Truyền kỳ về Đổng Phụng: Cải tử hoàn sinh cho Thái thú Giao Châu Sĩ Nhiếp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông là bậc Thần y trứ danh thời Tam Quốc và cuối thời Đông Hán, được người đời tôn xưng là một trong “Kiến An tam Thần y”. Cuộc đời của ông đã để lại rất nhiều kỳ tích phi thường. Ông chính là Đổng Phụng.

Chân nhân đắc Đạo

Vào những năm cuối thời Đông Hán, Đổng Phụng nổi danh ở đất Ngô phương nam, ông cùng với Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh được người đời tôn xưng là “Kiến An tam Thần y”.

Đổng Phụng xuất thân từ huyện Hầu Quan (nay là thành phố Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến), từng tu Đạo từ khi còn rất trẻ. Khi 40 tuổi ông thường giao du với một vị huyện lệnh trẻ tuổi lúc đương thời. Sau này vị huyện lệnh rời khỏi Hầu Quan, hơn 50 năm sau mới có dịp về thăm chốn xưa. Ông ghé thăm những người bạn cũ ở Hầu Quan, thấy ai nấy đều đã già lụ khụ, tóc bạc lưng còng, chân chậm mắt mờ, duy chỉ có Đổng Phụng là vẫn trẻ trung tráng kiệt như thuở nào.

Vị huyện lệnh kinh ngạc hỏi Đổng Phụng: “Ngài có Đạo thuật gì cao siêu đến vậy? Xưa kia tôi gặp ngài, thấy dung mạo ngài vẫn hệt như thế, mà giờ đầu tôi đã bạc trắng, còn ngài thì tóc vẫn xanh, vì sao vậy?”.

Đổng Phụng mơ hồ đáp: “Chỉ là tình cờ mà thôi!”.

Đổng Phụng là bậc Chân nhân tu Đạo có thành tựu, ông đã lưu lại rất nhiều Thần tích ở nước Ngô, sau này khi ông đến Giao Châu khu vực giao giới với lãnh thổ Việt Nam ngày nay, ông cũng để lại rất nhiều câu chuyện truyền kỳ.

Giúp Sĩ Nhiếp cải tử hoàn sinh

Vào năm Trung Bình thứ tư (năm 187), Hán Hoàn Đế phong cho Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Châu, đưa gia tộc Sĩ Nhiếp trở thành người cai trị của cả vùng đất Giao Châu rộng lớn.

Sĩ Nhiếp tấm lòng khoan hậu rộng rãi, tính cách khiêm nhường nhã nhặn, rất nhiều nhân sĩ từ Trung Nguyên về phương nam lánh nạn đều đến nương nhờ ông. Bản thân Sĩ Nhiếp cũng yêu thích tìm tòi, ham học hỏi, có học vấn uyên bác. Tại Giao Châu, ông đã thực thi rất nhiều chính sách tiến bộ nên được hậu thế tôn vinh là “Nam Giao học tổ”, những năm dưới quyền Sĩ Nhiếp, bách tính an cư lạc nghiệp, dân tị nạn từ phương xa đến cũng được sống yên ổn, nhờ đó trong những năm chiến tranh thời Tam Quốc, bờ cõi Giao Châu vẫn bình yên không xảy ra loạn lạc.

“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” chép: "Vương (Sĩ Nhiếp) độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương. Danh sĩ Nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người".

Trong nhiều năm liền gia tộc họ Sĩ làm chủ cả vùng đất Giao Châu, dần dần không còn chịu lệ thuộc vào nhà Hán ở phương bắc, có quyền tự do tự quyết như một bậc đế vương vậy. Một vị quan nhà Hán là Viên Huy kể rằng: Anh em Sĩ Nhiếp làm quan coi quận, hùng cứ một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai sánh bằng. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, oai phong lẫm liệt, kèn sáo thổi vang, binh mã hoành tráng, xe ngựa dập dìu, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương chúc tụng thường có đến mấy mươi người, người đương thời ai ai cũng quý trọng, ai ai cũng tín phụng.

