Ngô Việt tranh bá (2): Khổng Tử du thuyết các nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Trích thuật: Do tài năng và kỹ xảo biện luận xuất sắc, Tử Cống đã trở nên nổi tiếng trong giới quyền quý của nhiều nước. Tư Mã Thiên đã viết trong Sử ký: “Trong bảy mươi đệ tử của Khổng Tử, Tử Cống là giàu có nhất. Cho nên quốc quân các nước đều đón tiếp trọng vọng”.

Có nghĩa là, trong số các đệ tử của Khổng Tử, Tử Cống là người giàu nhất. Mỗi khi ông đến một nước, các vị vua rất kính trọng ông, hơn nữa ông là đệ tử của Khổng Tử, điều này càng khiến cho Khổng Tử được rất nhiều người kính trọng. Tuy nhiên, có người cho rằng Tử Cống cao minh hơn Khổng Tử vì sự giàu có và tài hùng biện của ông. Các đại thần nước Lỗ công khai nói trước điện đường rằng "Tử Cống hiền tài hơn Khổng Tử".

Tử Cống nghe được lời này nói: “Ví dụ như tường nhà tôi chỉ cao ngang vai, có thể nhìn vào thấy nhà đẹp. Tường của Thầy tôi cao mấy trượng, không có cửa vào, nên không thể thấy được vẻ đẹp của tông miếu, sự giàu có bên trong. Rất hiếm người biết lối vào, lời của thầy nói, chẳng đúng vậy sao?”.

Ý tứ là tri thức của mình giống như ngôi nhà đằng sau bức tường thấp, mọi người đều có thể nhìn thấy, còn tri thức của Khổng Tử giống như đền đài sau bức tường cực cao, không có lối vào, chưa kể người có thể tìm được cửa vào cũng rất ít, chính vì thế mà có cái nhìn sai như thế. Vậy Khổng Tử là người như thế nào?)

Khổng Tử và học thuyết Nho gia

Khổng Tử là một vị Thánh và là người sáng lập Nho giáo. Nhiều người gọi Khổng Tử là nhà giáo vĩ đại, trong tự truyện về cuộc đời mình, Khổng Tử từng nói: “Khi mười lăm tuổi thì gắng sức học tập, ba mươi tuổi thì lập thân, bốn mươi tuổi thì sáng tỏ không còn gì nghi hoặc, năm mươi tuổi biết mệnh Trời, sáu mươi tuổi nghe gì cũng xuôi tai, bảy mươi tuổi thuận theo lòng mình, làm gì cũng không vượt quá quy tắc”.

Học thuyết của Khổng Tử rất rộng lớn, nhiều người cho rằng trọng tâm nằm ở lễ nghi và âm nhạc. Tất nhiên Khổng Tử rất coi trọng lễ nhạc, nhưng trên thực tế, cốt lõi lời dạy của Khổng Tử là “Nhân” (lòng nhân từ). Khổng Tử từng nói: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà?” Tức là người không có lòng nhân từ thì lễ nghi làm gì, âm nhạc làm gì?

Do thời gian có hạn, hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu sơ lược về ba khái niệm của Nho giáo là “Nhân”, “ Nghĩa” và “Tri thiên mệnh”.

Khổng Tử xếp chữ “Nhân” (仁) lên hàng đầu. Nói chung, “nhân từ” có nghĩa là yêu thương người, tất nhiên, loại tình yêu này không phải là tình yêu giữa người với người như chúng ta hiểu ngày nay, cũng không phải dựa vào quan hệ họ hàng thân thuộc để quyết định yêu người này hoặc không yêu người nọ. “Yêu người” của Khổng Tử có thể nói là bác ái - yêu thương rộng khắp.

Loại tình yêu này bao gồm hai khía cạnh. Một khía cạnh được gọi là “thôi kỷ cập nhân”, nghĩa là nếu tôi nghĩ nó tốt cho bản thân thì tôi mong rằng người khác cũng có được. Ví dụ, một số người mong đạt được danh tiếng, trong khi những người khác mong đạt được học vấn. Khổng Tử nói: “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” - Muốn gây dựng cho mình thì hãy gây dựng cho người; muốn mình thành đạt thì phải giúp người thành đạt.

Nguyên tắc này trong Nho giáo còn gọi là đạo “Trung” (trung nghĩa). Vậy nên, cách nói khác của câu “Thôi kỷ cập nhân”“ Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” - Tức là điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Nguyên tắc này còn được gọi là đạo “ Thứ” -“恕” (sự tha thứ bao dung) trong Nho giáo, nên Khổng Tử nói đến “Nhân”, nhưng có người cho rằng đạo của Khổng Tử chỉ là “Trung thứ nhi dĩ hĩ”- lòng trung và sự tha thứ bao dung mà thôi.

“Chân dung Thánh quân hiền thần” - Khổng Tử, Bảo tàng Quốc gia Cố Cung, Đài Bắc. (Phạm vi công cộng)

Tất nhiên, loại tình yêu mà Khổng Tử nói đến không phải là vô nguyên tắc mà đằng sau nó là sự cân nhắc về đạo đức, và không có nghĩa là yêu thương tất cả mọi người. Ví dụ, Khổng Tử từng nói: “Duy nhân giả năng hiếu nhân, năng ố nhân” - Điều này có nghĩa là chỉ người nhân từ mới có thể yêu, ghét thực sự đúng đắn.

Tất nhiên, ghét ai đó thực sự có nghĩa là ghét hành vi không phù hợp hoặc đạo đức xấu của họ. Để làm được điều này đòi hỏi những nguyên tắc và lòng can đảm nhất định. Bởi vì khi thật sự ghét ai đó thì sẽ đắc tội với họ, nhưng Khổng Tử lại ghét những người luôn tỏ ra là người tốt. Ông gọi những người như vậy là “Hương nguyện”. Khổng Tử cho rằng “Hương nguyện” là “kẻ trộm đức”, tức là những người làm tổn hại đến đạo đức. Họ có vẻ là người tốt, như không xúc phạm ai, cũng không dám xúc phạm khi thấy người xấu việc xấu. Chính vì sự dung túng lặng im của họ mà tạo ra mảnh đất sống cho tội ác.

Tử Cống hỏi Khổng Tử: Trong làng ai cũng thích một người, người đó có phải là người tốt không?

Khổng Tử nói: Không hẳn là vậy.

Tử Cống còn nói: Người trong làng đều ghét hắn, người như vậy có thể là người tốt sao?

Khổng Tử nói: Cũng chưa chắc đã là người xấu.

Tử Cống hỏi: Người như thế nào mới được coi là người tốt?

Khổng Tử nói: Người tốt trong làng thích ông ta, người xấu trong làng ghét ông ta, thì vị ấy chính là người tốt.

Khổng Tử dạy học. (Miền công cộng)

Đạo lý của “Nhân” bao gồm “điều mình không muốn, thì đừng làm cho người khác”“muốn gây dựng cho mình,thì cần gây dựng cho người, muốn thành đạt mình thì thành đạt cho người”.

Sau “Nhân” là “Nghĩa”. ‘Nghĩa’ là gì? Định nghĩa trong từ điển về “Nghĩa” là “nên”, nghĩa là việc nên làm. Vậy việc nên hay không nên làm, dựa vào đâu để đánh giá phán đoán?

Quân tử và tiểu nhân có sự khác biệt ở phương diện này, đó là “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi” (quân tử hiểu rõ về nghĩa, tiểu nhân chỉ biết có lợi). Quân tử đánh giá việc gì nên làm dựa trên đạo đức, còn kẻ tiểu nhân đánh giá việc nên làm dựa trên lợi ích, đây cũng là chỗ phân biệt giữa quân tử và tiểu nhân.

“Chính nghĩa” của Nho giáo có nghĩa là việc đúng đạo nghĩa thì phải làm, làm bằng tất cả sức lực của mình, nói một cách đơn giản là “làm việc phải làm”. Một sự việc không cần phải suy xét đến có thành công hay không, mà cần suy ngẫm xem về đạo nghĩa có nên làm hay không, rồi tận tâm tận lực mà làm. Vì vậy, nếu một người cố gắng hết sức mà vẫn không hoàn thành được, Khổng Tử xếp tình huống này là “Thiên mệnh”, tức là đó là ý Trời.

Cuộc đời Khổng Tử là người thực hành những tư tưởng như “nhân từ”, “chính nghĩa” và “tri thiên mệnh”. Ông sống trong một thời kỳ có nhiều biến động xã hội và bất ổn chính trị, lễ băng nhạc hoại. Khổng Tử du thuyết khắp các nước, giống như Socrates nói chuyện với mọi người, ông hy vọng rằng các vua, quan, cha và con đều có thể sống một cuộc sống đạo đức, nhưng không ai thực sự chấp nhận chủ trương của ông.

Tuy đụng phải cản trở, chịu nhiều đau khổ nhưng Khổng Tử không bao giờ hối hận, ông làm vì “chính nghĩa”, vì đạo đức, và “làm vì phải làm” chứ không vì kết quả. Có một câu trong Luận ngữ nói rằng: “Quân tử chi sĩ dã, hành kỳ nghĩa dã. Đạo chi bất hành, dĩ tri chi hỹ” - nghĩa là quân tử làm việc là theo chính nghĩa mà làm. Nay Đạo đã suy bại rồi, ta đã sớm biết rằng lý tưởng không thể thực hiện được trong xã hội.

Khổng Tử có tâm thái như vậy, dù biết mình sẽ không thành công nhưng vẫn cố gắng hết sức để làm. Khái niệm “Thiên mệnh” được đề cập ở đây là chỉ ý Trời, hay quy luật của vũ trụ, hay sự an bài của Thiên Thượng, là những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của Khổng Tử.

