Câu chuyện luân hồi: Một chàng, hai thiếp, ai sầu hơn ai? (2/4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân sinh nếu chỉ gặp nhau rồi nở nụ cười, có lẽ sẽ không có quá nhiều phiền não. Nhưng nếu giữa người với người nhất định cứ phải đối đầu với nhau thì sẽ để lại rất nhiều bi kịch…

Lam Hinh uống thuốc xong liền tỉnh lại, cô nói với cha mẹ rằng cô rất nhớ Khang Nhiêu, chỉ muốn trở về ngay lập tức. Lam mẫu khuyên nhủ: “Con ta thân thể suy nhược, chịu sao nổi cảnh xe cộ đường dài? Chờ đến khi bệnh tình khỏi đã rồi hẵng về con ạ”.

Vài tháng sau, Lam mẫu vui mừng khôn xiết khi nhận ra con gái ăn được nhiều hơn trước. Nhưng Lam Hinh chỉ nói: “Con chỉ mong sao thật nhanh khỏi để quay về gặp lại lang quân”.

Lam mẫu kinh ngạc. Nhớ lại lời vị tăng nhân từng nói, bà thầm nghĩ: Chẳng lẽ đây chính là phép lấy độc trị độc, lấy tình đả tình? Vì muốn con gái xem nhẹ ái tình, Lam mẫu liền nói: “Con quay về rồi, nhưng chồng con vị tất sẽ lại ở bên con? Khang Nhiêu còn phải chăm sóc cho Tịch Thị và con cái nữa chứ”.

Lam Hinh sợ hãi, nước mắt cứ lăn dài trên má. Lam mẫu nói: “Con của ta khi mới kết hôn cuộc sống rất ngọt ngào, vậy nên rất ít khi về nhà thăm cha mẹ. Nhưng từ khi có Tịch Thị, con ta lại thường xuyên về nhà, lần nào cũng mặt ủ mày chau, thân thể ngày càng héo hon tiều tụy. Người phụ nữ nếu cứ để nỗi khổ chất chứa trong lòng thì sẽ có thể giết chết chính mình”.

Lam Hinh hỏi: “Mẹ biết nỗi đau trong lòng con thật sao?”

Lam mẫu gật đầu.

Lam Hinh nói: “Mẹ ạ, nỗi khổ ấy đã bao trùm lấy con. Nỗi cô đơn tịch mịch suốt đêm dài dằng dặc giống như từng lớp, từng lớp kén quấn chặt con lại. Mỗi ngày đều trôi qua trong ảm đạm, trong lòng con đã không còn ánh sáng nữa rồi. Đó thực sự là một cảm giác giày vò khủng khiếp. Lần nào nghe thấy tiếng cười cười nói nói của Khang Nhiêu và Tịch Thị, con cũng vội tránh đi, nhưng thanh âm ấy vẫn cứ theo con như hình với bóng, giằng xé trái tim con. Có lúc ở bên hồ nước, con đã nghĩ: Chỉ cần ngã xuống một cái, chết đuối rồi là sẽ không còn khổ nữa. Con cũng từng vài lần nghĩ đến cái chết, nhưng lại không dám vì sợ cha mẹ đau lòng. Nhưng còn sống thì ngày nào cũng phải gắng gượng, không biết đến khi nào mới hết”.

Lam mẫu nghe con gái kể mà lòng như dao cứa, bà cố đè nén nỗi bi thương khuyên nhủ con: “Ngày mai mẹ dẫn con lên Phật đường niệm kinh, mẹ tin rằng Phật Chủ từ bi sẽ giúp con của mẹ được giải thoát”.

Hôm sau, hai mẹ con lên Phật đường quỳ bái trước tượng Phật. Họ cứ niệm, cứ niệm, riêng Lam Hinh cảm thấy đầu mình cứ nặng trĩu. Trong lúc mơ mơ màng màng cô thấy trước mắt hiện ra những kỷ niệm ngày xưa, cô hạnh phúc ở bên Khang Nhiêu, hai vợ chồng phu thê ân ái, trong lòng không khỏi luyến tiếc quá khứ đầy tươi đẹp.

