Huyền Trang tây du ký (1): Chứng kiến Thần tích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lúc du học ở Thiên Trúc, Pháp sư Huyền Trang đã đến thăm những Thánh tích khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Ngài nhìn thấy thấy những thần tích như tháp Phật tỏa sáng, xá lợi răng Phật....  đồng thời ghi chép tỉ mỉ về các truyền thuyết, danh thắng ở các nước, học tập giáo lý Phật Pháp cùng những bậc cao tăng.

Sau khi bình định quần hùng, thống nhất thiên hạ, Hoàng đế Đường Thái Tông đã bắt đầu công cuộc mở mang bờ cõi. Nhiều đất nước phương xa đã được ghi tên vào bản đồ Đại Đường. Sự anh minh sáng suốt của Hoàng đế Đại Đường truyền khắp bốn phương, được mệnh danh là vĩ nhân của thế giới. Dân chúng khắp nơi ngưỡng mộ thánh đức của Hoàng đế mà hướng về Trung Thổ. Đế quốc Đại Đường ảnh hưởng đến Tây Vực, Triều Tiên và Việt Nam, uy danh truyền rộng khắp thiên hạ. Không chỉ các nước ở châu Á, ngay cả những nước ở châu Âu và châu Phi cũng biết đến Đại Đường.

Hoàng đế Đường Thái Tông được xưng là "Kim Luân Thánh Vương", dùng văn đức để giáo hóa thiên hạ, cùng với các thần dân tạo nên thời kỳ Thiên triều thịnh thế. Trong những năm Trinh Quán, trăm sông đổ về biển lớn. Triều đình Đại Đường luôn giữ thái độ cởi mở, khoan dung và hỗ trợ với các loại tôn giáo và các loại tu luyện của cả phương Đông và phương Tây. Nhiều tăng nhân của nước Thổ Phồn vào Đại Đường phiên dịch kinh Phật, ngược lại cao tăng Huyền Trang của nhà Đường lại tây du đến Thiên Trúc, chứng kiến nhiều Thần tích của Phật Thích Ca Mâu Ni, đồng thời mang uy danh của Đại Đường truyền đến Thiên Trúc. (Đại đường Tây du ký)

"Đại đường Tây du ký" (Ảnh thuộc miền công cộng - Wikipedia)

Pháp sư Huyền Trang vốn có họ Trần, tên là Vĩ, là người vùng Yển Sư, Lạc Châu (nay là huyện Yển Sư, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Ngài sinh ra vào năm Khai Hoàng thứ 16 thời nhà Tùy (năm 596), xuất gia vào những năm cuối triều nhà Tùy. Do ngài tinh thông Kinh Tạng, Luật Tạng, Luận Tạng nên được người đời gọi là "Đường Tam Tạng".

Ngài Huyền Trang thường nghĩ đến những Thần tích xuất hiện khi Đức Phật còn tại thế. Ngài luôn mong có một ngày sẽ có thể tự mình đến Tây Vực, chiêm ngưỡng vườn Lộc Uyển. Đồng thời, do tinh thông Kinh, Luật và Luận nên ngài phát hiện rằng, nhiều chỗ trong kinh Phật có sai sót khi phiên dịch. Để hiểu rõ nguyên ý và phân biệt đúng sai, ngài Huyền Trang đã quyết tâm đi về hướng tây để đọc được bản gốc của Kinh Phật, từ đó có thể dịch ra bản kinh Phật hoàn chỉnh hơn. (Cựu Đường Thư - liệt truyện thứ 141)

Vào năm Trinh Quán thứ ba (năm 629), khi đế quốc Đại Đường đang phát triển cực thịnh, ngài Huyền Trang cầm tích trượng trong tay, bắt đầu hành trình đi về phía tây. Ngài đã trải qua vô vàn nguy hiểm, khó khăn để đến được Thiên Trúc. Sau đó ngài ở lại Ấn Độ và Tây Tạng trong khoảng 17 năm, đi qua hơn 100 nước. Trên đường đi đã được vua các nước Cao Xương, Khuất Chi, A Kỳ Ni, Phạm Diễn Na, Già Tất Thí, Giới Nhật v.v.. tôn kính và tiếp đón rất long trọng (nước Phạm Diễn Na ở khu vực Bamyan ở cực tây của Afghanistan ngày nay) (nước Già Tất Thí: gần lưu vực sông Kabul ở phía tây Afghanistan ngày nay).

Trong lúc du học ở Thiên Trúc, Pháp sư Huyền Trang đã đến thăm những Thánh tích khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Ngài nhìn thấy thấy những thần tích như tháp Phật tỏa sáng, xá lợi răng Phật.... đồng thời ghi chép tỉ mỉ về các truyền thuyết, danh thắng ở các nước, học tập giáo lý Phật Pháp cùng những bậc cao tăng.

