Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cô gái trẻ nhập viện trong tình trạng mụn mủ toàn thân, ý thức kém, men gan tăng, rối loạn đông máu... do mắc thủy đậu nặng.

Vừa qua, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nữ 17 tuổi, đến từ Bắc Giang diễn tiến nặng sau khi mắc thủy đậu.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mụn phỏng nước nổi dầy đặc toàn thân, sốt 40-41 độ C, đau nhiều vùng thắt lưng, không đi lại được, mê sảng, kích thích... Các xét nghiệm cho thấy rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan.

Trước nhập viện 5 ngày, người bệnh xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực, có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu. Người nhà mua thuốc nam về sắc cho uống, nhưng không đỡ nên đưa vào cơ sở y tế gần nhà điều trị. Tại đây, bệnh nhân được cho uống Dexamethasone (một thuốc corticosteroid tác dụng chống viêm mạnh) dạng tiêm. Sau đó, bệnh thủy đậu đột ngột tiến triển nặng lên.

Các bác sĩ chẩn đoán cô bị thủy đậu mức độ nặng có bội nhiễm - liệt ruột cơ năng, nguy cơ tử vong cao.

Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng thuốc kháng virus thủy đậu (Acyclovir) dạng truyền tĩnh mạch, các thuốc kháng sinh, điều chỉnh các rối loạn đông máu - chảy máu, hỗ trợ về hô hấp, dinh dưỡng.

Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân cũng dần ổn định, sốt giảm, ý thức tỉnh táo, ăn được, bụng đỡ chướng, các xét nghiệm đông máu dần cải thiện.

Bệnh thủy đậu có thể gây biến chứng nặng, nhất là ở các bệnh nhân thuộc nhóm cơ địa đặc biệt

Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã phục hồi tốt, mụn nước thủy đậu cũng thoái triển dần, các cơ quan phục hồi và bệnh nhân được cho xuất viện về nhà.

Bệnh thuỷ đậu có nguy hiểm không?

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster, thuộc họ Herpesviridae, gây nên. Các biểu hiện gồm sốt, nhức mỏi, chán ăn, đau đầu, đau cơ, kèm với nổi ban đỏ phỏng nước ở da và niêm mạc (miệng, mắt, tiết niệu...).

Bệnh lây trực tiếp từ người sang người thông qua các giọt bắn đường hô hấp (nước bọt, dịch tiết mũi); hoặc tiếp xúc với dịch phỏng nước thủy đậu, gián tiếp qua cầm nắm các vật dụng dính chất tiết phỏng nước.

Bệnh thường diễn tiến lành tính, song trẻ nhũ nhi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, các thuốc chứa corticosteroid làm tăng nguy cơ diễn biến nặng.

Khi có biểu hiện mắc bệnh, mọi người cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp. Đa số trường hợp thủy đậu có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thuộc nhóm cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch) hoặc có biến chứng thủy đậu, cần nhập viện để được theo dõi sát và điều trị tích cực.

Bệnh thủy đậu lây qua đường nào?

Bệnh thủy đậu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Tức, người khỏe mạnh sẽ nhiễm virus gây bệnh qua tiếp xúc với các giọt bắn có chứa virus gây bệnh trong không khí được phát ra từ người bệnh khi ho, hắt hơi hay nói chuyện. Bên cạnh đó, trẻ có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc với vết ban hay gián tiếp qua các vật dụng cá nhân, quần áo, ga trải giường có dính chất dịch ban ngứa.

Nguy cơ bị thủy đậu sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh lên đến 90% đối với người chưa từng bị thủy đậu. Khi mắc bệnh, virus thủy đậu có thể bắt đầu lây truyền từ người này từ 1 – 2 ngày trước khi nổi mụn nước và kéo dài cho đến khi các nốt thủy đậu đóng vảy, rụng đi.

Các biến chứng của bệnh thủy đậu

Thủy đậu có thể hồi phục sau khi phát bệnh. Tuy nhiên nếu không tích cực điều trị trong thời gian bệnh khởi phát thì thủy đậu cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh, cụ thể như sau:

Làm lở loét, nhiễm trùng các vết mụn nước sau khi chúng bị vỡ. Thường biến chứng này sẽ xuất hiện ở trẻ nhỏ vì trẻ không kiểm soát được việc dùng tay để gãi các nốt mụn.

Viêm phổi: thường gặp ở người lớn trong khoảng thời gian 3 - 5 ngày sau khi bệnh khởi phát. Triệu chứng là khó thở, ho nhiều, ho ra máu và tức ngực.

Viêm não, viêm màng não: tình trạng này phát sinh khoảng sau 1 tuần mụn nước xuất hiện, có thể gặp phải ở cả trẻ em lẫn người lớn. Biểu hiện đó là sốt cao, rối loạn tri giác, hôn mê, rung giật nhãn cầu. Nếu không được phát hiện và xử trí, biến chứng này có thể dẫn đến tử vong.

Viêm thận và cầu thận cấp: bệnh nhân đái ra máu, dần dần là suy thận.

Viêm thanh quản, viêm tai giữa: nếu các nốt mụn thủy đậu xuất hiện tại những khu vực này thì sẽ gây lở loét, sưng tấy, nhiễm trùng và ảnh hưởng tới chức năng tai giữa, thanh quản.

Nếu phụ nữ mang thai mắc thủy đậu: lây nhiễm virus sang thai nhi, gây lưu thai, sảy thai, dị tật bẩm sinh,...

Vậy, để phòng tránh thuỷ đậu, không nên dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc thuỷ đậu, không chạm hay tiếp xúc trực tiếp với các mụn nước thủy đậu.

Khi bị thủy đậu, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, nhất là các thuốc có chứa thành phần corticosteroid, làm tăng nguy cơ diễn biến nặng.

Khi có các triệu chứng bệnh thủy đậu, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.

Đa số trường hợp thủy đậu có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thuộc nhóm cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch) hoặc có biến chứng thủy đậu, thì cần được nhập viện để theo dõi sát và điều trị tích cực.

BS TRẦN VĂN BẮC - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương


Cô gái 17 tuổi bị thủy đậu biến chứng nặng, suýt tử vong do điều trị sai cách