Năm Giáp Thìn tìm lại dấu vết Rồng từ sử Việt đến thực tại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 12 con giáp bao gồm: Chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn… có một con vật đặc biệt nhất, con Rồng.

Rồng đặc biệt vì nhiều lẽ, chẳng phải chim mà có thể bay, chẳng phải cá mà có thể bơi, chẳng giống súc vật mà tôn quý khác thường v.v. nhưng nhiều người cho rằng điều khác biệt nhất ở rồng so với các con giáp còn lại đó là nó không có thật, là con vật hư cấu. Có phải vậy không?

Xuân Giáp Thìn sắp đến, chúng ta hãy lật lại những trang sử cũ, đặng tìm lại dấu vết của loài Rồng vốn có quan hệ vô cùng uyên nguyên với nguồn gốc của tộc Việt, và thử tiếp cận vấn đề với một cách nhìn hoàn toàn khác biệt. Dẫu niềm tin mang tính lựa chọn, việc tìm hiểu về nguồn cội dân tộc vẫn luôn là một việc cần thiết và thú vị.

Long tộc và vai trò của long tộc

Long tộc là gia tộc của loài Rồng phương Đông, một loại Thần thú được nói đến rất nhiều trong truyền thuyết và kinh điển, được ghi chép cả trong chính sử. Long tộc gồm có 3 loại tương ứng với 3 cảnh giới khác nhau là Phàm long, Thiên long và Thần long. Phàm long là rồng ở cõi người, Thiên long là Rồng sống ở các tầng trời trong Tam giới. Còn Thần long sống ngoài Tam giới, là cao hơn cả. Phàm long lại chia ra thành Giao long và Hải long. Giao long sống ở vùng nước ngọt như sông hồ, Hải long thì ở biển.

Trong kinh Phật Đại Thừa có Thiên long bát bộ là thần vật hộ trì Phật pháp, có 8 loại, trong đó một loại là Long, tức là rồng.

Long tộc có vai trò gì? Có thể nói không có long tộc thì không có các triều đại trong văn hóa Thần truyền Á Đông. Long tộc có 5 nhiệm vụ chính:

  1. Cai quản, duy trì trật tự dưới biển, sông hồ trong vùng đất của người da vàng, thanh trừ thủy quái, trấn nhiếp tà ma.
  2. Phụ trách việc tạo mây làm mưa.
  3. Hộ pháp, trấn thủ các hoàng lăng - tức là lăng mộ đế vương.
  4. Hộ pháp, bảo vệ người tu đạo trong tam giới.
  5. Khai sinh ra các dân tộc, khai diễn các triều đại, góp phần đặt định văn hóa Thần truyền.

Dưới góc độ này, chúng ta sẽ thử giải mã một số bí ẩn trong sử tộc Việt - tức là các tộc Bách Việt mà hiện nay chỉ còn lại Lạc Việt chúng ta.

Tổ phụ Lạc Long Quân - Rồng hay người?

Người Việt tự hào là con Rồng - cháu Tiên. Rồng là Lạc Long Quân, còn tiên là Âu Cơ. Đây là hai vị tổ phụ, tổ mẫu của tộc Việt. Vậy Lạc Long Quân có phải là Rồng thật không?

undefined
Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân tại Đền Nội Bình Đà. (Miền công cộng)

Căn cứ theo sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư”: “Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2879 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) và Vụ Tiên nữ là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ (một nàng tiên ở phương Bắc), sinh một lần trăm người con…”

Kinh Dương Vương thuộc nòi Thần Nông, vốn có long huyết, lại lấy vợ là con gái của Giao long Hồ Động Đình là Động Đình Quân, sinh ra Lạc Long Quân. Vậy thì Lạc Long Quân ắt phải là Rồng. Ngài là tổ khai sinh ra tộc Việt và họ Hồng Bàng, đây là nhiệm vụ thứ 5 của long tộc: “Khai sinh ra các dân tộc, khai diễn các triều đại, góp phần đặt định văn hóa Thần truyền”. Ngài giúp dân diệt Ngư tinh ở biển Đông, diệt Hồ tinh là cáo chín đuôi ở Tây Hồ, chính là thực hiện nhiệm vụ thứ nhất của long tộc: “Cai quản, duy trì trật tự dưới biển, sông hồ trong vùng đất của người da vàng, thanh trừ thủy quái, trấn nhiếp tà ma.”

