4 loại tiền dù có nghèo đến mấy cũng tuyệt đối không được tham

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiền không ai là không thích, nhưng không phải loại tiền nào cũng cầm, cũng nhận được. Thái độ đối với tiền của mỗi người là khác nhau cũng thể hiện nhân cách của người đó. Có 4 loại tiền dù trong hoàn cảnh bần cùng cũng nên "giữ mình vững".

Tiền thực sự rất quan trọng, nó có thể khiến con người ta trở nên sung túc, thỏa mãn dục vọng bản thân cũng khiến người ta trở nên xấu ác, thành nô lệ của đồng tiền đánh mất nhân phẩm, danh dự làm người. Có 4 loại tiền cần tiết chế bản thân, giữ mình vững vàng không được tham.

1. Tiền người khác cho vay

Người xưa có câu: "Đồng tiền đi liền khúc ruột", tiền là vật bất ly thân. Vì vậy, chỉ khi thân cận, tin tưởng lắm người thân, bạn bè mới cho vay. Khi được người khác cho vay thì nhất định cần giữ đúng lời hẹn, ngày trả cũng là giữ thanh danh, uy tín, nhân phẩm của bản thân.

Trong lúc gặp khó khăn được người khác giúp đỡ, cần ghi nhớ ơn này và nhanh chóng tìm cách hoàn trả lại khi có tiền và tới kỳ hạn trả. Như vậy, lần tới nếu tiếp tục vay họ mới cho vay. Hiện nay, trong xã hội có không ít người gặp phải tình huống cho người khác vay tiền xong họ không trả, nên những người vay tiền lại càng nên giữ chữ tin. Bởi một lần mất tin vạn lần mất tín, nếu cứ dây dưa, lần khất kiểu không muốn trả, tiếng xấu đồn xa lần sau sẽ không ai muốn và dám cho vay nữa.

Ông cha ta thường tin vào luật nhân quả, phải sống có lương tâm. Có vay ắt sẽ có trả, không muốn trả thì cuộc đời sẽ bắt phải trả. Trong lịch sử từ cổ tới kim đã có nhiều những câu chuyện về luân hồi, nhân quả, nợ vay đều phải hoàn trả.

Bỏ tiền vào bao lì xì làm sao cho đúng? 
Có vay thì phải có trả. (Shutterstock)

2. Không tiêu tiền không phải của mình

Cần làm được như câu "cái gì không phải của mình thì không được lấy", tiền của bố mẹ, anh chị em hay của bạn bè xung quanh, khi ai đó đã đưa bạn giữ tiền giúp tức là họ tin tưởng bạn. Vì vậy, hãy cố gắng là một nơi an toàn, tin cậy cho người khác, cầm tiền của họ thì không nên tiêu, bất kể đó là người thân nhất hay người sinh ra mình.

Đừng vì lợi ích nhất thời mà đánh mất niềm tin vô giá, cũng là đánh mất nhân phẩm, bản tính lương thiện trong tâm mình. Tiêu tiền cũng nên tiêu một cách yên tâm, đường đường chính chính chứ không phải vừa tiêu vừa lo lắng. Tiêu tiền của người khác vui sướng nhất thời nhưng khổ cả đời.

3. Tiền không chính đáng

Tiền là hiện thân của vật chất, con người chúng ta sống ai cũng mong và truy cầu có thật nhiều tiền để thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống, dục vọng, sở thích của bản thân. Xã hội ngày nay, đồng tiền, vật chất lên ngôi người ta có thể bất chấp mọi việc xấu ác, chỉ cần có tiền là họ làm. Yêu tiền, thỏa mãn các nhu cầu sống không có gì sai, nhưng cách kiếm tiền cần chân chính, không làm tổn hại đến lợi ích của người khác và gây hại cho xã hội, vì tiền kiếm được trên sự mất mát, đau khổ của người khác, đạt được bằng mọi cách là tiền "bẩn"- không chính đáng.

Chúng ta có thể thấy, thực tế trong cuộc sỗng, những người tham ô, ăn hối lộ, lừa tiền tỷ của người khác cuối cùng đều không có cái kết tốt đẹp. Sướng nhất thời khổ ngàn đời, bởi cuộc đời rất công bằng. Không chỉ chịu tội về mặt pháp luật nặng hơn còn luật nhân quả báo ứng, vì vậy hãy kiếm tiền một cách công minh, đàng hoàng dựa vào trí tuệ, sức lao động của bản thân.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể bắt gặp những người nghèo vật chất mà không nghèo nhân cách. Một em học sinh, một người đàn ông nhặt được ví tiền, túi tiền trong đó đều chứa rất nhiều tiền nhưng họ không tham vẫn tìm cách tìm lại chủ nhân, người bị mất để trả lại. Và những người đó đều nhận được những điều tốt đẹp trên đường đời.

Chúng ta hãy làm chủ đồng tiền chứ không nên trở thành nô lệ cho đồng tiền, để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

4. Không tham tiền quà cáp

Trong xã hội ngày nay, các mối quan hệ làm ăn, buôn bán, ân nhân,...người ta đều tặng quà nhau để bày tỏ tấm lòng, sự biết ơn, để mối quan hệ thêm thăm thiết. Tuy nhiên, cách nhận và trao đi của mỗi người phản ánh nhân cách của người đó, mối quan hệ trở lên tốt đẹp hay xấu đi cũng bởi thông qua sự việc này người ta có cách nhìn nhận, đánh giá.

Một người khi nhận được quà, sự giúp đỡ của người khác không biết đối đáp lại, chỉ muốn nhận hoặc đối đáp lại chỉ bằng một phần nhỏ những gì đã nhận từ người giúp thì không thỏa đáng. Tất nhiên người giúp đỡ bạn sẽ không đòi hỏi, bởi nếu đòi hỏi so đo họ đã không tặng, không cho và không giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nó thể hiện nhân phẩm, cách đối nhân xử thế của bạn. Sẽ làm người khác suy nghĩ về mối quan hệ hiện tại, có nên tiếp tục nữa hay không.

Có câu: "Của biếu là của lo, của cho là của nợ" nhận của ai cái gì là vật chất, tiền tài của cải hay tinh thần thì đều "nợ" người đó. Người khác biếu món quà này chúng ta lại lo chọn quà tặng lại, ai cho cái gì lúc này lúc khác có cũng cần cho lại. Bởi vì "Có đi có lại mới toại lòng nhau", ở đời không ai cho không nhau cái gì, đều có sự trao đổi công bằng.

Nguyên Anh

(Tham khảo Giadinhmoi)



BÀI CHỌN LỌC

4 loại tiền dù có nghèo đến mấy cũng tuyệt đối không được tham