Từ sát thủ assassin tới khủng bố Hồi giáo: vì sao mâu thuẫn phương Tây và Hồi giáo leo thang?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 7/1/2015, cả nước Pháp rúng động bởi một vụ xả súng kinh hoàng khiến 12 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương. Có 5 họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Pháp là Charb, Cabu, Tignous, Wolinski, Honoré, cùng nhà phân tích kinh tế Bernard Maris, đều là nạn nhân trong vụ tấn công này. Đây là sự kiện có thương vong lớn nhất tại Pháp kể từ vụ đánh bom chuyến tàu Strasbourg - Paris ngày 18/6/1961 khiến 28 người thiệt mạng.

Vụ tấn công trụ sở của tòa soạn Charlie Hebdo tại Paris là tấn thảm kịch, là câu chuyện xung đột chưa có hồi kết giữa phương Tây và Hồi giáo. Thủ phạm của vụ này là hai công dân Pháp gốc Algerie theo Hồi giáo tên là Saïd Kouachi và Chérif Kouachi. Còn lý do của cuộc tấn công ư? Vì Charlie Hebdo là một tạp chí châm biếm, tờ báo này chủ trương rằng không ai có thể thoát khỏi sự châm biếm, kể cả các chính trị gia, đảng phái, tôn giáo. Và đến khi họ đăng tải tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammad thì thảm kịch xảy ra.

undefined
Người dân đặt hoa tại cạnh trụ sở tòa báo. (Wikipedia/ DangTungDuong/ SA-3.0)

Phương Tây và ngoại giới nói chung vẫn gọi đây là một vụ khủng bố. Nhưng nó bắt nguồn từ một truyền thống rất xa xưa của những chi nhánh Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông, đó là assasin hay ám sát.

Lai lịch của tổ chức assassin ở Trung Đông

Những kẻ ám sát xuất hiện từ rất sớm trong mọi nền văn hóa. Có thể điểm lại những vụ ám sát nổi tiếng như Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ 3 TCN; Ở Hy Lạp cổ, vua cha Philip II của Alexander đại đế bị ám sát vào thế kỷ 4 TCN; Nhà độc tài Julius Caesar của La Mã bị Brustus hành thích vào năm 44 TCN v.v. Nhưng từ “assassin” tức sát thủ trong tiếng Anh lại có nguồn gốc từ thế giới A Rập, nơi có những tổ chức đầu tiên đào tạo những kẻ ám sát chuyên nghiệp. Từ “assassin” này có xuất phát từ “hashshashin” trong tiếng A Rập, nó đề cập đến một nhóm Nizari Ismailis được gọi là Hội sát thủ. Nguồn gốc của nó thế nào?

Khi Nhà tiên tri Muhammad qua đời, những lãnh tụ kế nghiệp Muhammad tự xưng là Caliph, nghĩa là đại diện của Muhammad cai trị caliphate - một nhà nước Thần quyền theo Hồi giáo. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Caliph là chỉ huy quân đội, đồng thời cũng là lãnh đạo tinh thần (hay là “imam”), tất nhiên không ai có thể ở vị trí ngôn sứ như Muhammad.

Trong 4 Caliph đầu tiên này, có tới 2 vị bị ám sát bởi những tín đồ sùng đạo nổi loạn, những kẻ cho rằng họ là đao phủ thực hiện ý muốn của Thượng đế. Họ viện dẫn 2 câu nói theo họ là của Đấng Tiên tri: ”Không được phục tùng kẻ gây tội ác”, ”Không được phục tùng kẻ chống lại Đấng Tạo hóa”. Nếu nhà cai trị ra lệnh trái với luật của Thượng đế thì không cần phải tuân phục nữa.

Sự chia rẽ về quyền thừa kế Nhà tiên tri Muhammad đã dẫn đến sự chia rẽ trong cộng đồng Hồi giáo ban đầu thành hai chi phái đối địch nhau là Sunni và Shia, trong đó Shia cho rằng chỉ có hậu duệ của nhà tiên tri mới có thể trở thành Caliph, còn số đông Sunni thì tin rằng Caliph được chọn dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Theo dòng lịch sử, Shia lại tiếp tục phân nhánh, cũng lại vì tranh cãi về quyền thừa kế di sản tinh thần của Nhà tiên tri. Và từ đó có chi nhánh Shia là Nizari Ismailis ở vùng núi phía Bắc Iran, nam biển Caspi, có cách hiểu riêng về giáo lý, về người thừa kế cũng như có luật lệ riêng. Vì đi theo phương thức ám sát, nhà sáng lập tổ chức là Hasan-i Sabbah đã tạo ra các sát thủ, tức các assassin.

Ở Châu Âu, từ “assassin” này xuất hiện đầu tiên trong các sử biên niên thời Thập tự chinh, là tên của một giáo phái Hồi giáo xa lạ ở miền Cận đông (Levant), chịu sự lãnh đạo của một nhân vật kỳ bí là Sơn Trung Lão nhân, là nhóm có những hành vi đáng ghê tởm đối với các tín hữu tốt của đạo Cơ đốc và ngay cả đối với tín đồ Hồi giáo. Nhóm này đã hạ sát vô số vương hầu, tướng lĩnh Hồi giáo và cả các Thập tự quân Châu Âu, ghê gớm đến mức độ được đặc biệt khuyến cáo trong những chiếu chỉ của Hoàng đế La Mã thần thánh là Frederick Barbarossa, và trong sách vở của các chức sắc Cơ Đốc giáo.

Sơn Trung Lão Nhân và tổ chức sát thủ của ông ta nổi tiếng đến mức được đưa vào tiểu thuyết kiếm hiệp của văn hào Kim Dung ở mãi tít bên Trung Hoa xa xôi. Trong “Ỷ Thiên Đồ Long ký”, Kim Dung để cho nhân vật Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn kể về lai lịch của Sơn Trung Lão Nhân như thế này:

“Ngờ đâu Hoắc Sơn nuôi hùng tâm, không cam chịu ở dưới người khác, âm mưu nổi loạn. Việc làm thất bại, y liền lên núi kết bè đảng, trở thành thủ lĩnh một phái uy chấn thiên hạ, chuyên giết người, lấy tên là phái Y Tư Mỹ Lương. Thời Thập tự quân, ở Tây Vực hễ nhắc tới cái tên ‘Sơn trung lão nhân’ Hoắc Sơn, ai ai cũng kinh sợ. Thời ấy, quân vương các nước ở Tây Vực bị giết bởi thủ hạ của ‘Sơn trung lão nhân’ không biết bao nhiêu mà kể”.

Hàn phu nhân nói rằng ở phía cực tây ngoài đại dương có một nước lớn, tên là Anh Cách Lan. Quốc vương nước này tên là Ái Đức Hoa đắc tội với “Sơn trung lão nhân”, bị hắn sai người đến hành thích. Quốc vương bị trúng lưỡi dao có bôi thuốc độc; may được hoàng hậu xả thân cứu chồng, hút chất độc ở vết thương ra, nhờ vậy quốc vương thoát chết…”

Hoắc Sơn chính là Hasan-i Sabbah hay là Sơn Trung Lão Nhân vậy.

Sự phát triển từ Hội sát thủ thành các tổ chức khủng bố hiện đại

Các thành viên của phái Ám sát hoạt động mạnh ở Iran, sau đó ở Syria từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 13. Các nỗ lực ám sát của họ không phải dành cho ngoại giới, như các Thập tự quân, mà trước hết chính là để chống lại các nhà lãnh đạo Hồi giáo khác, những người mà theo họ là bọn soán ngôi vô đạo. Họ tự gọi mình là fidayeen, từ tiếng A Rập fida’i – tức là người sẵn sàng hy sinh cuộc sống cho sự nghiệp.

Sau khi phái ám sát bị tiêu diệt vào thế kỷ 13, cái tên này không còn được sử dụng. Đến giữa thế kỷ 19, nó mới được sử dụng lại bởi các tay mưu phản người Thổ khi định ám sát vua Sultan của Thổ. Rồi nó tái xuất tại Iran, do nhóm gọi là Fida'i Yan – i Islam, tức là “fida’i của Islam”, là 1 nhóm khủng bố tôn giáo chính trị tại Tehran, đã tiến hành một số vụ mưu sát chính trị từ năm 1943 đến 1955. Từ những năm 1960 trở đi, từ này được phái chủ chiến PLO (tức là Tổ chức Giải phóng Palestine) dùng để chỉ những thành viên thực hiện hành động khủng bố trong tổ chức này. Đến nay, Al Qaeda, Hamas, Hezbollah, IS… chính là những cái tên khủng bố nổi bật nhất.