Sách “Lĩnh Nam chích quái” viết: “Long Quân dạy dân việc cày cấy, cơm ăn áo mặc, đặt ra các cấp quân, thần, tôn, ti, các đạo cha con, vợ chồng. Đôi khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui vô sự. Hễ dân có việc lại lớn tiếng gọi Long Quân rằng: ‘Bố ơi! sao không lại cứu chúng con’ thì Long Quân tới ngay. Sự linh hiển của Long Quân, người đời không ai lường nổi.”

Khi Đế Lai ở phương Bắc đem quân tuần thú phương Nam khiến dân nam bị quấy nhiễu không chịu nổi, ngày đêm mong mỏi Long Quân trở về. “Thế nên cùng nhau gọi lớn: ‘Bố ơi, bố ở đâu mau về cứu chúng con’. Long Quân đột nhiên trở về, thấy Âu Cơ là con gái Đế Lai sống một mình, có dung mạo đẹp đẽ lạ thường, trong lòng vui mừng, bèn hóa thành một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc, vừa đi vừa ca hát đánh trống trước hành cung Âu Cơ ở. Âu Cơ thấy vậy, sinh lòng ưa thích. Long Quân đón Âu Cơ ở Long Trang Nham. Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông, biến hóa thành trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi… làm cho bọn đi tìm Âu Cơ đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc.”

Cuộc sống gia đình quây quần với Âu Cơ xinh đẹp và 100 người con tài giỏi cũng không níu được bước chân đức Lạc Long Quân. “Đại Việt Sử ký Toàn thư” viết tiếp: “Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.”

Có câu “Rồng bơi nước cạn bị tôm giễu, hổ lạc bình nguyên bị chó nhờn”. Chi tiết này cho thấy Lạc Long Quân đúng là rồng, vì rồng không thể sống xa nước lâu ngày. Không chỉ Lạc Long Quân, cả cha của Ngài là Kinh Dương Vương Lộc Tục cũng là rồng, là huyết thống của họ Thần Nông. Sách “Lĩnh Nam chích quái” viết: “Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất.”

Kinh Dương Vương là rồng nên “có tài đi dưới thủy phủ”, Lạc Long Quân có cha rồng, mẹ rồng, sinh ra ở miền sông nước Động Đình hồ, nên không thể xa rời nước. Cuối cùng cả hai cha con họ cũng không thể ở trên mặt đất quá lâu. Phải chăng đó là lý do “Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất” và Lạc Long Quân chia tay Âu Cơ, đem 50 con về thủy phủ? Long tộc nước Nam từ thời điểm này bắt đầu chia đôi.

Đức Lạc Long Quân vì sao không trở về nữa?

Theo sách “Lĩnh Nam chích quái”, Lạc Long Quân mỗi khi về thủy phủ có dặn khi nào dân có việc thì cùng nhau gọi to: “Bố ơi! sao không về cứu chúng con”. Ngài đã trở về cả thảy 4 lần theo tiếng gọi của con dân tộc Việt.

Lạc Long Quân diệt Ngư tinh ở Biển Đông. (Tranh Bình Minh - NTDVN)

Lần thứ nhất là về việc diệt Ngư tinh ở Biển Đông và Hồ tinh ở vùng Tây Hồ.

Lần thứ hai là vì việc Đế Lai đi tuần thú phương nam, gây phiền nhiễu khiến khiến dân Nam khổ sở.

