Hà Nội: Sự thật về 'lời khẩn cầu' từ vườn thú Thủ Lệ cùng 'đàn thú co ro ôm nhau trong giá rét'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mạng xã hội Facebook chia sẻ hình ảnh đàn thú ở vườn thú Hà Nội "gầy trơ xương, co ro ôm nhau trong giá rét" thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngày 27/1, mạng xã hội chia sẻ thông tin và hình ảnh về "lời khẩn cầu" từ vườn thú Hà Nội (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội).

"Vào những ngày Hà Nội rét đậm, đàn thú thật khốn khổ. Chúng chỉ còn biết ôm lấy nhau mà rên. Chúng đói lắm, rét lắm, rét nữa thì chết! Con nào con nấy trơ xương. Hươu cao cổ được cho là đã không còn ở đây nữa rồi. Còn những con khác chỉ còn biết ôm nhau chờ… rét hơn thôi!", theo nội dung bài viết.

Thông tin này nhanh chóng thu hút gần 6.000 lượt tương tác, hàng nghìn bình luận và lượt chia sẻ. Đa số các bình luận đều xót xa cho đàn thú, số khác bức xúc vì cách chống rét cho động vật tại vườn thú không đảm bảo.

Bài viết "lời khẩn cầu" thu hút sự quan tâm của dư luận (Ảnh chụp màn hình)

Trước thông tin lan truyền trên, đại diện Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội cho biết, đơn vị được Sở Xây dựng Hà Nội giao quản lý, duy trì 567 cá thể với một số loài như hổ, sư tử, voi, hà mã, hươu, nai, khỉ… với mục đích trưng bày phục vụ khách tham quan và bảo tồn nguồn gen.

Về công tác chống rét, công ty đã chủ động rà soát, kiểm tra toàn bộ các trang thiết bị phục vụ chống rét như máy sưởi, đèn hồng ngoại, bố trí dự phòng gỗ, rơm… để giữ ấm; gia cố chuồng trại bằng tôn, tấm nhựa, lá cọ khô… Khi nhiệt độ xuống dưới 17 độ C thì sử dụng đèn hồng ngoại cho nhóm thú dữ, đốt củi cho nhóm thú móng guốc, bơm thêm nước nóng vào cho hà mã…

Ngoài ra, công ty cũng điều chỉnh khẩu phần ăn và bổ sung vitamin cho động vật, đặc biệt với các con non, sinh sản hoặc già yếu…

Ông Lê Sĩ Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội cho biết, những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội có từ năm 2022, thông tin đàn thú bị bỏ mặc chịu giá rét là không chính xác.

Theo ông Dũng, ngày 5/9/2023, một con hươu cao cổ đã bị chết. Nguyên nhân là do bị nhồi huyết đột quỵ, gây đột tử. Còn một số con khỉ bị nấm, ký sinh trùng trên da hoặc già yếu đang được điều trị trong khu cách ly thì thể trạng hiện đã ổn định và tốt hơn.

Còn về thông tin đàn động vật bị đói, ông Dũng cho biết hàng ngày thức ăn cho các động vật được kiểm tra về khối lượng, bổ sung thêm khẩu phần để tăng cường sức khỏe, chống rét.

Trả lời báo chí trước đó về công tác chuẩn bị, chăm sóc động vật những ngày rét đậm, rét hại, ông Nguyễn Danh Cường, Phó giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật số 1 cho biết, việc chống rét cho các loài động vật, đặc biệt là động vật quý hiếm đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nên trước mùa đông vườn thú đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, chủ động giữ ấm cho các loài thú theo đặc tính, điều kiện sinh sống.

Việt Nam Xã hội

Hà Nội: Sự thật về 'lời khẩn cầu' từ vườn thú Thủ Lệ cùng 'đàn thú co ro ôm nhau trong giá rét'