Jacques Louis David (2): Khắc họa Napoléon vĩnh hằng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuối cùng, sau khi trải qua nhiều đau thương, nước Pháp đã chào đón Napoléon vĩ đại. Người họa sĩ bậc thầy Jacques Louis David cũng chào đón thời kỳ huy hoàng nhất trong cuộc đời của mình.

Trận chiến Marengo - Kiệt tác chiến tranh nổi tiếng của Napoléon

Đến tận ngày nay, Napoléon vẫn được xem là nhà quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử chiến tranh phương Tây, thậm chí là của cả nhân loại. Trong suốt cuộc đời, Napoléon đã tham gia hơn 60 trận chiến lớn nhỏ, và chỉ thua 2 trận trong số những trận do ông đích thân chỉ huy. Hầu hết các trận chiến của Napoléon đều lấy ít thắng nhiều với nhiều chiến thuật hay. Từ khi xuất hiện, Napoléon luôn uy phong lẫm liệt, làm chấn động cả châu Âu.

Chúng tôi sẽ dùng tranh để giới thiệu cho các bạn hai trận chiến kinh điển của Napoléon. Trong đó, một trận là cuộc tấn công bất ngờ vào nước Ý sau khi vượt qua dãy Alps đã giúp Napoléon nổi tiếng và làm rúng động cả châu Âu - Trận Marengo (Bataille de Marengo).

Một trận chiến kinh điển khác là "Trận Austerlitz" (Battle of Austerlitz). Đây là trận chiến được mệnh danh là trận chiến hay nhất trong lịch sử chiến tranh phương Tây. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về hai trận chiến này.

Bức tranh "Napoléon vượt qua đèo Saint Bernard trên dãy Alps" của David. (Wikipedia - Ảnh thuộc miền công cộng)

Chắc hẳn bạn đã từng nhìn qua những bức tranh này, và nhất định sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi khí thế của nhân vật chính trong tranh.

Năm 1799, Napoléon phát động cuộc đảo chính ngày 18 tháng Sương mù, và chính thức lên nắm quyền trở thành Lãnh sự thứ nhất của Pháp. Khi mới vừa lên nắm quyền, Napoléon đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Khi đó, liên minh chống Pháp lần thứ hai do Áo đứng đầu đang tập trung quân đội hùng hậu tại biên giới phía nam của Pháp và Ý. Do hậu quả của cuộc Cách mạng Pháp, nền kinh tế Pháp rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Trong trận chiến với liên minh chống Pháp lần thứ nhất, Pháp thất bại thảm hại, khiến sức mạnh quân đội suy yếu, tinh thần của binh lính xuống thấp, không còn ý chí chiến đấu.

Lần này, đối phương tập trung gần 100.000 quân tại biên giới, quân đội Pháp hoàn toàn yếu thế. Sau khi nghiên cứu kỹ bản đồ, Napoléon đã vạch ra một chiến lược táo bạo. Ông quyết định sẽ đi đường tắt, vượt qua dãy Alps, bất ngờ xuất hiện trước mặt kẻ thù trong thời gian ngắn nhất, và đánh úp khiến quân địch không kịp trở tay. Đây là cách duy nhất để hóa giải nguy cơ.

Sau một hồi nghiên cứu, Napoléon quyết định vượt núi qua con đèo có tên là St. Bernard. Phía bên kia núi là nước Ý. Vì vậy, vào tháng 5 năm 1800, một nhóm binh sĩ nước Pháp xuất hiện ở đèo St. Bernard quanh năm tuyết phủ trên dãy Alps. Người dẫn đầu là một vị tướng trẻ gầy gò nhưng có đôi mắt kiên định, nhạy bén.

Gió trên đỉnh núi như lưỡi dao cắt vào mặt của binh lính. Những bông tuyết lớn rơi liên tục khiến bước chân tập tễnh của đoàn quân càng thêm khó khăn. Cứ như vậy, sau bảy ngày đêm di chuyển thần tốc, cuối cùng, cả đội quân của Napoléon đã nhìn thấy một mảng trời xanh, họ đã vượt được qua dãy Alps hùng vĩ.

Sau khi cuộc tập kích bất ngờ thành công, Napoléon đã lập tức hợp quân với quân Pháp đang bị bao vây nhiều ngày ở Genoa, và đánh vào nơi tập kết quân chủ lực của liên minh chống Pháp. Tại một thị trấn nhỏ tên là Marengo ở biên giới Ý, dưới sự chỉ huy của Napoléon, đội quân Pháp mạnh mẽ đã đánh bại quân liên minh đông hơn gấp nhiều lần. Hơn 100.000 quân liên minh ngơ ngác nhìn quân Pháp từ trên trời rơi xuống, và ngoan ngoãn trở thành tù binh. Lúc đó, cả châu Âu đều ghi nhớ cái tên: Napoléon Bonaparte.

Các bạn hãy nhớ cuộc tấn công bất ngờ này tên là: Trận chiến Marengo, một kiệt tác thành danh của Napoléon.

Và bức tranh của David hoàn toàn xứng đáng với trận chiến đặc sắc này.

Con ngựa trắng và các nhân vật trong tranh tạo thành bố cục hình chữ S, tạo ra cảm giác chuyển động mạnh mẽ, giúp tăng cường vẻ đẹp năng động của bức tranh. Vị thống soái trẻ tuổi có khuôn mặt tuấn tú, ánh mắt kiên định, uy phong lẫm liệt, ngồi ngay ngắn, hãnh diện trên lưng ngựa. Có khí chất:

Anh hùng tư cách ra vào ung dung
Quạt là khăn lụa thong dong
Phá tan giặc mạnh đương trong nói cười
Giặc kia khói diệt tro bay…

(Niệm nô kiều - Xích Bích hoài cổ của Tô Thức - bản dịch Phan Lang).

Napoléon chỉ tay về phía trước, trong tư thế chiến thắng. Các bạn hãy để ý rằng, người họa sĩ đã để chiếc áo choàng của Napoléon bay ngược về phía trước, một mặt vừa làm tăng thêm cảm giác cân bằng cho bức tranh, mặt khác có thể thể hiện rõ hơn sự tự tin của Napoléon: Những người lính của tôi sẽ chào đón ánh sáng bình minh chiến thắng khi vượt qua dãy núi Alps.

Các chiến sĩ trong bức tranh dũng mãnh tiến lên phía trước, lá cờ Pháp tung bay ở góc dưới bên phải tôn lên khí phách anh hùng của quân Pháp dưới sự chỉ huy của vị thiên tài quân sự.

Sau trận chiến này, Napoléon vang danh khắp châu Âu, giúp ông củng cố vị trí quyền lực của mình, và đặt nền móng cho việc lên ngôi hoàng đế sau này.

Bằng kỹ thuật điêu luyện và trình độ nghệ thuật sâu sắc, David đã trở thành họa sĩ cung đình của Napoléon. Cuộc đời của hai thiên tài có một không hai này đều đang hướng đến đỉnh cao.

Bức tranh "Lễ đăng quang của Napoléon" của David

Đến năm 1804, mặc dù Thần đã ban cho con người những pháp lý để trị vì đất nước, nhưng mọi thứ đều không thoát khỏi quy luật "thành, trụ, hoại, diệt", vương quyền cũng không thể tránh khỏi quá trình dần suy tàn. Khi ấy, Napoléon đã hy vọng có thể dùng sức mạnh của bản thân để chống lại ý Trời, vực dậy vương quyền đang suy yếu. Vì vậy, ông quyết định chính thức lên ngôi hoàng đế.

Lễ đăng quang long trọng được tổ chức tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Các vị vua Pháp ở các triều đại đều đăng quang tại Nhà thờ Reims Cathedral cách Paris 145 km. Truyền thống này bắt đầu từ Clovis, vị vua Pháp đầu tiên thuộc dòng họ Merovingian lên ngôi sau khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ vào năm 498, và kéo dài cho đến tận khi ấy. Tuy nhiên, Napoléon không muốn kế thừa truyền thống cũ, bởi vì ông cho rằng mình không chỉ là vị vua của vùng đất Pháp, mà sẽ kế thừa ngai vàng của Đế chế La Mã Thần Thánh, có nghĩa là các quốc gia châu Âu đều nằm dưới sự cai trị của ông. Vì vậy, Napoléon chọn Nhà thờ Đức Bà Paris.

