Chu Công sáng tác nhạc, dùng âm nhạc điều chỉnh thân tâm 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoài việc chế định lễ, Chu Công còn chế tác nhạc. Thời cổ, từ thiên tử, chư hầu cho đến kẻ sĩ đều biết thưởng thức âm nhạc, vào những thời điểm quan trọng như quốc quân mời chư hầu yến tiệc… đều cho tấu nhạc.

Tại ngôi mộ của Tăng Hầu Ất, người ta đã khai quật được một dàn chuông (biên chung), và chúng đã trở thành văn vật quan trọng để nghiên cứu âm nhạc trước thời nhà Tần.

Thời cổ người ta còn học lục nghệ (Lễ, Nhạc, Xạ (bắn cung), số học, đánh xe, thư pháp), hai mục trong đó là Lễ và Nhạc. Còn có câu ‘Sĩ vô cố bất triệt cầm sắt’ (Kẻ sĩ không có lý do thì không cất đàn cầm, đàn sắt đi).

Tại sao cổ nhân lại coi trọng âm nhạc đến vậy? Nhạc có ảnh hưởng quan trọng đến thế nào đối với con người?

Chúng ta thấy chữ Dược 「藥」và chữ Nhạc「樂」rất giống nhau, tại sao vậy?

Phải chăng, điều đó ngầm bảo rằng âm nhạc cũng là một loại dược liệu, có tác dụng chữa bệnh rất tốt đối với con người? Nếu đúng đó là một loại dược liệu, thì nó điều tiết thân tâm như thế nào?

Người ta có nhân tâm, có cả đạo tâm. “Lễ ký” nói:

‘Người ta sinh ra đã tĩnh lặng, đó là bản tính thiên bẩm. Người ta bị vật cuốn hút nên mới động, đó là dục vọng trong nhân tính. Đến khi các sự vật xảy đến thì dùng trí não để nhận biết, sau đó sự yêu, ghét mới hình thành. Nếu không tự mình tiết chế tốt, yêu ghét từ trong tâm, thì khi sự vật xảy đến bị dẫn động và cảm nhận ra bên ngoài. Người ta không thể quay về bản tính thiên bẩm thì Thiên lý sẽ bị mất đi. Sự cuốn hút của vật đối với con người là vô cùng, nhưng nếu sự yêu ghét của con người không tiết chế, thì khi sự vật xảy đến, nó sẽ dẫn động con người. Người bị vật dẫn động là người đánh mất Thiên lý, để đạt đến tận cùng của dục vọng, rồi sinh tâm phản nghịch giả dối, làm chuyện dâm dật cuồng loạn. Nên mới có chuyện kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, cậy đông bắt nạt thế cô, kẻ khôn lừa người dại, kẻ dũng dọa kẻ nhát, người bệnh tật không được nuôi dưỡng, già trẻ cô đơn không nơi nương náu, đây là con đường dẫn đến đại loạn.’

Ý tứ là, bản tính người ta là thích an tĩnh, nhưng con người lại bị ngoại vật dẫn động mà nội tâm sinh ra dao động, khi bị trầm mê trong ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, nếu nội tâm không được tiết chế, người ta sẽ bị chìm đắm trong mê hoặc của sự vật mà không thể tự thoát ra. Khi đó, cái tâm thanh tịnh vốn có của con người đã bị vùi chôn, người đó sẽ bị dục vọng khống chế.

Làm thế nào để bảo trì nội tâm thanh tịnh? Cổ nhân cho rằng, việc giữ vững tâm thái là rất quan trọng, nhưng do có nhân tâm nên mới có các loại thất tình lục dục. Thất tình bao gồm: hỉ, nộ, ai, lạc, khủng, ố, dục (vui, giận, buồn thương, vui sướng, sợ hãi, căm ghét, ham muốn).

Văn hóa truyền thống cho rằng, bất kể loại tình cảm nào thái quá đều gây tổn hại: ‘Vui quá tổn thương tim, nóng giận hại gan, suy nghĩ lắm gây tổn thương lá lách, dạ dày, đau buồn hại phổi, sợ hãi hại thận’.

Chúng ta vẫn thường nói về người nào đó cao hứng quá là sướng phát điên lên, ấy là do khi tâm mất cân bằng, tinh thần hoảng hốt, cử chỉ dị thường.

Ví dụ như trường hợp Phạm Tiến thi đỗ, ông cả đời thi cử lận đận khốn cùng, bị lắm kẻ mỉa mai chê trách, mãi đến năm 54 tuổi mới đỗ tú tài, lúc ấy vui quá ‘hỉ thương tâm’ (vui quá hại tim) mà phát điên, cuối cùng người ta phải đánh cho vài đấm mới hồi tỉnh tinh thần. Bởi vì tâm lý sợ hãi sẽ ức chế được vui mừng, làm như vậy thì tâm lý mới quay về bình thường được.

‘Tư thương tỳ, bi thương phế’ (suy nghĩ quá tổn thương tỳ vị, quá bi ai làm phổi tổn thương). Lâm muội muội trong tác phẩm “Hồng lâu mộng”, luôn cảm thấy người mà mình gửi gắm tâm tình không đáng tin cậy, suy nghĩ vẩn vơ, ngày ngày khóc lóc, dẫn đến chán ăn, tỳ phế thương tổn.

Trong “Trung Dung” nói: ‘Hỉ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi trung. Phát nhi giai trung tiết, vị chi hòa. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt giả dã. Chí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.’

Nghĩa là: Các loại tình cảm hỉ nộ ai lạc (mừng, giận, buồn, vui) khi chưa bộc phát ra thì ở trạng thái được gọi là Trung; nếu phát ra ngoài nhưng vẫn được tiết chế có mức độ thì gọi là Hòa. Nếu người ta có thể đạt tới cảnh giới Trung Hòa, thì Đất Trời sẽ an bình yên ổn, vạn vật cũng theo đó mà sinh trưởng thuận hòa.

Bá Ấp Khảo giảng Đạo âm nhạc. (Tranh: Leo-BM/ NTDVN)

Vậy âm nhạc điều chỉnh thân tâm như thế nào, cổ nhân nói ngũ âm đối xứng với ngũ hành, ngũ hành đối xứng với ngũ tạng, tức là Cung, Thương , Giốc, Chủy, Vũ đối ứng với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, đối ứng với Tim, Gan, Tỳ, Phế, Thận. Thông qua âm nhạc mà điều tiết thân tâm, làm người ta đạt tới cảnh giới bình hòa trung chính.

Trương Anh từng làm tể tướng, con trai ông là Trương Đình Ngọc từng phò tá hoàng đế ba triều, từ Khang Hy, Ung Chính cho đến Càn Long. Trí tuệ xử thế của gia tộc họ Trương được viết trong cuốn “Thông huấn tề ngữ”, có đoạn: “Đại để cầm dĩ cổ đạm vi tông, phi tại duyệt nhĩ.”

Nghĩa là: người xưa gảy đàn là lấy sự cổ phác mộc mạc làm ý cảnh, chủ yếu để gột rửa thân tâm thanh tịnh, chứ không phải là để nghe cho vui tai.

Nhã Lan - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chu Công sáng tác nhạc, dùng âm nhạc điều chỉnh thân tâm