Ngày càng ít người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, cư dân mạng nước này chỉ ra 2 nguyên nhân chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, một bài viết đăng trên Weibo, một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, đã nhận được nhiều sự chú ý khi bày tỏ thắc mắc về việc ngày càng có ít người Trung Quốc tại những điểm du dịch ở nước ngoài. Một số cư dân mạng ở Trung Quốc suy đoán rằng, đó là do hộ chiếu của những người trong nhà nước đã bị chính quyền tịch thu, trong khi một số khác cho rằng đó là do kinh tế, hầu hết mọi người đã hết tiền.

Hôm 9/6, một cư dân mạng ở Trung Quốc đăng trên Weibo rằng: “Thời trước dịch bệnh, khi ra nước ngoài thì cảm thấy ở đâu cũng có người Trung Quốc, nhưng bây giờ dường như thấy rất ít. Phần lớn khách du lịch trên đường phố Tokyo đều là người da trắng, thậm chí ở Barcelona còn rất ít khi nhìn thấy những gương mặt gốc Á… Không biết có phải vì xin thị thực (visa) khó và có ít chuyến bay hay không”.

Chủ đề này đã được cư dân mạng ở Trung Quốc thảo luận sôi nổi. Trong đó, có rất nhiều người cho rằng, người Trung Quốc ra nước ngoài ít hơn là vì hộ chiếu của họ đã bị chính quyền thu giữ, không thể ra nước ngoài.

Một cư dân mạng am hiểu tình hình tiết lộ, không chỉ công chức thành phố mà hộ chiếu của y tá bệnh viện, nhân viên ngân hàng và nhiều phòng ban khác cũng phải nộp lên. Ngay cả hộ chiếu của những người ngoài biên chế cũng phải nộp. Trước khi xuất cảnh phải báo cáo lên cấp trên để được phê duyệt.

Một số cư dân mạng đến từ tỉnh Sơn Đông cho biết: "Hộ chiếu bị giữ rồi, làm sao mà xuất ngoại?"; "Ngay cả những nhân viên nhỏ bé trong nhà nước cũng bị tịch thu hộ chiếu và cần báo cáo khi xuất cảnh, có một số người không biết điều này à?".

Một cư dân mạng ở tỉnh Hồ Nam nói: “Tại thị trấn nhỏ chỗ chúng tôi ở Hồ Nam, tất cả hộ chiếu và giấy thông hành của giáo viên mẫu giáo cũng đều phải nộp lên”.

Có cư dân mạng ở khu tự trị Nội Mông cho hay: "Tất cả giáo viên ở đây đều nộp [hộ chiếu] lên rồi"; “Một giáo viên tiểu học ở một thành phố loại III như tôi cũng phải nộp hộ chiếu rồi”.

Một cư dân mạng ở tỉnh Phúc Kiến cho biết: “Một thị trấn ở Phúc Kiến, tất cả cán bộ của đơn vị hành chính đều đã nộp [hộ chiếu] lên, những ai xin làm mới đều không được phê duyệt”.

Còn có những cư dân mạng từ nhiều nơi khác ở Trung Quốc cũng để lại bình luận cho hay họ đã phải giao nộp hộ chiếu cho đơn vị chủ quản:

  • "Các giáo viên có chức danh chuyên môn cấp cao và đảng viên tại các trường học chỗ tôi ở tỉnh Liêu Ninh đều nộp lên rồi, các bệnh viện cũng vậy”;
  • “Ở tỉnh Hà Bắc, tất cả nhân viên trong biên chế của các cơ quan, đơn vị nhà nước đều nộp rồi”;
  • “Công nhân viên chức bình thường ở Bắc Kinh cũng phải giao nộp ngay cả khi không làm gì có liên quan đến thông tin bí mật";
  • "Có không ít người làm việc trong bệnh viện ở Thâm Quyến cũng bị giữ [hộ chiếu]";
  • “Tại một trường công lập ở một trong hai thành phố hàng đầu ở tỉnh Sơn Đông, hộ chiếu và giấy thông hành đi Hong Kong, Ma Cao đều bị tịch thu rồi”.
Ảnh chụp màn hình một số bình luận của cư dân mạng ở Trung Quốc dưới bài đăng kể trên.

Một nữ giáo viên trung học tại một thị trấn ở tỉnh Sơn Đông nói với đài NTDTV rằng, hiện giờ việc ra nước ngoài ngày càng khó, trường học yêu cầu phải nộp hộ chiếu lên. Nhà trường đã tổ chức một cuộc họp và truyền đạt rằng đó là yêu cầu của phòng giáo dục trên thành phố, yêu cầu tất cả giáo viên có hộ chiếu phải nộp hộ chiếu lên, số hộ chiếu này sẽ do phía nhà trường thống nhất bảo quản. Giáo viên này nói: “Em gái tôi đang ở nước ngoài. Tôi muốn đi thăm em ấy sau khi nghỉ hưu vào năm sau, nhưng không biết có xuất ngoại được không”.

Một nữ công chức trong cơ quan thuế ở tỉnh Hà Bắc cho biết sẽ nghỉ hưu vào năm tới, bạn của bà ở Hoa Kỳ đã mời bà đến đó chơi sau khi nghỉ hưu, nhưng bà không thể ra nước ngoài. Bà nói với NTDTV rằng mình chỉ là một công chức bình thường nhưng sau khi nghỉ hưu cũng bị chịu hạn chế và bị yêu cầu giao nộp hộ chiếu.

Bên cạnh đó, cũng có những cư dân mạng phân tích rằng, ngoài việc bị chính quyền tịch thu hộ chiếu, còn một nguyên nhân khác khiến người dân Trung Quốc khó rời khỏi đất nước là do kinh tế sa sút, rất nhiều người không có tiền đi du lịch.

  • "Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế đi xuống";
  • "Trước đây, hầu hết những người đi du lịch đều thuộc tầng lớp trung lưu. Bây giờ thủy triều đã rút, tất cả tầng lớp trung lưu đều ‘lộ nguyên hình’ rồi. Không thất nghiệp, có cơm ăn là tốt lắm rồi, còn xuất ngoại cái gì?”;
  • "Tất cả của cải nằm trong bất động sản rồi";
  • "Tầng lớp trung lưu đã trở lại nghèo";
  • "Đơn giản mà, hai từ thôi, hết tiền".
Ảnh chụp màn hình một số bình luận của cư dân mạng ở Trung Quốc dưới bài đăng kể trên.

Vào cuối tháng 10 năm ngoái, hơn một chục công chức và viên chức doanh nghiệp nhà nước đã từng hoặc hiện đang làm việc ở Trung Quốc cũng nói với Reuters rằng, các hạn chế của chính quyền đối với họ đã mở rộng kể từ năm 2021, bao gồm lệnh cấm đi ra nước ngoài, tần suất và thời gian đi lại cũng bị giới hạn chặt chẽ hơn, quy trình phê duyệt cũng rườm rà, trước khi khởi hành còn phải tham gia lớp huấn luyện bảo mật.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, bất động sản vẫn trong cơn khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng, người dân đang vật lộn để sinh tồn, các vụ tự tử và trả thù xã hội xảy ra thường xuyên. Vào ngày 7/6, tạp chí Forbes của Mỹ đã cho đăng một bài báo nói rằng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang biến mất. Bài báo này đã liệt kê các vấn đề kinh tế hiện tại của Trung Quốc và chỉ ra rằng thế giới bên ngoài nhìn chung bi quan về nền kinh tế của nước này.

Theo NTD tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngày càng ít người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, cư dân mạng nước này chỉ ra 2 nguyên nhân chính