Một lần, Sĩ Nhiếp mắc bạo bệnh rồi qua đời, nhưng dương số vẫn còn, vận mệnh của ông vẫn chưa tận. Hay tin, Đổng Phụng bèn đến trước quan tài, đặt một viên thuốc vào trong miệng Sĩ Nhiếp rồi nâng đầu ông ta lên và lắc lắc vài cái. Một lát sau, Sĩ Nhiếp liền mở mắt, hai tay có thể cử động, sắc mặt cũng dần dần hồng hào trở lại. Sau nửa ngày ông đã có thể ngồi dậy, đến ngày thứ tư thì đã có thể nói chuyện được.

Sĩ Nhiếp từ từ tỉnh dậy rồi kể lại rằng: “Trong lúc chết tôi thấy mình mơ màng giống như trong giấc mộng vậy. Tôi thấy có khoảng mười người mặc áo đen kéo tôi lên xe rồi dẫn vào trong một cánh cửa rất lớn màu đỏ thậm, tôi bị nhốt trong một căn phòng giam chỉ vừa đủ chứa được một người. Sau đó những người kia dùng đất phong kín cánh cửa từ bên ngoài, kín đến mức ánh sáng không thể lọt vào. Không lâu sau tôi đột nhiên nghe thấy có người nói: “Cần cho gọi Sĩ Tiếp đến”, bên ngoài vọng lên tiếng đào đất, rất lâu sau tôi mới được đưa ra ngoài. Tôi nhìn thấy một chiếc xe ngựa màu đỏ, trên xe có ba người, một người cầm phù tiết gọi tôi lên xe. Khi xe phi đến cửa thì tôi liền sống dậy”.

(Ảnh minh họa: Bảo tàng Cố cung Đài Bắc)

Như chim bay đến, giả chết mà đi

Vì để cảm tạ ơn cứu mệnh của Đổng Phụng, Sĩ Nhiếp đã cho xây một tòa lầu ngay trong sân đình để tiện bề hầu hạ. Đổng Phụng không đòi hỏi cao lương mỹ vị, ông thường ngày chỉ ăn vài quả táo khô và uống một chút rượu. Sĩ Nhiếp ngày ngày đều chu cấp cho ân nhân đầy đủ ba bữa, nhưng mỗi lần đến ăn Đổng Phụng giống như chim bay đến, ăn xong lại bay đi, đi đi về về nhẹ nhàng đến mức không một ai hay biết.

Cứ như vậy trải qua hơn một năm, một ngày Đổng Phụng đến từ biệt Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp nhận được hung tin thì giọt ngắn giọt dài nhưng rốt cuộc vẫn không thể giữ chân được Đổng Phụng. Sĩ Nhiếp hỏi Đổng Phụng rằng muốn đi đâu? Rằng ngài có cần một chiếc tàu lớn hay không? Đổng Phụng nói: “Không cần thuyền, chỉ cần một cỗ quan tài là đủ”.

Sĩ Nhiếp liền chuẩn bị một cỗ quan tài, đến trưa ngày hôm sau thì Đổng Phụng từ trần, Sĩ Nhiếp nén đau thương đem quan tài đi an táng chu đáo.

Bảy ngày sau, bỗng có người đến gặp Sĩ Nhiếp và kể lại rằng: “Đổng Phụng tiên sinh dặn tôi hãy thay mặt ông ấy đến cảm tạ ngài, mong ngài hãy chăm sóc cho bản thân cho thật tốt”.

Sĩ Nhiếp vô cùng kinh ngạc, ông vội vã mở quan tài ra xem thì phát hiện bên trong chỉ là một tấm lụa.

Vì dân trừ độc xà

Sau này Đổng Phụng vẫn hành tẩu giữa nhân gian, đã vì dân trừ hại mà lưu lại rất nhiều sự tích.

Một lần khi đi qua thành Tầm Dương, Đổng Phụng thấy rằng dưới cây cầu thông đến Đông Môn có xà tinh đang quấy nhiễu hại dân lành. Đổng Phụng liền mang theo phù thư lặn xuống sông, chỉ vài ngày sau, người trên bờ phát hiện xác một con rắn rất lớn nổi lên khỏi mặt nước.

Ở quận Tấn Hưng, cách đường Nhiêm Xà Lĩnh chừng 50 dặm thường có quái thú hại người. Không ai biết đó là quái thú nào, chỉ biết nó là một sinh vật cự đại, thân dài hơn mười trượng, rất nhiều người tiên phong đi trước để mở đường nhưng chỉ có đi mà không thấy trở về. Trải qua nhiều năm như thế, đã có vô số người mất tích trên chặng đường này.

