Những "lồng chim, chuồng cọp” ở Hà Nội: Cực kỳ nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại nhiều khu tập thể cũ, chung cư ở Hà Nội, những ‘lồng chim, chuồng cọp’ hiện diện khắp nơi. Việc cơi nới vừa để tăng thêm diện tích vừa để chống trộm, nhưng lại không tính đến những hiểm nguy nếu xảy ra hoả hoạn.

Những vụ hỏa hoạn liên tiếp tại các khu tập thể cũ trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn về người và của. Thực tế, đã có rất nhiều những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ những ngôi nhà không lối thoát hiểm.

Mới đây nhất là vụ cháy xảy ra ngày 13/5/2023 tại số nhà 24, phố Thành Công, quận Hà Đông, TP. Hà Nội làm 4 người chết (trong đó có 3 nạn nhân là trẻ em). Đáng nói, người dân sống xung quanh đều đau lòng, bất lực nghe tiếng kêu cứu dần tắt lịm của nạn nhân mắc kẹt bên trong ngôi nhà 3 tầng được quây kín bởi hàng rào sắt hay còn gọi là “chuồng cọp”.

Vụ hỏa hoạn này thêm một lần nữa cho thấy, lối thoát an toàn khi xảy ra cháy, nổ chưa được người dân coi trọng, nhất là với nhà ống, chung cư bịt kín bằng “chuồng cọp” để chống trộm.

Thực trạng chung tại các khu tập thể cũ hiện nay, do diện tích chật hẹp nên các hộ gia đình thường dùng mái hiên để sử dụng trong sinh hoạt, như nấu cơm và phơi quần áo. Song, kéo theo là nguy hiểm mất an toàn vì sự xuất hiện của các bình ga khi không được che chắn, phơi nắng phơi sương dễ hỏng hóc dẫn đến cháy nổ.

Một nguyên nhân nữa tạo nên những đám cháy ở khu “chuồng cọp” còn là do người dân thiếu ý thức trầm trọng. Nhiều gia đình hóa vàng ngay dưới đường điện của khu dân cư. Nhiều gia đình thậm chí còn không trang bị bình cứu hỏa, có suy nghĩ chủ quan rằng nếu có hỏa hoạn xảy ra thì đã có phòng cháy chữa cháy lo.

Cộng thêm hàng loạt những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như hệ thống mạng điện chằng chịt, những “chuồng cọp” cơi nới treo kín quần áo, chăn màn… đã vô tình ngăn lối thoát nạn duy nhất của các căn hộ, khiến công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, do xây dựng từ nhiều chục năm trước nên phần lớn các khu tập thể cũ đều thiết kế thoát nạn nhỏ hẹp, không có cửa thông gió. Thậm chí, nhiều vị trí không có nước cứu hỏa, hộp cứu hỏa không có dây dẫn nước chữa cháy.

Bà Linh (65 tuổi), người gắn bó lâu với khu tập thể Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Bấy lâu nay, chúng tôi cũng chỉ nghe loa phường thông báo về việc phòng cháy chữa cháy, chứ chưa được hướng dẫn thực tế, bình chữa cháy chưa sử dụng bao giờ, chưa biết dùng mà cũng chưa mua".

Mọi người tại khu tập thể cũng chỉ biết tự dặn nhau cẩn thận trong sử dụng các thiết bị điện, dùng bếp nấu nướng để phòng, chống chập, cháy và tự bảo vệ lấy thân mình chứ không may chỉ cần một ngọn lửa bén lên là “mất hết” tất cả.

Tuyết Nhi (tổng hợp)


Những "lồng chim, chuồng cọp” ở Hà Nội: Cực kỳ nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn