Chính sách giáo dục có hiệu lực từ đầu năm 2024

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ tháng 1/2024, các chính sách giáo dục có hiệu lực bao gồm: Bảng lương giáo viên dự bị đại học mới; dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; đánh giá đơn vị học tập cấp huyện, tỉnh.

Từ tháng 1 này, một số chính sách giáo dục có hiệu lực đối với giáo viên, giảng viên, học sinh.

Bảng lương giáo viên dự bị đại học mới

Thông tư số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/1 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trường dự bị đại học.

Thông tư quy định cụ thể về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên dự bị đại học mỗi hạng.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học bao gồm: Giáo viên dự bị đại học hạng III - Mã số: V.07.07.19; giáo viên dự bị đại học hạng II - Mã số: V.07.07.18; giáo viên dự bị đại học hạng I - Mã số: V.07.07.17.

Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng với Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với giáo viên cụ thể như sau:

Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số

Trước đó, vào ngày 8/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư quy định về việc dạy học và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 23/1/2024.

Thông tư này được áp dụng với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt của trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 còn hạn chế.

Mục đích của việc dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 là giúp các em chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, chủ động cho trẻ trong học tập, đồng thời hình thành một số kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt. Ngoài ra, việc dạy học cũng giúp trẻ nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội trước khi vào lớp 1.

Trong chương trình dạy tiếng Việt tiền tiểu học cho trẻ em dân tộc thiểu số, các em sẽ được học theo 5 nội dung là: Chuẩn bị tâm thế vào lớp 1; hình thành các kỹ năng học tập cơ bản; hình thành và phát triển năng lực nghe, nói; hình thành và phát triển năng lực đọc; hình thành và phát triển năng lực viết.

Các nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học với 20 bài học tương ứng, thể hiện thông qua các chủ đề, chủ điểm gần gũi và phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học.

Thời lượng chương trình sẽ không quá 80 tiết học, mỗi tiết kéo dài trong 35 phút. Chương trình sẽ được thực hiện trong dịp hè, trước khi trẻ vào lớp 1. Các địa phương, nhà trường sẽ tùy tình hình thực tế để bố trí thời gian, thời lượng cho phù hợp, hiệu quả.

Xác định đơn vị cấp huyện, tỉnh

Thông tư 24 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hiệu lực từ 26/1 tới quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh.

Thông tư được ban hành nhằm xác định đơn vị cấp huyện, tỉnh đạt mức đáp ứng mục tiêu học tập trong từng giai đoạn, lập kế hoạch cải tiến chất lượng của đơn vị. Công nhận “đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập, tạo động lực học tập.

Thông qua đó, nhằm đảm bảo cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi cho thành viên đơn vị tự học, học thường xuyên để trở thành “công dân học tập”, góp phần xây dựng “cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh; đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Việt Nam Xã hội

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ đầu năm 2024