Hồi giáo Mật tông: Nhà vua từ bỏ ngai vàng để vân du khổ hạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một thực tế rằng tất cả các tôn giáo lớn đều có các nhánh mật tông hoặc bí truyền. Hồi giáo Mật tông (còn gọi là Sufi, hay Tasawwuf), được biết đến với việc những người theo trường phái này sẽ từ bỏ thế tục, sống đời khổ hạnh, và thiền định để khai mở trí tuệ. Một trong những người nổi tiếng nhất của Hồi giáo Mật tông là Ibrahim ibn Adham (718 – 782).

1. Từ bỏ ngai vàng để vân du

Ibrahim là quốc vương cai trị vùng Balkh (ngày nay ở miền bắc Afghanistan). Bản thân vùng đất này vốn đã có bề dày truyền thống tâm linh, khi đã từng là một trung tâm Phật giáo.

Một đêm khi Ibrahim đang ngủ thì thấy lục đục trên mái nhà, ông bèn hỏi ai, có tiếng trả lời: ‘Đừng lo, tôi là một người bạn. Tôi đang tìm con lạc đà bị mất.’

Ông ngạc nhiên và bực mình: ‘Đồ ngốc nào lại tìm lạc đà trên mái nhà?’

Người đó cười trả lời: ‘Đồ ngốc nào lại tìm kiếm Thượng Đế bằng cách mặc đồ lụa ngủ trên giường dát vàng.’

Ngày hôm sau, khi Ibrahim đang ngồi thiết triều, một người lạ mặt cổ quái đột nhiên bước vào. Ông ta mạnh dạn tiến tới, đứng trước ngai vàng và nói: ‘Ai là chủ của quán trọ này?’

Ibrahim: ‘Đây không phải là quán trọ. Đây là cung điện của trẫm.’

Người lạ: ‘Trước ngài, nó thuộc về ai?’

Ibrahim: ‘Thuộc về cha của ta.’

Người lạ: ‘Và trước cha của ngài, nó thuộc về ai?’

Ibrahim: ‘Thuộc về ông của ta.’

Người lạ: ‘Bây giờ họ đang ở đâu?’

Ibrahim: ‘Họ không còn sống nữa.’

Người lạ: ‘Vậy đây không phải là một quán trọ nơi mấy kẻ say xỉn tá túc một lúc rồi rời đi sao?’

Nói rồi người lạ biến mất, ông ta chính là 1 sứ giả (khidr) của Thượng Đế.

Sau mấy chuyện ấy, Ibrahim cảm thấy buồn bực và đi săn. Ông lạc mất đoàn tùy tùng, và nghe thấy 4 lần tiếng kêu ‘Thức dậy!’ không biết từ đâu vang lên; khi tiếng kêu thứ 4 vang lên ông nhìn thấy một con hươu. Ông cố gắng đuổi theo nó và bắn nhưng không được. Con hươu quay lại nói: ‘Ông không thể săn tôi, tôi được cử đến để đón bắt ông. Ông được sinh ra vì thế này sao, để sống như thế này à?’

Ibrahim sợ hãi, và chợt nhận thấy tiếng kêu ‘Thức dậy!’ phát ra từ trong lồng ngực mình. Ibrahim bèn từ bỏ ngai vàng, vân du đến Syria. Đường lối khổ hạnh của ông là làm việc tay chân lương thiện để đổi lấy miếng ăn, ngoài ra là an tĩnh và thiền định.

Trên đường vân du, Ibrahim cũng nhận sự điểm hóa, chỉ dạy của những hiền nhân. Một trong những bậc thầy đầu tiên của ông là Simeon, một tu sỹ Kitô giáo bị bắt giam vì nỗ lực truyền giáo.

Ibrahim đến thăm Simeon tại phòng giam.

Ibrahim hỏi: ‘Cha Simeon, cha đã ở đây bao lâu rồi?’.

70 năm’, Simeon trả lời.

‘Thức ăn của cha là gì?’ Ibrahim hỏi.

‘Hỡi người ngoan đạo’, Simeon phản đối, ‘lẽ gì đã khiến anh hỏi điều này?’.

‘Con muốn biết,’ Ibrahim trả lời.

Sau đó Simeon nói ‘Mỗi tối một hạt đậu’.