Bin Laden and Al-Zawahiri photographed in 2001
Hai lãnh đạo của Al Qaeda Osama bin Laden (trái) và Ayman al-Zawahiri (phải) chụp năm 2001. (Wikipedia/Hamid Mir/SA-3.0)

Sự khác biệt giữa sát thủ thời cổ và khủng bố hiện đại

Tuy vậy, các assassin thời cổ và khủng bố thời nay có mấy điểm khác nhau căn bản:

Thứ nhất, đối tượng của sát thủ assassin luôn là một cá nhân, thường là lãnh đạo cao cấp về chính trị, quân sự, tôn giáo, được các assassin xác định như là nguồn gốc của cái ác.

Thứ hai, họ chỉ dùng dao găm làm vũ khí, không thèm dùng thuốc độc, nỏ và những vũ khí có thể gây sát thương từ xa.

Thứ ba, họ không mong muốn được sống sót sau khi thực hiện nhiệm vụ, vì phần thưởng dành cho họ là ở trên Thiên đàng Hồi giáo, không phải dưới mặt đất. Tuy vậy, họ chết trong tay kẻ thù, chứ không bao giờ tự sát.

Đối với khủng bố hiện đại, mục tiêu rất nhiều khi không phải nhắm vào cá nhân, mà lại là cộng đồng thường dân không liên can. Và sau khi thực hiện tấn công khủng bố họ cũng ẩn núp trong đám đông dân chúng. Thời đại thông tin lại càng giúp những tên khủng bố này đạt được mục tiêu của mình, tức là gây ra một sự sợ hãi lan rộng, từ đó mà răn đe, tuyên bố ý chí và đạt được mục đích chính trị. Chẳng hạn một số vụ khủng bố mà PLO đã thực hiện vào thế kỷ 20 như là vụ mưu sát các vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich; vụ chiếm đóng tòa Đại sứ Saudi Arabia tại Khartoum và giết tại đây 2 nhà ngoại giao Mỹ và Bỉ; vụ cướp tàu du lịch Achille Lauro của Ý vào năm 1985 và đã giết chết một hành khách tàn tật v.v.

Và kể cả khi nhắm vào mục tiêu cụ thể, họ cũng không động lòng với những người vô tội vì đó mà chết oan. Chẳng hạn như vụ đánh bom 2 tòa đại sứ Mỹ tại Đông Phi của nhóm khủng bố Al Qaeda do Bin Laden cầm đầu vào năm 1998. Để giết 12 nhà ngoại giao Mỹ, thì 200 người Phi, đa số là tín đồ Hồi giáo tình cờ có mặt gần đó, cũng chết theo. Đỉnh cao của sự coi rẻ mạng người của nhóm này là cuộc khủng bố bằng máy bay vào ngày 11/9/2001 tại New York và Washington.

Khói bốc ra từ tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới sau khi bị 2 máy bay không tặc đâm trúng trong một vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở thành phố New York. (Robert Giroux / Getty Images)
Khói bốc ra từ tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới sau khi bị 2 máy bay không tặc đâm trúng trong một vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở thành phố New York. (Robert Giroux / Getty Images)

Vũ khí được họ sử dụng không phải là dao găm, mà cực kỳ phong phú. Ta thấy rằng không chỉ súng đạn bom mìn, mà máy bay thương mại cũng có thể dùng làm vũ khí.

Và khác với những sát thủ trước kia dù không e ngại cái chết nhưng không bao giờ tự sát, nhiều tên khủng bố hiện đại còn chủ động chết cùng với nạn nhân của mình, gọi là khủng bố liều chết. Các tổ chức khủng bố như Hamas và Hezbollah đã thực hiện theo cách thức như thế trong suốt thập niên 1980, 1990 tại Lebanon và Israel, tạo ra tiếng vang đến các vùng khác như tại đông Thổ Nhĩ Kỳ, Ai cập, Ấn độ, và Sri Lanka.

Vậy thì sự khác biệt căn bản giữa sát thủ chấp nhận cái chết trong tay kẻ thù và những tên khủng bố liều chết tự giết chính mình là gì?