(Ảnh: Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Cô cứ miên man suy nghĩ, bất chợt trước mắt lại xuất hiện hình ảnh Khang Nhiêu và Tịch Thị đang ở bên nhau, cảnh này nối tiếp cảnh kia. Lam Hinh lập tức cảm thấy khó thở, trái tim như nghẹn lại, toàn thân không còn sức lực, cô cứ ngồi đờ đẫn ở Phật đường.

Lam mẫu nhìn con gái với ánh mắt nghiêm túc, trong khi miệng vẫn không ngừng niệm kinh. Lam Hinh cũng cố mở miệng tụng kinh nhưng lại không thể phát ra thành tiếng. Mồ hôi cứ thế túa ra đầm đìa, gắng gượng mấy cũng không thể ngồi vững. Lam mẫu vừa niệm kinh vừa đỡ lấy con gái, nhẹ nhàng để Lam Hinh ngồi dựa vào mình.

Lam Hinh chỉ thấy trời đất quay cuồng rồi hình thành một vòng xoáy màu đen cuốn cô vào trong đó. Càng tiến vào sâu hơn thì trái tim cô lại càng trượt sâu xuống dưới, nhưng rơi mãi rơi mãi mà vẫn không chạm đáy.

Trong quá trình rơi xuống đáng sợ ấy, Lam Hinh cảm nhận rõ ràng cả gia đình chồng đang ở bên nhau cười cười nói nói, chẳng màng tới nỗi nguy hiểm mà cô phải đối mặt. Điều ấy khiến Lam Hinh lại càng thêm tuyệt vọng. Khi cảm thấy sinh mệnh dường như sắp kết thúc, cô lại thấy mẫu thân đang trang nghiêm niệm kinh, từ miệng bà bay ra những sợi chỉ màu vàng kim. Những sợi chỉ ấy vươn dài ra rồi buộc chặt lấy cô, kéo cô lên khỏi vực thẳm. Mãi đến lúc này thâm tâm cô mới dần dần bình yên trở lại.

(Ảnh: Khu vực công cộng)

Không biết trải qua bao nhiêu lâu, Lam Hinh lại cảm thấy tinh thần mệt mỏi, sức lực cạn kiệt, giống như con cá nằm phơi mình trên bãi cát, hơi thở yếu ớt trông vô cùng đáng thương. Sau đó cảnh vật trước mắt lại khôi phục trở lại bình thường. Cô nói với mẹ: “Con cảm thấy như mình đã chết đi vậy”.

Lam mẫu khuyên nhủ: “Con à, con hãy nghĩ một chút, nếu con không còn nữa thì người đau lòng nhất chính là cha mẹ. Con người ta sống không phải đơn giản chỉ vì bản thân mình, mà còn vì người khác nữa. Con cần phải kiên cường hơn nữa, rộng lượng hơn nữa, khi ấy không ai có thể làm con gục ngã được, chỉ sợ con lại tự khiến bản thân gục mã mà thôi”.

Lam Hinh nói: “Con sẽ vực dậy được thôi, nhưng con cần một chút thời gian, xin mẹ hãy giúp con”.

Lam mẫu nhìn khuôn mặt xanh xao tái nhợt của con gái và gật đầu.

Cứ như thế, Lam Hinh và mẹ cùng nhau niệm kinh trước Phật đường suốt nửa tháng trời. Trong thời gian ấy có đôi lần cô cảm thấy suy sụp. Một lần, Lam Hinh buột miệng nói: “Con chỉ hận không thể khiến Khang Nhiêu chết đi”.

Lam mẫu kinh hãi mặt biến sắc: “Con ta sao lại nói ra những lời như thế? Lẽ nào đã bị ma tình làm u mê rồi sao?”

