Phân tích về kết cục của người sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tòa án Cấp cao Hong Kong gần đây đã ban hành lệnh thanh lý Tập đoàn Evergrande - “gã khổng lồ” bất động sản của Trung Quốc đang ngập trong nợ nần. Điều này cũng làm dấy lên suy đoán về việc liệu người sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn có bị kết án tử hình hay không. Trước đó đã có vụ nhà sáng lập Tập đoàn Tomorrow Tiêu Kiến Hoa - được cho là người lên kế hoạch và thao túng cuộc ‘đảo chính tài chính’ năm 2015 - nhưng chỉ bị kết án 13 năm và cựu Chủ tịch HĐQT của China Huarong Lại Tiểu Dân - tuy “có biểu hiện lập công lớn” - nhưng vẫn bị kết án tử hình.

Là công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc, hơn hai năm sau khi vỡ nợ, Evergrande đã bị tòa án Hong Kong ra lệnh thanh lý vào ngày 29/1. Vào tháng 9 năm ngoái, một số quản lý cấp cao của Evergrande, bao gồm cả người sáng lập tập đoàn là ông Hứa Gia Ấn, đã bị bắt. Cho đến nay, hàng triệu người mua nhà ở Trung Quốc vẫn đang chờ các dự án căn hộ của Evergrande được hoàn thiện.

Vào tháng 10 năm ngoái, có một kênh truyền thông cá nhân ở Trung Quốc đưa tin rằng sau khi bị bắt, ông Hứa Gia Ấn đang trên đà mất kiểm soát cảm xúc. Tin tức này gần đây đã bị “đào lại” và Internet Trung Quốc lại xôn xao về kết cục của ông Hứa Gia Ấn, đồng thời mang ra so sánh với số phận của ông Tiêu Kiến Hoa và ông Lại Tiểu Dân.

Vụ án của Tiêu Kiến Hoa và Lại Tiểu Dân

Vào ngày 19/8/2022, ông Tiêu Kiến Hoa, người sáng lập Tập đoàn tài chính Tomorrow và là một doanh nhân giàu có người Canada gốc Hoa, đã bị tòa án Trung Quốc kết án 13 năm tù, công ty con Tomorrow Holdings của ông này bị phạt 55 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7,7 triệu USD). Đáng chú ý là, thời điểm xét xử ông Tiêu lại đúng vào lúc sau khi chính quyền Trung Quốc tổ chức Hội nghị Bắc Đới Hà và trước khi diễn ra Đại hội Đảng XX. Khi đó có không ít nhà phân tích chỉ ra rằng, phán quyết này cho thấy đã có sự thỏa hiệp trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Tiêu Kiến Hoa được cho là có quan hệ chặt chẽ với các lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ và đóng vai trò là “găng tay trắng” cho nhiều gia tộc quyền lực, bao gồm gia tộc của các ông Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình, Tăng Khánh Hồng, Lưu Vân Sơn, Ôn Gia Bảo, Giả Khánh Lâm, v.v. “Găng tay trắng” là từ để chỉ các doanh nhân phục vụ chính trị gia, các chính trị gia đứng sau chỉ đạo, còn các doanh nhân này sẽ ra mặt thực thi để mang lại lợi ích cho những quan chức kia.

Đến cuối năm ngoái, Tập đoàn Tomorrow đã hoàn toàn bị chia cắt và tách ra sau 3 năm được chính quyền tiếp quản.

'Cá sấu tài chính’ Trung Quốc lập công gì mà được hưởng mức án khoan hồng?
'Cá sấu tài chính' Trung Quốc - ông Tiêu Kiến Hoa (trái) bị kết án 13 năm tù vào năm 2022. Ông này được cho là doanh nhân phục vụ cho các lãnh đạo cấp cao thuộc phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng (phải). (Ảnh tổng hợp)

Có một đại gia khác cũng bị xét xử nhưng lại có số phận khác với ông Tiêu Kiến Hoa, đó là ông Lại Tiểu Dân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Huarong, một trong những tập đoàn tài chính nhà nước lớn nhất của Trung Quốc chuyên xử lý nợ xấu. Ông Lại Tiểu Dân đã bị kết án tử hình vì nhận hối lộ vào ngày 5/1/2021 và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân; sau đó bị thi hành án vào ngày 29/1 cùng năm.

Điều kỳ lạ là, tòa án nhấn mạnh rằng ông Lại Tiểu Dân “có biểu hiện lập công lớn” nhưng vẫn tuyên án tử hình ông này ở cấp sơ thẩm. Đây là điều cực kỳ hiếm thấy kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, trong số các quan chức cấp cao, chỉ có ông Triệu Lê Bình (Zhao Liping), Phó chủ tịch Chính Hiệp (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc) kiêm Giám đốc Công an Khu tự trị Nội Mông, đã bị xử tử vì tội cố ý giết người.