Giáo lý Hồi giáo đã nói rất rõ về việc tự sát, rằng tự sát là một trọng tội, và sẽ bị trừng phạt đời đời dưới hỏa ngục, ai tự sát kiểu gì thì sẽ bị trừng phạt kiểu đó. Đấng tiên tri có nói đại ý rằng:

“Kẻ nào tự giết mình bằng dao sẽ phải chịu hành hình bằng lưỡi dao đó trong lửa hỏa ngục;

Kẻ nào treo cổ tự sát sẽ phải chịu treo cổ dưới địa ngục;

Kẻ nào tự đâm mình sẽ phải tự đâm mình dưới địa ngục;

Kẻ nào nhảy xuống núi để tự tử sẽ phải nhảy vào hỏa ngục đời đời;

Kẻ nào uống thuốc độc tự sát sẽ phải tự mình mang theo thuốc độc để uống trong địa ngục đời đời;

Kẻ nào tự sát bằng cách nào thì sẽ bị hành hạ bằng cách đó ở dưới địa ngục. Kẻ nào tự tử bằng cách nào trên đời này sẽ bị hành hạ bằng cách đó trong ngày sống lại”.

Có một truyền thuyết xa xưa về hình thức gọi là hadith quasi, tức là lời của chính Thượng đế do Nhà tiên tri trích dẫn, có thể là một ví dụ điển hình. Nhà tiên tri Muhammad có mặt khi một người tự kết liễu đời mình vì quá đau đớn do bị thương rất nặng khi tham gia thánh chiến. Do vậy Thượng đế phán ”kẻ tôi tớ của ta đã qua mặt ta khi tự tay lấy đi linh hồn của hắn; vì thế hắn sẽ không được lên thiên đàng”. Cũng theo một truyền thuyết xa xưa khác, Nhà tiên tri đã từ chối đọc kinh cầu nguyện trước thân xác của một người bị giết bởi chính bàn tay của anh ta.

Ngoài ra, những tàn sát thường dân vô tội rõ ràng là đi trái ngược với cả những giáo lý Hồi giáo. Ví như, sự giết chóc nhẫn tâm hàng nghìn người ở Trung tâm thương mại thế giới (WTC) bao gồm nhiều người không phải là người Mỹ, trong số đó có nhiều tín đồ đạo Hồi đến từ các quốc gia Hồi giáo… là không có cơ sở để viện dẫn giáo lý Hồi giáo, và cũng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Kinh Qur’an nêu rõ, không được phép giết người, trường hợp đặc biệt được phép giết người mà không bị trọng tội là:

1) Trong khi kháng cự hoặc chiến đấu chống lại những kẻ lùng giết người đạo mình nhằm cưỡng bách bỏ đạo. Nhưng nếu chiến thắng, phải noi gương thiên sứ Muhammad, tha thứ và đối xử nhân đạo với phần đông kẻ bại trận.

2) Giết những tên sát nhân để trừ hại cho dân lành.

Như vậy, đâu có gì giống như những tên khủng bố đã làm.

Vậy khi người ta xúc phạm nhà tiên tri Muhammad thì sao? Chúng ta quay trở lại với vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo tại Paris ngày 7/1/2015.

Vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo: Ai là kẻ cực đoan?

Xét trong nội bộ thế giới Hồi giáo thì tội xúc phạm đến Nhà tiên tri của một người dân không theo đạo Hồi, sống tại một nước Hồi giáo, cũng cần đến một quy trình trong đó bị cáo sẽ bị mang ra xét xử, và trong xét xử thì không chỉ có tội chết, vì luật Hồi giáo là 1 hệ thống luật và tư pháp. Đồng thời, bị cáo còn có cơ hội được bào chữa. Quyền tuyên án tùy thuộc vào thẩm phán của phiên tòa, căn cứ vào luật Hồi giáo.

Còn nếu hành quyết mà không qua xét xử, thì cũng là một sự mưu sát, và mưu sát cũng là một tội.

Nếu như sự xúc phạm tiên tri Muhammad đến từ một người dân không theo Đạo Hồi, sống tại một đất nước xa xôi không theo Hồi giáo thì nó phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, chẳng hạn có thể tham khảo Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền (UDHR) năm 1948 và Khoản 3 Điều 19, Điều 20 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR) trong đó nêu rõ: “1. Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm; 2. Mọi chủ trương gây thù ghét dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm”.

Việc tự ý hành động tấn công giết người của hai anh em Saïd Kouachi và Chérif Kouachi tại tòa soạn báo Charlie Hebdo là một cách diễn giải lệch lạc những giáo lý và luật Hồi giáo, rõ ràng là một sự cực đoan thuộc về một thiểu số phần tử Hồi giáo cực đoan. Đa số người Hồi giáo không ủng hộ lối phản ứng này.

