Hai điểm kỳ lạ trong lịch trình của Bộ trưởng Tài chính Mỹ ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau cuộc điện đàm ngày 2/4 giữa ông Tập và ông Biden, chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ là bà Janet Yellen đã được công bố sau đó.

Trên thực tế, cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden có thể là sự trải đường cho chuyến thăm của bà Yellen.

Theo lịch trình được công bố bởi Bộ Tài chính Hoa Kỳ, bà Yellen sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 4. Bà trước tiên sẽ đến Quảng Châu để gặp một nhóm chuyên gia kinh tế, đại biểu của giới doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trung Quốc là ông Hà Lập Phong.

Sau đó, vào ngày 5/4, bà sẽ bay đến Bắc Kinh để gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thị trưởng thành phố Bắc Kinh là ông Ân Dũng, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc là ông Lam Phật An, cựu Phó Thủ tướng Lưu Hạc, và Giám đốc Ngân hàng Trung ương Phan Công Thắng…

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của bà Yellen có hai điểm kỳ lạ.

Thứ nhất là vào ngày 2/4, trong lịch trình được công bố bởi Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã không đề cập đến cuộc gặp giữa bà Yellen và ông Lý Cường vào ngày 7/4. Sau đó, vào ngày 3/4, lịch trình đã được chỉnh sửa để bổ sung cuộc gặp với ông Lý Cường.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen vào tháng 7 năm ngoái, bà đã gặp ông Lý Cường trước, sau đó mới gặp ông Hà Lập Phong. Còn lịch trình lần này thì ngược lại, bà gặp ông Hà Lập Phong trước rồi gặp ông Lý Cường sau. Ngoài ra, lần này bà Yellen đến Quảng Châu trước, sau đó mới đi đến Bắc Kinh. Việc sắp xếp lịch trình này là có ẩn ý, sẽ phân tích ở sau.

Trước khi bà Yellen đến thăm Trung Quốc, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã phát đi một tuyên bố ‘lập uy’ nhấn mạnh rằng, việc sản xuất quá dư thừa của Trung Quốc mang đến hậu quả cho kinh tế toàn cầu. Điều này nghĩa là vấn đề sản xuất dư thừa của Trung Quốc đã trở thành vấn đề vô cùng đáng lo đối với toàn cầu. Bởi vì khi sản lượng dư thừa, nếu muốn bán được, phải hạ giá, hạ giá chính là phải bán tháo, bán tháo sẽ gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp của các quốc gia khác. Vậy phải làm sao?

Trước khi đến Trung Quốc, bà Yellen nói rằng, Hoa Kỳ không loại trừ việc áp thuế hoặc thiết lập các rào cản thương mại khác nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp như năng lượng mặt trời, ô tô điện khỏi sự tác động của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Vào ngày 5/4, trong hoạt động gặp gỡ một số đại biểu của giới doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc, bà Yellen đã nói rằng: 'Sản xuất dư thừa là một mối lo chung của rất nhiều quốc gia. Không chỉ là các quốc gia phát triển, mà còn có những quốc gia đang phát triển. Việc áp thuế hay xây dựng hàng rào thuế quan không phải là chính sách chống lại Trung Quốc. Trên thực tế, nếu Trung Quốc không điều chỉnh chính sách, thì kinh tế toàn cầu sẽ dễ dàng rơi vào hỗn loạn'. Tức là việc bán tháo những sản phẩm giá rẻ sẽ tạo thành sự xung kích cho kinh tế thế giới.

Bà Yellen nói thêm: 'Đây là sự nỗ lực của chúng tôi để giảm thiểu rủi ro hỗn loạn kinh tế'.

Đối với việc xây dựng hàng rào thuế quan nhập khẩu của Trung Quốc đối với doanh nghiệp nước ngoài, bà Yellen tin rằng, nó không chỉ làm tổn hại lợi ích của các công ty Hoa Kỳ, mà còn gây ảnh hướng đến bản thân Trung Quốc.

Phía Hoa Kỳ cho rằng, việc kết thúc những hành động ở trên cũng là đang cải thiện môi trường kinh doanh ở Trung Quốc. Nói cách khác, việc cải thiện môi trường không chỉ là vì Hoa Kỳ, mà cũng là vì Trung Quốc. Khi hoàn cảnh kinh doanh trở nên tốt, người ta mới dám đến đầu tư.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, bà Yellen đặt vấn đề sản xuất dư thừa, bán tháo hàng rẻ của Trung Quốc làm vị trí quan trọng nhất để thảo luận. Điều này giải thích lý do vì sao đầu tiên bà đến Quảng Châu, thay vì Bắc Kinh.

Bởi vì thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông là trung tâm công nghiệp chế tạo và xuất khẩu của Trung Quốc, là nơi đặt trụ sở của Huawei và BYD. Chúng ta biết rằng BYD là hãng sản xuất xe điện của Trung Quốc, còn Huawei là hãng sản xuất điện thoại di động và thiết bị viễn thông của Trung Quốc.