Sau khi được tiếp thu Phật Pháp rộng lớn mênh mông, xóa bỏ được những hoài nghi trong lòng, ngài Huyền Trang mang theo 657 bộ kinh Phật về đến kinh thành Trường An vào tháng giêng năm Trinh Quán thứ 19, sau đó tiến hành dịch kinh Phật theo sắc lệnh của Hoàng đế Đường Thái Tông.

Sau khi chiêm bái Thánh tích ở nước A Du Đà, ngài Huyền Trang đi đến nước A Da Mục Khứ. Ngài Huyền Trang và hơn 80 người cùng ngồi thuyền đi về phía đông sông Hằng. Không ngờ giữa đường, thuyền gặp phải bọn cướp. Trong lễ tế vào mùa thu hằng năm, những tên cướp này sẽ chọn một người có vẻ ngoài đoan chính để tế Trời. Bọn cướp đi quanh thuyền một vòng, thấy Pháp sư Huyền Trang có tướng mạo anh tuấn, nên bắt ngài đến tế đàn, chuẩn bị hỏa thiêu. Ngài Huyền Trang thấy rằng không thể thoát được, nên nói với bọn cướp đợi một chút. Khi ấy, ngài tĩnh tâm tâm niệm Phật hiệu của Phật Di Lặc, mong rằng kiếp sau có thể giáo hóa những tên cướp này, giúp họ không làm việc ác nữa.

Đột nhiên lúc ấy nổi lên một trận gió lớn, cát bụi bay đầy trời, làm gãy đổ cây cối hai bên bờ sông. Trận gió mạnh đến nỗi làm lật thuyền của bọn cướp. Mọi người trên thuyền nói với bọn cướp rằng: "Vị Pháp sư này đã không màng nguy hiểm, đường xá xa xôi đến đây để tìm cầu Phật Pháp, tương lai sẽ dùng Phật Pháp để tạo phúc cho nước khác. Nếu các người giết người tu hành, sẽ là tội ác lớn nhất, thà rằng các người giết chúng ta, cũng chớ giết ngài ấy".

Những tên cướp này đã cảm động trước phong thái của Pháp sư Huyền Trang. Cuối cùng tất cả đều từ bỏ ác tâm muốn giết người đế tế Trời, lần lượt ném đao xuống sông Hằng, quỳ xuống sám hối với ngài Huyền Trang. Khi người dân Tây Tạng nghe được câu chuyện này, nhiều người kinh ngạc thốt lên rằng, nếu như Pháp sư Huyền Trang không có tâm muốn tìm cầu Phật Pháp, làm sao có thể làm cảm động trời đất. ("Tục cao tăng truyện" Trang 34-35)

Khi ngài Huyền Trang đến nước Phạm Diễn Na, ở phía đông bắc của kinh thành có một bức tượng Phật bằng đá, được trang trí bằng vàng bạc châu báu, tỏa ra ánh sáng vàng kim, vô cùng rực rỡ. Ở đây có phong tục tôn sùng Phật Pháp rất đặc biệt. Mỗi lần nhà vua mở đại hội “Vô già”, sẽ lấy toàn bộ tài sản trong quốc khố để bố thí, sau đó nhà vua còn lấy những đồ dùng trên người mình để bố thí. Các quan và quần thần sẽ chuộc lấy những đồ dùng này để dâng lại cho nhà vua. Phong tục này là một sự kiện lớn ở nước Phạm Diễn Na

Ở nước Ca Tất Thí có ngôi chùa Viện có tượng Đại Thần Vương ở cổng phía đông. Chân phải tượng Đại Thần Vương có một hang chứa vàng bạc châu báu. Trên đó có khắc chữ rằng: "Khi chùa hư hỏng, hãy lấy vàng bạc châu báu này để tu sửa". Có một nhà vua tham lam hung bạo, nghe nói ở đây có giấu một lượng lớn vàng bạc châu báu, thế nên đã dùng vũ lực để đuổi các tăng nhân đi. Khi nhà vua chuẩn bị đào kho báu, tượng chim anh vũ trên đầu tượng Thần Vương vẫy cánh, kêu lớn dẫn đến động đất. Nhà vua và binh sĩ thấy thế thì hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn. Có người té ngã trên mặt đất, có người tê liệt đến mức không thể cử động được. Rất lâu sau đó, những người này mới có thể đứng dậy được. Họ lần lượt nhận tội sám hối rồi quay về.

Ngài Huyền Trang còn đến nước Ô Trượng Na ở Thiên Trúc (nay là khu vực thượng du sông Swat ở Pakistan), nơi xảy câu chuyện về vị Tiên Nhẫn Nhục. Trong những kiếp trước, có một đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng là vị Tiên Nhẫn Nhục. Vua Kiệt Lợi hung bạo kiêu căng đã sinh lòng ghen ghét, vì các cung nữ đã rời khỏi nhà vua, đến nghe Phật Pháp, nên vua đã cắt tay chân của vị Tiên Nhẫn Nhục. Thế nhưng sau đó cơ thể của vị Tiên này đã hồi phục lại nguyên vẹn. Hành động hung ác của vua Kiệt Lợi đã khiến Trời cao phẫn nộ. Lúc đó cát bụi nổi lên đầy trời, trời mưa như trút nước. Nhà vua thấy vậy thì hoảng sợ, cuối cùng tỉnh ngộ quy y Phật Pháp.

Còn có dòng suối Rồng A Ba La La, nơi từng có một con ác long thường tạo thành gió lốc mưa bão, phá hoại mùa màng. Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến đây, vì thương xót dân chúng nước này phải chịu khổ nạn, nên đã dùng chày Kim Cang đánh vào vách núi. Con ác long kia vô cùng hoảng sợ, sau đó đã quy y, nghe Phật giảng Pháp. Có một tảng đá rất lớn ở phía tây nam của con suối này. Trên tảng đá vẫn còn vết tích bàn chân của Phật Như Lai. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni hàng phục ác long đã để lại dấu chân trên tảng đá này. Dân chúng ở đây thường thắp hương cúng dường ở đây. Hạ du của suối Rồng A Ba La La có một phiến đá Tẩy Y (giặt quần áo) do Phật Thích Ca Mâu Ni lưu lại. Đến tận ngày nay, các đường văn áo cà sa trên phiến đá này vẫn còn rất rõ ràng, giống như được khắc vào.

File:Trụ đá Ashoka (Pillar of Ashoka).jpg
Trụ đá vua A Dục (Ashoka)ở vườn Lộc Uyển (Wikipedia-Ptolemy Thiên Phúc/SA 4.0)

Ngài Huyền Trang đến nước Đán Xoa Thủy La (Ngày nay là khu vực Rawalpinn ở phía tây Islamabad, Pakistan) để chiêm bái bảo tháp do vua A Dục xây dựng. Ngày xưa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng để lại dấu tích ở đây. Tương lai khi Đức Phật Di Lặc xuất hiện, sẽ có bốn bảo tàng lớn. Nơi này là một trong những nơi sẽ xuất hiện bảo tàng. Tại đây thường có động đất, tuy nhiên nơi có dấu tích của Phật Đà để lại chưa từng bị ảnh hưởng. Nhiều người nghe nói ở đây có bảo tàng, kéo nhau đến khai quật đào mới, thế nhưng khi đó mặt đất chấn động khiến họ không thể đứng vững.

Sau khi từ bỏ bạo lực và quy y Phật Pháp, vua A Dục đã cho xây dựng bảo tháp ở đây. Mỗi khi đến thời gian trai giới, nơi này thường phát ra ánh sáng, có thể thấy Thiên Thần bay lượn, rải hoa tấu nhạc. Tại đây, mọi người có thể nhìn thấy điềm lành, không ngừng khen ngợi sự huyền diệu của Phật quốc.

Một người phụ nữ nọ có vết loét ác tính lâu ngày, bị người nhà ruồng bỏ. Bà một mình đi đến bảo tháp, lạy tượng của Phật Đà, chợt tỉnh ngộ rằng trong đời mình đã làm nhiều việc không tốt. Bà nhìn thấy chỗ ô uế trong sân, liền tự mình dọn dẹp sạch sẽ, đến chỗ gần đó hái hoa tươi, dâng mùi hoa thơm cho tượng Phật Đà, rồi lại hái hoa sen xanh phủ kín mặt đất. Chư Thần nhìn thấy tâm lòng lương thiện lễ Phật của người phụ nữ, liền giúp bà trừ bỏ vết thương, khiến dung mạo của bà trở nên càng xinh đẹp. Cơ thể từng hôi tanh không chịu nổi, sau khi dùng hoa dâng Phật đã tràn ngập hương thơm, giống như mùi thơm của hoa sen xanh.