Ibrahim lại hỏi: ‘Điều gì lấp đầy lòng cha đến nỗi hạt đậu này đã là đủ?’

Simeon trả lời: ‘Họ đến với tôi một ngày trong năm, sang sửa phòng giam, khiến tôi rất tôn kính; và bất cứ khi nào tinh thần của tôi mệt mỏi vì thờ phượng, tôi lại nhắc nó về khoảng thời gian cỡ chỉ một giờ đó, và chịu đựng khó nhọc một năm chỉ vì một giờ. Hỡi người ngoan đạo, anh hãy chịu đựng khó nhọc một năm để đạt được vinh quang vĩnh cửu.’

2. Lấy khổ làm vui

Khi được hỏi ‘Kể từ khi bước vào con đường này, ông có bao giờ trải qua hạnh phúc không?’

Ibrahim ibn Adham đã trả lời ‘Vài lần.’

“Có lần tôi ở trên tàu và thuyền trưởng không biết tôi. Tôi mặc quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù không cắt, tôi đang trong trạng thái thức thần mà tất cả những người trên tàu đều không hề hay biết. Họ cười nhạo và chế giễu tôi. Trên tàu có một gã tinh quái, thỉnh thoảng hắn lại đến túm tóc tôi giật ra rồi tát vào cổ tôi. Những lúc đó tôi cảm thấy mình đã đạt nguyện và rất vui khi bị sỉ nhục như vậy”.

“Bỗng có một cơn sóng lớn nổi lên, mọi người đều lo sợ mình sẽ chết. Người lái tàu kêu lên: ‘Chúng ta phải ném một trong số những người này xuống biển. Vậy thì con tàu sẽ nhẹ hơn.’

Họ tóm lấy tôi ném xuống biển. Sóng lắng xuống và con tàu quay trở lại trạng thái ổn định. Lúc người ta ném tôi xuống nước, tôi cảm thấy mình đã đạt nguyện và rất vui mừng.”

“Vào một dịp khác, tôi đến một nhà thờ để ngủ. Họ không cho, tôi yếu đuối và kiệt sức đến mức không thể đứng dậy được. Thế là họ tóm lấy chân tôi và kéo ra ngoài. Thềm Nhà thờ có ba bậc thang, đầu tôi lần lượt va vào từng bậc, máu chảy ra. Tôi cảm thấy mình đã đạt nguyện. Trên mỗi bước họ lôi tôi xuống, bí ẩn của cả một tầng trời lại hiển lộ cho tôi. Tôi nói: 'Giá mà nhà thờ có thêm nhiều bậc thang để tăng thêm niềm vui cho tôi!'

“Vào một dịp khác, tôi bị cuốn vào trạng thái thức thần. Một gã tai quái đã đến và tiểu vào tôi. Thế thì tôi cũng hạnh phúc.”

“Một lần khác, tôi được quấn trong một chiếc áo khoác lông, bọ chét cắn tôi một cách không thương tiếc. Đột nhiên tôi nhớ đến những bộ quần áo đẹp đẽ mà tôi cất giấu trong kho hoàng gia. Tâm hồn tôi kêu lên: 'Tại sao, nỗi đau này là gì vậy?' Sau đó tôi cũng cảm thấy rằng tôi đã đạt nguyện.”

Một ngày nọ Ibrahim đến một cái giếng. Ông thả chiếc xô xuống và khi múc lên thì nó đầy vàng. Ông đổ hết đi và thả xuống lần nữa, xô lại đầy ngọc trai. Với tâm trạng vui vẻ, ông lại đổ hết đi một lần nữa. ‘Ôi Thượng Đế,’ ông kêu lên, ‘Thượng Đế đang ban cho con một kho báu. Con biết rằng Ngài là toàn năng, và Ngài biết rằng con sẽ không bị lừa phỉnh bởi thứ này. Xin hãy cho con nước để con có thể tắm rửa.’

Cuộc đời tu hành và tư tưởng của Ibrahim đã để lại tác động sâu sắc trong lịch sử, văn hóa, tôn giáo của vùng Trung Á và thế giới Arab. Cũng giống như nhiều vị Thánh, cái chết và lăng mộ thật của ông là điều đến nay vẫn còn gây tranh cãi.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Hồi giáo Mật tông: Nhà vua từ bỏ ngai vàng để vân du khổ hạnh