Hiếu nghĩa cảm động vạn vật, lòng trung hóa giải án oan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông là người hiếu nghĩa, cảm động Đất Trời, đến cả nơi khô cằn hạn hán cũng trào lên suối mát. Làm quan trung liệt, kiên trinh hành nghĩa bảo vệ Đường Duệ Tông, lòng trung thành của ông làm Võ Tắc Thiên cảm động, kịp thời ra tay hóa giải án oan.

An Kim Tàng là nhân sĩ thời Đường, quê gốc ở Kinh Bắc Trường An, là người hiếu nghĩa trung hậu. Ông vô cùng hiếu thuận, mẹ ông mất vào năm đầu Thần Long, ông an táng mẹ ở ngoại ô phía Bắc, dựng lều cỏ bên mộ mẹ thủ hiếu, tự thân vác đá xây mộ, dựng tháp liên tục ngày đêm. Nơi này nguyên rất khô hạn, nhờ đức hiếu hạnh của ông cảm động, bên lều cỏ đột nhiên trào lên dòng suối mát, cây mận trổ hoa giữa Đông hàn, hươu nai cũng tới nơi này đùa nghịch.

Khi đó, quan công sứ vùng ấy là Lư Hoài Thận (từng làm qua Giám sát ngự sử, Lại bộ Viên ngoại lang, Hữu ngự sử đài trung thừa, Tể tướng) nghe được chuyện hiếu hạnh của An Kim Tàng cảm động Trời Đất, liền báo cáo triều đình, ban cho cờ hiệu để biểu dương hiếu hạnh. Vào những năm Cảnh Vân, An Kim Tàng nhiều lần được thăng chức, trở thành Hữu vũ vệ Trung lang tướng. Sau khi Huyền Tông lên ngôi, truy ân An Kim Tàng trung tiết, hạ chiếu ban công tích, phong chức Hữu kiêu vệ Tướng quân, đồng thời lệnh cho sử quan nghi công tích của ông vào trong sử sách.

Hươu nai cũng tới đây vui đùa. (Pixabay)

Thời Đường Duệ Tông, An Kim Tàng là Thái thường Nhạc công (nhạc công phụ trách phần lễ nghi của tông miếu), nghĩa hạnh trung thành hộ chủ của ông được ghi vào lịch sử, sự việc phát sinh vào thời Võ Tắc Thiên nắm quyền triều chính.

Khi đó, Hoàng đế Duệ Tông Lý Đán bị giáng xuống làm hoàng tự (con cháu của hoàng tộc), ban họ Võ, chuyển sang ở Đông cung, tất cả lễ nghi đều chiểu theo quy cách của phẩm cấp Hoàng thái tử, tức là bị giáng xuống hàng cháu. Từ đó, Lý Đán trở thành chư vương của Võ tộc, và cũng là mục tiêu bị công kích tàn khốc, bước vào một quãng đời gian nan.

Một lần, Thiếu phủ giám Bùi Phỉ Cung cùng Nội thị Phạm Vân Tiên do gặp riêng Lý Đán bị Võ Tắc Thiên biết, khép tội chém ngang lưng. Võ Tắc Thiên còn tước bỏ quyền tiếp kiến công khanh bách quan của Lý Đán. Từ đó trở đi, từ hàng công khanh trở xuống, không ai được gặp Hoàng tự Lý Đán, duy có An Kim Tàng cùng người hầu Đông cung được lưu lại.

Sau này, Võ Thừa Tự (con trai của người anh cùng cha khác mẹ với Võ Tắc Thiên) vọng tưởng muốn đoạt vị trí Thái tử. Lý Đán bị sàm ngôn vu cáo phản loạn. Võ Hậu lệnh cho quan Ngự sử Lai Tuấn Thần tới điều tra sự thật. Tuấn Thần rất tàn độc, thường bắt bớ, tra tấn, ép cung tạo án đối với những người hầu cận của Hoàng tộc. Chịu khốc hình tra tấn, Lý Đán thân tâm suy sụp, không chịu nổi, định nhận bừa tội trạng, trong đó duy nhất có An Kim Tàng kiên định với sự thật, không có một lời sàm tấu vu oan Lý Đán. Ông lớn tiếng nói với Lai Tuấn Thần: ‘Đại nhân nếu không tin lời An Kim Tàng, xin mổ bụng tôi ra xem, để cho rõ Hoàng tự không có ý đồ phản trắc.’

Dứt lời, rút dao sắc bên mình tự mổ bụng, gan ruột xổ ra, máu tuôn ướt đất, lúc sau kiệt sức ngã xuống.

Võ Tắc Thiên biết tin, cho người mang kiệu khênh ông vào cung chữa trị, xếp đặt lại lục phủ ngũ tạng vào ổ bụng, dùng sợi vỏ cây dâu tằm khâu lại vết thương rồi đắp thuốc. Qua một đêm, kỳ tích đã sảy ra, An Kim Tàng sống lại. Võ Tắc Thiên tới trước mặt ông thốt lên: ‘Con trai ta không tự biết mình, không so được với lòng trung thành của khanh.’

Liền lệnh Lai Tuấn Thần dừng điều tra, con cháu hoàng tộc cũng nhờ đó mà thoát nạn. Các sĩ đại phu trong triều khi ấy đều tôn sùng lòng trung nghĩa của An Kim Tàng, tự nhận không thể so bì với ông.

Năm Khai Nguyên thứ 20 Đường Huyền Tông, An Kim Tàng được đặc cách ban chức Đại Quốc Công, đồng thời được khắc tên lên bia đá trên núi Thái Sơn và Hoa Sơn. An Kim Tàng sống thọ hưởng phú quý cùng triều đình Duệ Tông. Năm Đại Lịch được truy tặng Binh bộ Thượng thư, thụy hiệu là ‘Trung’ . Con trai ông là An Thừa Ân nhờ phúc ấm của cha làm Trưởng sứ Lư Châu. Năm Trung Hòa, được cất nhắc lên một chức vụ quan trọng, chức Thái tử hữu dụ đức.

Chú thích: Thái tử hữu dụ đức: Năm Long Sóc thứ ba Đường Cao Tông (năm 663), bắt đầu đặt chức vị Thái tử hữu dụ đức, chức vụ tương đương với Thường Thị.

Nguồn tư liệu: “Cựu Đường thư”, “Tân Đường thư”

Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hiếu nghĩa cảm động vạn vật, lòng trung hóa giải án oan