Thế nào là người có thân hình ‘vẹn toàn’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Hoàng Đế Nội Kinh" nói: "Quân vương chúng thứ, tận dục toàn hình" (Tạm dịch:Từ bậc quân vương cho đến thứ dân, tới lúc lâm chung đều muốn được toàn vẹn thân hình), cũng là nói rằng, cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh là ‘toàn hình’, tận hưởng tuổi trời rồi trăm tuổi ra đi. 

Toàn hình (thân hình vẹn toàn) là chỉ: trong cuộc đời này, tới tận lúc lâm chung các cơ quan của cơ thể vẫn được bảo tồn, toàn vẹn mà đi. Nhiều người đã bị cắt bỏ amiđan, manh tràng, một phần ruột già và ruột non, tử cung, vú, thận, dạ dày, túi mật, gan, tay, chân, thậm chí rụng răng cũng tính, rồi người bị mù, điếc, không ngửi được mùi. Đây được gọi là "tàn", thân tàn. Hành nghề y nhiều năm, hiếm khi gặp được một người già mà có được thân hình vẹn toàn.

Một người hái thuốc có bề ngoài ngăm ngăm đen, rắn chắc, gầy nhưng bước đi nhanh nhẹn, nhìn bề ngoài khoảng 50 tuổi nhưng thực tế đã 68 tuổi. Ông sống đơn độc, không có người thân. Ông hơi gầy, nặng 60 kg và cao 163 cm, kiếm sống bằng nghề hái thuốc. Phần lớn là để tìm thuốc cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà ông phải leo núi cao, men bờ biển, vào sa mạc thậm chí cả nghĩa trang. Trải qua bao gió thổi nắng chiếu mưa rơi, ba bữa phập phù, thường dùng bánh bao quả dại mà qua bữa. Khi bị cây cứa, cỏ đâm, chỉ dùng băng vải dán lại, mấy hôm sưng tấy cũng chẳng để ý, khi nào vết thương gây cản trở công việc thì mới tìm thảo dược đắp bên ngoài.

Người hái thuốc này đã vô số lần leo vách đá cao, xuống hang sâu, bắt được hàng trăm con rắn, cho đến khi có lệnh cấm thì mới ngừng bắt rắn. Khi bị rắn cắn thì ông xử lý ngay tại chỗ. Nghe người hái thuốc kể về công việc của mình, dường như được nghe câu chuyện về người rừng Tarzan! Ông tâm địa thiện lương, thường vô tư kể cho người khác nghe những bí quyết chữa bệnh dân gian. Những trái cây, rau rừng hái trên núi đem về, ông không ngần ngại đem đi chia sẻ với hàng xóm, bạn bè.

Người hái thuốc này làm thế nào để vượt qua sự cô độc, quạnh hiu và gian khó? Tráng sĩ độc hành vượt ngàn ngọn núi, đâu có cần người tiễn đưa!

Người tráng kiện như vậy cần tới khám bệnh gì?

Sau khi kiểm tra lịch sử bệnh nhân, thấy ông chưa từng khám sức khỏe và hiếm khi đánh răng, hàm răng đều rất tốt, không bị sâu răng, thậm chí không thiếu một chiếc răng nào, nội tạng đều nguyên vẹn, chưa trải qua bất kỳ cuộc phẫu thuật nào. Tất cả các cơ, xương và khớp của người hái thuốc đều hoạt động bình thường, không bị biến dạng, thị giác và thính giác rất tốt, các đường nét trên khuôn mặt đều thanh tú, thực sự có thể nói đây là một người ‘toàn hình’. Chỉ có một u mỡ tròn và lồi trên cổ, khối u đó có chút cản trở công việc. Chườm thảo mộc thì hơi chậm, Tây y nói phải phẫu thuật cắt bỏ, nhưng ông không muốn phẫu thuật, muốn dùng châm cứu. Vì đi hái dược liệu thường phải vác hơn 50kg dược liệu đi hơn chục cây số đường núi nên lưng đau lắm, vừa ngồi xổm mà đầu gối nhức đến 5~6 tiếng, nên tiện thể chữa trị luôn.

Điều trị châm cứu

U mỡ, dùng kim một thốn châm bốn xung quanh u mỡ, thêm một cây kim khác vào giữa, đâm sâu vào tận gốc. Khai thông cục bộ các kinh mạch và kích hoạt kinh mạch, châm cứu tại các huyệt Hợp Cốc, Khúc Trì, Bách Hội, Phong Trì, Thiên Trụ. Để tiêu mỡ, châm cứu tại các huyệt Huyết Hải, Dương Lăng Tuyền, Tam Âm Giao. Chữa đau cột sống, châm cứu tại các huyệt Thiên Tông, Kiên Ngoại Du, Ủy Trung. Đối với đầu gối đau nhức, châm cứu các huyệt Dương Lăng Tuyền và Ủy Trung. Mặc dù người hái thuốc có thể chịu được nhiều vết cắt, té ngã, và thậm chí là vết thương do vô tình giẫm phải dụng cụ bẫy thú, nhưng chiếc kim mỏng như lỗ chân lông thì lại kêu oai oái khi kim châm xuống! Quả thật là ‘Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn’!

Ôn Tần Dung và cuốn sách 'Minh Huệ châm đạo - Vận nhu thành cương' của bà. (Tổng hợp)

Sau vài lần châm cứu, u mỡ trở nên mềm hơn, đầu có thể cử động linh hoạt. Khi đến châm cứu, ông cũng truyền cho tôi một số bí quyết nhỏ. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy lòng bàn chân, gót chân của ông không bị dày lên, nứt nẻ hay chai sạn như những công nhân lao động khác. Thế là tôi thỉnh giáo: “Anh chăm sóc đôi chân như thế nào mà hay vậy?”

Ông liền đưa cho một bí kíp: “Việc này đơn giản thôi, dùng dấm trắng, muối, tiêu, lá ngải cứu, hoa hồng, đun sôi nước rồi ngâm. Ngâm chân trong 15 phút, còn có thể làm giảm đau chân”.

Tôi đặc biệt căn dặn ông ấy: “Kẻ trộm cũng có đạo, không được nhổ hết dược liệu, giữ lại gốc rễ, để lại cho thế hệ sau, đó mới là kế lâu bền”.

Người hái thuốc mỉm cười nói: “Khi không thể hái thuốc được nữa, tôi sẽ tặng lại cho chúng, và hòa làm một với đất”.

Thì ra ông đã nghĩ đến lúc lâm chung, chết vùi nơi đầu núi, hóa thành đất bùn xuân để bảo vệ cỏ cây, không hề làm phiền người khác.

Việc điều trị vẫn chưa xong! Người đàn ông gần 70 tuổi lại lên rừng xuống biển, ông nói không có thời gian đi khám bệnh. Ông thích sự yên tĩnh của núi rừng hoang dã, chẳng ưa ồn ào náo nhiệt chốn phồn hoa! Vị sơn nhân này được đất trời chăm sóc, thật là:

Nhân tình sâu đậm rồi cũng nhạt
Tiêu dao nhàn tản vẫn là hơn!

Tuyển tự “Minh Huệ Châm Đạo-Vận Nhu Thành Cương”/ Nhà xuất bản Bác Đại, Đài Loan.

Ôn Tần Dung - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thế nào là người có thân hình ‘vẹn toàn’?