Ông Trời đã cho ông Tập Cận Bình một bài học sống động nhất qua 'binh biến Wagner'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 24/6, ông Yevgeny Prigozhin, một thân tín lâu năm của Tổng thống Nga Putin, bất ngờ điều quân từ mặt trận Ukraine về Nga, chiếm thành phố Rostov-on-Don, tiến quân về phía Moscow và giáng một đòn nặng nề vào chính quyền Putin.

Ông Putin gọi đó là "nổi loạn vũ trang", "phản bội nội bộ", "đâm dao sau lưng", v.v. Mặc dù tình hình đã tạm lắng xuống, nhưng tác động của cuộc hành quân này đối với ông Putin, nước Nga, cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc và thậm chí cả thế giới sẽ rất lớn và sâu rộng.

Theo một ý nghĩa nào đó, lần “biến động kinh thiên” này là bài học sống động nhất mà ông Trời đã dạy cho ông Tập Cận Bình – người đang nung nấu ý định “thống nhất Đài Loan bằng vũ lực”.

Trong những năm gần đây, một số thế lực cực đoan trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn kích động ông Tập Cận Bình mạo hiểm ở Đài Loan, nhằm “thống nhất Đài Loan bằng vũ lực” và tạo nên cái gọi là “thành tựu lịch sử”.

Để ngăn ông Tập Cận Bình phạm sai lầm ở eo biển Đài Loan, ông Trời đã cho ông ta chứng kiến ​​vở kịch lịch sử khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine và rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 24 năm cầm quyền.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu qua video vào ngày 24/6/2023 khi các chiến binh Wagner tiến hành cuộc nổi dậy. (Ảnh: GAVRIIL GRIGOROV/SPUTNIK/AFP via Getty Images)

Trước kia, Ukraine và Nga thuộc cùng một Liên Xô. Ở Ukraine có nhiều người Nga, ở Nga cũng có nhiều người Ukraine. Mặc dù sau khi Liên Xô tan rã, cả Nga và Ukraine đều trở thành những quốc gia độc lập nhưng hai nước vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau, có cả quan hệ huyết thống và tất nhiên cũng có những mâu thuẫn, xung đột.

Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn và xung đột giữa Nga và Ukraine?

Nga là quốc gia có lãnh thổ lớn nhất thế giới, bao phủ 17,09 triệu km2 trên khắp lục địa Âu - Á.

Mở rộng lãnh thổ không nên là lựa chọn chiến lược của ông Putin. Ông ấy hoàn toàn có thể dồn thời gian và công sức vào việc nâng cao đạo đức quốc dân, phát triển khoa học và công nghệ, cải thiện sinh kế của người dân và xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp.

Nói cách khác, ông Putin hoàn toàn có thể giải quyết tranh chấp Nga - Ukraine bằng cách "biến thù địch thành hữu nghị".

Tuy nhiên, ông Putin đã có cách tiếp cận ngược lại, đầu tiên là chiếm Crimea, một lãnh thổ của Ukraine được luật pháp quốc tế công nhận; tiếp đó là phát động cuộc chiến tranh xâm lược và chiếm giữ các vùng đất Donetsk, Kherson, Luhansk, và Zaporizhzhia ở phía đông của Ukraine.

Kết quả là, Nga không chỉ ở thế đối lập với Ukraine mà còn đối lập với hầu hết các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, 31 thành viên của NATO, 27 thành viên của Liên minh Châu Âu và các thành viên của G7. Ngay cả quốc gia trung lập bấy lâu nay - Thụy Sĩ cũng không thể chịu đựng được và chọn đứng về phía chống lại Nga.

Ngày nay, có khá nhiều người Nga cũng bất mãn với ông Putin.

Có thể thấy rõ điều này qua thực tế là khi ông Prigozhin chiếm thành phố Rostov-on-Don của Nga hay khi đạo quân tiến về phía Moscow, không những không gặp phải sự phản kháng của quần chúng mà còn được hoan nghênh.

