Kho báu dưới gốc cây mai cuối cùng vào nhà ai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàn Ông nhặt được một cuốn sổ trong đống giấy phế thải, trên đó viết rằng: "Nếu cần tiền, hãy đến dưới gốc cây mai”.

Những năm cuối thời nhà Thanh, tại huyện Hoa Đình (nay thuộc quận Tùng Giang, thành phố Thượng Hải) lưu truyền câu chuyện về "một kho báu dưới gốc cây mai". Nhân vật chính trong câu chuyện này là một người có xuất thân nghèo khó và thân phận thấp hèn tên là Hàn Ông. Các đời tổ tiên của Hàn gia đều rất nghèo khó. Đến đời của Hàn Ông, ông mở được một cửa tiệm nhỏ ở phía Tây cầu Tú Dã. Bởi vì chỉ làm ăn nhỏ, nên công việc này chỉ đủ để cả nhà ông sống qua ngày. Thế nhưng tâm tính của Hàn Ông lại rất tốt, đối với những vui buồn sướng khổ trong cuộc sống, ông đều không để trong tâm, một lòng hướng thiện, an nhiên tự tại.

Một năm nọ, khi chuẩn đón năm mới, trời đổ mưa tuyết lớn, Hàn Ông dọn xong hàng quán, chuẩn bị đi ngủ thì đột nhiên nghe thấy tiếng kêu liên tục của vòng treo cửa. Âm thanh này nghe giống như có người đang dựa vào cửa, sau đó ông lại nghe được một tiếng thở dài. Hàn Ông liền thắp đèn, mở cửa. Ông nhìn thấy trước cửa là một người đàn ông đang ngồi ôm túi, run cầm cập. Hàn Ông liền hỏi: "Xin hỏi ông là ai?"

Người kia đáp: "Tôi là người làm thuê của một cửa hàng ở Thượng Hải. Bởi vì tôi đi thu nợ về trễ nên không kịp lên thuyền hay tìm quán trọ, đành phải ngủ dưới hiên nhà ông một đêm, đợi cho đến khi trời sáng".

Hàn Ông kinh ngạc hỏi lại: “Nếu như ông đi thu nợ trở về, trong hành lý nhất định sẽ có đồ quan trọng, làm sao có thể ăn ngủ ngoài đường như vậy được? Cho dù bây giờ là thời kỳ thái bình thì ông cũng không thể chịu được đêm đông gió rét như thế này! Nhà của tôi tuy rằng đơn sơ, nhưng cũng có thể tránh được mưa gió".

Thế rồi, Hàn Ông mời vị khách kia vào nhà. Khi nhìn thấy quần áo và giày của khách đã ướt hết, Hàn Ông liền mang quần áo mới mình chuẩn bị cho năm mới ra để người kia thay. Sau đó ông lại nhiệt tình bày ra một bàn thức ăn, để người kia ăn cho ấm bụng.

Hàn Ông và vị khách kia vốn không quen biết, nhưng chỉ cần thấy có người đang gặp khó khăn, gặp cảnh đói rét, Hàn Ông liền nhiệt tình tiếp đãi. Cuối cùng ông chuẩn bị giường để vị khách ngủ qua đêm. Vị khách thấy Hàn Ông tiếp đãi nhiệt tình nồng hậu, trong lòng cảm thấy vô cùng cảm kích, không ngừng nói cảm ơn. Đến khi trời sáng, vị khách thấy gió tuyết hôm nay còn lớn hơn cả ngày hôm qua, sợ rằng sẽ không có thuyền để đi. Hàn Ông liền mời vị khách tiếp tục ở lại, đợi đến khi gió tuyết ngưng lại rồi mới lên đường. Lúc này mặc dù đã chuẩn bị đón năm mới nhưng Hàn Ông vẫn chuẩn bị rượu ngọt, cơm ngon để tiếp đãi vị khách một cách nhiệt tình.

Tối hôm đó, vị khách nói với Hàn Ông rằng: "Xin đa tạ sự cao thượng của ông, tôi cũng không biết lấy gì để báo đáp. Nghe nói giá gạo ở huyện Hoa Đình rất rẻ, vận chuyển đến Thượng Hải bán có thể thu được khoản lợi nhuận lớn. Tôi thu nợ trở về, trong tay vẫn còn một ít bạc dư, xin cho ông mượn 300 lượng để buôn bán, ông thấy thế nào?".

Thế nhưng Hàn Ông kiên quyết không nhận, vị khách cũng chỉ đành chấp nhận.

