Rò rỉ tài liệu mật: Nga mô phỏng việc dùng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù Trung Quốc và Nga đã tăng cường hợp tác chặt chẽ trong những năm gần đây, nhưng các tài liệu quân sự bị rò rỉ của Nga đã tiết lộ một khía cạnh ít được biết đến, đó là sự nghi ngờ sâu sắc của các quan chức an ninh quốc gia Nga đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các nguồn tin phương Tây đã đưa những tài liệu này cho tờ Financial Times của Anh. Các chuyên gia đã xem xét và xác minh những tài liệu này cho biết, trong đó có mô tả ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Nga. Ngưỡng này thấp hơn mức mà Nga công khai thừa nhận.

Những tài liệu mật này bao gồm 29 tài liệu quân sự bí mật của Nga từ ​​năm 2008 đến 2014. Trong đó có các kịch bản điều binh khiển tướng và các cuộc trình diễn huấn luyện cho các sĩ quan hải quân, cũng như những thảo luận về nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Quân đội Nga giả định một cuộc xâm lược từ Trung Quốc

Trong phần tài liệu bị rò rỉ có mô tả một cuộc diễn tập giả định rằng Nga phải đối mặt với cuộc tấn công từ Trung Quốc. Trong cuộc tập trận giả định này, Nga được gọi là “Liên bang Phương Bắc” (Northern Federation) và họ có thể đáp trả bằng các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật nhằm ngăn chặn làn sóng xâm lược thứ hai từ bộ đội "Phương Nam".

Trong tài liệu viết: “Tổng tư lệnh đã ra lệnh… sử dụng vũ khí hạt nhân khi quân địch triển khai thê đội 2 và Phương Nam (ám chỉ Trung Quốc) đe dọa tấn công sâu hơn theo mũi tiến công chính…”.

Thê đội là bộ phận của đội hình chiến đấu, được bố trí thành nhiều tuyến trước sau theo hình bậc thang và sẽ hành động theo thứ tự: thê đội 1, thê đội 2, …; một đội hình chiến đấu có thể có từ 1 đến 3 thê đội.

Tờ Financial Times cho rằng mặc dù ông Putin bắt đầu thành lập liên minh với Bắc Kinh và đã ký thỏa thuận không tấn công hạt nhân trước ngay từ năm 2001, nhưng kế hoạch phòng thủ nói trên đã bộc lộ sự nghi ngờ sâu sắc của giới lãnh đạo cấp cao nhất trong cơ quan an ninh Nga đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc và Nga đã tăng cường quan hệ hợp tác, ông Putin và ông Tập đã gặp nhau ít nhất 40 lần. Nga bắt đầu xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 và đã phải chịu các lệnh trừng phạt toàn diện từ Mỹ và châu Âu, tuy nhiên, Trung Quốc lại tăng cường thương mại với Nga và mang lại cho nước này một huyết mạch kinh tế quan trọng, giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt; điều này đã bị phương Tây lên án.

Mặc dù bề ngoài Nga - Trung dường như đang xích lại gần nhau hơn, thậm chí nguyên thủ hai nước còn tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác "không giới hạn", nhưng Financial Times nói rằng những dữ liệu huấn luyện quân sự bị rò rỉ của Nga cho thấy Quân khu phía Đông của Nga đang tập luyện để đối phó với các kịch bản xâm lược khác nhau từ Trung Quốc.

Theo bài báo trên Financial Times, những cuộc tập trận này đã cung cấp một góc nhìn sâu hơn về cách Nga coi kho vũ khí hạt nhân của mình là nền tảng trong chính sách quốc phòng, cũng như cách nước này huấn luyện quân đội thực hiện cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu trong một số điều kiện chiến trường nhất định.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng không có bất kỳ lý do gì để nghi ngờ Nga, người phát ngôn cho biết "Hiệp ước láng giềng thân thiện và hợp tác hữu nghị Nga - Trung” đảm bảo rằng từ thế hệ này sang thế hệ khác hai nước sẽ hữu nghị và không thù địch.

Còn người phát ngôn của ông Putin hôm thứ Tư (ngày 28/2) cho biết: “Chúng tôi thực sự nghi ngờ tính xác thực của các tài liệu được đề cập”.

Nga vẫn đang cảnh giác với Trung Quốc

Ngay cả khi Moscow - Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn và Nga đã chuyển quân từ phía Đông sang Ukraine, Nga vẫn tiếp tục tăng cường phòng thủ ở phía Đông của mình.

