Canada vật lộn với vấn đề mức sống do năng suất lao động tụt hậu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp những con số GDP tích cực, mức sống của người Canada đang tụt lại phía sau các nước tiên tiến khác. Thủ phạm thực sự là vấn đề dai dẳng về năng suất lao động.

Canada đang phải đối mặt với một khoảng cách đáng kể về mức sống, hoặc GDP thực trên đầu người, so với các nền kinh tế tiên tiến khác, theo một báo cáo từ TD Bank.

Báo cáo có tiêu đề “Mind the Gap: Canada is Falling Behind the Standard-of-Living Curve” (Hãy quan tâm tới sự khác biệt: Canada đang tụt lại trên đường cong mức sống) và được xuất bản vào ngày 13/07, nhấn mạnh Canada đang phải vật lộn để theo kịp các nước khác và xác định gốc rễ của sự khác biệt là là tăng trưởng GDP thực trên đầu người không đủ.

Tác giả, nhà kinh tế học Marc Ercolao cho biết, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Canada đã cho thấy sự vững chắc, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng điều này không được biến thành sự gia tăng tương ứng về mức sống. Khi được điều chỉnh theo dân số gia tăng, GDP bình quân đầu người thực của Canada đã giảm trong nhiều năm. Kể từ cú sốc dầu mỏ 2014–15, GDP thực trên đầu người của Canada đã tăng với tốc độ hàng năm là 0,4%, trái ngược hoàn toàn với mức tăng trưởng trung bình 1,4% ở các nền kinh tế tiên tiến khác.

Ông Ercolao viết: “GDP là một chuyện, mức sống là một chuyện khác, và khi kết quả kinh tế của Canada được điều chỉnh theo số lượng dân số ngày càng tăng, nó cho thấy một bức tranh còn nhiều điều khó có thể hài lòng".

Tại khu vực, các nền kinh tế dựa trên hàng hóa như Alberta, Saskatchewan và Newfoundland và Labrador đã từng ghi nhận mức GDP bình quân đầu người cao trong lịch sử. Tuy nhiên, vị thế dẫn dắt của họ đã phải chịu áp lực trong thập kỷ qua và trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ hậu đại dịch. Trong thời kỳ hậu đại dịch, chỉ có British Columbia và Prince Edward Island là có thể phục hồi trở lại mức GDP bình quân đầu người năm 2019, theo báo cáo.

Năng suất tụt hậu

Ông Ercolao cho biết, người ta thường coi tốc độ tăng dân số nhanh là động lực duy nhất dẫn đến GDP bình quân đầu người kém vì nó đã thổi phồng mẫu số của phép tính. Nhưng khi xem xét kỹ hơn, ta thấy rằng thủ phạm thực sự đằng sau kết quả sụt giảm trong GDP thực trên đầu người là vấn đề dai dẳng về năng suất.

Trong nhiều năm, năng suất lao động của Canada, được đo lường trên cơ sở GDP thực trên mỗi giờ làm việc, đã tụt lại phía sau so với các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Mặc dù tốc độ tạo việc làm và tổng số giờ làm việc cao hơn, nhưng năng suất lao động của Canada luôn ở mức dưới trung bình.

Một số yếu tố góp phần vào năng suất tụt hậu này, bao gồm sự yếu kém trong đầu tư vào các cấu trúc phi nhà ở, máy móc và thiết bị cũng như tài sản trí tuệ kể từ năm 2015. Ngoài ra, sự sụt giảm trong chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển cũng dẫn đến điều mà ông Ercolao mô tả là “khoảng cách đổi mới” ở Canada. Tính đến năm 2021, chi tiêu của quốc gia cho nghiên cứu và phát triển chiếm khoảng 1,7% GDP, bằng một nửa tỷ lệ hiện tại của Mỹ và thấp hơn hầu hết các quốc gia khác.

Khó cải thiện trong tương lai trước mắt

Theo ông Ercolao, trong tương lai, mức sống của Canada sẽ không sớm được cải thiện đáng kể.

Ông cho biết, dự báo về GDP thực và GDP thực bình quân đầu người cho đến quý IV năm 2025 cho thấy sự thu hẹp dai dẳng. Nền kinh tế dự kiến sẽ bị “suy giảm theo chu kỳ” trong các quý tới, do các mục tiêu nhập cư đầy tham vọng của liên bang tiếp tục thúc đẩy dòng dân cư chảy vào.

Canada cũng là một trong số ít các quốc gia tiên tiến chưa phục hồi lại mức GDP bình quân đầu người như thời trước đại dịch. Ông Ercolao trích dẫn thêm về Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Cơ quan này đã dự đoán rằng Canada sẽ xếp hạng “cuối cùng” trong số 38 thành viên của tổ chức về tăng trưởng GDP thực trên đầu người cho đến năm 2060.

Ông nói: “Cách tiếp cận của Canada đối với năng suất và tăng trưởng cần những thay đổi cơ bản để giải quyết những vấn đề này". “Mấu chốt của vấn đề vẫn thế: năng suất lao động giảm sút”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Canada vật lộn với vấn đề mức sống do năng suất lao động tụt hậu