Vừa hay lúc ấy Đổng Phụng rời khỏi Giao Châu đi ngang qua nơi này, ông liền kinh ngạc thốt lên: “Đích thị là Can Xà!”.

Sau đó, ông dừng chân và tìm nơi nghỉ trọ. Đêm ấy Đổng Phụng thi triển thần thông, đến sáng hôm sau người ta thấy xác một con rắn lớn, xung quanh là xương trắng chồng chất, nhiều năm qua đã tích tụ thành một đồi bạch cốt.

Hổ canh giữ Hạnh lâm

Sau này Đổng Phụng trở về cư trú dưới chân núi Lư Sơn, ông ngày ngày đều trị bệnh cho dân mà không lấy dù chỉ một đồng. Ông chỉ có một yêu cầu: Người bệnh nặng nếu khỏi thì hãy trồng năm cây hạnh làm hồi báo, người bệnh nhẹ chỉ cần trồng một cây.

Vài năm sau, số cây hạnh trồng được đã lên đến hơn mười ngàn cây, cành lá um tùm tươi tốt như một khu rừng. Chim chóc muông thú trên núi đều tập trung về đây chơi đùa, chạy nhảy, trong rừng không bao giờ thấy cỏ dại, mọi thứ như thể đã được sắp xếp ngăn nắp vậy.

Những quả hạnh chín sau khi thu hoạch, Đổng Phụng liền dựng một gian nhà cỏ trong rừng để “bán” hạnh. Ông nói với mọi người rằng: “Ai muốn mua hạnh thì không cần nói với tôi, chỉ cần đổi một giỏ ngũ cốc lấy một giỏ hạnh là được rồi.”

Khi có người đem ít ngũ cốc mà đổi lấy nhiều quả hạnh, thì đàn hổ trong rừng liền xuất hiện và gầm lên giận dữ rượt đuổi theo. Người ấy sợ đến mức cuống quýt xách giỏ chạy như bay, trong lúc vội vàng bị té ngã khiến quả hạnh trong giỏ văng ra tung tóe đầy mặt đất, nhưng vì sợ hổ mà họ không dám nhặt lên. Mãi khi về đến nhà, họ mới phát hiện số quả hạnh còn lại bằng đúng với số ngũ cốc đem đi đổi lúc đầu.

Đàn hổ canh giữ Hanh lâm. (Tranh: Mai Khê Tử - Epoch Times)

Nếu có kẻ gian lấy trộm hạnh, đàn hổ sẽ đuổi theo anh ta một mạch về đến tận nhà rồi cắn chết. Người nhà vội vàng trả lại hạnh và khấu đầu tạ tội, sau đó kẻ trộm quả kia cũng liền sống dậy.

Đổng Phụng đổi hạnh lấy ngũ cốc, số ngũ cốc ấy đều được đem đi cứu tế những người bần cùng và lữ khách gặp hoạn nạn trên đường. Mỗi năm số ngũ cốc cứu tế lên đến hơn hai mươi ngàn hộc. Đổng Phụng ngày ngày hành thiện tích đức, mặc dù đã sống hơn 300 năm nhưng dung mạo của ông vẫn trẻ trung như mới ngoài 30 tuổi. Một ngày, ông cưỡi mây bay lên trời, từ đó không ai còn nghe thấy tung tích nào về ông nữa.

Câu chuyện Đổng Phụng hành nghề y, trồng hạnh, làm việc thiện đã được lưu truyền trong dân gian. Hậu nhân có câu “Hạnh lâm xuân noãn” (rừng hạnh ấm áp mùa xuân) để ca tụng đức hạnh của những bậc lương y, cũng từ đó hai chữ “hạnh lâm” đã trở thành cách gọi thay thế cho nghề y.

Theo nhiều tư liệu điển tịch của Đạo giáo, Đổng Phụng sau khi bạch nhật phi thăng đã quy vị trở thành “Bích Hư Thượng Giám Thái Ất Chân Nhân”.

Minh Tâm
Theo Lý Dực Vân - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Truyền kỳ về Đổng Phụng: Cải tử hoàn sinh cho Thái thú Giao Châu Sĩ Nhiếp