Lam Hinh khóc rằng: “Con nói như vậy, là bởi vì trong lòng quá đau khổ. Nếu con nói là chỉ muốn bản thân mình chết đi thì mẹ có dễ chịu hơn không?”

Lau mẫu chảy nước mắt, trầm mặc không nói lời nào.

Một lần khác Lam Hinh nói: “Mẹ ơi, con không muốn niệm kinh nữa, hễ niệm là các loại ý nghĩ hỗn loạn đều ập đến, khiến con không sao giữ vững được tâm mình. Con không muốn ở Phật đường dù chỉ một khắc, lúc nào cũng chỉ muốn chạy thoát ra ngoài”.

Lam mẫu khuyên: “Con của mẹ, con nhất định phải chiến thắng vọng niệm, diệt trừ hết những tạp niệm của bản thân thì tâm mới có thể giải thoát được”.

Lam Hinh khẽ gật đầu.

Cứ như thế lại hơn chục ngày trôi qua. Một ngày, Lam Hinh nói với mẫu thân rằng: “Trong một tháng qua, con thấy cả thân lẫn tâm đều mệt mỏi, lúc nào cũng cố hết sức bài xích các loại vọng niệm trong đầu. Nhưng đến hôm nay con lại cảm thấy có cảm giác giải thoát, trong lòng sinh ra một thứ sức mạnh đang trợ giúp cho mình. Con cảm thấy con đã không còn bị cái tình mãnh liệt tác động nữa rồi”.

Lam mẫu mừng rỡ nói: “Phật Chủ thương xót con của mẹ, con gái mẹ đã chiến thắng những vọng niệm ấy rồi! Bản chất của sinh mệnh là thuần tịnh, thiện lương. Nếu con có thể tĩnh tâm xuống, con sẽ phát hiện ra rằng Khang Nhiêu đối với con vẫn hệt như xưa. Con người mà, ai cũng muốn giữ lấy cái tình, không cho tình phai nhạt, nhưng đây lại là điều không thể! Con hãy mở rộng lòng mình hơn nữa, con sẽ thấy mọi thứ đều thay đổi”.

Lam Hinh nói: “Sự ích kỷ của người phụ nữ thực sự là liều thuốc độc làm hại bản thân. Con luôn hy vọng được ở bên Khang Nhiêu mãi mãi, nhưng từ khi Tịch Thị vào nhà, mỗi ngày con đều thống khổ, trong lòng đầy đố kỵ, cảm giác đau đớn trong tim khiến con quên mất nữ đức, hiếu nghĩa… Nhưng giờ thì con ổn rồi mẹ ạ. Tuy nói là vậy, nhưng có lẽ khi gặp Khang Nhiêu con vẫn còn động tâm. Giá như tâm bất động thì tốt biết bao”.

Lam mẫu nói: “Nếu con làm được như thế thì chẳng phải đã tu thành rồi sao? Phu thê là duyên phận, trong tâm luôn thiện lương, lòng luôn bao dung đại độ thì chẳng phải sẽ càng tốt hơn sao? Nếu như con có thể coi bản thân mình là em gái hoặc chị gái của Khang Nhiêu, vậy thì con sẽ đối đãi thế nào với Tịch Thị?”

Lam Hinh cảm thấy phấn chấn: “Ý nghĩ ấy rất hay. Nếu có được suy nghĩ ấy thì trong lòng sẽ không còn phiền não nữa. Đa tạ mẫu thân đã điểm tỉnh cho con”.

Lam mẫu cười: “Sao phải nói đến hai chữ cảm ơn cơ chứ? Con gái sống vui vẻ thì mẹ càng vui vẻ. Con gái không hạnh phúc thì mẹ sao có thể an lòng được đây?”

(Còn tiếp)

Theo Ức Trần - Epoch Times

(Bài gốc đăng trên Zhengjian.org)
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện luân hồi: Một chàng, hai thiếp, ai sầu hơn ai? (2/4)