Giải pháp gây tranh cãi cho tình trạng thiếu phân bón từ Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá phân bón đã tăng chóng mặt ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine. Giờ đây, với các lệnh cấm vận từ phương Tây, thế giới đang thiếu đi nguồn cung phân bón từ Nga. Các nguồn phân bón thay thế lạ thường nhất đã được các chuyên gia nghĩ tới, chẳng hạn như ủ phân từ xác người.

Chi phí phân bón đã tăng đáng kể kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, và chi phí gia tăng dự kiến ​​sẽ dẫn đến hóa đơn hàng tạp hóa tăng cao hơn và làm trầm trọng thêm lạm phát giá thực phẩm.

Thế giới đang thiếu nguồn phân bón từ Nga

Nga, phần lớn là do diện tích khổng lồ và sự đa dạng về địa lý, là nước xuất khẩu hàng đầu đối với nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng. Nga sản xuất ra 25% nguồn cung các thành phần phân bón chính của châu Âu gồm nitơ, kali và phốt phát. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với việc xuất khẩu này của Nga đều có thể gây thiệt hại đáng kể cho việc sản xuất lương thực trên toàn thế giới.

Trong khi Mỹ và NATO đang cố gắng làm tê liệt nền kinh tế Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, thì các biện pháp trừng phạt này chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng lan tỏa đến nền kinh tế toàn cầu, góp phần làm gia tăng lạm phát đối với các hàng hóa thiết yếu như nhiên liệu và thực phẩm.

Trong khi người ta đã tốn nhiều giấy mực để nói về việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu, thì một hậu quả có thể bị bỏ qua của các lệnh trừng phạt là tác động của chúng đối với giá phân bón, điều sẽ khiến giá lương thực trên toàn thế giới cao hơn đáng kể.

Hôm thứ Sáu (04/03), Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Nga khuyến nghị các nhà sản xuất phân bón của nước này tạm dừng xuất khẩu. Lý do được nêu ra là sự không chắc chắn liệu những mặt hàng xuất khẩu này có tiếp cận được thị trường nước ngoài hay không.

Ngay cả trước khi cuộc xâm lược xảy ra, giá phân bón đã tăng chóng mặt, phần lớn là do sự gia tăng của giá khí đốt dùng để vận chuyển phân bón qua các quốc gia và châu lục. Tại New Orleans, phân đạm ure phổ biến tăng giá 29% lên 705 USD/tấn thiếu (2000 pound hay khoảng 907 kg), lập kỷ lục về mức lạm phát giá trong một ngày trong lịch sử 45 năm qua. Vào thời điểm mở cửa thị trường hôm thứ Hai (07/03), giá đã tiếp tục tăng lên 850 USD/tấn thiếu. Xu hướng này không có dấu hiệu thuyên giảm khi thị trường toàn cầu tiếp tục thiếu vắng sự đóng góp của xuất khẩu phân bón từ Nga một cách đáng lo ngại.

Các nguồn phân bón thay thế sẽ trở nên hấp dẫn hơn

Giải pháp gây tranh cãi cho tình trạng thiếu phân bón từ Nga
Nông dân Mỹ Roger Murphy đổ phân xuống đất, ngày 23/04/2020, gần Dwight, bang Illinois. (Ảnh: Scott Olson / Getty Images)

Tính cấp thiết của việc giải quyết tình trạng khan hiếm phân bón đã thúc đẩy một số chuyên gia tìm ra những cách thay thế sáng tạo. Tuy nhiên, đối với nhiều người, các cách thức này không hấp dẫn cho lắm.

Trong những năm gần đây, ba bang tại Mỹ đã thông qua đạo luật hợp pháp hóa việc “ủ phân từ xác người”, một cách thức mới và gây tranh cãi để xử lý xác người bằng cách làm thi thể tan ra trong nước để dùng làm phân bón. Đối với những người ủng hộ, đó là một cách hợp lý về mặt sinh thái để đưa cơ thể con người trả lại môi trường; đối với các nhà phê bình, đó là một sự thiếu tôn trọng một cách kỳ lạ và mất nhân tính đối với những người đã khuất.

Việc ủ phân từ xác người vẫn còn lâu mới trở thành một biện pháp đáng kể trong ngành công nghiệp phân bón. Những quy trình như vậy còn xa vời đối với những tác động ngay lập tức của cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, nếu giá phân bón vẫn tiếp tục căng thẳng do ảnh hưởng địa chính trị từ cuộc xung đột kéo dài ở Đông Âu, thì việc các nguồn phân bón thay thế có thể trở nên hấp dẫn hơn là điều bình thường.

Trong tương lai gần, hậu quả của việc giá phân bón cao sẽ thể hiện ở việc giá lương thực tăng cao - một gánh nặng đối với tất cả mọi người, ảnh hưởng đến một trong những nhu cầu thiết yếu nhất đối với cuộc sống của con người. Đối với người tiêu dùng, việc thiếu vắng của phân bón từ Nga có thể có tác động trực tiếp, khiến các gia đình gặp nhiều khó khăn khi phải chi một lượng tiền ngày càng tăng từ thu nhập cho hàng tạp hóa.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giải pháp gây tranh cãi cho tình trạng thiếu phân bón từ Nga