Lần thứ ba là vào đời Hùng Vương thứ 6, khi giặc Ân rắp tâm xâm phạm biên thùy. Hùng Vương đã cầu đảo mời được Lạc Long Quân trở về. Ngài hiện thân dưới dáng vẻ một cụ già cao lớn, mày râu bạc trắng. Lạc Long Quân đã mách cho Hùng Vương thứ 6 rằng vào 3 năm nữa sẽ tìm được kẻ kỳ tài để phá giặc, chính là Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng. Xong việc, ngài bay vút lên không, mới biết là đức Lạc Long vậy.

Lần thứ tư ngài về, lúc này triều đại Hùng Vương không còn, An Dương Vương lên thay. Lần ấy An Dương Vương xây thành Cổ Loa nhiều lần đều đổ, bèn cầu đảo Lạc Long Quân thì ngài về cũng với hình vóc một cụ già tiên phong đạo cốt, rồi mách cho An Dương Vương rằng sắp có Thanh Giang sứ giả đến giúp. Thanh Giang sứ giả chính là Thần Kim Quy, được đức Lạc Long Quân biệt phái tới để giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, diệt Kê tinh, trao cho móng rồng làm nỏ thần và cuối cùng đón An Dương Vương về thủy phủ khi thất trận.

Sau đó thì đức Lạc Long Quân không còn xuất hiện nữa.

Khi xưa, trước lúc về thủy phủ, ngài có dặn người dân khi có việc gì thì cùng nhau gọi to: “Bố ơi, sao không về cứu chúng con?” Thiển nghĩ, vào thời cổ, con người chất phác, có lòng tin mạnh mẽ vào Thần, nên Thần Phật cũng dễ hiển linh. Theo dòng lịch sử, lòng tin ngày một suy giảm, không còn mấy ai tin vào sự tồn tại của Thần Phật nữa, có lẽ vì thế cha Lạc Long Quân không trở về nữa chăng?

Tục xăm mình hình rồng có thể là một minh chứng cho suy luận này. Truyện họ Hồng Bàng chép: “Lúc ấy, dân sống ở ven rừng, xuống nước thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Vua nói rằng: ‘Giống sơn man và giống thủy tộc khác nhau, nên xâm phạm lẫn nhau’. Bèn khiến người đời lấy mực xăm vào mình theo hình loài thủy tộc. Từ đó, dân không bị họa giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đó.”

Truyện Bạch Trĩ chép: “Chu Công hỏi: ‘Dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, đi chân đất như vậy là cớ sao?’. Sứ thần đáp rằng đáp: ‘Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng. Xăm mình để giống hình Long Quân bơi lội dưới sông loài giao long không phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Ăn trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen’.”

Phải chăng tục xăm mình hình rồng của tộc Việt cổ là một cách thức thể hiện niềm tin rằng người có hình xăm là thuộc dòng dõi của vua rồng Lạc Long Quân? Đã là con cháu của vua rồng thì không lo bị thủy tộc làm hại. Nhưng Vua Trần Anh Tông sợ bị xăm hình, nên đã trốn khi tới lượt mình.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép việc ấy như sau: “Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa. Thượng hoàng bảo: ‘Quan gia đã trốn rồi chăng? Thì xăm cho Huệ Vũ Quốc Chẩn vậy’. Quốc phụ có xăm hình rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa là bắt đầu từ Anh Tông.”

Tục xăm mình này đến đời Trần Minh Tông thì bị bỏ hẳn, từ thời nhà Hồ trở về sau, hình xăm nếu có cũng không còn ý nghĩa ban đầu nữa.

Rồng có thật không?

Không thể đếm hết những ghi chép về rồng trong các tư liệu bao gồm cả chính sử của Việt Nam và Trung Hoa thời xưa. Tuy vậy, lần xuất hiện gần đây nhất của rồng có tài liệu và vật chứng lưu lại phong phú và thuyết phục nhất là sự kiện rồng rơi ở Doanh Khẩu Liêu Ninh năm 1934.