Ông William Alberque, Giám đốc về Chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết: "Nga tiếp tục tăng cường và diễn tập với các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở vùng Viễn Đông - gần biên giới Trung Quốc. Trong số này có rất nhiều hệ thống [tên lửa] có tầm bắn chỉ đến được Trung Quốc”.

Ông Alberque nói, Nga vẫn đang hành động theo "thuyết sử dụng" vũ khí hạt nhân được nêu trong những tài liệu bị rò rỉ này. Có khả năng Nga lo ngại rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng sự phân tâm của Moscow để “đuổi người Nga ra khỏi Trung Á”.

Những tài liệu bị rò rỉ này đã phản ánh mô hình các cuộc tập trận định kỳ được quân đội Nga tiến hành trước và sau khi xâm lược Ukraine vào năm 2022. Ông Alberque từng tham gia vào công tác kiểm soát vũ khí cho NATO và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, ông chỉ ra rằng vào tháng 6 và tháng 11 năm ngoái, Nga đã tiến hành các cuộc diễn tập sử dụng tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở hai khu vực giáp Trung Quốc.

Ông Brian Hart, nhà nghiên cứu tại “Dự án Sức mạnh Trung Quốc” (China Power Project) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), từng bày tỏ quan điểm của mình về quan hệ Trung - Nga trên nền tảng mạng xã hội X. Ông Hart cho rằng, mối quan hệ Trung - Nga không phải là mối quan hệ dựa trên "giá trị chung" hay sự tôn trọng, nó khác với mối quan hệ giữa Mỹ và nhiều đồng minh, nó chủ yếu dựa trên lợi ích và "khi tình thế thay đổi thì lợi ích cũng sẽ thay đổi nhanh chóng".

Trung Á là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga và được coi là “sân sau” của Nga. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cố gắng tăng cường sức ảnh hưởng của mình ở Trung Á, điều này khiến Nga phải cảnh giác.

Vào tháng 9/2022, ông Tập Cận Bình đã tham dự hội nghị thượng đỉnh "Tổ chức Hợp tác Thượng Hải" ở Uzbekistan - một quốc gia Trung Á. Khi đó, ông Putin, người đang bận rộn với cuộc chiến Nga - Ukraine, cũng đích thân tới tham dự hội nghị thượng đỉnh này. Vào thời điểm đó, có nhà phân tích chỉ ra rằng mặc dù Trung - Nga nhất trí đối đầu với Mỹ nhưng họ cũng đang cạnh tranh trong khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga, bao gồm Kazakhstan, Uzbekistan, v.v.

Vụ rò rỉ tài liệu tiết lộ tiêu chuẩn sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga

Tài liệu này đã tiết lộ các tiêu chuẩn sử dụng vũ khí hạt nhân của quân đội Nga. Trong một video trình diễn huấn luyện dành cho các sĩ quan hải quân Nga, có đề cập đến ngưỡng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng, đó là khi quân đội Nga phải gánh chịu những tổn thất "không thể đảo ngược và dẫn tới việc họ không thể ngăn chặn cuộc xâm lược to lớn của kẻ thù", đây là "tình thế nguy cấp đối với sự an toàn của quốc gia Nga".

Ông Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm Á - Âu Russia Carnegie ở Berlin, cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy những báo cáo như vậy được công bố rộng rãi”. Chúng cho thấy rằng, nếu quân đội Nga không thể đạt được kết quả mong muốn thông qua các biện pháp thông thường, họ có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể được phóng bằng tên lửa từ mặt đất, trên biển hoặc bằng máy bay, nó được thiết kế để sử dụng trên các chiến trường hạn chế ở châu Âu và châu Á. Đây không phải là loại vũ khí "chiến lược" được sử dụng để chống lại Hoa Kỳ.

Các lực lượng của Nga cũng được cho là có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đạt được nhiều mục tiêu, bao gồm: "ngăn chặn các quốc gia khác sử dụng thủ đoạn xâm lược... hoặc leo thang xung đột quân sự", "ngăn chặn sự xâm lược", và giúp cho hải quân Nga "hiệu quả hơn".

Những tài liệu bị rò rỉ cũng cho thấy ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga thấp hơn mức mà nước này đã công khai.

Ông Putin cho biết vào năm ngoái rằng, học thuyết hạt nhân của Nga cho phép nước này sử dụng vũ khí hạt nhân ở hai ngưỡng: một là trả đũa cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu của kẻ thù, hai là trong trường hợp "sự tồn tại của nước Nga bị đe dọa".

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Rò rỉ tài liệu mật: Nga mô phỏng việc dùng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược