Đội quân thần bí của Gia Cát Lượng: 3 nghìn quân đại phá 6 vạn quân, kết cục cực kỳ bi tráng

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Theo tư liệu ghi chép, cánh quân Vô đương Phi quân này thân mặc giáp sắt, đem theo cung nỏ và tên độc. Họ có thân hình to lớn rắn chắc, có thể băng đèo vượt núi, giỏi chiến đấu nơi hoang dã.

Thời loạn thế Tam Quốc, các lộ chư hầu tranh đoạt Trung Nguyên, đều dựa vào sức mạnh quân đội. Về sức chiến đấu của quân đội mà nói, thì Rào Ngụy cao hơn Thục Hán rõ rệt. Thế nên thời Tam Quốc, Tào Tháo dường như áp đảo Lưu Bị. Sau trận chiến Xích Bích, thế cục chân vạc Tam Quốc hình thành. Thục Hán giành được quá nửa Kinh Châu, lại có Ích Châu làm căn cứ địa. Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng bình định Nam Trung, đồng thời đưa những người Nam Man tính tình cương trực tổ chức thành một cánh quân chính quy. Đây chính là đội quân Vô đương Phi quân (đội kỵ binh vô địch) đại triển thân thủ khi Gia Cát Lượng Bắc phạt sau này. Trong các chính sử như Tam Quốc Chí, ghi chép về Vô đương Phi quân rất hữu hạn, do đó cánh quân quân này lại càng thêm thần bí.

Theo tư liệu ghi chép, cánh quân Vô đương Phi quân này thân mặc giáp sắt, đem theo cung nỏ và tên độc. Họ có thân hình to lớn rắn chắc, có thể băng đèo vượt núi, giỏi chiến đấu nơi hoang dã. Còn đội quân Hổ báo kỵ của Tào Tháo tinh thông tập kích đường trường, đột phá chính diện. Đội quân Vô đương Phi quân của Gia Cát Lượng thì tinh thông tác chiến phòng thủ, kiên cố như thép đúc.

Trong cuộc chiến Di Lăng, Lưu Bị tuy bị đánh bại nhưng đội quân người Nam Man vẫn khiến danh tướng Tôn Ngô là Cam Ninh tử trận sa trường, điều này khiến Gia Cát Lượng ý thức được sự chênh lệch giữa quân đội người Nam Man và quân đội người Hán. Cùng với việc kết thúc chiến sự ở Nam Trung, hậu phương lớn của Thục Hán được thống nhất, Gia Cát Lượng lựa chọn từ đội quân người Nam Man này một bộ phận chiến sĩ xuất sắc làm một cánh quân mạnh của nước Thục.

Được sự ủng hộ của một số phú hào đất Thục, vấn đề kinh tế của các chiến sĩ dân tộc thiểu số được giải quyết, họ đồng ý trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Để phòng chống một số địa phương ở vùng đất phương Nam tạo phản, Gia Cát Lượng đã chuyển một vạn hộ người Thanh Khương đến lãnh thổ Thục Hán. Trong số những người này, số người thích hợp làm binh sĩ được chia làm 5 bộ phận, trở thành đội quân đặc biệt Vô đương Phi quân.

Họ không phải làm nông khi hòa bình, nên đã giảm nhẹ gánh nặng cho họ. Ngoài ra, khu vực phương Nam đã giảm bớt vài vạn người không chịu sự kiểm soát, nên những thế lực muốn tạo phản cũng không có chỗ để chiêu binh.

Gia Cát Lượng cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. (Ảnh NTDVN tổng hợp)
Hộ tống Gia Cát Lượng rút lui chính là đội quân Vô đương Phi quân do Vương Bình thống lĩnh.

Đội quân Vô đương Phi quân lần đầu xuất hiện là lần Gia Cát Lượng Bắc phạt lần thứ nhất. Khi đó, Gia Cát Lượng đích thân dẫn đại quân tấn công Kỳ Sơn, Nam An, Thiên Thủy của Lũng Hữu, và an định 3 quận phản lại Ngụy về với Thục, khiến vùng Quan Trung chấn động. Trong tình thế rất tốt đó, Mã Tốc để mất Nhai Đình, khiến Gia Cát Lượng bị buộc phải rút lui toàn tuyến. Hộ tống Gia Cát Lượng rút lui chính là đội quân Vô đương Phi quân do Vương Bình thống lĩnh.

Một lần, Vương Bình thống lĩnh 3000 quân Vô đương Phi quân thì gặp 6 vạn quân của Trương Cáp, nhưng cuối cùng Vô đương Phi quân đã đánh bại đại quân của Trương Cáp, đã lập nên chiến tích kinh động. Đội quân này ở trong núi rừng thì quả thực là bậc vương giả, trong những lần Bắc phạt đã nhiều lần lập được kỳ công, đã bảo vệ an ninh của nước Thục ở một mức độ nhất định.

Năm 234, Gia Cát Lượng “Xuất quân chưa thắng thân đã chết”, ông bị bệnh chết ở gò Ngũ Trượng. Từ đó trở đi, đội quân Vô đương Phi quân im tiếng một thời gian. Năm 254, Vô đương Phi quân tham gia lần Bắc phạt thứ 7 do Khương Duy dẫn đầu. Tháng 6 năm đó, Khương Duy nhân lúc Tào Ngụy nội loạn, dẫn quân Bắc phạt, phá Hà Quan (tây bắc Lâm Hạ Cam Túc ngày nay), Lâm Thao (huyện Dân, Cam Túc ngày nay), sau đó rút lui. Nhưng Vô đương Phi quân vì ít không địch nổi nhiều, cuối cùng cả cánh quân đã bị tiêu diệt, viên chỉ huy Trương Nghi cũng tử trận sa trường. Vô đương Phi quân đã trình diễn một màn bi tráng nhất từ khi ra đời, danh tiếng còn lưu thiên cổ.

Trung Hòa
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Đội quân thần bí của Gia Cát Lượng: 3 nghìn quân đại phá 6 vạn quân, kết cục cực kỳ bi tráng