Có nên đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ trong tuần?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ trong tuần vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến và nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ "người trong cuộc lẫn ngoài cuộc."

Quy định học sinh, sinh viên (HSSV) sẽ không được làm thêm quá 20 giờ/tuần ghi trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi nếu được thông qua.

Cụ thể, học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Theo Bộ luật Lao động hiện hành, lao động ở doanh nghiệp làm không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ; làm thêm dưới 40 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm.

Như vậy, nếu đang trong kỳ học, số giờ làm việc bán thời gian trong tuần của học sinh, sinh viên gần bằng một nửa của người lao động bình thường. Dự thảo chỉ đưa ra giới hạn về giờ làm việc theo tuần. Nếu áp dụng quy định làm việc 5 ngày mỗi tuần, trung bình các em được làm 4 tiếng mỗi ngày.

Góp ý về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Công thương cho rằng cần cân nhắc tính khả thi của nội dung trên.

Theo Bộ này, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian là không khả thi.

Bộ Công Thương lý giải, các cơ sở giáo dục này chỉ quản lý học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại đơn vị chứ không đủ nhân lực quản lý việc làm thêm của nhóm này.

Cũng góp ý về nội dung này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ nghỉ là khó khả thi vì kỳ nghỉ thường các em không sinh hoạt tại trường.

Nhiều bộ ngành cũng cho rằng, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý việc làm bán thời gian của sinh viên là không khả thi.

Học sinh, sinh viên nói gì?

Nguyễn Trọng Nhân, sinh viên Trường ĐH Văn Lang (TP. HCM) cho rằng nếu theo đề xuất này thì sẽ khó tìm việc làm thêm phù hợp. Lý do là đa số nơi tuyển dụng yêu cầu làm việc bán thời gian mỗi ca từ 6 – 8 giờ/ngày, mỗi tuần phải làm ít nhất 6 ca. Theo đó, mỗi tuần phải làm từ 36 – 48 giờ, sẽ quá quy định từ 16 – 28 giờ, trong trường hợp đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được triển khai.

Hoàng Thanh Tường, học sinh Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh (TP. HCM) cũng chia sẻ, sau khi đọc thông tin về Dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, em đã thử tìm kiếm việc làm thêm. Nhưng do bị khống chế thời gian làm việc nên chưa tìm ra việc phù hợp. Đa phần công việc đều yêu cầu phải đáp ứng từ 4 – 8 giờ/ngày. Sau đó, Tường đã thử liên hệ xin làm việc tại một quán cà phê trên đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh) nhưng họ không đồng ý cho làm 3 - 4 ngày/tuần. Bắt buộc phải 6 ngày/tuần. Hiện tại, em tiếp tục tìm nơi khác để có thể làm thêm kiếm tiền sau giờ học.

Nhiều sinh viên cho rằng, quy định về thời gian được làm thêm trong tuần không quá 20 giờ chưa phù hợp với thực tế, bởi nhà hàng, quán cà phê… tuyển lao động làm thêm thường là 5-8 giờ/ca và phải làm liên tục trong tuần. Như vậy, tổng số giờ có thể vượt quá khá nhiều nhiều so với quy định 20 giờ/tuần.

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào trên quy mô cả nước về việc học sinh, sinh viên làm thêm. Tuy nhiên, một số đề tài khảo sát ở cấp trường đại học cho thấy 70-80% sinh viên đang hoặc từng đi làm thêm.

Theo quy định, mức thù lao tối thiểu với lao động hiện nay là 15.600 đến 22.500 đồng một giờ, tùy theo vùng.

Việt Nam Xã hội

Có nên đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ trong tuần?