Tòa án giải thích rằng, căn cứ vào tình tiết, tính chất và mức độ phạm tội của ông Lại Tiểu Dân, dù ông Lại có biểu hiện lập công lớn nhưng chưa đủ để giảm mức hình phạt. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ từng chỉ ra rằng, khi ông Lại Tiểu Dân phụ trách Huarong đã “mở rộng mù quáng và kinh doanh thiếu trật tự, khiến công ty đi chệch hướng nghiêm trọng khỏi trách nhiệm chính và hoạt động kinh doanh chính”.

Giới quan sát chỉ ra rằng, ông Lại Tiểu Dân là một trong những thành viên chủ chốt của "Băng đảng Giang Tây" và được ông Tăng Khánh Hồng đề bạt trọng dụng; mà ông Tăng Khánh Hồng lại là cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, nhân vật số 2 trong phe phái của cựu lãnh đạo đảng Giang Trạch Dân - đối thủ chính trị sống còn của ông Tập Cận Bình. Khi Huarong vẫn còn do ông Lại Tiểu Dân kiểm soát, tập đoàn này đã có mối quan hệ lợi ích với Tập đoàn bất động sản Fantasia do cháu gái của ông Tăng Khánh Hồng là bà Tăng Bảo Bảo kiểm soát. Ngoài ra, tờ Caixin của Trung Quốc còn từng đưa tin rằng ông Lại Tiểu Dân có "3 cái 100": hơn 100 căn hộ, hơn 100 mối quan hệ và hơn 100 tình nhân.

Sau khi ông Lại Tiểu Dân bị bắt, vị thế tài chính của "China Huarong" cũng lao xuống đáy. Vào ngày 1/4/2021, Huarong buộc phải tạm dừng giao dịch do không công bố kết quả hoạt động thường niên năm 2020.

Giờ đây cái tên “Huarong” đã biến mất khỏi giới tài chính. Vào ngày 26/1 năm nay, China Huarong ra thông báo cho hay, tên công ty đã được đổi từ "China Huarong Asset Management Co., Ltd." (Công ty Hữu hạn Cổ phần Quản lý Tài chính Hoa Dung Trung Quốc) thành "China CITIC Financial Asset Management Co., Ltd.” (Công ty Hữu hạn Cổ phần Quản lý Tài sản Kim Dung Trung Tín Trung Quốc). Tập đoàn CITIC nắm giữ 26,46% cổ phần của công ty này và là cổ đông lớn nhất của công ty.

Đứng đầu danh sách này là cựu Chủ tịch Lại Tiểu Dân của Công ty Quản lý Tài sản Hoa Dung Trung Quốc (China Huarong Asset Management). Ông này đã bị kết án tử hình hôm 5/1. (STR/AFP / Getty Images)
Cựu Chủ tịch Lại Tiểu Dân của Công ty Quản lý Tài sản China Huarong. Ông này đã bị kết án tử hình. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Phân tích: Ông Hứa Gia Ấn sẽ không đến mức bị tử hình, có thể sẽ trở thành công cụ chính trị

Về số phận của ông Hứa Gia Ấn, ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ Trung Quốc ở hải ngoại, nói với The Epoch Times vào ngày 31/1 rằng Hong Kong không có án tử hình đối với tội phạm kinh tế và Trung Quốc đại lục cũng sẽ không tuyên án tử hình ông Hứa Gia Ấn.

Chủ yếu là do vụ Yuanhua (Viễn Hoa) năm đó, tội phạm chính là ông Lại Xương Tinh (Lai Changxing) trốn sang Canada nhưng có nhiều người trong vụ án này đã bị kết án tử hình. Sau đó, Trung Quốc muốn dẫn độ ông Lại Xương Tinh, và khi đàm phán với Canada, Bắc Kinh đã hứa sẽ không tuyên án tử hình ông này. Kể từ đó, ĐCSTQ cân nhắc rằng việc bắt về và tuyên án tử hình sẽ gây bất lợi cho “cuộc truy lùng những kẻ đào tẩu quốc tế”, nên về cơ bản họ sẽ không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm kinh tế.

