Ngô Việt tranh bá (4): Thỏ chết chó bị phanh thây, địch quốc đã diệt mưu thần tiêu vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trích thuật: Việt Vương Câu Tiễn ở trong nhà đá nuôi ngựa ba năm, chịu khổ nếm mật nằm gai mười lăm năm. Sau ba năm chiến tranh, nước Ngô cuối cùng bị diệt. Vua Ngô Phù Sai rút kiếm tự sát, trước khi chết, ông nói rằng ông không còn mặt mũi nào để đi gặp Ngũ Tử Tư dưới lòng đất, đồng thời ông cũng cảnh báo Phạm Lãi và Văn Chủng rằng, kẻ thù bị diệt thì mưu thần cũng sẽ tiêu vong, nên hoàn cảnh của hai vị đang gặp nguy hiểm, vậy Câu Tiễn đã đối xử với hai vị công thần đã giúp mình báo thù phục quốc như thế nào?

Thỏ chết chó bị phanh thây

Sau cái chết của Phù Sai, Việt Vương Câu Tiễn tiến vào chiếm đóng cung điện vua Ngô. Khi đó, Bá Dĩ cậy vào việc mình đã nói tốt cho Câu Tiễn trước mặt vua Ngô vào 20 năm trước, cảm thấy mình có đại ân với Câu Tiễn, nên mang vẻ mặt đắc ý đến gặp Câu Tiễn.

Khi vua Việt nhìn thấy Bá Dĩ, ông nói: "Vua của ngươi đã tự sát ở Dương Sơn. Tại sao ngươi không đến Dương Sơn tìm vua của ngươi?"

Bá Dĩ sợ mặt tái mét, ông ta không ngờ Câu Tiễn lại nói ra những lời như vậy, bèn đứng dậy và rời khỏi cung điện mà không nói một lời. Câu Tiễn cử người đuổi theo giết Bá Dĩ. Kỳ thực, Bá Dĩ cũng có thể đáng chết, nhưng việc Câu Tiễn giết ông ta là quá lạnh lùng tàn nhẫn.

Việt Vương tổ chức yến tiệc trong cung, mọi người đều rất vui vẻ, nhưng trên mặt Câu Tiễn lại không có một nụ cười. Phạm Lãi thấy vậy, ngày hôm sau ông đến gặp Câu Tiễn và nói: “Tâu bệ hạ, hạ thần nghe nói rằng ‘Chúa ưu thần nhục, chúa nhục thần tử’ nghĩa là, vua mà lo lắng thì đó là một mối nhục của các quan đại thần; nếu quốc quân bị sỉ nhục, thì các đại thần tội đáng chết. Sau thất bại ở Cối Kê năm ấy, ngài đã đến nước Ngô nuôi ngựa trong ba năm, lúc đó vua phải chịu nhục nhã tột độ, đáng lẽ lúc đó thần đã nên chết rồi mới phải. Nhưng sở dĩ hạ thần không chết là vì hy vọng sau này có thể báo thù cho nhà vua. Bây giờ thì đã trả được mối thù, hy vọng rằng nhà vua có thể tha thứ cho tội chết của hạ thần, xin cái gọi là ‘Khất hài cốt’ (chỉ việc từ chức về quê giữ nắm xương tàn), cho phép hạ thần từ chức về quê”.

Câu Tiễn lập tức lộ ra vẻ hung ác nói: “Nếu ngươi rời đi, ta sẽ giết hết vợ con của ngươi"

Phạm Lãi nói rằng việc giết họ hay không là tùy nhà vua, nhưng hạ thần thì phải đi, nên Phạm Lãi đã ung dung bỏ đi mà không mang theo vợ con.

Câu Tiễn cũng quay sang Văn Chủng và hỏi: "Có thể đuổi theo tìm Phạm đại phu quay lại không?"

Văn Chủng nói không thể quay lại, ông ấy đã quyết định rồi. Khi Văn Chủng trở về nhà, ông thấy một lá thư do Phạm Lãi để lại. Trong thư viết như thế này: “Ông còn nhớ khi xưa Ngô vương có nói: ‘Thỏ chết chó bị phanh thây, địch quốc đã diệt mưu thần tiêu vong’? Vua Việt có cổ rất dài và miệng nhọn như mỏ chim. Hình tướng như vậy là người chịu nhẫn nhục, nhưng đố kỵ công lao, có thể cùng ông ta khi hoạn nạn, nhưng ông ta tuyệt không cho phép người khác cùng chung hưởng an lạc. Bây giờ tôi sắp đi, tôi muốn ngài đi cùng tôi. Nếu không, tôi e rằng tai họa sẽ sớm ập đến với ngài”.

Văn Chủng cảm thấy Phạm Lãi thật là quá ư lo lắng, nên không rời đi.

Địch quốc đã diệt mưu thần tiêu vong

Sau khi Câu Tiễn đánh bại nước Ngô, mối quan hệ của ông với các cận thần ngày càng lạnh nhạt. Văn Chủng cũng cảm thấy Câu Tiễn sẽ không ban thưởng cho công lao của mình, vì vậy ông trở nên rất chán nản, thường xuyên cáo ốm không vào chầu.

Một buổi tối, quả nhiên Câu Tiễn tới thăm. Khi Văn Chủng nghe tin vua tới nhà mình, ông giả vờ bị bệnh nặng, vì thường xuyên kêu bệnh, nên miễn cưỡng ra đón vua Việt.

Sau khi vua Việt ngồi xuống, lạnh lùng nói: “Hồi đó ngươi có dâng cho ta ‘Bảy kế diệt Ngô’, ta chỉ dùng có ba chiêu để diệt Ngô, vậy bốn kế sách còn lại, ta phải làm sao đây?”

Câu Tiễn nói, tại sao ngươi không sử dụng nốt bốn kế ấy để đối phó với vua Ngô đang ở dưới đất kia. (Tranh Winnie Wang)

Văn Chủng sửng sốt, không biết nói gì. Câu Tiễn nói, tại sao ngươi không sử dụng nốt bốn kế ấy để đối phó với vua Ngô đang ở dưới đất kia, tức là đi đến cõi âm để đối phó với vua Ngô.

Văn Chủng lúc ấy không biết Việt Vương có ý gì, nhưng cảm giác được nguy hiểm đã đến. Lúc này Câu Tiễn đứng dậy bước đi, Văn Chủng tiễn vua Việt ra về, quay lại thì thấy trên bàn có một thanh kiếm, đó chính là thanh kiếm ‘Thuộc Lũ’ mà Phù Sai ban cho Ngũ Tử Tư cái chết khi xưa. Văn Chủng rút kiếm ra, biết Việt Vương sẽ không lưu tình, nên đã tự sát.

Phạm Lãi là người nhìn xa trông rộng, từ việc nhỏ mà suy ra việc lớn, biết cách rút lui sau thành công. Sau khi hoàn thành đại nghiệp tiêu diệt nước Ngô, ông rời nước Việt đến nước Tề, làm ăn kiếm được rất nhiều tiền và chẳng bao lâu sau đã tích lũy được khối tài sản nghìn vàng. Vua nước Tề nghe nói Phạm Lãi rất hiền minh nên bổ nhiệm Phạm Lãi làm Tể tướng.

Sau khi Phạm Lãi làm tể tướng một thời gian, ông đã nói thế này: “Ở nhà thì giàu có nghìn vàng, làm quan thì làm tới hàng khanh tướng, đây là vinh quang cực điểm đối với kẻ thường dân, lâu ngày được tôn trọng là điều chẳng lành".

Ông coi việc hưởng thụ danh lợi tiền tài là việc chẳng lành, vì thế ông từ bỏ ấn tín, đồng thời phân phát toàn bộ tiền tài trong nhà cho dân chúng.

Ông đến một nơi khác, địa danh này là đất Đào, có lẽ Phạm Lãi biết xem phong thuỷ và cảm thấy nơi này là trung tâm giao thông của nhiều nước. Ông định cư ở nơi đó, bắt đầu kinh doanh và nhanh chóng tích lũy được khối tài sản trị giá hàng ngàn lượng vàng. Vì vậy, sau này người ta thường nói những người giỏi làm ăn đều đã nắm được bí quyết của Đào Chu Công. Phạm Lãi sau này được gọi là Đào Chu Công.

Câu chuyện Ngô, Việt tranh bá đã kết thúc. Trong câu chuyện này, chúng ta thấy nhiều người có những tính cách rất nổi bật. Nhiều người cho rằng Ngũ Tử Tư rất ngoan cố, biết rõ Phù Sai là không thể can ngăn, nhưng vẫn cứ can ngăn, nên họ cảm thấy ông không biết nhìn người. Nhưng chúng ta phải biết rằng chính Ngũ Tử Tư đã tiến cử thích khách Chuyên Chư giết Ngô vương, tiến cử Yêu Ly giết Khánh Kỵ và tiến cử binh gia Tôn Vũ giúp nước Ngô huấn luyện quân đội, vì vậy ông thực sự rất chuẩn xác trong việc nhìn người. Ông không biết Ngô Vương không thể khuyên can sao? Tất nhiên là ông biết. Nếu không, ông đã không gửi con trai mình đến nước Tề, bởi vì ông biết rằng nước Ngô chắc chắn sẽ diệt vong.

Thế thì tại sao ông lại nhất quyết can ngăn?

Chúng ta biết rằng khi Khổng Tử nói về thời Thương Trụ Vương, ông đã từng nhắc đến “Ân hữu tam nhân”, tức là ở thời Ân Thương, có ba người được gọi là người “nhân đức”, trong đó có Tỷ Can liều chết can gián, bị Trụ Vương moi tim, Ky Tử bị bắt làm nô lệ, bị Trụ Vương tống vào tù, sau đó phải giả điên; còn Vi Tử rời bỏ Trụ Vương chạy sang nhà Ân. Ông nói ba người này đều là những người nhân đức. Các vị ấy có những đặc điểm gì chung? Đó là tuyệt đối không hợp tác với tà ác. Tôi có thể khuyên can, hoặc tôi có thể giả vờ điên, hoặc tôi có thể bỏ đi, nhưng tôi sẽ không bao giờ trợ giúp tà ác - ‘Trợ Trụ vi ngược’.

Nếu chúng ta nhìn Ngũ Tử Tư theo tiêu chuẩn này thì sao? Sự liều chết can gián của Ngũ Tử Tư rất giống với Tỷ Can khi xưa. Nếu Tỷ Can là người nhân nghĩa thì tất nhiên Ngũ Tử Tư cũng là người nhân nghĩa.

Về vua Ngô Phù Sai, chúng ta thấy rằng ông ta là một kẻ bỏ cuộc, khi ông ta trả thù, ông ta đã tuyên thệ hàng ngày trong ba năm, nói rằng tôi không quên rằng vua Câu Tiễn của nước Việt đã giết cha tôi. Nhưng khi ông ta có thể giết Câu Tiễn, thì lại không giết, bỏ việc giữa chừng; nghiệp bá cũng dở dang. Điều này làm tôi nhớ đến lời Lão Tử đã nói: “Thận chung như thuỷ, tắc vô bại sự” - Nếu luôn cẩn thận như khi bắt đầu, sẽ không bao giờ thất bại.

Câu chuyện Ngô Việt tranh bá chúng ta dừng ở đây. Phù Sai qua đời năm 473 TCN. Thời Đông Chu được chia thành hai giai đoạn. Từ năm 770 TCN đến năm 475 TCN gọi là thời Xuân Thu; từ năm 475 TCN trở đi gọi là thời Chiến Quốc. Vì vậy, sau khi Ngô và Việt tranh giành quyền bá chủ, lịch sử Trung Quốc bước vào thời Chiến Quốc.

Vậy sự kiện nào đánh dấu ranh giới giữa thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc? Đây là cuộc chiến diễn ra vào những năm đầu thời Chiến Quốc. Sự việc này có ảnh hưởng lớn đến thế hệ sau, đến nỗi Tư Mã Quang coi sự việc này là khởi đầu của cuốn "Tư trị thông giám".

Đó là sự kiện gì vậy? Mời các bạn đón xem tập tiếp theo "Tam gia phân Tấn" (ba gia tộc phân chia nước Tấn).

(Còn tiếp)

Chương Thiên Lượng - NTD
Thái Bình biên dịch từ: Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) "Tiếu đàm phong vân" do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 8 - Ngô Việt tranh bá (4)

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ngô Việt tranh bá (4): Thỏ chết chó bị phanh thây, địch quốc đã diệt mưu thần tiêu vong