Qua ngày hôm sau, gió tuyết đã ngừng. Hàn Ông giúp vị khách thuê một chiếc thuyền, rồi tự mình tiễn khách lên thuyền. Khi phu thuyền tháo dây neo, người khách mới nói với Hàn Ông rằng: "Ba trăm lượng bạc mà hôm qua tôi nói, tôi để lại dưới giường. Khi trở về, ông hãy giữ lấy, Tết Nguyên tiêu năm sau, tôi sẽ ở cửa hàng ở Thượng Hải để đợi ông".

Lúc này Hàn Ông vô cùng kinh ngạc, ông muốn lấy bạc để trả lại cho vị khách nhưng thuyền đã đi mất rồi.

Hàn Ông cũng không biết làm sao, chỉ đành làm theo lời của vị khách. Đến năm sau, ông mang toàn bộ số tiền này ra mua gạo rồi sau đó vận chuyển đến Thượng Hải. Hàn Ông tìm đến cửa tiệm của vị khách kia, vừa đúng lúc người này từ trong đi ra. Người khách thấy Hàn Ông thì vỗ tay cười lớn: "Ông quả là người giữ chữ tín!".

Hàn Ông nói rằng, ông đã chuyển tất cả số gạo đến Thượng Hải.

Vị khách lại đưa Hàn Ông đi gặp ông chủ, rồi nói rằng: "Đây là Hàn tiên sinh mà tôi đã gặp ở huyện Hòa Đình vào năm ngoái. Hôm nay ông ấy vận chuyển gạo đến đây!"

Ông chủ chân thành cảm tạ Hàn Ông, nói rằng: "Người làm của tôi mang theo số tiền lớn như vậy mà phải ăn ngủ ngoài đường. Nếu không phải được ông giúp đỡ, thì có thể đã gặp nguy hiểm. Hôm nay, ông đã đến đây đúng kỳ hạn, quả đúng là thấy lợi mà không tham, ông đúng là cổ nhân của ngày nay!”.

Hàn Ông khiêm tốn không nhận, liên tục nói rằng: "Không dám, không dám".

Ông chủ cho người mở đại sảnh, tổ chức yến tiệc để khoản đãi Hàn Ông. (Tranh: zhengjian)

Ông chủ cho người mở đại sảnh, tổ chức yến tiệc để khoản đãi Hàn Ông giống như chiêu đãi khách quý. Sau khi ăn xong, ông chủ lại bảo vị khách trước đây đưa Hàn Ông đi thăm thú xung quanh và tham quan Thượng Hải. Đến khi họ trở về, tất cả hành lý của Hàn Ông đều đã được ông chủ mang đến, nhưng ông chủ lại chân thành muốn giữ Hàn Ông ở lại thêm vài ngày. Đến sáng hôm sau, Hàn Ông giao hóa đơn mua gạo cho vị khách, sau đó dặn dò vị khách nhanh chóng đưa gạo lên bờ, còn ông phải về huyện Hoa Đình. Vị khách cười nói: "Việc giải quyết số gạo này rất đơn giản, mọi chuyện đã sớm được sắp xếp xong xuôi cả rồi, xin ông hãy ở lại thêm mấy ngày, đi du ngoạn Thượng Hải, đừng về quê vội".

Thế rồi mấy sau, hàng ngày vị khách đều đi theo Hàn Ông ra ngoài dạo chơi, không để ông cảm thấy buồn chán.

Chớp mắt đã mấy ngày trôi qua, ông chủ lại tổ chức yến tiệc để thiết đãi Hàn Ông, đồng thời còn mời ông ngồi ghế trên. Ông chủ nói: "Gạo mà ông vận chuyển đến, chúng tôi đã bán xong, lợi nhuận rất cao. Hiện tại, tôi muốn đưa cho ông số bạc nhiều hơn, xin ông chịu khó giúp tôi vận chuyển, lợi nhuận thu được sẽ chia cho ông một nửa".

Vừa nói, ông chủ vừa mang ra một thỏi bạc lớn, nói rằng: "Đây là lợi nhuận của lần bán gạo này mà ông đáng được nhận".

Hàn Ông nhiều lần từ chối, nhưng ông chủ vẫn nài nỉ ông nhận. Từ chối mãi không được nên Hàn Ông đành phải nhận lấy. Ông nói với ông chủ rằng: "Có được sự tin cậy của ông như vậy, sau này tôi nhất định sẽ dốc sức làm việc, nhưng tôi có một lời thỉnh cầu, không biết rằng ông chủ có thể đáp ứng được không?”.

Ông chủ nói: "Xin được nghe yêu cầu của ông".