Về bản án tử hình của cựu Chủ tịch Huarong Lại Tiểu Dân, ông Vương cho rằng ông Lại Tiểu Dân không phải là một tội phạm kinh tế thông thường. Chắc chắn phải có lý do khác khiến ông này bị kết án tử hình, không phải lý do tài chính, nhưng ĐCSTQ sẽ không nói ra nguyên nhân. Ông Lại Tiểu Dân tuy “có biểu hiện lập công lớn” nhưng lại bị kết án tử hình, có lẽ là vì nói quá nhiều và động chạm đến những người "không nên" động vào.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), Phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc nói với The Epoch Times vào ngày 31/1 rằng ông Lại Tiểu Dân khác với hai ông Hứa Gia Ấn và Tiêu Kiến Hoa. Trong mắt ông Tập Cận Bình, nếu không phải là hậu duệ đỏ thế hệ thứ hai, thứ ba (thế hệ con cháu của các lãnh đạo ĐCSTQ thời kỳ đầu) thì những quan chức nổi lên trong chốn quan trường này đều là đang cướp đoạt tài sản của đảng, nhà nước và của Tập Cận Bình.

Ông Phùng cho rằng, ông Tập mang danh là người chống tham nhũng mạnh mẽ, vậy nên cần lôi một số quan chức ra để giết gà dọa khỉ, những người như ông Lại Tiểu Dân sẽ trực tiếp bị tuyên án tử hình. Còn ông Tiêu Kiến Hoa là một doanh nhân, một “găng tay trắng” có quyền lực, chỉ cần tiết lộ danh sách quan chức mà bản thân đã hối lộ thì bản án của ông này sẽ nhẹ hơn. Ông Tập muốn sử dụng họ như một công cụ để tấn công các đối thủ chính trị, đồng thời muốn những người đó “nôn” tiền của mình ra.

Theo ông Phùng, ông Hứa Gia Ấn sẽ không bị kết án tử hình và bản án sẽ phụ thuộc vào mức độ hợp tác của ông này với ông Tập Cận Bình. Ngoài ra, Bắc Kinh còn muốn ông Hứa làm một việc, đó là nộp toàn bộ số tiền của mình ra để bồi thường cho chủ sở hữu các căn hộ trong những tòa nhà còn đang dang dở kia. Chính quyền muốn duy trì ổn định và lấy lòng dân, từ góc độ này, ông Hứa cũng là một công cụ chính trị.

Chuyên gia: Đã qua rồi thời kỳ huy hoàng của BĐS Trung Quốc
Các tòa nhà chung cư chưa hoàn thiện tại khu phát triển Thung lũng Y tế của Tập đoàn Evergrande Trung Quốc ở ngoại ô thành phố Nam Kinh, Trung Quốc vào ngày 22/10/2021. (Qilai Shen/Bloomberg via Getty Images)

Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) nói với The Epoch Times vào ngày 30/1 rằng, cuối cùng ĐCSTQ sẽ xử lý ông Hứa Gia Ấn như thế nào, điều này phụ thuộc vào việc liệu động thái thanh lý Evergrande có dẫn đến các sự cố trên quy mô lớn hay không.

Ông Thái nói rằng, “Ông ấy (Hứa Gia Ấn) cũng không phải là phạm tội ác gì tày trời nên sẽ không thể giống Lại Tiểu Dân. Suy cho cùng, Lại Tiểu Dân là một quan chức tài chính cấp cao trong hệ thống nhà nước và trong đảng, ông này đã làm rất nhiều việc như buôn bán tài sản của nhà nước; bản chất của hai vụ này khác nhau, ông Hứa Gia Ấn chỉ là một chủ doanh nghiệp tư nhân".

Nhà bình luận độc lập này cho rằng, khi tham gia vào ngành bất động sản ở Trung Quốc, ông Hứa Gia Ấn chắc chắn đã chuyển rất nhiều lợi ích cho các quan chức nhưng số tiền ông này nợ các ngân hàng quốc doanh không quá lớn, mà chủ yếu là nợ vốn nước ngoài, các khoản thi công công trình, các khoản thanh toán cho nhà cung cấp và nợ người mua nhà.

Ngoài ra, ông Thái cho rằng chính quyền Trung Quốc cũng sẽ không xử lý ông Hứa Gia Ấn theo cách họ xử lý ông Tiêu Kiến Hoa, vì ông Tiêu Kiến Hoa xác thực là một “găng tay trắng”. Trong khi đó việc các nhà phát triển bất động sản như ông Hứa Gia Ấn làm giàu và đẩy giá nhà đất lên cao đều là có chính quyền đứng sau chống lưng cho họ. Vì vậy, “việc xử lý ông ấy (Hứa Gia Ấn) sẽ không quá nghiêm khắc, trừ khi trong quá trình này ông ấy tiết lộ quá nhiều thông tin không nên tiết lộ, khi đó có thể xảy ra tình huống giết người diệt khẩu".

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích về kết cục của người sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn