Ông Tập phát minh từ mới ‘quan điểm lớn về lương thực’: Nguy cơ hay dã tâm của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi đưa ra khái niệm ‘tân chất sinh sản lực’ (新質生產力: năng lực sản xuất mới), gần đây ông Tập Cận Bình lại phát minh ra một từ mới, đó là ‘đại thực vật quan’ (大食物觀: quan điểm lớn về lương thực).

Điều này làm nhiều người nhớ đến việc, đó là khi phát xít Đức/phát xít Nhật mở rộng chiến tranh ra bên ngoài thường hay nhấn mạnh: Phải tranh đoạt và mở rộng không gian sinh tồn, phải tranh đoạt tài nguyên của nước khác.

Vậy thì từ mới ‘đại thực vật quan’ rốt cuộc có nghĩa gì, là nguy cơ hay là dã tâm của Trung Quốc?

Ngày 21/4, tờ Nhân dân đăng bài viết với tiêu đề: ‘Cảm nghĩ về nhân dân của Tổng Bí thư: Phải thiết lập quan điểm lớn về lương thực'.

Trong đó đưa tin, khi đi kiểm tra ở Quảng Đông, ông Tập Cận Bình đã nói rằng: Cần phải giải quyết vấn đề ăn uống, đảm bảo an toàn lương thực và thiết lập quan điểm lớn về lương thực.

Mỗi khi ông Tập Cận Bình đưa ra một khái niệm mới, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc luôn đau đầu. Họ phải tìm cách giải thích những khái niệm đó, ví như ‘tân chất sinh sản lực’ là gì? Đây là lý do tại sao họ phải thành lập một Viện Nghiên cứu Tư tưởng của Tập Cận Bình. Bởi vì tư tưởng của ông Tập Cận Bình quá trừu tượng, cho nên mọi người phải cùng nhau nghiên cứu.

Về ‘đại thực vật quan’ (quan điểm lớn về lương thực), tờ Nhân dân giải thích rằng: ‘Đại thực vật quan’ (quan điểm lớn về lương thực) là cơ sở lương thực, sau đó phải mở rộng an ninh lương thực, sau đó phải đa dạng nguồn cung lương thực, không chỉ đảm bảo về số lượng mà còn phải đảm tính bảo đa dạng và chất lượng.

Trên thực tế, từ những năm 90, Trung Quốc đã bắt đầu thiếu thực phẩm và không thể tự cung tự cấp, đặc biệt là sau khi bùng nổ bất động sản, nhiều diện tích nông nghiệp đã bị chuyển đổi thành đất xây dựng... Do đó, vấn đề thực phẩm của Trung Quốc luôn trong tình trạng không đủ.

Dữ liệu công khai năm 2020 cho thấy, tổng sản lượng của bốn loại lương thực chính (bao gồm bắp, lúa mì, gạo và đậu nành) của Trung Quốc là 560 triệu tấn, trong khi nhu cầu tổng cộng là 697 triệu tấn. Cho nên, tổng lượng thiếu hụt là 137 triệu tấn, tương đương với khoảng 25% của tổng sản lượng lương thực của Trung Quốc.

Chúng ta biết rằng, nhiều loại lương thực chính của Trung Quốc đều phải nhập khẩu. Ví dụ, hàng năm Trung Quốc phải nhập khẩu khoảng 100 triệu tấn đậu nành, đồng thời họ còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu lúa mạch. Nói cách khác, nếu không nhập khẩu đủ đậu nành, người dân Trung Quốc thực sự sẽ không đủ thức ăn, đối mặt với nạn đói.

Vấn đề hiện nay, đó là ông Tập Cận Bình đưa ra ‘quan điểm lớn về lương thực’ với mục đích gì? Có nhiều ý kiến khác nhau về điều này. Có người cho rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc, nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho việc mở rộng ra bên ngoài.

Vậy thì trong trường hợp không có đủ thức ăn, chúng ta sẽ làm gì? Đất canh tác không đủ, có người sẽ chiếm đất của người khác. Điều này không phải là chưa từng có trong lịch sử. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler thường đề cập đến vấn đề không gian sinh tồn.

Chúng ta biết rằng sau chiến tranh thế giới thứ nhất, dân số của Đức đã tăng trưởng nhanh chóng, trong khi diện tích lãnh thổ của nước Đức không quá lớn. Từ Thế chiến thứ nhất, dân số Đức đã tăng từ 41 triệu người lên đến con số 66 triệu người. Lúc đó, họ cảm thấy lãnh thổ của mình quá nhỏ, thiếu không gian sinh tồn.

Lúc đó phát xít Đức/phát xít Nhật nghĩ gì? Họ nghĩ ‘để đảm bảo sinh tồn của người dân, chúng ta chỉ có thể mở rộng phạm vi lãnh thổ’. Cho nên, họ bắt đầu mở rộng ra bên ngoài. Trước khi mở rộng ra bên ngoài, nước Đức đầu tiên phải tăng cường sức mạnh quân đội.

Nhưng sau Thế chiến hai, thuận theo sự phát triển của công nghệ, vấn đề an ninh lương thực không còn là một vấn đề lớn nữa. Diện tích canh tác của Trung Quốc là 1,8 tỷ mẫu (畝, một mẫu 1/15 hecta, một hecta là 10 nghìn mét vuông, tức là 100m x 100m).

Dựa vào các số liệu thống kê khác nhau, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có sự tranh luận xem ai mới là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới. Quốc gia có diện tích lớn nhất là Nga, sau đó là Canada, thứ ba có người cho là Trung Quốc, có người cho là Mỹ.

Trên thực tế, nhiều phần của lãnh thổ của Trung Quốc đã bị các nhà lãnh đạo của Trung Quốc như Giang Trạch Dân bán bớt. Vì vậy, diện tích lãnh thổ của Trung Quốc trên thực tế chưa đến 9,6 triệu km², có thể chỉ khoảng 9,4 triệu km². Diện tích lãnh thổ của Mỹ cũng là khoảng 9,4 triệu km². Cho nên, nhìn chung, diện tích lãnh thổ của hai quốc gia này gần như tương đương.

Nhưng dù lãnh thổ của Trung Quốc rộng lớn, nhưng nhiều nơi ở Trung Quốc không thích hợp cho con người sinh tồn. Ví dụ như Tân Cương có diện tích 1,6 triệu km² nhưng có tới 70 % là sa mạc. Hay như Tây Tạng với diện tích 1,2 triệu km², nhưng đây là một vùng cao nguyên lạnh lẽo. Hoặc như cao nguyên Thanh Hải có khoảng 900 nghìn km², cũng là một vùng cao nguyên lạnh lẽo. Ngoài ra, những vùng đất như Thiểm Tây và các khu vực như Cam Túc thì đất đai bạc màu, nếu trồng lúa sẽ cho năng suất thấp. Cho nên, các khu vực sản xuất lương thực thực sự của Trung Quốc chỉ bao gồm đồng bằng Đông Bắc, đồng bằng Hoa Bắc, trung du và hạ du phía nam sông Trường Giang.

Trung Quốc nói rằng họ có 1,8 tỷ mẫu đất canh tác, còn diện tích đất có thể canh tác của Mỹ thì lớn hơn rất nhiều. Nếu tính cả các trang trại thì diện tích đất có thể canh tác của Mỹ phải gấp từ 4 đến 6 lần diện tích đất canh tác của Trung Quốc. Trên thực tế, nếu khai thác hoàn toàn diện tích đất có thể canh tác của Mỹ để sản xuất lương thực thì có thể nuôi sống hai nước Trung Quốc mà không thành vấn đề.

Trên thực tế, những đại quốc sản xuất lương thực trên toàn thế giới như Canada, Úc… đều có một lượng đất rộng lớn vẫn chưa được khai thác hoàn toàn. Do đó, nếu thực sự thiếu hụt lương thực thì cũng không cần phải dùng vũ lực để tranh đoạt của người khác, mà hoàn toàn có thể thông qua biện pháp hòa bình như là dựa vào việc mua bán để giải quyết. Cho nên, vấn đề an ninh lương thực của Trung Quốc cũng không phải là vấn đề.

Dù vấn đề an ninh lương thực của Trung Quốc có lớn đến mức nào, thì liệu có lớn bằng Đài Loan hay Nhật Bản hay không? Đài Loan và Nhật Bản đều có mật độ dân số rất cao. Về điều kiện tự nhiên, thì Đài Loan là một hòn đảo núi lửa, ngoài việc trồng lúa xung quanh thì không không thể trồng nơi khác, bởi vì làm sao có thể trồng lúa trên vùng núi? Ở vùng núi của Đài Loan chỉ là trồng một ít trà hoặc vài sản vật gì đó.

Trên thế giới có nhiều quốc gia gặp vấn đề với mật độ dân số cao và không sản xuất đủ lương thực. Nhật Bản là một quốc gia như vậy, nhưng chúng ta không thất Nhật Bản nói về ‘đại thực vật quan’ (quan điểm lớn về lương thực), cũng chưa bao giờ nghe Thủ tướng Nhật Bản phát biểu về hướng dẫn an ninh lương thực cho người dân Nhật Bản, hay là ‘phải xây dựng một quan điểm lớn về lương thực’.

Nếu bạn cần năng lượng, cần thức ăn, bạn chỉ cần bỏ tiền ra mua. Do đó, khái niệm ‘đại thực vật quan’ (quan điểm lớn về lương thực) mà ông Tập Cận Bình nêu ra, có thể là một cách kích động tâm lý người dân Trung Quốc, khơi dậy cho họ một cảm giác về khủng hoảng sinh tồn, cung cấp lý do cho việc mở rộng ở Biển Đông, bao gồm cả những hoạt động gây hấn với Philippines… Đây có thể là một cách tìm kiếm lý do cho những vấn đề này.

Trên thực tế, số tiền mà Trung Quốc chi tiêu hàng năm để nhập khẩu lương thực không đáng kể so với việc nhập khẩu chip. Số tiền chi cho nhập khẩu lương thực thực sự rất ít, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng chi trả. Trong xã hội hiện đại, không cần thiết phải dùng chiến tranh để cướp tài nguyên, hiện nay gần như không có gì mà bạn không thể mua được bằng tiền. Bạn có thể mua thức ăn, mua khoáng sản, công nghệ, chiêu mộ nhân tài... Cho nên ở đây thấy rằng, Trung Quốc đóng vai trò là nhân tố gây rối loạn xã hội quốc tế.

Theo Thiên Lượng thời phân
Thuần Phong biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập phát minh từ mới ‘quan điểm lớn về lương thực’: Nguy cơ hay dã tâm của Trung Quốc?