Các thành viên của nhóm Wagner chuẩn bị rút khỏi trụ sở của Quân khu phía Nam để trở về căn cứ của họ ở Rostov-on-Don vào cuối ngày 24 tháng 6 năm 2023. (Ảnh: ROMAN ROMOKHOV/AFP via Getty Images)

Nga là quốc gia có quân đội lớn thứ hai thế giới và là quốc gia sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới. Ukraine là một quốc gia phi hạt nhân và sức mạnh quân sự của nước này thua xa Nga. Không có núi hay biển ngăn giữa Nga và Ukraine, biên giới giữa hai quốc gia là vùng đất bằng phẳng, được liên thông với nhau. Theo tưởng tượng của một số người, đáng nhẽ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine nên dễ như trở bàn tay và chiến thắng chớp nhoáng.

Tuy nhiên, ông Putin đã tốn rất nhiều công sức và chiến đấu suốt 1 năm 4 tháng nhưng vẫn không hạ được Ukraine. Thay vào đó, sự tham nhũng trong quân đội Nga lại bị phơi bày trước thế giới.

Một nguyên nhân quan trọng khiến ông trùm Wagner Prigozhin "tạo phản" lần này là ông đã nhiều lần cáo buộc giới chức quân sự Nga tham nhũng. Một cuộc chiến Nga - Ukraine đã cho cả thế giới thấy sự tha hóa của quân đội Nga vượt xa sức tưởng tượng của mọi người.

Lý do quan trọng nhất của ông Putin khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine là ngăn chặn sự mở rộng về phía đông của NATO. Vì ông cho rằng sự mở rộng này đe dọa đến an ninh của Nga. Nhưng luận cứ này không thể đứng vững.

Thứ nhất, bất kể là Ukraine hay những quốc gia nhỏ khác gần Nga, sở dĩ họ xin gia nhập NATO là vì họ đã bị Nga áp bức trường kỳ trong lịch sử, và họ muốn tìm kiếm một chiếc ô che chở khác, điều này có gì sai?

Thứ hai, vũ khí hạt nhân của Nga không chỉ đủ sức hủy diệt Ukraine và nhiều nước nhỏ ở Bắc Âu, Trung Âu, Đông Âu và Nam Âu, mà là cả thế giới. Đây là bảo đảm an ninh quan trọng nhất của Nga. Dù là Mỹ, NATO hay các quốc gia khác đều rất thận trọng trong khi xử lý quan hệ với Nga. Một trong những nguyên nhân chính là vì “khả năng răn đe hạt nhân” của Nga.

Thứ ba, NATO có xâm chiếm một tấc đất nào của Nga kể từ khi tổ chức này được thành lập cách đây 74 năm không? Không hề.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào hội trường trong cuộc họp tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, hôm 21/3/2023. (Ảnh: Alexey Maishev/Sputnik/AFP/Getty Images)

Một số phần tử cực đoan trong ĐCSTQ đã nhiều lần khuyến khích ông Tập Cận Bình tấn công Đài Loan, mục đích thực sự của họ là lấy mạng ông Tập.

Vì nếu ông Tập đánh Đài Loan, chẳng khác gì việc ông Putin đưa quân sang Ukraine. Danh bất chính, ngôn bất thuận.

ĐCSTQ luôn dùng cái gọi là chống “Đài Loan độc lập (ly khai khỏi Trung Quốc)” làm cơ sở lý luận nhằm thực hiện mưu đồ "dùng vũ lực thống nhất Đài Loan". Song đây lại là một mệnh đề sai lầm. Bởi vốn dĩ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan luôn là một quốc gia độc lập.

Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan có tất cả các đặc điểm của một quốc gia riêng biệt. Họ có tổng thống do dân bầu, Hội đồng Lập pháp do dân bầu, có quân đội riêng, có tiền tệ được phát hành độc lập, v.v., bất kể Đài Loan do đảng phái nào nắm quyền.

Bắc Kinh cũng luôn lấy cớ rằng, “dùng vũ lực thống nhất Đài Loan” là để duy trì chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc. Đây cũng là điều vô lý.

Vào ngày 9/12/1999, nhà độc tài ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã ký "Nghị định thư tường thuật về các phần phía đông và phía tây của ranh giới Trung - Nga", theo đó chính thức thừa nhận rằng vùng đất rộng lớn ở phía Đông Bắc vốn thuộc về Trung Quốc sẽ thuộc về Nga, trong đó có cả Vladivostok.

Vladivostok, trước đây được gọi là Hải Sâm Uy, là một lãnh thổ của Trung Quốc trong thời nhà Thanh. Vào giữa thế kỷ 19, sau khi chính quyền nhà Thanh bại trận và ký các hiệp ước bất bình đẳng như "Điều ước Bắc Kinh" và "Điều ước Aigun" với Sa hoàng Nga, hơn 1 triệu km2 lãnh thổ ở vùng Đông Bắc của Trung Quốc đã bị cắt đứt.

Trước lễ ký kết tại Bắc Kinh vào ngày 9/12/1999, Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov (trái) bắt tay với người đồng cấp Trung Quốc Đường Gia Triền, trước mặt Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (ngoài cùng bên phải) và Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Trung Quốc và Nga đã chấm dứt tranh chấp biên giới kéo dài 30 năm bằng cách ký ba hiệp định biên giới trong hội nghị thượng đỉnh năm đó. (-/AFP via Getty Images)

ĐCSTQ có tổ chức đảng, chi bộ đảng, đảng ủy, ủy ban quân sự, ủy ban kiểm tra kỷ luật, ủy ban chính trị và pháp luật, báo đảng, tạp chí đảng, đài phát thanh và đài truyền hình của đảng… nhưng tới nay có bên nào dám bình luận hay phản đối hành động bán nước, gây nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của ông Giang Trạch Dân hay không? Không hề có.

Một cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã vạch trần sự thối nát của quân đội Nga. Mà tình trạng tham nhũng của quân đội ĐCSTQ có thể còn tệ hơn cả ở Nga.

Sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền, ông ta cai trị đất nước bằng tham nhũng. Ông ta dung túng cho các Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, khiến quân đội từ trên xuống dưới đều ‘noi gương’ tham tài háo sắc của Từ và Quách.

Vào ngày 6/7/2016, Thượng tướng Trung Quốc Lưu Á Châu, khi đó là chính ủy của Đại học Quốc phòng, đã phát biểu tại một cuộc họp rằng: "Trong 10 năm qua (ám chỉ 10 năm Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng kiểm soát Quân ủy Trung ương), tất cả chúng ta đều ở trong quân đội, nhưng quân đội đã biến thành cái gì? Quân đội đã biến thành một cái sàn giao dịch … Ở đây cái gì cũng có giá, cái gì cũng có thể định giá. Dưới sự thao túng của họ, quân đội đã trở thành một vũng bùn, vũng bùn này không phải khiến kẻ thù mắc kẹt không thể rút ra, mà là chính chúng ta bị mắc kẹt trong đó và không thể kéo ra được”.

Quách Bá Hùng (trái) và Từ Tài Hậu. (Ảnh trái: Department of Foreign Affairs and Trade website – www.dfat.gov.au, CC BY 3.0 au/WikiMedia Commons; Ảnh phải: Phạm vi công cộng)
Ông Quách Bá Hùng (trái) và ông Từ Tài Hậu. (Ảnh trái: Department of Foreign Affairs and Trade website – www.dfat.gov.au, CC BY 3.0 au/WikiMedia Commons; Ảnh phải: Phạm vi công cộng)

Ông Lưu Á Châu chỉ trích hai ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng một cách hùng hồn đầy lý lẽ, nhưng bản thân ông ta có phải là một quan chức thanh liêm không? Cũng không phải.

Ngày 24/3/2023, tờ Ming Pao của Hong Kong đăng tin rằng, vì liên quan đến một vụ án tham nhũng nghiêm trọng, ông Lưu Á Châu có thể đã bị kết án tử hình và hưởng án treo hai năm. Theo bài báo, ông Trương Tân Minh – cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nghiệp (Jinye), từng là người giàu nhất tỉnh Sơn Tây, đã bị điều tra vì liên quan đến các băng đảng và rửa tiền; và ông này từng “quyên góp chính trị” hàng chục triệu nhân dân tệ cho ông Lưu Á Châu.

Sau khi ông Tập lên nắm quyền, có hơn 160 tướng lĩnh đã bị điều tra và truy tố. Con số này còn nhiều hơn tổng số tướng lĩnh đã ngã xuống trong các cuộc nội chiến và Cách mạng Văn hóa kể từ khi ĐCSTQ được thành lập vào năm 1927. Nhưng đây mới chỉ là một con số nhỏ trong số các phần tử tham nhũng của quân đội.

Vả lại, những gì ông Tập đang làm là chống tham nhũng có chọn lọc. Ví dụ, Thượng tướng Giả Đình An, đại thư ký của ông Giang Trạch Dân, 100% là một quan chức tham nhũng; tuy nhiên ông Giả lại không bị xử lý vì ông ta không công khai chống lại ông Tập. Có rất nhiều quan chức tham nhũng như Giả Đình An trong quân đội ĐCSTQ.

Liệu một đội quân tham nhũng như vậy có thể giành chiến thắng trong trận chiến?

Hơn nữa, ông Prigozhin từng là thân tín của ông Putin. Ông Prigozhin có thể ngồi ở vị trí cao cũng là nhờ ông Putin chống lưng. Ngày nay, ông Putin lại bị thân tín quay lưng, chẳng trách ông ta nói có người “đâm sau lưng”.

'Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin' từng là thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sergei Ilnitsky/Pool/AFP/Getty Images)
'Trùm Wagner' Yevgeny Prigozhin từng là thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sergei Ilnitsky/Pool/AFP/Getty Images)

Đối với ông Tập Cận Bình, chưa nói đến việc thân tín của ông ta có nổi dậy chống lại hay không, chỉ riêng việc ông ấy điều tra và xử lý hơn 660 quan chức chóp bu trong 11 năm qua cũng đủ khiến ông rơi vào tầm ngắm của những kẻ chống đối.

Một khi Tập Cận Bình mạo hiểm phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan và trở thành mục tiêu công kích của toàn cầu, họ sẽ đâm sau lưng ông.

Cốt lõi của vấn đề Đài Loan không phải là “thống nhất” và “độc lập”, mà là nhân tâm “đồng lòng” hay “phản bội”.

Việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực không phải là mong muốn của 23 triệu người dân Đài Loan, cũng không phải là tâm nguyện của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc cũng như của nhân dân các nước trên toàn thế giới. Đó sẽ là hành động trái lòng người, nghịch thiên lý.

Ngày 20/4, trang thông tin Sohu của Trung Quốc từng đăng một bài viết ngắn tên là "Phản chiến". Trong đó viết: "Tôi lớn lên dưới đáy xã hội. Thời bình không ai nhớ đến chúng tôi, khi có hoạn nạn mới nghĩ tới chúng tôi. Nói rằng quốc gia gặp nạn, ai ai cũng có trách nhiệm, nhưng khi chia phúc lợi, khi hưởng đãi ngộ quốc gia thì lại không đối xử bình đẳng với chúng tôi. Ai muốn đi [ra trận] thì đi, tôi không đi, tôi cũng không cho con cái tôi đi”.

Sau khi bài viết ngắn này được cư dân mạng Trung Quốc chuyển tiếp chia sẻ, nó đã thu hút ít nhất 3 triệu lượt xem và hơn 10.000 bình luận. Phần nhiều là đồng ý với quan điểm trên.

