Câu chuyện luân hồi: Một chàng, hai thiếp, ai sầu hơn ai? (1/4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân sinh nếu chỉ gặp nhau rồi nở nụ cười, có lẽ sẽ không có quá nhiều phiền não. Nhưng nếu giữa người với người cứ nhất định phải đối đầu thì sẽ để lại rất nhiều bi kịch…

Vào thời Bắc Tống, ở Sơn Đông có một gia đình phú hộ. Gia chủ Khang Thành Hải có một người con trai tên là Khang Nhiêu. Khang Nhiêu tuổi vừa 17, là một chàng trai anh tuấn, lịch thiệp, không chỉ học rộng tài cao, tri thức uyên bác, mà ngôn hành cử chỉ cũng được mọi người khen ngợi.

Bạn thân của Khang Thành Hải là Lam Phục Bình, sinh được người con gái đặt tên là Lam Hinh. Lam Hinh dù chỉ mới 15 tuổi nhưng lại toát lên vẻ thanh cao, duyên dáng, đặc biệt có khí chất hơn người. Khang Thành Hải vừa gặp Lam Hinh đã cảm thấy vô cùng yêu mến, ông bèn ngỏ lời với người bạn thân của mình để hai nhà kết thành thông gia. Lam Phục Bình nghe xong liền vui vẻ nhận lời.

Khang Thành Hải biết được bát tự (ngày giờ sinh) của Lam Hinh, bèn trở về nhà mang theo bát tự của cả Lam Hinh và con trai mình đến hỏi thầy tướng số. Thầy tướng số nói: “Hai đứa trẻ rất hợp kết thành phu thê. Chỉ có điều, e rằng hơn mười năm nữa cô gái sẽ gặp phải chuyện chẳng lành, nhưng con trai họ sinh ra lại có được tiền đồ quang minh, tương lai rộng mở”.

Khang Thành Hải trầm mặc suy nghĩ, nhưng chỉ dám chôn chặt mọi chuyện trong lòng. Sau đó, hai gia đình cùng chuẩn bị hôn sự. Vào ngày lễ vu quy, tiếng trống nhạc rộn ràng, mọi người cùng nâng ly chúc tụng, từ hôm nay Lam Hinh sẽ chính thức gả vào nhà họ Khang.

Từ khi bước vào nhà họ Khang, Lam Hinh luôn hiếu kính cha mẹ chồng, mọi việc lễ nghi cô đều một tay lo liệu chu toàn. Thêm vào đó Lam Hinh lại có tài nữ công gia chánh, làm gì cũng tinh xảo, khéo léo, lại tinh thông cả cầm, kỳ, thư, họa, nên được cha mẹ chồng vô cùng trân trọng. Khang Nhiêu yêu vẻ ngoài xinh đẹp của vợ và yêu cả tài hoa của nàng. Những đêm trăng sáng, hai vợ chồng chàng chàng thiếp thiếp, cùng nhau thưởng nguyệt ngắm hoa. Khi ở chốn thư phòng, hai vợ chồng lúc thì đàm cổ luận kim, lúc lại ngâm thơ thưởng trà, mỗi ngày trôi qua đều thư thái, thỏa lòng.

(Ảnh: Bảo tàng Cố cung Quốc lập)

Từ khi Lam Hinh bước vào cửa hào môn, mẹ chồng luôn trông ngóng con dâu sẽ sớm ngày hoài thai, sinh được quý tử. Nhưng đã ba năm trôi qua mà Lam Hinh vẫn chưa có tin vui, Khang mẫu càng thêm sốt sắng, bắt đầu nghĩ đến chuyện bảo con trai nạp thiếp. Nhưng Khang Thành Hải đã kịp thời ngăn lại: “Bà bất tất phải lo lắng như thế. Nhớ lại ngày xưa, chẳng phải chúng ta kết hôn 5 năm rồi mới có Nhiêu nhi đó sao? Tôi thấy con dâu có tướng sinh được nhiều con, vậy nên không cần phải gấp gáp làm gì”.

Đến năm thứ 4, Khang Thành Hải đột ngột mắc bệnh rồi qua đời. Trước lúc lâm chung ông dặn vợ rằng: “Sau khi tôi chết, cho dù có chuyện gì xảy ra thì bà cũng không được để ai thay thế vị trí chính thất của con dâu”.

Khang mẫu gật đầu đáp ứng.

Một năm sau, Khang mẫu gọi riêng con trai đến và nói rằng: “Đêm qua mẹ nằm mộng thấy có con cháu vây quanh, trong tâm mẹ vui lắm, nhưng tỉnh dậy rồi lại cảm thấy thê lương. Con kết hôn đã 5 năm rồi mà vẫn chưa có con nối dõi, khiến mẹ lại càng thêm cô đơn hiu quạnh. Con xem, nếu con ưng cô bé nào thì cứ nói với mẹ, mẹ sẽ đứng ra làm chủ, nạp cô ấy về làm phó thất cho con”.

Khang Nhiêu thấy vẻ mặt mẹ rất nghiêm túc nên không dám cãi lời, chỉ vâng vâng dạ dạ rồi rời đi. Nhưng trở về phòng rồi anh lại cảm thấy khó xử không biết làm sao mở lời với Lam Hinh.

Khang mẫu thấy con trai không dám nói, bà liền đích thân nói với con dâu. Lam Hinh quỳ xuống thưa: “Hinh nhi vô đức, đã kết hôn rồi mà vẫn chưa sinh con khiến mẹ phải âu sầu, trong lòng thật thực hổ thẹn vì không xứng với tình yêu thương của mẹ. Lời mẹ dạy rất đúng, việc này Hinh nhi xin nhờ mẹ đứng ra làm chủ, con tuyệt đối không dám trái lời”.

Khang mẫu liền nhờ người làm mối, còn Khang Nhiêu cũng không dám phật ý mẫu thân, liền cưới Tịch Phương Thù làm tiểu thiếp. Tịch Thị có vẻ ngoài vô cùng xinh đẹp, nhưng trong lòng lại lắm mưu nhiều kế, thường hay tìm cách lấy lòng Khang Nhiêu. Tịch Thị hay làm nũng, khéo nói lời ngon ngọt, vậy nên Khang Nhiêu cảm thấy ở Tịch Thị có một hương vị khác biệt.

Khi Khang Nhiêu và Lam Hinh cùng thưởng trà vẽ tranh, Tịch Thị lại ăn mặc lộng lẫy đến “xin thỉnh giáo”, nhưng sau đó lại chần chừ không chịu rời đi. Tịch Thị cố ý tựa sát vào Khang Nhiêu, cử chỉ lả lướt, lời nói đường mật. Lam Hinh cảm thấy khung cảnh đã mất đi ý họa tình thơ nên cũng không còn cảm hứng, liền tìm cớ rời đi. Sau vài lần như vậy, Lam Hình đã không còn cùng chồng ngâm thơ thưởng trà nữa, cô chỉ đành thui thủi một mình gặm nhấm nỗi niềm riêng.

Đến tối, Khang Nhiêu muốn ngủ trong phòng của Lam Hinh, nhưng Tịch Thị khi thì lấy cớ là gặp ác mộng, khi lại mượn lý do bụng dạ khó tiêu để sai nha hoàn đến gọi Khang Nhiêu về. Những lúc ấy Lam Hinh lại thúc giục Khang Nhiêu đi chăm sóc cho Tịch Thị.

Vào một buổi tối, Khang Nhiêu đến chỗ của Lam Hinh, miệng không ngừng ngáp ngắn ngáp dài. Lam Hinh cười và nói với anh: “Chàng đến phòng em Thù đi, kẻo vừa nằm xuống rồi lại phải trở dậy, ảnh hưởng đến giấc ngủ”.

Khang Nhiêu luôn miệng đáp: “Không, không!”

Lam Hinh thổi một hơi tắt đèn và nói: “Tướng công cứ ngồi dậy chờ một lát, xem xem thế nào”.

Quả nhiên chẳng bao lâu sau, nha hoàn của Tịch Thị lại chạy đến gõ cửa: “Nhị nương đau tim, mời lão gia ghé qua”.

Khang Nhiêu lại tức tốc chạy ra ngoài.

Tịch Thị làm dâu được 5 tháng liền mang thai, từ khi có thai cô lại càng đòi hỏi chồng phải ở bên mình, rằng phải có chồng nằm bên cạnh thì mới thấy yên bình, mới có thể ngủ ngon được. Khang mẫu cũng nhắc nhở con trai phải thường xuyên ở bên cạnh Tịch Thị.

Cứ như vậy rồi cũng đến khi Tịch Thị sinh con, cả nhà đều vui mừng chào đón thành viên mới.

Từ ngày ấy, Khang mẫu đặt toàn bộ tâm tư vào đứa cháu trai, còn Khang Nhiêu vì lần đầu làm bố nên cũng vô cùng hoan hỉ, anh đặt tên cho con trai là Khang Lạc. Khi Lam Hinh đến thăm đứa trẻ, Tịch Thị nói xa nói gần, vừa như hữu ý lại vừa như vô ý động đến nỗi buồn của Lam Hinh: “Chị thích trẻ con như vậy, vậy thì chị cũng sinh lấy một đứa, kẻo Khang Lạc sau này lại không có bạn chơi cùng”.

Lam Hinh nghe xong trong tâm không khỏi chạnh lòng.

Vào ngày lễ, mọi người trong nhà đều hân hoan vui vẻ, Tịch Thị cũng có ý thể hiện công lao của mình. Lam Hinh cảm thấy bản thân không có phần trong đó, liền uống thêm vài ly rồi rời đi trước. Tịch Thị lại bế con đến bên Khang Nhiêu, khiến Khang Nhiêu không thể rút lui để đến bên cạnh Lam Hinh được.

Lam Hinh là cô gái nặng tình, vì không nhận được tình yêu của chồng và sự chấp nhận của mẹ chồng nên trong tâm luôn cảm thấy cô đơn tịch mịch, cơ thể cũng ngày càng héo hon.

Đôi lúc cô cầm bút viết thơ, nhưng thơ của cô đã không còn phong vị như trước nữa. Trước đây từng câu từng chữ viết ra đều thanh nhã, bình hòa, nhưng hiện nay lại có ý chua xót. Ví dụ như:

“Quyện cầm họa, lãn sơ trang, tâm lý địa nhi bội thanh lương, kỷ khỏa châu ngọc lạc tai bàng” (Lòng chán nản chẳng còn muốn chơi đàn vẽ tranh, cũng chẳng màng chải chuốt điểm trang, trong tâm thêm lạnh lẽo, giọt châu bên má rơi).

“Tiếu ngữ ôn tình kim khứ liễu, tịch mịch hựu nhiễm thê lương” (Tiếng cười và những lời ấm áp nay đã hết, trong cô đơn tịch mịch ta lại càng thê lương)

“Hương xa lan chu không không thặng mộng, yến nhi song phi tiếu nô thương, nhất chẩm hoàng lương” (Xe thơm thuyền lan trống rỗng chỉ còn lại giấc mộng, đôi én cùng bay cười nỗi đau của ta, hết thảy chỉ là giấc mộng kê vàng)

Khang Nhiêu đọc thơ Lam Hinh viết, trong lòng khó tránh khỏi xót xa.

Chuyện tình Văn Quân - Tương Như 4
(Ảnh: pngtree)

***

Khi em gái xuất giá, hoặc lúc em trai sinh con, Lam Hinh lại có cớ để về nhà mẹ đẻ ở lâu hơn một chút. Trong lúc ấy Tịch Thị ở nhà sinh được con gái và đặt tên là Khang Mai. Lúc này Tịch Thị vừa có con trai lại vừa có con gái, nếp tẻ đều đủ, trong lòng vô cùng đắc chí liền có ý muốn được lập làm chính thất. Tịch Thị dùng lời thăm dò nhưng Khang Nhiêu lại không hề đả động đến chuyện này, mẹ chồng cũng không nói, Tịch Thị thấy vậy trong lòng lại càng thêm sốt sắng.

Đến năm thứ 9 sau khi Lam Hinh kết hôn, cha cô Lam Phục Bình bất ngờ ngã bệnh, Lam Hinh lại ở nhà mẹ đẻ để tiện chăm sóc cho cha. Đến khi bệnh tình của cha thuyên giảm thì bản thân cô lại đổ bệnh, nằm bệt trên giường không dậy được. Khang Nhiêu đến đón Lam Hinh về, nhưng Lam Hinh không ra gặp chồng mà chỉ nhờ mẹ chuyển lời với Khang Nhiêu rằng, chờ bệnh khá hơn rồi sẽ gặp. Khang Nhiêu không còn cách nào khác đành quay về nhà. Khang Nhiêu đi rồi, Lam Hinh trong tim như dao cứa, một mình lặng lẽ khóc thầm.

Bệnh của Lam Hinh cứ kéo dài mãi không khỏi, cha mẹ cô vô cùng lo lắng. Một ngày có vị tăng nhân vân du qua đó, Lam Phục Bình bèn mời ông vào nhà, kính cẩn dâng lên bữa cơm chay. Vị tăng nhân ăn xong, thấy Lam Phục Bình mặt mày ủ dột ông liền hỏi duyên cớ. Lam Phục Bình bèn kể về bệnh tình của con gái, vị tăng nhân nói rằng ông có thể giúp được. Lam Phục Bình mừng rỡ liền dẫn ông đến bên ngoài khuê phòng của Lam Hinh. Vị tăng nhân đứng ngoài cửa cao giọng ngâm bài kệ:

Thế nhân giai vi tình sở nhiễu, bất tri tự thân nãi thị bảo
Nhĩ khứ hà nhân nhạc khai hoài, thế thượng tình duyên tri đa thiểu
Ngã khuyến giai nhân mạc phiền não, tĩnh tu khứ tình ác tự liễu
Thử thân kí dĩ nhập trần thế hình, tiêu cốt lập không tự nhiễu
Vạn sự khán khai tâm cảnh khoan, nhãn tiền thiên địa tẫn tri hiểu.

Tạm dịch:

Con người thế gian đều bị tình quấy nhiễu, lại không biết thân thể mình vốn là bảo vật
Cô đi rồi ai người vui vẻ, ai người nhớ nhung? Tình duyên trên thế gian biết được bao nhiêu?
Ta khuyên giai nhân chớ phiền não, tĩnh tu bỏ tình ác tự tiêu
Tấm thân này đã nhập hồng trần, thân hình gầy guộc do tự mình vướng bận
Mở rộng tâm cảnh nhìn vạn sự, thì thiên địa trước mắt đều hiểu cả.

Lam Hinh nghe xong, trong tâm bỗng cảm thấy nhẹ nhõm. Vị tăng nhân lại hát thêm một lượt nữa, từng câu từng chữ Lam Hinh đều ghi nhớ trong lòng.

Vị tăng nhân nói với Lam Phục Bình: “Bệnh của tôn nữ chỉ là tâm bệnh, là do tình mà ra. Bần tăng thấy khuê phòng tràn ngập u uất và oán khí, vậy nên cần lấy tình đả tình mới có thể hóa giải được”.

Nói xong, ông lại lấy từ trong chiếc túi rách ra một chiếc bình sứ nhỏ và một viên thuốc màu đen. Ông nói:

“Chiếc bình này chứa hơi nước tụ lại từ tình duyên bốn bể, còn viên thuốc này là kết tinh của tình duyên chín châu nơi trần thế, đã trộn lẫn với vật chất của thế gian. Thí chủ hãy cho tôn nữ uống thuốc ấy, khi có được cảm giác giải thoát rồi thì nhớ niệm Phật hiệu cho nhiều, đó là điều quý báu nhất”.

Vị tăng nhân nói xong liền một mạch đi thẳng. Lam Phục Bình vội vàng chạy theo sau đưa tiễn, chỉ nghe tăng nhân vừa đi vừa xướng bài kệ rằng:

“Thế gian tình duyên thị cá bảo, tiêu tai tiêu nan khổ tội tiêu
Ngô lai điểm tỉnh mộng trung nhân, tha nhật tương tụ vật vong liễu”.

Tạm dịch:

Tình duyên nơi thế gian là bảo vật, tiêu tai tiêu nạn tiêu tội khổ
Ta đến đánh thức người trong mộng, ngày sau gặp lại xin chớ quên.

Lam Phục Bình ghi nhớ bốn câu kệ, sau khi trở về bèn chép ra giấy. Sau đó, ông mang thuốc đến cho Lam Hinh uống…

(Còn tiếp)

Theo Ức Trần - Epoch Times

(Bài gốc đăng trên Zhengjian.org)
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện luân hồi: Một chàng, hai thiếp, ai sầu hơn ai? (1/4)