Nhiều người cho rằng niềm tin vào vận mệnh sẽ khiến con người trở nên tiêu cực, nếu nhìn vào cách giải thích của Khổng Tử về “chính nghĩa” và “Thiên mệnh”, chúng ta sẽ thấy rằng niềm tin vào Thiên mệnh không những không làm con người trở nên tiêu cực, mà còn khiến con người trở nên cởi mở hơn. Chính vì trong suy nghĩ của Khổng Tử, không có thành công hay thất bại, chỉ cần cố gắng hết sức thì sẽ không có gì phải hối tiếc, cho nên người như vậy trong lòng sẽ không bao giờ lo lắng, bởi vì họ không bận lòng về kết quả, cho nên Khổng Tử đã nói: “Quân tử thản đãng đãng” (Quân tử là người rộng lượng ung dung). Vì không lo lắng về kết quả nên Khổng Tử cũng nói: “Nhân giả bất ưu” (người nhân đức thì không có gì phải ưu lo).

Khổng Tử cho rằng người hiểu được “chính nghĩa”, “mệnh Trời” mới là người quân tử chân chính, làm là vì đạo nghĩa chứ không bận lòng đến kết quả, nên Khổng Tử nói rằng “Quân tử dụ ư nghĩa” (quân tử hiểu rõ đạo nghĩa) ,và còn nói: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử”. (Không biết vận mệnh thì không thể làm quân tử).

Khổng Tử mãi đến khi ông 50 tuổi mới hiểu được đạo lý về ‘Thiên mệnh’. Tôi vừa nhắc đến việc Khổng Tử kể lại cuộc đời của mình, ông nói: “Ngô ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (tôi năm mươi tuổi mới hiểu mệnh Trời), lúc này, Khổng Tử bắt đầu có một sở thích khác, đó là nghiên cứu “Kinh Dịch”. Chúng ta biết rằng “Kinh Dịch” là cuốn sách nói về quy luật vận hành của vũ trụ và những biến hoá chốn nhân gian. Những năm cuối đời, Khổng Tử thích đọc Kinh Dịch, thành ngữ “Vi biên tam tuyệt” nghĩa là cuốn sách được viết lên mảnh trúc, rồi xâu lại bằng da bò, Khổng Tử đã làm đứt sợi dây da bò dùng để xâu cuốn sách ba lần khi ông đọc Kinh Dịch.

Khổng Tử từng học Lão Tử, rất kính trọng Lão Tử. Về mối quan hệ giữa Nho gia và Đạo gia, chúng tôi sẽ thảo luận sâu thêm trong tương lai nếu có cơ hội.

Cuộc đời của Khổng Tử rất khó khăn, gia đình ông lúc nhỏ rất nghèo. Cho nên Khổng Tử mới nói: “Ngô thiếu dã tiện, cố đa năng bỉ sự”. (Ta lúc nhỏ rất nghèo, nên biết làm nhiều việc hèn mọn). Ông từng làm một quan chức nhỏ phụ trách kho hàng, cũng từng làm quản lý công việc chăn thả gia súc.

Thân phận của Khổng Tử là một “sĩ phu”. Mọi người đều biết rằng vào thời Xuân Thu và Chiến Quốc, địa vị xã hội cao nhất là Thiên tử nhà Chu. Dưới Thiên tử nhà Chu là các chư hầu, dưới chư hầu là đại phu, dưới đại phu là sĩ phu. Bốn giai tầng này là tầng lớp quý tộc. Vào thời Khổng Tử sống, chỉ có quý tộc mới được học hành, nói cách khác, Khổng Tử là sĩ phu có quyền được học hành. Nhưng những người ở trình độ thấp hơn sĩ phu đều là dân thường, không có quyền được học hành.

Khổng Tử đưa ra một chủ trương rất nổi tiếng, gọi là “Hữu giáo vô loại” (Giáo dục không phân biệt), tức là ta không quan tâm anh là quý tộc hay thường dân, chỉ cần anh đóng học phí, Khổng Tử sẽ dạy bạn. Vì vậy, Khổng Tử đã thúc đẩy giáo dục xuống đến tầng lớp dưới và phá vỡ truyền thống chỉ dạy học trong quan phủ. Trong quá khứ, học thuật do chính phủ độc quyền, nhưng Khổng Tử đã phổ biến học thuật, hay việc thảo luận về kiến ​​thức, phổ cập toàn xã hội. Vì vậy, nhiều người cho rằng Khổng Tử là nhà giáo dục bình dân đầu tiên của Trung Quốc, quan điểm này rất có lý.

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 8 - Ngô Việt tranh bá (2)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ngô Việt tranh bá (2): Khổng Tử du thuyết các nước