Tài liệu nội bộ cho thấy làn sóng COVID-19 mới và các bệnh truyền nhiễm khác đang bùng phát ở Trung Quốc
Các em học sinh đi ngang qua một tấm bảng tuyên truyền về "Trung Hoa mộng", câu khẩu hiệu gắn liền với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, bên ngoài một trường học ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 12/03/2018. (Ảnh: Greg Baker/AFP via Getty Images)

Ngày 19/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: "Nếu xảy ra khủng hoảng về vấn đề Đài Loan, rất có thể sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế và ảnh hưởng đến toàn thế giới. Mỗi ngày, có 50% lưu lượng container thương mại đi qua eo biển Đài Loan, 70% chất bán dẫn được sản xuất tại Đài Loan. Nếu xảy ra gián đoạn do khủng hoảng, nó sẽ gây tác động rất lớn đến hầu hết các quốc gia trên thế giới”.

Đối với ông Tập, thống nhất Đài Loan hoàn toàn không phải là ưu tiên hàng đầu.

Điều mà ông Tập cần làm gấp là: Làm thế nào để tăng thu nhập cho 600 triệu người dân Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ (hơn 3 triệu VND); để những người Trung Quốc không mua nổi nhà có thể mua được nhà ở; để những người Trung Quốc không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị y tế được chữa bệnh; để những sinh viên đại học không tìm được việc làm có thể tìm được một công việc phù hợp; để số tiền tham ô hàng trăm triệu, hàng tỷ nhân dân tệ và thậm chí nhiều hơn thế của các quan chức tham nhũng được dùng vào việc cải thiện cuộc sống của người dân...

Kết luận

Nếu ông Putin không khơi mào cuộc chiến Nga - Ukraine mà “tu nội an ngoại” (tu dưỡng bản thân để bên ngoài được an định) thì vận mệnh của ông có thể đã khác. Ông có thể đã là người lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh G8, có thể là người đứng ở vị trí trung tâm nhất trong cuộc họp các nguyên thủ hàng đầu thế giới, có thể tiếp tục nắm quyền ở Nga trong một thời gian dài, và có thể hưởng vinh dự đặc biệt ở cả trong và ngoài nước khi nhắm mắt xuôi tay.

Nhưng, chỉ qua một cuộc chiến Nga - Ukraine, ông Putin đã làm hỏng mọi thứ. Ngày 24/6, cú đâm sâu lưng của ông Prigozhin khiến ông Putin suýt không kịp trở tay.

Hiện nay, dù chiến tranh Nga - Ukraine chưa kết thúc nhưng ông Putin đã bước tới màn cuối của vở kịch cuộc đời, ông có thể trở thành “tội phạm chiến tranh” và bị xét xử.

Ngày 17/3, Tòa án Hình sự Quốc tế đã phát lệnh bắt giữ ông Putin và yêu cầu ông phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh đã gây ra ở Ukraine. Tới ngày 22/6, Liên Hợp Quốc đã cáo buộc Nga giết hàng trăm trẻ em ở Ukraine trong một báo cáo, và theo đó đưa quân đội Nga vào "danh sách ô nhục".

Cú "phản kích" Putin của ông Prigozhin đã khiến cả thế giới sửng sốt, và hẳn ông Tập cũng bất ngờ.

Trước khi Tập Cận Bình có thể thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, ông Trời đã dạy cho ông ấy một bài học sống động nhất. Nhưng không biết liệu ông Tập có thể rút kinh nghiệm hay không?

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả Vương Hữu Quần và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Tiến sĩ Vương Hữu Quần là một công dân Trung Quốc hiện đang sống ở Hoa Kỳ. Ông có bằng tiến sĩ luật của Đại học Nhân Dân Trung Quốc. Ông từng là một trong những người soạn thảo cho ông Úy Kiện Hành – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 15, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Ông Trời đã cho ông Tập Cận Bình một bài học sống động nhất qua 'binh biến Wagner'