Sự thật về truyền thông Trung Quốc qua lời kể của cựu nhân viên tòa soạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Tôn Kiệt (Sun Jie) và vợ từng công tác tại một tòa soạn báo ở Trung Quốc trong nhiều năm. Họ làm việc tận tâm và thận trọng. Tuy nhiên, một vụ cưỡng chế phá dỡ mà người thân của họ gặp phải đã khiến quỹ đạo cuộc đời của họ rẽ ngoặt.

Vào ngày 28/6/2023, ông Tôn Kiệt tham gia cuộc mít tinh và diễu hành "Chấm dứt nền bạo chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc" trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, Mỹ. (Ma Shang’en / The Epoch Times)

'Cảm giác bị coi như súc sinh'

Trước khi ông Tôn Kiệt đến Hoa Kỳ vào năm 2019, ông đã làm việc tại một tờ nhật báo ở một thành phố lớn thuộc tỉnh Giang Tô. Ông chủ yếu phụ trách việc kiểm tra các "từ khóa" của tin tức trước khi đăng bài lên mạng. Còn vợ ông là một phóng viên chuyên đưa tin về các vấn đề trị an xã hội. Bố mẹ vợ ông đều là công nhân viên chức đã về hưu và sở hữu một căn nhà có giá khá cao ở vị trí đắc địa trong trung tâm thành phố.

Năm 2012, chính quyền địa phương quyết định phá bỏ và xây dựng lại khu vực này. Trong quá trình đó đã xảy ra tranh chấp giữa chủ nhà và đơn vị phụ trách công việc phá dỡ của chính quyền. Các chủ nhà cho rằng số tiền đền bù phá dỡ không đủ để bù đắp thiệt hại của họ. Mức giá giữa vị trí đắc địa và khu tái định cư chênh lệch nhau gấp mấy lần.

Chính quyền cử phó giám đốc công an phụ trách việc phá dỡ, ông này đã dùng mọi cách, rắn mềm đủ cả để buộc một số chủ nhà phải ký tên. Vẫn còn một số hộ gia đình kiên quyết không đồng ý với các điều kiện phá dỡ, và mẹ vợ của ông Tôn Kiệt là một trong số đó.

Mặc dù ông Tôn Kiệt đã thuyết phục mẹ vợ: "Những kẻ ngày nào cũng uy hiếp phá dỡ trước cửa nhà là 'xã hội đen', kẻ nào cũng to lớn vạm vỡ, chúng ta không gây với họ được”. Nhưng mẹ vợ nuốt không nổi cục tức này, bà từ chối ký hợp đồng. Một ngày nọ, ông Tôn Kiệt và vợ đang đi làm thì nhận được điện thoại từ mẹ vợ, nói rằng họ không thể ra ngoài và đang bị mắc kẹt trong nhà. Ông Tôn Kiệt không thể rời đi vì công việc, người vợ đang mang thai hơn ba tháng của ông đã vội vàng chạy về để giải quyết.

Ông Tôn Kiệt cho hay, vì làm việc trong tòa soạn báo nên ông nắm khá rõ thông tin. Ông biết được rằng, những kẻ xã hội đen kia đều là do phó giám đốc công an trực tiếp chỉ đạo, ông ta nhận được nhiệm vụ là phải hoàn thành việc phá dỡ trong thời gian quy định, nên ông ta đã thuê bọn côn đồ làm “việc bẩn”. Tôi hôm đó, vợ ông không về nhà và liên tục gọi điện cho ông để thông báo tình hình tại nhà mẹ đẻ. Đến 8, 9 giờ tối, mẹ vợ ông bị đám xã hội đen đánh, vợ ông báo cảnh sát nhưng họ từ chối cử người tới giải quyết.

Ngày hôm sau, xung đột vẫn tiếp diễn, cảnh sát tiếp tục giả câm giả điếc, ông Tôn Kiệt vô cùng phẫn nộ vì cảnh sát cho phép bọn côn đồ ức hiếp người dân. Buổi trưa, ông viết vài câu trên diễn đàn cộng đồng, chỉ trích viên cảnh sát phụ trách phá dỡ nhà ở đã thông đồng với xã hội đen, kèm theo bức ảnh mẹ vợ ông bị đánh đến vỡ đầu chảy máu. Kết quả là vào buổi chiều, vợ ông đã bị cảnh sát bắt giữ, ông Tôn Kiệt cũng nhận được thông báo: ngay lập tức đến văn phòng của người phụ trách đơn vị.

Sau khi vào văn phòng, người phụ trách nói với ông: "Anh đã gây ra đại họa, chúng tôi không thể bảo vệ anh được nữa, vợ anh đã 'vào đó' rồi, người của đồn cảnh sát đang đợi ở dưới lầu để bắt anh. Bây giờ anh hãy ký vào giấy tờ phá dỡ và thừa nhận rằng mình đã vu tội cho phó giám đốc công an. Tôi có thể cầu xin họ giúp anh, cho anh một tiếng đồng hồ để suy nghĩ".

Ông Tôn Kiệt sốt ruột đến bật khóc, ông sợ rằng người vợ đang mang thai gặp nguy hiểm nên đã ký vào đơn nhận tội và cầu xin khắp nơi để cứu vợ. Sau đó, mẹ vợ ông cũng bị buộc phải ký vào bản thỏa thuận. Dù sự việc đã kết thúc tại đây nhưng từ đó vợ chồng họ trở thành những ‘kẻ khác người’. Ông Tôn Kiệt bị xử phạt hành chính, đồng nghĩa với việc mất đi tiền đồ ở đơn vị.

