Dự án 141 của Bắc Kinh và tham vọng nắm giữ mạng lưới cảng biển thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại giới hiện đang chú ý tới thông tin Bắc Kinh xây dựng một căn cứ quân sự ở Cuba, tuy nhiên chế độ này còn có một kế hoạch rộng lớn hơn, được quân đội Trung Quốc gọi là "Dự án 141". Đó là gì?

Các quan chức tình báo hiện tại và trước đây của Hoa Kỳ gần đây đã nói với tờ Wall Street Journal rằng, Trung Quốc và Cuba đang đàm phán để xây dựng một căn cứ quân sự chung ở miền bắc Cuba. Điều này có thể cho phép quân đội Trung Quốc đóng quân cách Hoa Kỳ khoảng 160 km.

Các quan chức tình báo Hoa Kỳ cho biết, chính quyền ông Biden đang liên hệ với các quan chức Cuba để cố gắng ngăn chặn thỏa thuận này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang có chuyến công du tới London và cũng đã trả lời về tin tức trên. Ông cho biết đã nói rõ với các nhà ngoại giao Trung Quốc rằng, "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các hoạt động tình báo hoặc quân sự của Trung Quốc ở Cuba".

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm, "Đây là điều chúng tôi sẽ theo dõi rất, rất chặt chẽ và chúng tôi rất rõ ràng về điều đó. Chúng tôi sẽ bảo vệ quê hương của mình, chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình".

Wall Street Journal đưa tin độc quyền vào ngày 8/6 rằng Trung Quốc và Cuba đã đạt được thỏa thuận cơ bản về việc xây dựng một cơ sở nghe lén mới ở Cuba; Nhà Trắng sau đó cho biết thông tin này không chính xác. Nhưng hai ngày sau, thông tin tình báo giải mật của Nhà Trắng đã công khai xác nhận rằng, các cơ sở thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc đã tồn tại ở Cuba ít nhất là từ năm 2019.

Giới chức Hoa Kỳ cho biết, cơ sở mới sẽ cho phép Trung Quốc đóng quân vĩnh viễn trên đảo Cuba và mở rộng hoạt động thu thập thông tin tình báo về Hoa Kỳ, bao gồm cả việc nghe trộm thư, thông tin liên lạc và thông tin chuyến bay bằng phương pháp điện tử.

Tuy nhiên, điều khiến Hoa Kỳ lo lắng nhất là, căn cứ này chỉ là một phần trong dự án xây dựng loạt căn cứ ở nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vào ngày 26/4, tờ Washington Post đưa tin rằng Bắc Kinh hy vọng tới trước năm 2030 sẽ xây dựng được ít nhất 5 căn cứ quân sự và 10 căn cứ hỗ trợ hậu cần ở nước ngoài. Kế hoạch này được quân đội ĐCSTQ gọi là "Dự án 141".

Dự án này còn bao gồm một thỏa thuận bí mật giữa Trung Quốc và Campuchia để xây dựng một tiền đồn hải quân – nơi cho phép Trung Quốc đồn trú nhân viên quân sự, cất giữ vũ khí và neo đậu tàu chiến. Tiền đồn này sẽ tăng cường đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông, đe dọa đến các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, và mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên eo biển Malacca – nơi có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Dự án 141 cũng bao gồm căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của chế độ Trung Quốc tại Djibouti. Djibouti nằm trên bờ biển phía đông của châu Phi, nơi Biển Đỏ đi qua. Từ đó đi về phía đông là đến Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương, đi về phía bắc đến Biển Địa Trung Hải và Kênh đào Suez.

Kênh đào Suez là huyết mạch của dầu mỏ quốc tế. Nhưng nhiều người không biết rằng tất cả các tàu đi qua kênh đào Suez đều phải đi qua Djibouti. Nói cách khác, bất cứ ai kiểm soát Djibouti sẽ kiểm soát được Kênh đào Suez và nắm giữ cổ họng của tuyến đường thủy quốc tế này. Đây là lý do tại sao ĐCSTQ thiết lập một căn cứ ở đây.

