Đông y tiết lộ bí ẩn: Phải chăng trái tim mới chính là trung tâm chỉ huy của cơ thể?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, bộ phim truyền hình Hàn Quốc đình đám "Nữ hoàng nước mắt" đã chính thức kết thúc. Sau ca phẫu thuật, nhân vật nữ chính Hong Hae In mất đi trí nhớ. Tuy nhiên, nhờ vào những ký ức trong tim, cô đã 'nhận ra" và một lần nữa yêu nam chính Baek Hyun Woo. Cuối cùng hai người sống hạnh phúc bên nhau.

Dường như điều này cũng trùng khớp với một câu nói của luật sư Kim Yang Ki, bạn thân của Baek Hyun Woo: "Có thể cậu nghĩ đã quên cách yêu nhưng tim cậu sẽ nhớ một khi cậu bắt đầu".

Nhưng liệu tim của chúng ta có thực sự lưu giữ ký ức hay không?

Giáo sư, nhà tâm lý học thần kinh Paul Pearsall tại Đại học Hawaii là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về mối liên hệ giữa não bộ, tim và hệ miễn dịch. Trong quá trình nghiên cứu, giáo sư Pearsall thường xuyên tư vấn cho các bệnh nhân từng thực hiện phẫu thuật cấy ghép tim. Qua những cuộc tư vấn này, vị giáo sư đã phát hiện ra một hiện tượng kỳ lạ: một số bệnh nhân lưu giữ ký ức của người hiến tặng tim.

Năm 2000, Giáo sư Pearsall hợp tác với hai học giả khác từ Đại học Arizona để công bố một bài báo khoa học về chủ đề này. Bài báo đã trình bày 10 trường hợp bệnh nhân cấy ghép tim lưu giữ ký ức của người hiến tặng. Bài viết sẽ giới thiệu 2 câu chuyện trong đó.

Giáo sư Pearsall. (Chụp video)

Danny, trái tim của em thuộc về anh

Câu chuyện đầu tiên kể về mối tình vượt thời gian và không gian của cặp đôi 18 tuổi: Danielle và Paul

Nhờ trái tim hiến tặng từ một người tốt bụng, cô gái Danielle xinh đẹp 18 tuổi đã thoát khỏi tay tử thần. Ca phẫu thuật cấy ghép tim của Danielle diễn ra thành công và cô nhanh chóng trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Thế nhưng sau đó cha của Danielle nhận thấy cô con gái vốn hoạt bát và đáng yêu của mình bỗng trầm lặng hơn nhiều. Ông lo lắng rằng sau đợt bệnh nặng, con gái mình đã thay đổi tính tình. Tuy nhiên, Danielle nói rằng không sao cả, sau khi có trái tim mới, cô cảm thấy đã có thêm một nguồn sức mạnh.

Sau đó, Danielle bỗng nhiên bắt đầu quan tâm đến âm nhạc. Cô nói với cha rằng muốn học nhạc cụ và học hát. Đương nhiên, người cha luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con gái. Danielle chọn một khóa học guitar, nhanh chóng tự học thành thạo. Cô sáng tác bài hát đầu tiên trong đời để dành tặng cho người tặng trái tim cho mình. Lời bài hát nói rằng trái tim của cô giống với trái tim của người yêu và người yêu ấy đã cứu mạng cô.

Điều Danielle không biết chính là trái tim của cô là trái tim từ một thanh niên 18 tuổi tên Paul. Paul chơi guitar rất giỏi và anh còn biết sáng tác nhạc. Anh đã sáng tác rất nhiều bài hát, trong đó có một bài hát dành riêng cho Danielle. Tuy nhiên, Paul chưa bao giờ gặp Danielle. Vậy chuyện gì đang xảy ra? Chẳng lẽ Paul có thể nhìn thấy tương lai?

Gia đình Paul

Hơn một năm sau khi Paul qua đời, cha mẹ anh đã giảm bớt đau buồn và bắt đầu dọn dẹp phòng của con trai. Paul là một nhà thơ thường xuyên sáng tác thơ ca. Cha mẹ anh phát hiện trong phòng con trai có một tập thơ mà anh chưa bao giờ nhắc đến. Trên đó ghi lại rất nhiều những bí mật của Paul. Trong đó, có một bài thơ khiến cha mẹ anh vô cùng chấn động, bởi vì bài thơ này miêu tả cảnh tượng Paul nhìn thấy mình đột ngột qua đời. Và đúng là, Paul đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông.

Thế nhưng vẫn còn một điều chấn động hơn. Paul rất giỏi sáng tác nhạc. Khi dọn dẹp đồ đạc, cha mẹ phát hiện ra một bài hát dành tặng cho Danielle có tên là “Danny, trái tim của anh thuộc về em” (Danny, My Heart is Yours). Ý nghĩa trong lời bài hát là Paul linh cảm được sự ra đi của mình, đồng thời anh hiến tặng trái tim cho một người tên là Danielle. Danny và Danielle trong tiếng Anh là cùng một tên, chỉ khác nhau ở cách gọi dành cho nam và nữ.

Bố của Paul vô cùng kinh ngạc. Cha mẹ anh không biết bài hát này được viết vào lúc nào nhưng con trai của họ đã quyết định hiến tặng nội tạng khi mới 12 tuổi. Liệu vào thời điểm đó, Paul có biết rằng tương lai của mình sẽ gắn liền với một người tên Danielle hay không?

Sau sự việc vô cùng kinh ngạc này, cha mẹ Paul đã mời Danielle đến thăm nhà. Khi cùng nhau xem album ảnh, Danielle vừa nhìn đã nhận ra Paul. Cô nói rằng dù ở đâu, cô cũng có thể nhận ra Paul "bởi vì anh ấy luôn ở trong trái tim cô", "anh ấy mãi mãi là người yêu của cô".

Khi cha mẹ Paul phát nhạc của con trai, Danial nghe xong câu trước đã có thể đoán được câu sau. Cô nói rằng những bài hát của Paul luôn ở trong tim của cô. Vào ban đêm, Danielle thường có cảm thấy giống như Paul ở bên cạnh và hát cho cô nghe. Vì vậy, có lúc Danielle im lặng nhưng cô không hề cô đơn. Cô đang được ở bên người yêu dù hai người sống ở hai khoảng thời gian và không gian khác nhau và có lẽ sẽ không bao giờ gặp nhau.

Jerry trở về rồi

Câu chuyện thứ hai kể về Jerry và Carter. Khi mới 16 tháng tuổi, Jerry không may qua đời. Trái tim của Jerry được mẹ hiến tặng cho cậu bé Carter 7 tháng tuổi. Để bày tỏ lòng biết ơn, cha mẹ của Carter thường đưa con trai đến gặp cha mẹ Jerry để cùng nhau tận hưởng những khoảnh khắc đẹp đẽ.

Mẹ của Jerry kể rằng, lần đầu tiên Carter nhìn thấy bà, cậu bé đã chủ động chạy đến ôm. Khi bà bế Carter lên, cậu bé dùng chiếc mũi nhỏ của mình cọ vào mũi bà. Cậu bé cọ mãi không ngừng. Đây cũng là điều Jerry thường làm khi ở bên mẹ. Carter còn rất tự nhiên gọi bà là mẹ, và khẽ nói bên tai bà: "Mọi thứ đều ổn, mẹ ạ".

Hơn nữa, Carter không chỉ nhận ra mẹ mà còn nhận ra được cả bố của Jerry. Mẹ của Carter kể lại rằng, ngày hôm đó bà dẫn Carter đến nhà thờ. Carter vừa bước vào, liền buông tay mẹ ra, dùng hai chiếc chân nhỏ chạy đến bên cạnh một người đàn ông lạ mặt, rồi trực tiếp bò lên đùi của người này, thân thiết ôm lấy và gọi là ba. Mẹ của Carter rất kinh ngạc, nhanh chóng chạy đến chỗ con trai, và phát hiện ra rằng người kia chính ba của Jerry. Tuy nhiên trước đó, Carter và ba của Jerry chưa từng gặp nhau.

Mẹ của Carter hỏi cậu bé rằng làm sao nhận ra được người này và sao lại gọi là ba. Carter trả lời rằng, không phải là mình mà Jerry muốn làm như vậy, cậu bé chỉ chạy theo Jerry thôi.

Hiện tại, cậu bé Carter đã sáu tuổi nhưng càng lớn càng giống Jerry. Đôi mắt của Carter giống hệt Jerry. Cách nói chuyện và từ ngữ cậu bé sử dụng cũng giống với Jerry. Jerry mắc chứng bại não nhẹ, nửa cơ thể bên trái có triệu chứng mất cảm giác. Tuy rằng não của Carter hoàn toàn bình thường, nhưng từ khi nhận trái tim của Jerry, cậu bé bắt đầu có triệu chứng cứng cơ và giật cơ không tự chủ phần bên trái cơ thể.

Tất cả những dấu hiệu này khiến gia đình Jerry tin rằng Jerry đã tái sinh trong cơ thể Carter. Mẹ của Jerry nói rằng, khi ôm Carter, bà cảm thấy như mình đang ôm Jerry bởi vì bà cảm nhận được năng lượng của Jerry tỏa ra từ Carter. Bà nói: "Tôi là một bác sĩ. Tôi được đào tạo để trở thành một người quan sát nhạy bén. Hơn nữa tôi bẩm sinh đã là một người theo thuyết hoài nghi. Nhưng những điều này là có thật".

Ngày hôm ấy, hai gia đình tụ tập vui vẻ. Đến tối, Carter đến gõ cửa phòng của bố mẹ Jerry và nói rằng muốn ngủ cùng họ. Khi nhìn thấy Carter giống như Jerry hồi nhỏ, leo lên giường nằm giữa hai người và cuộn tròn người lại, bố mẹ Jerry bật khóc. Carter liền an ủi họ rằng đừng khóc, vì Jerry nói mọi thứ đều ổn.

Mẹ của Jerry tin rằng con trai mình đã quay trở lại. Chỉ khác là giờ đây, con trai mang tên là Carter.

Câu chuyện ghép tim kỳ diệu

Trước đây chúng ta chúng ta từng nhắc đến câu chuyện ghép tim của diễn viên múa chuyên nghiệp Claire Sylvia. Thật ra câu chuyện này còn đặc biệt hơn nhiều. Sau khi ghép tim, không chỉ thói quen ăn uống, sinh hoạt của Sylvia thay đổi hoàn toàn, mà cô còn gặp người hiến tim trong mơ. Đó là một chàng trai cao gầy, tóc đỏ. Chàng trai nói với cô rằng mình tên là Tim L.

diễn viên múa chuyên nghiệp Claire Sylvia. (Chụp video)

Trái tim của Sylvia được hiến tặng ẩn danh nên cô hoàn toàn không biết gì về người hiến tặng. Sau khi ghép tim, Tim thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của cô. Sylvia cảm thấy linh hồn của Tim tồn tại trong cơ thể mình. Mặc dù Tim chưa bao giờ nói rằng anh hiến tim cho cô, nhưng Sylvia tin rằng Tim chính là người đó. Sau hai năm vất vả tìm kiếm, cuối cùng Sylvia đã tìm thấy Tim trong đời thực. Tên thật của anh là Timothy Lamirande. Tim đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Tim L chính là biệt danh của anh. Sau đó, Sylvia vẫn luôn giữ liên lạc với bố mẹ của Tim. Cô nói rằng, ngay từ lần đầu gặp mặt, cô đã cảm thấy rất gần gũi với bố mẹ của Tim.

Tiếp theo tôi sẽ kể cho mọi người một câu chuyện ghép tim còn thần kỳ hơn nữa. Điều thần kỳ ở đây chính là hai người sống được ghép tim cho nhau.

Câu chuyện được chép lại trong phần "Thang vấn thiên" của cuốn sách Đạo gia "Liệt tử". Có thể nhiều người sẽ không quen thuộc với sách "Liệt tử". Thực ra, vào thời cổ đại, cuốn sách này cùng với "Đạo đức kinh", "Trang tử", là một trong bốn cuốn sách lớn của Đạo gia. Sách "Liệt tử" không giảng giải đạo lý mà chỉ kể lại những câu chuyện nhỏ để người đọc tự mình cảm nhận ý nghĩa bên trong. Những câu chuyện quen thuộc như "Ngu Công dời núi" hay "Người nước Kỷ lo trời sập" đều là chuyện trong sách "Liệt tử".

Chuyện kể rằng có hai người là Lỗ Công Hộ và Triệu Tề Anh đều không khỏe nên đến tìm Biển Thước trị bệnh. Biển Thước nói rằng: "Hai anh đều có bệnh bẩm sinh, rất khó điều trị. Uống thuốc hay châm cứu e rằng cũng sẽ không có tác dụng. Nhưng tôi còn có cách khác".

Hai người vội hỏi: "Làm sao trị được?".

Biển Thước nói: "Tôi sẽ đổi tim của hai anh cho nhau. Như vậy cả hai anh sẽ đều khỏe mạnh".

Do tin tưởng thần y nên cả hai đều đồng ý.

Biển Thước cho hai người uống một ít rượu thuốc khiến cả hai ngủ mê man. Ba ngày sau, Biển Thước bắt đầu phẫu thuật thay tim. Không ai biết được cách làm cụ thể của vị thần y này, chỉ biết rằng ba ngày sau, hai người tỉnh dậy, cơ thể hồi phục như cũ. Thế nhưng đến lúc về nhà, Lỗ Công Hộ về nhà Triệu Tề Anh, Triệu Tề Anh lại về nhà Lỗ Công Hộ. Vợ của hai người không quen biết người kia khiến cả hai nhà náo loạn. Sau đó, vị thần y đã phải ra mặt để hòa giải.

Như vậy hiện tượng lưu giữ ký ức sau khi thay tim không phải là trường hợp cá biệt. Nghiên cứu cho thấy có đến 10% người nhận cơ quan cấy ghép ít nhiều kế thừa một số đặc tính của người hiến tặng. Sau khi nghiên cứu hơn 150 ca cấy ghép tim, giáo sư Pearsall cho rằng: cơ thể con người có chức năng ghi nhớ, và tim có chức năng đánh thức ký ức.

Trái tim cũng có trí nhớ

Tuy nhiên, theo quan điểm của y học phương Tây, các tế bào trí nhớ của cơ thể con người đều nằm trong hộp sọ. Tim chỉ là một chiếc máy bơm có chức năng vận chuyển máu.

Một số nhà khoa học cho rằng tim cũng không phải hoàn toàn không có tế bào thần kinh. Nếu không thì tim làm sao có thể giao tiếp được với não. Tim có một cơ quan nhỏ gọi hệ thần kinh nội tim (ICNS). ICNS kết nối với các tế bào thần kinh trong não để điều khiển hoạt động của tim. Vậy nếu đã là tế bào thần kinh, bộ phận này có chức năng ghi nhớ hay không? Các nhà khoa học vẫn đang đang tiến hành nghiên cứu. Có thể trong tương lai gần, các chuyên gia sẽ đưa ra được cách giải thích hợp lý cho chúng ta.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ Đông y, chúng ta sẽ rất dễ lý giải được.

Đông y và y học phương Tây là hai hệ thống lý luận hoàn toàn khác nhau. Trong lý luận y học phương Tây, não có vị trí cao nhất, điều khiển mọi hoạt động của cơ thể thông qua hệ thần kinh và là trung tâm chỉ huy của cơ thể người. Suy nghĩ, trí nhớ và các khả năng khác của con người đều xuất phát từ não bộ. Tuy nhiên, não bộ lại không có vị trí gì trong Đông y.

Vậy Đông y chú trọng đến điều gì? Đó chính là lục phủ ngũ tạng. Chỉ cần lục phủ ngũ tạng hài hòa, cơ thể con người sẽ ít bị bệnh tật.

Ngũ tạng là Tâm (tim), Can (gan), Tỳ (lá nách), Phế (phổi) và Thận.

Còn lục phủ là Vị (dạ dày), Đảm (mật), Tiểu tràng (ruột non), Đại tràng (ruột già), Bàng quang và Tam tiêu.

Tam tiêu là gì? Theo y học phương Tây, đó chính là hệ nội tiết. Có thể thấy não bộ không được nhắc đến trong Đông y.

Vậy trong tất cả các tạng phủ này, cơ quan nào đứng đầu? Đó chính là tim. Trong "Hoàng Đế nội kinh" có viết: "Tim là chủ của lục phủ ngũ tạng". Đông y cho rằng hoạt động của cơ thể con người do nguyên thần chi phối, nguyên thần trú ngụ ở trong tim. Đông y còn gọi ngũ tạng là ngũ tàng với ý nghĩa là tim tàng thần, phổi tàng phách, gan tàng hồn, tỳ tàng ý, thận tàng chí.

Vậy tại sao tim lại trở thành trung tâm chỉ huy của cơ thể người và là nơi trú ngụ của nguyên thần? Đó là vì tim là cơ quan đầu tiên được hình thành trong cơ thể. Khi phôi thai phát triển đến ngày thứ 18, 19, cơ quan được hình thành đầu tiên sẽ là tim. Đông y cho rằng, sau khi tim hình thành, nguyên thần sẽ đến trú ngụ ở đây và cuộc sống của con người cũng bắt đầu từ đây. Vì vậy, người xưa thường tính tuổi ngay từ giai đoạn phôi thai. Theo quan điểm Đông y, vào thời điểm này con người đã có sự sống. Hiện nay, nhiều nơi vẫn còn giữ cách tính tuổi truyền thống này, gọi là "tuổi mụ".

Nếu theo lý thuyết Đông y, ý thức và trí nhớ của con người được lưu trữ trong nguyên thần, và nguyên thần lại trú ngụ trong tim. Vậy thì hiện tượng tim mang theo ký ức của con người cũng là điều dễ hiểu.

Phù Dao - Bí ẩn chưa có lời giải đáp
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đông y tiết lộ bí ẩn: Phải chăng trái tim mới chính là trung tâm chỉ huy của cơ thể?