền hoặc không lo trẻ em sa vào chú trọng tiền bạc.

Từng chia sẻ phong trào này trên trang facebook cá nhân, hoa hậu Ngọc Hân cho biết: "Những cuốn sách cha mẹ chọn để mừng tuổi cho con theo năm tháng sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp, thú vị, ý nghĩa nhất vì đã đặt rất nhiều tâm tư, tình cảm vào đấy”.

Tục mừng tuổi ở một số nước châu Á

Ở Trung Quốc, phong bao lì xì được gọi là “Hongbao”. Đúng như tên gọi, người dân sẽ dùng những chiếc phong bì màu đỏ để đựng tiền. Người dân Trung Quốc không bao giờ đặt số tiền có mệnh giá liên quan tới số 4, vì con số này được coi là không may mắn. Họ còn có thói quen mang theo bao lì xì trong suốt 16 ngày đầu năm mới. Người Trung Quốc không bao giờ nhận lì xì bằng một tay, cũng không mở nó ra ngay trước mặt người tặng, mà thường để dưới gối khoảng 1 tuần mới mở ra.

Ở Nhật Bản, tục mừng tuổi gọi là “Otoshidama”. Không giống người Trung Quốc, người Nhật Bản thường dùng bao lì xì màu trắng có in hoa văn hoặc những hình trang trí ngộ nghĩnh.

Còn người Hàn Quốc gọi tục mừng tuổi là Sabae với ý nghĩa cầu may mắn, bình an, tài lộc cho người được nhận mừng tuổi. Tuy nhiên, thay vì dùng phong bao màu đỏ, người dân lại ưa chuộng màu trắng. Trên những phong bao này có ghi cả tên của người được nhận.

Người Malaysia thì lại dùng bao mừng tuổi màu xanh lá cây vì nó gắn liền với tín ngưỡng đạo Hồi.

Vậy nên, hãy trân trọng những phong bao mừng tuổi dù nó có mệnh giá gì đi nữa vì đó là tấm lòng, là những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới.

Việt Nam Xã hội

Tránh sa vào chú trọng mệnh giá tiền, cách lì xì này khiến nhiều người đồng tình