Nhưng tòa soạn Charlie Hebdo cũng không hề vô can.

Cần hiểu rằng, đối với người Hồi giáo dù ở bất cứ chi phái nào, thì Nhà tiên tri Muhammad là một biểu tượng thiêng liêng không thể bị xúc phạm, vì nó tương đương với xúc phạm đến toàn thể thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, Charlie Hebdo đã thường xuyên xuất bản các biếm họa về Nhà tiên tri này, còn quá quắt hơn nữa là trong đó có ít nhất một lần mô tả tiên tri Mohammad khỏa thân và đang cúi rạp người.

Những mẩu truyện tranh và trang bìa biếm họa của tạp chí đã hứng nhiều chỉ trích, thậm chí có lần cựu Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã chất vấn tòa soạn: "Đổ dầu vào lửa như vậy là sự thể hiện thông minh, nhạy cảm ư?". Nhưng Charlie Hebdo luôn kiên trì giải thích công việc của họ chỉ là thử thách những điều bị coi là cấm kỵ, khẳng định quyền tự kiểm duyệt, hướng tới đỉnh cao tự do ngôn luận và đảm bảo không châm biếm suông.

Người ta có thể chọn tin theo một tôn giáo như Hồi giáo hay là không, và họ có thể bày tỏ chính kiến của họ bằng ngôn từ lịch sự, đúng mực, chứ không lựa chọn phương pháp châm biếm như Charlie Hebdo, nhất là châm biếm nhân vật được tôn kính nhất trong thế giới Hồi giáo chỉ sau Đức Allah của họ.

Có những người phương Tây cho rằng, ở đây chúng tôi có thể thoải mái đùa cợt về đạo Cơ Đốc hay chúa Jesus… đó là vì Cơ Đốc giáo nói riêng và tôn giáo nói chung đối với nhiều người phương Tây đã trở nên hết sức phai nhạt, càng phai nhạt với một tờ báo cánh tả, vô Thần như Charlie Hebdo. Nhưng nếu dùng tâm thái đó để đối đãi với ngoại giới, liệu đó có phải là hài hước hay là thông minh?

Laurent Léger, một phóng viên của Charlie Hebdo may mắn sống sót sau vụ thảm sát đã từng phát biểu với CNN vào năm 2012 rằng: "Mục đích là để cười ... Chúng tôi cười vào những kẻ cực đoan, bất kể người Hồi giáo, Do thái hay Công giáo…Ai cũng có thể là người mộ đạo, nhưng chúng tôi không chấp nhận được những suy nghĩ và hành vi cực đoan".

Nhưng anh ta và tòa soạn của mình cũng chính là cực đoan.

Cực đoan chính là đi quá giới hạn cho phép, là không còn đúng mực, là để cảm xúc yêu ghét lấn át lý trí. Rõ ràng, khi hai lực lượng cực đoan va chạm nhau, thì những thảm kịch như vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo năm 2015 là khó tránh khỏi.

Vậy mà sau tấn thảm kịch, ngày 14/1/2015, tờ Charlie Hebdo tiếp tục phát hành 3 triệu bản, với trang đầu mang bức biếm họa, mà người ta cho là nguyên nhân của vụ trả thù. Ngày 1/9/2020, tờ Charlie Hebdo thông báo sẽ tiếp tục xuất bản những hình ảnh biếm họa gây nhiều tranh cãi về nhà tiên tri Mohammad.

Giả sử như đây là thái độ của đa số người trong thế giới phương Tây, thì có thể đoán rằng tương lai hòa giải giữa hai thế giới phương Tây - Hồi giáo vẫn hết sức mịt mù. Do vậy, vụ việc này dù không mới nhưng tiêu biểu, với tính thời sự vẫn còn nóng hổi và có thể rút ra nhiều kết luận đáng suy ngẫm.

Bên cạnh ám sát, khủng bố, các lực lượng Hồi giáo cực đoan còn có một phương thức bạo lực nữa để đấu tranh. Đó là gì? Chúng tôi xin được hẹn đến kỳ sau.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Từ sát thủ assassin tới khủng bố Hồi giáo: vì sao mâu thuẫn phương Tây và Hồi giáo leo thang?