Ở đây, người họa sĩ đã thể hiện một cách hoàn hảo, sinh động và gần như chính xác buổi lễ đăng quang long trọng. Bây giờ chúng ta hãy cùng xem bức tranh. Đây là tác phẩm lớn thứ hai trong Bảo tàng Louvre. Vậy tác phẩm phẩm lớn nhất là tác phẩm nào? Đó là một bức tranh khổng lồ của Veronese, bậc thầy của trường phái Venice thời kỳ Phục hưng: "Đám cưới tại Cana" (The Wedding at Cana). Toàn bộ bức tranh rộng khoảng 65 mét vuông. 65 mét vuông là gần bằng diện tích của một căn hộ hai phòng ngủ.

Bức tranh "Lễ đăng quang của Napoléon" của David (Wikipedia - Ảnh thuộc miền công cộng).

Bức tranh này chỉ nhỏ hơn bức tranh "Đám cưới tại Cana" một chút với kích thước khoảng 6,2 mét x 9,7 mét, khoảng 60 mét vuông! Đây cũng là một trong những bức tranh được yêu thích nhất tại Bảo tàng Louvre.

Có 150 nhân vật xuất hiện trong bức tranh. Từ đại sảnh của nhà thờ cho đến chi tiết nhỏ như lông tơ trên áo choàng, đồ trang sức trên đầu, tất cả đều được thể hiện một cách tinh tế và tỉ mỉ. Tôi sẽ không thể giải thích từng chi tiết một nên chúng ta chỉ nhắc đến một vài điểm chính.

Điểm chính đầu tiên. Lễ đăng quang của các vị vua châu Âu thường cần được Giáo hoàng Công giáo Rome chấp thuận. Nhà vua phải đích thân đến Vatican để được Giáo hoàng trao vương miện. Xét về tính chính danh, khi Napoléon lên ngôi cũng cần được Giáo hoàng trao vương miện, mới có thể có vị trí chính thống. Tuy nhiên, Napoléon không những không đến Vatican mà còn mời Giáo hoàng đến Paris.

Trong lễ đăng quang, khi Giáo hoàng Piô VII vừa chuẩn bị đứng dậy để đội vương miện cho hoàng đế, thì Napoléon đã giật lấy vương miện và tự đội lên đầu. Đây quả thực là một hành động khiến nhiều người kinh hãi. Nhưng hành động này nói lên rằng giang sơn của Napoléon là do chính tay ông giành lấy, không phải là kế thừa từ tổ tiên.

Sau cuộc Cải cách tôn giáo, uy quyền của Giáo hội Công giáo ngày càng suy giảm. Hơn nữa, trong nội bộ Giáo hội cũng trở nên tham lam, hủ bại, làm mất đi đức tin vào Thiên Chúa, gần như chỉ còn lại lớp da tôn giáo, không còn giữ được vai trò giáo hóa người dân và giúp Thiên Chúa truyền bá tín ngưỡng.

Vì vậy, khi Napoléon thực hiện hành động xem thường uy quyền tôn giáo gây sốc như thế, bạn có thể tưởng tượng xã hội châu Âu đã chấn động như thế nào.

Trong bản sáng tác đầu tiên của David, vị họa sĩ bậc thầy có ý định miêu tả lại một cách trung thực khung cảnh trong buổi lễ, nên bản phác thảo đầu tiên của David trông như thế này.

Tuy nhiên, sau đó David cho rằng bức tranh như vậy chắc chắn sẽ chọc giận những thế lực tôn giáo khổng lồ. Cuối cùng người họa sĩ đã nảy ra ý tưởng để vị hoàng đế đã đội vương miện quay sang trao vương miện cho Hoàng hậu Josephine.

Đây là một ý tưởng rất thông minh của David. Khoảnh khắc thể hiện trong tranh là một khoảnh khắc rất có ý nghĩa. Chiến vương miện tượng trưng cho quyền lực hoàng gia đã được đội trên đầu nhà vua. Lúc này, hình ảnh Napoléon giơ cao chiếc vương miện tinh xảo trong tay đã trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Thiết kế như vậy vừa có thể tránh làm mất lòng đông đảo tín đồ Thiên Chúa giáo, vừa phù hợp với ý nguyện của nhà vua.

Người ta kể rằng sau khi bức tranh hoàn thành, Napoléon đã đứng trước bức tranh một lúc lâu, sau đó nói với David rằng: “David, trẫm phải cảm ơn khanh”.

Đó đúng là một vinh dự. Có thể thấy vị hoàng đế đã rất hài lòng.

Điểm thứ hai, các bạn nghĩ xem, Napoléon không xem trọng Giáo hoàng, liệu Giáo hoàng có thể hài lòng không? Giáo hoàng phải lặn lội đường xa đến Paris, lại bị sỉ nhục như vậy, nên chắc chắn lúc đó vị Giáo hoàng sẽ có sắc mặt u ám và khó chịu trong lòng.

Bản thảo gốc của David đã tái hiện chân thực hình ảnh giáo hoàng cau có đang ngồi yên ở đó. Nhưng sau khi xem bản thảo gốc, Napoléon cau mày nói: "Trẫm khó khăn lắm mới mời được Giáo hoàng đến Paris, nên phải để Giáo hoàng có chút tác dụng!".

Napoléon muốn nói là trong lễ đăng quang của trẫm, có người nào lại không xúc động. Hơn nữa, người đó còn là Giáo hoàng, đại diện cho toàn thể Giáo hội Công giáo.

David vừa nghe liền hiểu ra, thế nên chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh vị Giáo hoàng đưa tay phải ra làm động tác chúc phúc như hiện nay.

Điểm thứ ba, David còn cho thêm một số hư cấu mang tính nghệ thuật trong khung cảnh ngày hôm ấy. Ví dụ như mẹ của Napoléon không có mặt trong buổi lễ, nhưng họa sĩ đã đặt bà vào một vị trí rất bắt mắt ở trung tâm bức tranh.

Hơn nữa, làm sao người nghệ sĩ bậc thầy này có thể không có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng như vậy. Thế nên David đã cố ý đưa mình vào trong tranh. Thực tế David cũng có mặt tại trong buổi lễ ngày hôm ấy. Các bạn hãy để ý, người ngồi hàng thứ hai trên tầng hai của lễ đăng quang đang cầm bút giấy ghi lại sự kiện hoành tráng này chính là vị họa sĩ vĩ đại của chúng ta.

Vị hoàng đế mới đăng quang sắp phải đối mặt với một thử thách chưa từng có. Sa hoàng Nga Alexander I và quốc vương của Áo Franz II - người tự xưng là Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần Thánh, đã lập tức hợp lực để phát động Chiến tranh liên minh chống Pháp lần thứ ba.

Năm 1805, trận chiến vẻ vang nhất trong sự nghiệp của Napoléon sắp diễn ra, được lịch sử gọi là “Trận Austerlitz”.

Trận Austerlitz - Chiến công hiển hách của Napoléon

Hầu hết những người đam mê quân sự luôn nhắc đến trận chiến kinh điển nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh phương Tây này. Tuy nhiên do thời gian có hạn nên tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết. Về cơ bản, vào thời điểm đó, Nga và Áo đã tập hợp một đội quân hùng hậu 150.000 quân, áp sát và có ý định đè bẹp vị Hoàng đế Napoléon mới lên ngôi. Napoléon chỉ huy một đội hình chưa đầy 80.000 quân nhanh chóng ra ứng chiến. Hai đội quân giằng có tại một ngôi làng nhỏ tên là Austerlitz ở Cộng hòa Séc ngày nay.

Ngày 2 tháng 12 năm 1805, là một buổi sáng mùa đông bình thường. Mây đen dày đặc che phủ bầu trời, tạo cảm giác u ám. Sau trận tuyết rơi nhẹ, Austerlitz chìm trong tĩnh lặng, không một tiếng động. Tuy nhiên, bầu không khí xung quanh như ngưng đọng, căng thẳng bao trùm, báo hiệu một trận chiến lớn sắp sửa xảy ra.

5 giờ sáng, quân Nga tấn công quân Pháp ở sườn nam, chính thức mở màn trận Austerlitz. Sương mù dày đặc khiến quân Nga dù đánh trước nhưng không mở rộng được cục diện. Với sự hợp lực của Quân đoàn số 4 và Quân đoàn số 3, dù có binh lực ít hơn nhưng quân Pháp vẫn kìm hãm được bước tiến của quân Nga.

Trên thực tế, từ khi tiếng súng vang lên tại Austerlitz, liên quân Nga-Áo đã nằm trong tầm kiểm soát của Napoléon. Mọi kế hoạch và sắp xếp của liên minh trước cuộc chiến đều không còn hiệu quả với tài thao lược của Napoléon.

Đến 8 giờ sáng, sau hơn hai giờ chiến đấu ở mặt trận phía nam, Napoléon đứng trên đỉnh đồi quan sát tình hình toàn bộ chiến trường. Từ những tiếng súng liên tục từ phía nam, và các tin tức tình báo truyền về, Napoléon nhận định rằng quân Nga đã hoàn toàn rơi vào vòng vây của mình. Vì vậy, lực lượng chủ lực của Quân đoàn số 4 ẩn mình dưới cao điểm Pratzen do quân Nga trấn giữ, được Napoléon ra lệnh tấn công toàn lực, ra sức chặn quân Áo từ mặt trận phía bắc đến chi viện.

Chẳng bao lâu, cao điểm Pratzen do quân Nga trấn giữ đã thất thủ, đường rút lui của quân Nga ở mặt trận phía nam bị cắt đứt. Napoléon ra lệnh cho quân Pháp ở mặt trận phía bắc bắt đầu phản công. Các lực lượng dự bị như đội cận vệ, kỵ binh, lực lượng chủ lực của Quân đoàn 1, cũng được điều động đến chiến trường ở mặt trận phía bắc.

Napoléon rất giỏi điều động cục diện chiến trường. Ông có thể sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để chia cắt quân chủ lực của địch, sau đó tập trung ưu thế về binh lực để tấn công trực diện vào đối phương.

Đến 11 giờ trưa hôm đó, tình hình trận chiến không còn quá căng thẳng. Với cái giá phải trả là hơn 1.000 người chết và 6.000 người bị thương, quân Pháp đã tiêu diệt hơn 16.000 quân đồng minh Nga và Áo, bắt sống hơn 20.000 người.

Bức tranh "Napoléon trong trận Austerlitz" của François Gérard, hiện ở Cung điện Versailles (Wikipedia - Ảnh thuộc miền công cộng)

Hôm ấy vừa tròn một năm sau khi Napoléon đăng quang trở thành hoàng đế của Đế quốc Pháp. Napoléon đã tạo nên chiến thắng rực rỡ chưa từng có ở Austerlitz. Trận chiến này đã buộc vua Áo Franz II phải từ bỏ tước hiệu Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần Thánh.

Trận chiến này cũng là trận chiến kinh điển mà Napoléon tự hào, cũng là thời khắc huy hoàng nhất trong cuộc đời ông.

Tuy nhiên, từ xưa đến nay, quy luật vẫn là cực thịnh rồi đến suy. Khoảng mười năm sau, Napoléon đã buồn bã ôm hận ở Waterloo.

Nhà thơ Pushkin đã viết trong trường ca "Napoléon" rằng:

"Hỡi người anh hùng với câu chuyện nhuốm máu,
Rất lâu sau trên Trái Đất vẫn còn vang vọng!
Yên giấc dưới bóng vinh quang
Với đại dương sạ mạc xung quanh
Một ngôi mộ bằng đá, trong sự huy hoàng!
Chiếc bình chứa đựng tro cốt phàm tục,
Khi hận thù giữa các dân tộc đã tắt,
Vẫn gửi lên cao một tia sáng bất tử.”

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Jacques Louis David (2): Khắc họa Napoléon vĩnh hằng