Đây cũng là nơi Thái tử của vua A Dục bị móc hai mắt. Vị Thái tử tên là Câu Lãng Nã do Hoàng hậu sinh ra. Thái tử Câu Lãng Nã có ngoại hình khôi ngô, tính tình vô cùng nhân từ. Sau khi Hoàng hậu qua đời, người vợ kế của vua A Dục xa hoa dâm đãng, đem lời dèm pha để mê hoặc vua A Dục, uy hiếp Thái tử. Thái tử không dám làm trái lời, mỗi lần bị người mẹ kế gây khó dễ, Thái tử luôn nhẫn nhịn nhận tội. Vua A Dục bị những lời gièm pha mê hoặc, sai Thái tử đến trấn giữ vùng đất khác, không cho trở về cung. Khi người vợ kế muốn trừ khử Thái tử, liền ra lệnh cho giả truyền chiếu chỉ, dùng bùn tím để niêm phong, đợi lúc vua A Dục ngủ say liền dùng dấu răng của vua để làm dấu. Chiếu chỉ này nói rằng Thái tử có tội bất kính, lệnh cho Thái tử phải móc hai mắt, sau đó bỏ vào nơi rừng hoang núi sâu, để Thái tử hoàn toàn cắt đứt quan hệ với hoàng gia.

Khi nhìn thấy dấu răng trên bùn tím, thái tử tin rằng đó là mệnh lệnh của vua cha, nên đã lập tức móc mắt. Sứ giả truyền tin thấy Thái tử vô cùng thê thảm, thương xót, để cho thái tử một con đường sống, không đưa Thái tử vào nơi rừng sâu hoang dã. Thái tử bị mù hai mắt, đành ăn xin để sống qua ngày, phải trải qua những ngày tháng khó khăn, cuối cùng đến được của vua cha. Vợ của thái tử vẫn luôn đồng hành bên cạnh. Sau khi hai người đến được kinh thành, vợ của thái tử than thở rằng: "Ngày xưa là Thái tử, hôm nay đã là kẻ ăn xin. Chúng ta ở tại kinh thành của phụ vương, nếu có cơ hội nhất định phải làm rõ nỗi oan của Thái tử".

Thế là hai người bàn bạc, đợi đến đêm khuya vắng vẻ, hai người đi vào chuồng ngựa của hoàng cung, khóc lóc thảm thiết, nhờ tiếng gió đưa vào, hoà với tiếng sáo bi ai than thở, hy vọng vua cha có thể hồi tâm chuyển ý. Thật kỳ lạ khi, đêm đó vua A Dục trằn trọc khó ngủ, ra khỏi phòng đi lên lầu cao một mình, nghe được tiếng ca đau thương và oán giận như vậy, rất giống giọng của Thái tử. Thế nên vua A Dục là hỏi người trông coi chuồng ngựa là ai đang hát? Người trông chuồng ngựa dẫn người mù kia lên lầu cao.

Khi vua A Dục nhìn thấy Thái tử đã mù hai mắt, quần áo tả tời, dáng vẻ tiều tụy, kinh hoàng hỏi rằng ai đã hại Thái tử đến mức này. Vì sao đứa con của mình, Thái tử của đất nước, lại gặp tai họa như thế này? Thái tử nghe được giọng nói của vua cha, cũng cảm thấy vô cùng bi thương, quỳ xuống đáp rằng: "Là do con không có đạo đức, hành động trái với Trời cao. Nên nhận được chiếu thư của cha, lệnh cho con phải móc hai mắt. Con không dám làm trái, không dám trốn tránh hình phạt".

Đến lúc này vua A Dục mới biết người vợ kế đã lén dùng dấu răng của mình để hãm hại Thái tử, nên đã dùng cực hình trừng phạt người vợ kế. Khi ấy, trong kinh thành có một vị Đại La Hán có đức hạnh rất cao. Vị La Hán này nói với mọi người rằng, khi đến nghe Pháp phải chuẩn bị đồ để đựng nước mắt. Sau khi giảng Pháp xong, vị La Hán nói: "Nếu những Phật lý mà tôi giảng không đi ngược với ý của Phật Đà, cũng không có sai sót, nguyện nước mắt của chúng sinh có thể tẩy rửa mắt mù, khiến mắt sáng và thấy lại như cũ". Mọi người cung kính nghe giảng Phật Pháp, những giọt nước vui mừng trào ra, chữa khỏi đôi mắt của Thái tử.

Cũng giống như những Thần tích của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, rất nhiều truyền thuyết của các nước Tây Tạng đều được ghi chép trong "Đại Đường Tây Du Ký". Pháp sư Huyền Trang đã tự mình đến những nơi Phật Thích Ca Mâu Ni từng đi qua, chiêm bái những Thánh tích được Phật Đà để lại hay cả những công trình Phật giáo do vua A Dục xây dựng đều được ghi chép kỹ càng tỉ mỉ để truyền lại cho đời sau.

(Còn tiếp)

Hoàng Phủ Dung - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Huyền Trang tây du ký (1): Chứng kiến Thần tích