Tháng 7/2017, Trung Quốc chính thức đưa quân đến Djibouti.

Một loạt tài liệu tuyệt mật bị rò rỉ gần đây của Hoa Kỳ cũng tiết lộ rằng, Bắc Kinh dường như đang xây dựng một căn cứ quân sự ở cảng Khalifa của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Vào tháng 12/2021, Hoa Kỳ từng ra cảnh báo tới UAE về vấn đề này và chính phủ UAE sau đó đã tuyên bố tạm dừng các hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, một năm sau, tình báo Hoa Kỳ tiết lộ rằng các hoạt động xây dựng bí mật tại cảng Khalifa lại đang được tiến hành, "có thể đã được kết nối với hệ thống điện và nước của thành phố ở địa phương""hoàn thành bức tường vây cho kho hậu cần của Quân Giải phóng (PLA) [của ĐCSTQ]".

Tài liệu mật mà Wall Street Journal có được cũng cảnh báo rằng "các cơ sở của PLA" là "một phần chính" trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm thiết lập một căn cứ quân sự ở UAE.

Điều này gây ra mối đe dọa nhất định đối với hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Bởi vì, một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông – Căn cứ Không quân Al Dhafra – nằm cách đó khoảng 80 km.

Trên đây mới chỉ là một phần trong mạng lưới các cảng và bến cảng thương mại chiến lược mà Bắc Kinh đầu tư trên khắp thế giới. Tính đến năm 2021, ĐCSTQ nắm giữ 7 trong số 10 cảng hàng đầu thế giới và 7 cảng này nằm ngay trên lãnh thổ Trung Quốc; ngoài ra còn có các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, xây dựng, hỗ trợ hoặc cho thuê cảng ở ít nhất 60 quốc gia.

Trong số này có một số cảng quan trọng, cho phép ĐCSTQ đạt được địa vị chi phối chiến lược mà không cần đến dùng đến binh lính hay đổ máu. Địa vị này không chỉ cho phép ĐCSTQ gây ảnh hưởng chính trị ở quốc gia có cảng mà thậm chí còn có thể gây ảnh hưởng chính trị đối với các nước láng giềng.

Ví dụ, cảng Piraeus ở Hy Lạp, nằm ở biển Aegean, được mệnh danh là "ngã tư đường biển", đã được công ty vận tải biển Trung Quốc COSCO Group mua lại vào đầu năm 2016. Nhà cầm quyền Bắc Kinh còn muốn tóm gọn cả Cảng Hamburg, cảng lớn nhất của Đức, nhưng vào tháng 5 năm nay, chính phủ Đức đã tuyên bố xem xét lại việc này.

Năm 2019, khi ông Tập Cận Bình đến thăm cảng Piraeus ở Hy Lạp, tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra rằng, "trong trái tim của ông Tập Cận Bình, bến cảng luôn có sức nặng". Bởi vì, các cảng thương mại có thể được sử dụng cho mục đích kép – quân dụng lẫn dân dụng.

Một số quan chức tình báo Hoa Kỳ nói rằng, Trung Quốc coi hành động của họ ở Cuba là một lời đáp trả về mặt địa lý trước mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan: Hoa Kỳ đang đầu tư mạnh vào việc trang bị vũ khí cho Đài Loan và đã triển khai hơn 100 binh sĩ ở đó để giúp huấn luyện quân sự.

Từ Dự án 141, có thể thấy rõ rằng tham vọng của ĐCSTQ không chỉ giới hạn ở việc trả thù chính trị trong vấn đề Đài Loan, mà là chiếm lĩnh thế giới trong tương lai.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết hôm 19/6 rằng, chính quyền Trung Quốc "sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng cường sự hiện diện của họ ở Cuba, và chúng tôi (Mỹ) cũng sẽ tiếp tục nỗ lực để phá vỡ nó”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Dự án 141 của Bắc Kinh và tham vọng nắm giữ mạng lưới cảng biển thế giới