Hàn Ông nói: "Tôi nghe nói làm việc thiện có thể hưng thịnh. Tôi muốn lấy ra một phần trong số lợi nhuận của tôi để giúp đỡ những người nghèo khổ. Nhưng Hàn Ông tôi xuất thân bần hàn, số bạc này là có được từ chỗ ông, vì vậy cần có sự đồng ý của ông, tôi mới dám làm".

Ông chủ vô cùng cảm động, cảm thấy mặc dù Hàn Ông chỉ một người người dân rất đỗi bình thường nhưng lại có tấm lòng rộng rãi, luôn lo nghĩ cho người khác, vì thế ông chủ lập tức đồng ý. Sau đó, ông chủ đã lấy hai hai ngàn lượng bạc đưa cho Hàn Ông.

Từ đó, Hàn Ông chăm chỉ làm công việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời ông cũng ra sức hành thiện tích đức. Điều kỳ diệu chính là, mặc dù ông hay dùng tiền để giúp đỡ người khác, nhưng công việc làm ăn của ông không hề bị ảnh hưởng. Những hàng hóa mà ông phụ trách vận chuyển đều thu được lợi nhuận rất lớn.

Mấy năm sau, Hàn gia cũng trở nên giàu có. Hàn Ông đã mua một căn nhà ở cầu Tú Nam. Một ngày nọ, khi ông đang dọn dẹp chỗ ở mới để chuẩn bị dọn vào ở, ông thấy dưới một chiếc bàn có đống giấy bỏ đi nên mang ra ngoài để đốt đi. Ông vừa đọc, vừa đốt, nhưng đột nhiên trong đám giấy bỏ này có một quyển sổ, trên đó viết rằng: "Nếu cần tiền, hãy đến dưới gốc cây mai".

Hàn Ông cảm thấy rất kinh ngạc, ông đi một vòng trong sân, nhưng không thấy cây mai nào, trong tâm liền nghĩ: “Chắc hẳn đây chỉ là một lời nói đùa”, nên ông cũng không để ý nữa. Bởi vì đây là căn nhà cũ, nên cầu thang lên lầu đều đã mục nát, cần phải dỡ xuống để lắp lại cầu thang mới.

Lúc Hàn Ông đang dọn dẹp cầu thang, đột nhiên ông thấy bên cạnh bức tường có vẽ một cây mai đang đong đưa trong gió. Ông đột nhiên nhớ lại những lời trong cuốn sổ kia, trong lòng thầm nghĩ: “Ở dưới đây nhất định sẽ có hầm ngầm”.

Đến khi trời tối, ông cùng người nhà đốt đuốc đến dưới gốc cây mai, cậy phiến đá ở gốc cây lên. Thì ra dưới đó là bốn chiếc vại lớn xếp cạnh nhau, trong mỗi vại đều chứa đầy vàng bạc và ngân lượng.

Sau khi Hàn gia trở nên giàu có, Hàn Ông lại càng ra sức cứu giúp dân chúng. Sau này, khi Hàn Thúc Sơn kế thừa sự nghiệp của cha, ông cũng tuân thủ nghiêm ngặt gia quy, ra sức hành thiện tích đức. Bởi vì làm rất nhiều việc thiện nên người trong vùng đều gọi Hàn Thúc Sơn là "Đại thiện nhân". Sau này con trai của Hàn Thúc Sơn là Hàn Lạc Khanh đỗ cử nhân, con cháu các đời sau cũng có nhiều người đỗ đạt, thành tựu công danh. Mấy đời Hàn gia trọng đức hành thiện nên phúc báo đến nhiều đời sau vẫn hưởng không hết.

Uông Đạo Đỉnh thời nhà Thanh, tác giả của “Tọa hoa chí quả” nói rằng: “Khi đi ngang qua Tùng Giang, tôi đã được nghe kể tường tận về dấu tích chuyện nhà họ Hàn. Hàn Ông học hành không nhiều, nhưng đạo hạnh rất cao, lời nói chính trực, không lừa gạt người. Ông hiếu thiện,thích bố thí, đều xuất phát từ tấm lòng thành, không có chút gượng ép, quả thực thấy người đói khát mà như bản thân đói khát vậy. Cho nên Hàn Ông dẫu xuất thân thấp kém, nhưng lại đột nhiên trở nên giàu sang. Mọi người chỉ nhìn thấy nhà họ Hàn giàu có dễ dàng, nhưng lại không biết rằng Hàn gia giàu lên không phải điều ngẫu nhiên”.

(Theo quyển thượng “Tọa hoa chí quả - Quả báo lục” phần 25: “Ngân lượng giấu dưới gốc cây mai”)

Theo Đỗ Nhược - Epochtimes

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kho báu dưới gốc cây mai cuối cùng vào nhà ai