Huawei và BYD được trợ giá mãnh liệt nhằm thống trị thị trường viễn thông và xe điện toàn cầu. Hai công ty này là cấp tiến nhất, tức là về phương diện bán tháo thì dã man nhất.

Phía Hoa Kỳ nói rằng, sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả. Vì vậy, trong thời gian bà Yellen thăm Trung Quốc, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đột ngột thông báo rằng, vào năm 2026 sẽ thẩm tra lại vụ án hình sự của Huawei.

Vào năm 2018, Huawei đã bị cáo buộc về tội lừa đảo các ngân hàng. Khi đó Huawei thông qua một công ty tại Hồng Kông do Huawei hoàn toàn kiểm soát để xuất khẩu thiết bị viễn thông sang Iran. Nhưng vào thời điểm đó, Iran đang bị trừng phạt, vì vậy nếu Huawei có giao dịch kinh doanh với Iran thì sẽ bị ngân hàng giữ lại tiền. Lúc đó, Huawei đã đánh lừa Ngân hàng HSBC, khiến họ không biết về các giao dịch kinh doanh với Iran. Mà điều này đã vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, và các ngân hàng đã bị Mỹ trừng phạt. HSBC nói rằng, vụ việc không liên quan đến họ và họ đã bị Huawei lừa.

Sau đó Mỹ bắt đầu điều tra sự việc này và buộc tội Huawei về hành vi lừa dối ngân hàng. Vào ngày 13/2/2020, Mỹ tiếp tục mở rộng các cáo buộc đối với Huawei, bao gồm âm mưu ăn cắp bí mật thương mại. Trong thời gian bà Yellen thăm Trung Quốc, Mỹ đã tuyên bố sẽ tiến hành điều tra hình sự đối với Huawei.

Ban đầu, có thể có một thỏa thuận giữa Huawei và Mỹ, tức là thỏa thuận ngoài tòa, nhưng lần này Mỹ nói rằng, họ sẽ không thỏa thuận nữa mà sẽ khởi kiện. Vì vậy, điều này có thể coi là hành động cụ thể của Mỹ gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong thời gian bà Yellen thăm Trung Quốc.

Trên thực tế, ông Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm ‘tân chất sinh sản lực’ (新質生產力: năng lực sản xuất mới). 'Năng lực sản xuất mới' là gì? Khái niệm này có nghĩa là: Khoa học kỹ thuật cộng với năng lượng xanh, tức là vừa phát triển khoa học kỹ thuật vừa bảo vệ môi trường, sau đó tìm kiếm sự độc lập, tự chủ về khoa học kỹ thuật.

Hiện nay, những cuộc thảo luận nội bộ của các quốc gia ngoài Trung Quốc đang trở nên gay gắt, giống như cuộc tranh luận về ‘Made in China 2025’. Tức là cộng đồng quốc tế đang rất cảnh giác với khái niệm ‘năng lực sản xuất mới’ của ông Tập.

Vì vậy, các những ngôn luận trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của bà Yellen có thể được coi là một phản ứng nghiêm túc của phương tây đối với Tập Cận Bình, tức là ‘No. Ông không được làm như vậy’.

Trong bài viết của tờ The Economist gần đây đã chỉ ra rằng, việc Trung Quốc loại trừ các biện pháp kích thích quy mô lớn và đặt cược vào ‘năng lực sản xuất mới’ là một sai lầm cơ bản. Bởi vì Trung Quốc đã phớt lờ đi nhu cầu tiêu dùng trong nước mà chỉ mong muốn quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến. Nhưng điều này sẽ khiến người dân thất vọng và kích nộ các quốc gia khác trên thế giới.

Dịch sang ngôn ngữ bình dân đó là: Ban đầu Trung Quốc nên thúc đẩy tiêu dùng bằng cách phân phát tiền cho người dân, cung cấp phiếu mua hàng, hoặc là tăng cường các chế độ phúc lợi để người dân dám tiêu tiền, làm như vậy mới là cách tốt nhất. Nhưng chính phủ Trung Quốc lại không thực hiện điều này. Thay vào đó, họ đặt cược vào ‘năng lực sản xuất mới’ và thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc thông qua việc bán tháo hàng giảm giá. Nhưng loại bán tháo này sẽ làm tổn hại các quốc gia khác. Vì vậy, tờ The Economist nói rằng, đây chính là lý do tại sao việc Trung Quốc thúc đẩy ‘năng lực sản xuất mới’ sẽ khiến các quốc gia khác trên thế giới tức giận.

Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Mỹ là ông Scott Paul đã nói trong một báo cáo rằng, nếu ô tô giá rẻ của Trung Quốc có thể tự do nhập khẩu vào thị trường Mỹ mà không gặp bất kỳ hạn chế nào, điều này có thể dẫn đến sự mất vị thế hoàn toàn của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Vì vậy, trong chuyến thăm lần này của bà Yellen đến Trung Quốc, Mỹ coi vấn đề sản xuất dư thừa và hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc là quan trọng nhất. Trong vài ngày tới, bà Yellen có thể sẽ liên tục nhấn mạnh một thông điệp duy nhất: ‘Các ông không được bán tháo, chúng tôi sẽ áp thuế’.

Lần này bà Yellen đến Trung Quốc, ban đầu trên danh sách thậm chí không có cuộc gặp với Thủ tướng Lý Cường, điều này cũng khiến nhiều người bất ngờ. Có khả năng là từ đầu ông Tập Cận Bình đã không cho ông Lý Cường gặp bà Yellen. Đây không phải là vấn đề của nguyên tắc ‘đối đẳng’ (đồng đẳng, cùng cấp), kiểu như nói rằng ‘bà Yellen là Bộ trưởng, còn ông Lý Cường là Thủ tướng, cho nên nên không cùng cấp, vì thế không gặp’.

Nhưng trên thực tế, việc gặp hay không gặp hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu công việc. Lần trước, khi bà Yellen đến Trung Quốc vào tháng 7/2023, ông Lý Cường cũng đã gặp bà. Thậm chí khi Thống đốc California là ông Gavin Newsom đến Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc là ông Tập Cận Bình cũng gặp, đây là cuộc gặp giữa Chủ tịch nước và Tỉnh trưởng. Vốn dĩ cuộc gặp đó không đồng đẳng, nhưng ông Tập Cận Bình đã gặp ông Newsom là vì ông Tập sắp đến San Franciso để tham dự hội nghị APEC. Newsom cũng đáp lại, cho nên đã đuổi hết những người nghiện ma túy và vô gia cư trên đường phố, và làm sạch sẽ các con đường để chào đón ông Tập. Vì vậy, việc gặp hay không gặp là do nhu cầu công việc.

Nếu nhìn nhận vấn đề theo cách này, trong bối cảnh kinh tế Trung - Mỹ đang đối mặt với rủi ro và những xung đột lớn, thì việc ông Lý Cường gặp bà Yellen là rất cần thiết, ít nhất là để thể hiện một sự thành ý.

Lý Cường có thể cũng muốn gặp, nhưng từ đầu có thể do ông Tập Cận Bình không phê duyệt. Tập Cận Bình không cho phép ông Lý Cường gặp bà Yellen, nhưng lại cho phép ông Lưu Hạc gặp bà Yellen, đây là điểm rất kỳ lạ.

Bởi vì ông Lưu Hạc đã mãn nhiệm chức Phó thủ tướng vào tháng 3 năm trước, sau đó vào tháng 4 năm trước, ông cũng đã từ chức Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Trung ương. Vì vậy, ông Lưu Hạc thực sự không có bất kỳ vị trí công việc nào nữa, công việc của ông đã được Hà Lập Phong và Đinh Tiết Tường tiếp nhận lại.

Vậy thì tại sao lại để ông Lưu Hạc gặp bà Yellen? Thực ra tôi cảm thấy điều này có ý là: Ông Tập Cận Bình đang hạ thấp Lý Cường, 'dù Lưu Hạc bây giờ không còn tại nhiệm thì Tập Cận Bình tôi vẫn tin tưởng Lưu Hạc mà không tin tưởng Lý Cường’.

Tờ South China Morning Post đã có một bài vào tháng 6 năm ngoái nói rằng, sau khi Lưu Hạc từ chức tất cả các vị trí, ông vẫn tham dự các cuộc họp nội bộ của Chính phủ Trung ương liên quan đến các vấn đề kinh tế. Ông Lưu hạc cũng được yêu cầu cung cấp ý kiến về chính sách kinh tế trong nước Trung Quốc, và đưa ra cách giải quyết các vấn đề thương mại và kinh tế khi làm việc với Mỹ. Ví dụ như là cần hợp tác với Mỹ trong những lĩnh vực nào, những lĩnh vực nào cần phải đối phó, v.v. Kinh nghiệm của Lưu Hạc đều rất có giá trị.

Trên thực tế, từ việc sắp xếp như vậy, chúng ta chỉ có thể nói rằng, quản lý nội bộ của Trung Quốc hiện nay đang rất hỗn loạn. Lưu Hạc có thực quyền nhưng không có danh hàm, tức là hữu thực vô danh, còn Lý Cường thì có danh hàm nhưng không có thực quyền, tức là hữu danh vô thực.

Theo Thiên Lượng thời phân

Thuần Phong biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Hai điểm kỳ lạ trong lịch trình của Bộ trưởng Tài chính Mỹ ở Trung Quốc