“Tôi từng nghĩ rằng Đảng Cộng sản [Trung Quốc] đối xử với tôi khá tốt”, ông Tôn Kiệt nói. “Nhưng sự cố phá dỡ nhà đã khiến tôi hoàn toàn hiểu rõ Đảng Cộng sản [Trung Quốc] là một tổ chức như thế nào”.

"Nó không có giới hạn, nó hoàn toàn coi dân chúng như súc sinh". Nhớ lại cảm giác bị áp bức và sỉ nhục khi ký tên trong vòng vây của cảnh sát, ông nói: "Tôi cảm thấy mình như một con vật, thực sự là như vậy”.

Từ đó, vợ chồng ông nản lòng và cũng sợ phó giám đốc công an trả thù nên đã lần lượt sang Mỹ định cư vào năm 2016 và 2019.

Truyền thông của Đảng là tầng tầng ‘kiểm định chính trị’

Khi còn ở Trung Quốc, vợ của ông Tôn Kiệt là một phóng viên nên thường xuyên phải ra ngoài lấy tin về an ninh xã hội. Bà đã chứng kiến ​​​​rất nhiều chuyện: từ vụ nhiều thành viên trong một gia đình bị giết, dân làng đánh nhau, những vụ xả súng, đến việc trưởng thôn tự ý bán đất của làng... Nhưng ngay cả khi vội vã đến hiện trường lấy tin, bà cũng không thể tự ý đăng bài.

Đối với tin tức về những người nắm quyền ở cấp cao, tòa soạn báo luôn sử dụng bản nháp do ban tuyên truyền đưa xuống, không thể thay đổi một từ hay dấu chấm câu nào trong đó. Đôi khi, vì đợi bản thảo, một số nhân viên tòa soạn phải luân phiên trực đêm, đợi đến 2 giờ khuya khi tờ báo được đem đi in thì mới có thể kết thúc công việc trong ngày.

Ông Tôn cho hay, bài báo ‘hành hạ’ ông nhiều nhất là tin tức về cái chết của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân vào năm 2011. Vì không nắm chắc thông tin nên trong tuần đó nhân viên tòa soạn phải thay phiên nhau chờ tin, “giống như phòng lũ cứu nạn vậy, áp lực vô cùng lớn”. Sau vài pha thấp thỏm, các biên tập viên và phóng viên đều bận rộn một cách vô ích. Mãi cho đến năm ngoái khi đang ở Hoa Kỳ, ông Tôn Kiệt mời chờ đợi tin tức về “cái chết của Giang Trạch Dân".

Ông Tôn Kiệt nhớ lại rằng mỗi lần bản thảo được gửi đi, nó phải được biên tập viên đọc trước, sau đó được chuyển cho chủ biên, tiếp theo là tổng biên tập và xã trưởng (trong các tòa soạn báo cấp thành phố trở lên của Trung Quốc, xã trưởng là người phụ trách tình hình chung, thiên về hành chính; tổng biên tập phụ trách biên tập, thiên về nghiệp vụ).

Trước khi tờ báo được đánh máy, ông Tôn Kiệt sẽ tra các từ khóa để xem có phạm phải điều cấm kỵ nào của đảng và nhà nước hay không. Trước khi in, cơ quan tuyên truyền của địa phương sẽ xét duyệt lại. Có lúc bài báo trên trang nhất bị gỡ xuống và không có thời gian để thay đổi bản thảo, nên đành phải để lại một khoảng trống lớn.

Số người chết trong các vụ tai nạn tại địa phương cũng bị hạn chế nghiêm ngặt khi đưa tin: “Quá 3 người [chết] thì báo cáo ban tuyên truyền của thành ủy; quá 6 người thì báo cho ban tuyên truyền của tỉnh ủy; quá 10 người thì cần đợi Bắc Kinh phê chuẩn. Bạn không thể tự ý đưa tin”.

Nói về việc chính quyền kiểm soát chặt chẽ ngôn luận trực tuyến, ông Tôn Kiệt cũng cho biết khi phát hiện các bài đăng nhạy cảm trên WeChat và Weibo, trước tiên họ sẽ cố gắng chặn chúng, sau đó thông báo cho phòng giám sát Internet của cơ quan công an để truy tìm nguồn gốc.

"Đảng Cộng sản [Trung Quốc] kiểm soát tin tức rất nghiêm ngặt". Ông Tôn Kiệt nhớ lại rằng khi một tờ báo ở thành phố Vô Tích đưa tin, tờ báo này đã gõ sai tên ông Tập Cận Bình là Tập Cận Niên, kết quả là từ tổng biên tập tới xã trưởng đều bị đuổi việc (trong tiếng Trung, chữ Tập 平 và chữ Niên 年 có kết cấu khá giống nhau).

Cựu nhân viên truyền thông này nói: “Mỗi một chữ trên tờ báo [của Đảng Cộng sản Trung Quốc] đều xuất phát từ nhu cầu [chính trị]”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sự thật về truyền thông Trung Quốc qua lời kể của cựu nhân viên tòa soạn