Sự kiện này thực sự đã gây chấn động dư luận vào thời điểm đó. Nó không chỉ được ghi lại trong biên niên sử địa phương mang tên “Biên niên sử thành Doanh Khẩu”, mà ngay cả tờ báo lớn của Trung Quốc khi đó là “Thịnh Kinh thời báo” còn phái người đến phỏng vấn, làm tường trình chi tiết, kèm theo cả ảnh chụp xác rồng. Tiêu đề bài báo là: "Giáo sư trường thủy sản phát biểu: Loài giao long mắc cạn chết".

Hình ảnh bài báo của Thịnh Kinh thời báo chia sẻ về sự kiện rồng rơi xuống Doanh Khẩu.
Hình ảnh bài báo của Thịnh Kinh thời báo chia sẻ về sự kiện rồng rơi xuống Doanh Khẩu. (Ảnh từ Sohu)

Các bài báo viết rằng: "... Long thể khí che trời, hai bên trái phải đầu có hai chiếc sừng, xương sống lưng rộng hơn ba tấc, xương sườn gắn ở hai bên xương sống lưng, mỗi cái dài chừng 5, 6 tấc, phần đuôi thẳng đứng với xương màu trắng. Toàn thân tổng cộng có 28 đoạn, mỗi đoạn chừng hơn 1 thước, tổng cộng hơn ba trượng. Tại chỗ ban đầu nơi rồng nằm, có một hố đất rộng hai trượng dài năm trượng, vẫn còn hiện rõ dấu móng vuốt đào ở hố. Đến nay vẫn còn xương rồng và gân đầu, nhưng da thịt đã không còn".

Sau này, hài cốt con rồng đã được đưa về Hoàng gia Nhật để bảo quản, bởi vì thời điểm năm 1934, Trung Quốc đang bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng.

Rồng trong chính sử và dã sử Việt

Nếu đọc bộ chính sử có giá trị nhất của Việt Nam là “Đại Việt sử ký toàn thư”, chúng ta sẽ thấy không ít lần rồng xuất hiện và được ghi chép lại, nhiều nhất là vào thời Lý và thời Trần.

Khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Đại La năm 1010, có rồng vàng bay lên ở sông Nhị Hà, do vậy mà đặt tên cho kinh thành mới là Thăng Long.

Vua Lý Thái Tông, thời còn là Thái tử Phật Mã, vào năm 1020 được phong làm nguyên soái, cử đi đánh Chiêm Thành. Khi đại quân vượt biển, đến núi Long Tỵ, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự, chỉ có mình thái tử đỡ lấy con rồng. Tháng 6 năm 1029 lại có rồng hiện lên ở nền cung điện Càn Nguyên.

Năm 1044, vua Lý Thái Tông chinh phạt Chiêm Thành, “Tháng 9, ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự.” Chiến dịch đại thắng.

Thời Lý Nhân Tông, có dăm bảy lần rồng vàng hiện, có lúc thì trên thuyền ngự, có khi lại ở cung điện.

Đó đều là rồng đang thực hiện vai trò của long tộc là bảo vệ hoàng gia và bảo hộ người tu Đạo, vì thời Lý, Trần là hoàng kim của Phật giáo Việt Nam.

Vào các đời vua về sau của nhà Lý và cả nhà Trần, rồng còn hiện nhiều lần nữa. Nhưng càng về các triều đại sau càng thưa thớt.

Còn trước thời Lý, thì đã có chuyện vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành là con của rồng. Chẳng hạn như “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng Lê Đại Hành thời nhỏ vì mồ côi cha mẹ được một người họ Lê nhận nuôi. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngủ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, người cha nuôi lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng.

Vùng Hoa Lư Ninh Bình có câu chuyện dân gian rất được người dân địa phương tin tưởng về dòng dõi rồng của Đinh Bộ Lĩnh. Chuyện kể rằng mẹ ông là một ngư phủ, sống một mình trong lều cỏ trên bãi bồi ven sông Hoàng Long (thuộc đất Hoa Lư - Ninh Bình ngày nay). Một đêm bà mộng thấy một con rồng lớn đang ân ái với mình. Tỉnh dậy, thì thấy một con rái cá đang nằm cạnh mình trên chõng tre, bà sợ hãi hô lớn, những người hàng xóm chạy đến đập chết con rái cá rồi làm thịt ăn. Song bà mẹ giật mình nghĩ lại giấc mơ của mình, thầm thương xót con rái cá rồi nhặt nhạnh từng mảnh xương của nó cho vào ống bương treo trên gác bếp. Sau lần ấy bà mang thai rồi sinh ra Đinh Bộ Lĩnh.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, khi Đinh Bộ Lĩnh còn ít tuổi có lần bị chú mình đuổi đánh. “Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.”

Một cách lý giải khác biệt về khả năng hôn phối rồng - tiên

Trong “Việt Sử Tiêu Án”, sử quan Ngô Thì Sỹ vào thế kỷ 16 đã nhìn nhận chuyện rồng và người hợp cẩn như sau:

“Đại để các bậc thánh nhân là khí thiêng chung đúc, có khác thường. Đến việc Kinh Dương Vương lấy con gái của vua Động Đình Hồ, Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ, loài ở nước, loài ở cạn lấy nhau, thần với người ở lẫn, lời đó tựa hồ không hợp lẽ thường. Tôi trộm nghĩ, trời đất mở mang dần dần, nền văn minh nước ta ở sau Trung Quốc. Nước lụt đời vua Nghiêu chưa bình, cái vạc xưa của vua Hạ Vũ chưa đúc, mênh mang biển Quế Hải vẫn là tổ rồng rắn ma quỷ tụ họp. Những chuyện kỳ quái sao lại không có. Chuyện đời nhà Chu, có nước dãi con rồng tụ lại, sinh ra người con gái còn có được, huống chi về đời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân (rồng với người kết hợp sinh ra người). Việc tựa hồ lạ mà không phải lạ, và cũng không nên tự cho là hẹp hòi”.

Đó có thể là một lý giải của người xưa về chuyện mẹ Đinh Bộ Lĩnh nằm mơ ân ái với rồng, hay rồng Lạc Long Quân và tiên Âu Cơ hợp cẩn mà sinh ra tộc Việt. Nói cách khác, những sinh mệnh cao cấp như rồng, tiên hoàn toàn có thể có những cách thức kết hợp để sinh sản không giống như tưởng tượng của con người.

Năm rồng Giáp Thìn 2024 có gì lạ?

Các chuyên gia và nhà dự đoán đương đại đánh giá năm rồng Giáp Thìn 2024 là một năm đầy thử thách trên toàn thế giới. Có lẽ thách thức đã lớn sẽ càng lớn hơn nữa. Kỳ thực, ngay từ đầu năm dương lịch 2024 thế giới đã đón nhận nhiều tin không tích cực về thiên tai, chiến tranh và suy thoái kinh tế.

Các dự ngôn cũng cho thấy rằng đây là một thời kỳ cực kỳ quan trọng, là thời điểm chuyển đổi sang chu kỳ văn minh mới của lịch sử nhân loại. Sấm Trạng Trình của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm phải chăng cũng là nhắm đến thời điểm này:

“Hùm gầm khắp nẻo gần xa
Mèo kêu rợn tiếng, quỷ ma tơi bời
Rồng bay năm vẻ sáng ngời
Rắn qua sửa soạn hết đời Sa-tăng
Ngựa lồng, quỷ mới nhăn răng…”

Những sự lạ chưa từng thấy đang xảy ra, đòi hỏi con người phải dừng lại suy ngẫm và có sự thay đổi tâm thái, một đời sống tinh thần tích cực hơn để bước sang chu kỳ văn minh mới này. Xin kính chúc quý khán giả, độc giả một năm mới Giáp Thìn với nhiều năng lượng sống tích cực, hướng về tương lai nhưng không quên truyền thống, như tộc Việt xưa bao lần sóng gió vẫn không quên gọi to tổ phụ Lạc Long của mình:

“Bố ơi, sao không về cứu chúng con!”

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Năm Giáp Thìn tìm lại dấu vết Rồng từ sử Việt đến thực tại