Mục tiêu huỷ diệt của đại hồng thủy là gì? Khảo cổ học tìm thấy sự thật không có trong Kinh Thánh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nhắc đến trận đại hồng thủy, chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến câu chuyện về con thuyền Nô-ê được kể đến trong Kinh Thánh. Trận đại hồng thuỷ này đã nuốt chửng tất cả các sinh linh trên mặt đất và nhân loại chỉ có gia đình của Nô-ê sống sót, các sinh vật khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Nhưng mục tiêu hủy diệt của trận đại hồng thủy thực sự chỉ có loài người chăng? 

Phát hiện khảo cổ chấn động: Thành phố cổ ít nhất 15.000 năm tuổi

Thủ đô La Pa-xơ, Bolivia thuộc Nam Mỹ, nằm trên một cao nguyên ở độ cao 3.650 mét so với mực nước biển, ngang với độ cao của Lhasa, Tây Tạng, nơi đây sẽ không phù hợp với những người có hệ thống tim phổi kém. La Pa-xơ được xây dựng trong một thung lũng rộng lớn, các tòa nhà trong thành phố trải dài xung quanh thung lũng cho đến các sườn đồi dốc đứng, cách thành phố không xa là những đỉnh núi phủ tuyết tráng lệ. Ngày nay, có hơn hai triệu người đang sinh sống trong thành phố này, không khác gì so với những thành phố hiện đại trên thế giới. Nhưng hơn 100 năm trước, nó vẫn là một thành phố nhỏ với dân số chỉ 70.000 người.

Vào những năm 1900, một giáo sư người Áo tên là Arthur Posnansky đến định cư ở thành phố La Pa-xơ này. Cần nói thêm rằng khi đó, Áo không phải là quốc gia châu Âu nhỏ bé như ngày nay, nước Áo ngày nay chỉ rộng hơn lãnh thổ Cộng hòa Séc một chút. Nước Áo lúc bấy giờ là Đế quốc Áo - Hung nhìn châu Âu bằng nửa con mắt.

Vậy tại sao giáo sư Arthur lại từ bỏ cuộc sống phồn hoa ở châu Âu để đến La Pa-xơ xa xôi?

Bởi vì, ông muốn kinh doanh thương mại quốc tế và bán hàng thời trang châu Âu cho Bolivia. Arthur xuất thân là một kỹ sư cơ khí nhưng cũng là một người giỏi về kinh doanh, ông nhanh chóng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các quan chức cấp cao của chính phủ Bolivia, và giới thiệu ô tô, máy móc của châu Âu cho Bolivia. Công việc kinh doanh ngoại thương của ông phát đạt một cách nhanh chóng, và Arthur cũng trở thành một phú gia.

Nhưng Arthur lại mang tâm hồn của một nhà thám hiểm, với kiến ​​thức sâu rộng về khảo cổ học, việc thành công trong kinh doanh là chưa đủ để ông nhận ra giá trị của cuộc sống. Sau khi định cư ở La Pa-xơ, ông lang thang quanh cao nguyên gần đó, với hy vọng có thể khám phá ra một số di tích cổ xưa.

Khi lần đầu tiên nghe thấy cái tên Tiwanaku từ lời kể của những thổ dân địa phương, ông đã ngay lập tức khao khát được đến thăm nơi này. Tiwanaku cách thủ đô La Pa-xơ khoảng 75 km về phía Tây, có độ cao hơn 3.800m so với mực nước biển, là tên gọi địa phương của một phế tích cổ đại và chỉ cách hồ lớn nhất Nam Mỹ Titicaca hơn 20 km.

Khi Arthur lần đầu tiên đứng trước tàn tích của thành phố cổ này, một cảm giác hoang tàn lịch sử to lớn bao trùm lấy ông một cách sâu sắc. Tại nơi hoang vu này, gió lạnh thổi bay từng đợt cát bụi, trong bụi mù mịt xuất hiện một trụ đá khổng lồ. Arthur đi tới chỗ trụ đá, nhìn thấy một kim tự tháp có nhiều bậc thang, đứng lẻ loi sau đống đổ nát của di tích này. Tuy nhiên, hầu hết các bức tường đá bên ngoài của kim tự tháp đã bị phá bỏ, chỉ trơ lại hoàng thổ.

Người dân địa phương gọi kim tự tháp này là Akapana. Sau khi các chuyên gia máy tính lập bản đồ phục hồi 3D, hình dáng của nó hiện ra rất tráng lệ. Công trình này cao khoảng 20 mét, dài 194 mét từ đông sang tây và rộng khoảng 182m từ bắc xuống nam, tổng cộng có bảy bậc, trên đỉnh còn có bể bơi.

Quảng trường cổ nơi Arthur đứng được người dân địa phương gọi là Quảng trường trụ đá Kalasasaya. Trụ đá mà giáo sư Arthur nhìn thấy là một trụ đá ở bức tường nằm bên ngoài quảng trường, sau khi được cải tạo, quảng trường có diện tích rất lớn, từ đông sang tây dài 135 mét, từ bắc xuống nam rộng 120 mét.

Ở giữa bức tường đá ở phía đông quảng trường có một cái cổng đá, cổng đá này có ẩn chứa một bí ẩn lớn. Đó là, nếu bạn đứng ở trung tâm của quảng trường và quan sát mặt trời mọc, bạn sẽ phát hiện ra rằng vào ngày Đông chí, mặt trời mọc lên ở chính góc phía bắc của bức tường; vào ngày Xuân phân và Thu phân, mặt trời sẽ chiếu xuyên qua chính giữa cổng đá này; còn vào ngày Hạ chí, mặt trời sẽ mọc lên ở chính góc phía nam của bức tường. Rõ ràng là di tích cổ xưa này được thiết kế và xây dựng dựa trên các quan sát thiên văn chuẩn xác.

undefined
giáo sư người Áo tên là Arthur Posnansky. (Wikipedia)

Arthur bỏ qua Kim tự tháp Akapana và tiếp tục đi về phía tây đến khu đền thờ Puma Punku. Những tên gọi này đều được phiên âm từ tên gọi của người dân địa phương. Khu đền này có diện tích khoảng 170.000m2, rộng hơn cả diện tích Khu Kim tự tháp Giza ở Ai Cập.

Thực ra, trước thế kỷ 16, khu đền thờ Puma Punku vẫn vô cùng tráng lệ, nhưng sau khi người Tây Ban Nha đến đây, họ đã cướp phá tại khu vực này, những kẻ săn tìm kho báu từ mọi tầng lớp xã hội cũng lần lượt đến đào bới, lục lọi nơi này. Về sau, cộng với việc chính phủ Bolivia không biết cách bảo vệ các di tích lịch sử nên đã sử dụng khu vực này làm mỏ khai thác đá và chuyển những tảng đá khổng lồ này đi để xây dựng các tòa nhà đô thị hiện đại. Vì vậy, khi Arthur nhìn thấy nó vào những năm 1900, nó đã ở trong tình trạng đổ nát.

Tất cả các công trình cự thạch trong khu đền thờ này không chỉ đồ sộ mà mỗi phiến đá nặng hơn 10 tấn, đều được cắt gọt chính xác, mài phẳng nhẵn nhụi, trên các phiến đá lớn còn có các mộng theo tiêu chuẩn: hình tròn, hình vuông, chữ thập, hình mũi tên, có thể kết hợp với nhau một cách hoàn hảo.

Arthur đã vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy những thứ này. Là một thợ cơ khí, ông biết rất rõ độ khó của công việc này. Câu hỏi của ông là, trước khi phát minh ra cần cẩu thép, người cổ xưa đã sử dụng công nghệ gì để ghép những tảng đá này lại với nhau giống như những khối lego?

Arthur cũng phát hiện ra, trên một số phiến đá còn có phần rãnh, trông giống như nửa trên của một chiếc đinh, nếu bạn đặt hai phiến đá như vậy lại với nhau và đổ dung dịch kim loại nóng chảy vào các rãnh, sau khi làm nguội sẽ cho ra một chiếc đinh hai đầu khổng lồ, có thể kết nối chắc chắn hai tảng đá lại với nhau.

Vào thời điểm đó, Arthur không tìm thấy những chiếc đinh kim loại như vậy. Nhưng nhiều thập kỷ sau, các cuộc khai quật khảo cổ đã phát hiện ra rằng chiếc đinh sắt này không phải là những chiếc đinh có thành phần đơn lẻ mà là những chiếc đinh được tạo ra bởi một hợp kim đồng - niken đặc biệt, trong đó có một số thành phần không thể phân tích bằng công nghệ hiện đại.

Cộng đồng khảo cổ chính thống hiện tin rằng di chỉ Tiwanaku bắt nguồn từ hơn 2.000 năm trước, và phát triển mạnh mẽ vào sau thế kỷ thứ 5. Nhưng công nghệ tinh xảo còn sót lại trên những phiến đá lớn này quá tiên tiến và không có cách nào đưa ra lời giải thích hợp lý. Ngay cả những nhà khảo cổ nổi tiếng và chính thống cũng có ý kiến ​​​​khác nhau và rất khó để đưa ra kết luận. Vì vậy, những người hâm mộ người ngoài hành tinh đã có cơ hội, họ nói rằng người miền núi cổ đại ở Andes không thể có kiến ​​thức và công nghệ tiên tiến như vậy, điều này đã quá rõ ràng, vì vậy, những kỹ thuật này chắc chắn là do người ngoài hành tinh để lại.

Tuy nhiên, ở những năm 1900, Arthur hoàn toàn không có khái niệm về du khách ngoài hành tinh, nhưng ông có phương thức nghiên cứu vấn đề của riêng mình.

Đầu tiên ông hỏi người dân địa phương: “Công trình to lớn này đến từ đâu?”

Thổ dân bộ lạc Aymara địa phương nói với ông rằng: “Thành phố Tiwanaku được xây dựng bởi vị Thần Sáng Tạo Viracocha”.

Arthur tiếp tục hỏi: "Vị Thần Viracocha trông như thế nào?".

Người Aymara chỉ vào một vật giống như trụ đá ở quảng trường nói: "Chính là giống như thế, ông hãy đi xem thử xem".

Arthur nhìn qua kính viễn vọng và nhìn thấy một cảnh tượng như thế này.

Ngày nay, bức tượng đá này được gọi là Tượng đá Ponce. (Chụp video)

Đây là một hình người được chạm khắc từ một khối đá nguyên khối, hình người này kỳ dị khó tả, trên đầu đội mũ, mặc áo bào đầy hoa văn kỳ lạ, trên ống tay áo có hình con rắn uốn lượn dọc theo ống tay áo. Mặt và mũ của hình người cũng được bao phủ bởi những hoa văn kỳ lạ, hai tay ôm trước ngực, mỗi tay đang nắm một thứ gì đó.

Khi đó, Arthur cũng không biết hình người đang nắm cái gì trong tay, ông chỉ là trực giác đoán rằng bức tượng này chắc hẳn được mô phỏng theo hình ảnh một thầy tế nào đó, cho nên cũng không nhất định là Thần Viracocha, mà giống một bức tượng thầy tế đang thờ tế Thần Viracocha hơn. Ngày nay, bức tượng đá này được gọi là Tượng đá Ponce.

Các nhà khảo cổ học ngày nay cho rằng đồ vật trên tay trái của hình người này là một chiếc bình uống rượu và còn bên tay phải là một bình thuốc hít (Snuff bottle).

Bình thuốc hít này để làm gì? Đó là một chất kích thích gây ảo giác dùng để hít ở Nam Mỹ, khiến người ta có cảm giác ngây ngất, có thể câu thông với Thần linh trên trời dưới đất. Suy đoán này dựa trên những phát hiện khảo cổ học, tính đến nay, những đồ dùng có hình dạng tương tự trên tượng đá được tìm thấy chính là chiếc bình dùng để hít thuốc.

Một bằng chứng khác là trong Shaman giáo ở Nam Mỹ ngày nay, các thầy tế vẫn sử dụng chất gây ảo giác để đưa mình vào trạng thái thôi miên, sau đó, họ có thể đóng vai trò trung gian kết nối con người và thế giới Thần linh.

Sau đó, Arthur quyết tâm nghiên cứu kỹ lưỡng về thành phố cổ Tiwanaku và khám phá ra những bí ẩn của nơi này. Câu hỏi quan trọng đầu tiên là thành phố cổ này được xây dựng vào thời gian nào?

Vào thời điểm đó, giới khảo cổ học chưa có công nghệ xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, Arthur chỉ đơn giản áp dụng phương pháp cổ xưa, đó là đo bóng mặt trời để suy ra tuổi của một công trình, nguyên lý mà ông tuân theo là: giữa mặt phẳng xích đạo tự quanh quay trục và mặt phẳng hoàng đạo quay quanh mặt trời của trái đất có một góc gọi là góc hoàng đạo. Khi đó, góc này không cố định mà sẽ thay đổi định kỳ, từ 22,1 đến 24,5 độ, và độ dài của chu kỳ này là 41.000 năm.

Arthur đã tính ra rằng khi Quảng trường trụ đá Kalasasaya được xây dựng, góc hoàng đạo là 23 độ 8 phút 48 giây. Suy ra thời gian thì công trình này được xây dựng cách hiện tại khoảng 15.000 năm về trước.

Ngay khi kết quả này được đưa ra, nó đã bị cộng đồng khảo cổ lúc bấy giờ chế giễu. Tuy nhiên, một số bậc thầy thiên văn học người Đức đã dành 3 năm để tiến hành nghiên cứu thực địa. Cuối cùng, kết quả của Arthur đã được xác nhận, vì vậy, trong suốt những năm 1930, phương pháp xác định niên đại khảo cổ thiên văn của Arthur rất phổ biến ở Đức.

Mặc dù bản thân phương pháp của Arthur không có gì sai. Nhưng cho đến ngày nay, cộng đồng khảo cổ học vẫn chế giễu phỏng đoán của Arthur rằng thành phố được xây dựng cách đây 15.000 năm, họ cho rằng điều đó quá lố bịch. Bởi vì, dựa vào kết quả xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của các văn vật được khai quật ở khu vực này cho thấy, khu tàn tích này được xây dựng vào khoảng năm 110, tức là cách đây chưa đầy 2.000 năm.

Tuy nhiên, phương pháp carbon phóng xạ này có những lỗ hổng nhất định, bởi vì bản thân di chỉ và các văn vật, thậm chí là các ngôi mộ được khai quật trong di tích này có thể không cùng thời đại. Bởi vì quảng trường và đền thờ đóng vai trò là cơ sở hạ tầng, hoàn toàn có khả năng rằng đã có nhiều thế hệ cư dân đã sử dụng các công trình này, vì vậy, rất có thể, các đồ vật mà họ để lại ở đây và bản thân di chỉ này thuộc về các thời đại khác nhau.

Do đó, một số nhà khảo cổ quyết định tìm đến một số tham chiếu đáng tin cậy hơn, và họ đã hợp tác với các nhà địa chất học. Đối tượng khảo sát là lịch sử biến đổi thủy văn của hồ Titicaca. Bởi vì Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh phát hiện ra rằng thành phố cổ Tiwanaku đã từng là một thành phố ven hồ, nhưng hiện tại thì di chỉ Tiwanaku này cách hồ Titicaca tới 20 km. Họ suy đoán rằng mực nước của hồ Titicaca phải mất ít nhất 15.000 năm để rút xuống vị trí như ngày nay. Vì vậy, thành phố cổ thực sự có thể được xây dựng cách đây 15.000 năm.

Ai xây dựng thành phố này? Tại sao bị bỏ hoang?

Tuy vậy, sau khi nghiên cứu của Arthur đã giải quyết được vấn đề xác định niên đại của tàn tích thành phố cổ này, thì bước tiếp theo là giải quyết vấn ai là người đã xây dựng thành phố cổ này và tại sao nó lại bị bỏ hoang. Hai câu hỏi này có vẻ còn khó trả lời hơn.

Truyền thuyết về trận đại hồng thuỷ “Unu Pachacuti" của thổ dân Inca có kể một câu chuyện tương tự như "Sáng thế ký” trong Kinh Thánh. Trong câu chuyện này, vị Thần sáng tạo thời cổ đại Viracocha đã đến bên hồ Titicaca, và sử dụng năng lực sáng tạo của mình để tạo ra một nhóm người khổng lồ, sau đó, Ngài chỉ dẫn những người khổng lồ này xây dựng nên thành phố cổ Tiwanaku.

Tuy nhiên những người khổng lồ cũng trở nên kiêu hãnh và tự mãn vì thành tích của họ, và dần dần họ thậm chí không còn tôn kính Thần Sáng Tạo nữa, họ không nghe những gì Thần Viracocha nói. Thần Sáng Tạo đã nhiều lần khuyên răn họ về điều này, nhưng những người khổng lồ cũng không hề để tâm tới. Sau đó, giữa những người khổng lồ đã xảy ra một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, họ ngày càng trở nên xấu xa hơn.

Cuối cùng, vị Thần vĩ đại Viracocha rất hối hận, vô cùng thất vọng với những người khổng lồ mà mình đã tạo ra, cho rằng đó là một thất bại. Vì thế, ông quyết định thanh trừ sạch những sáng tạo cũ của mình và tạo ra các sinh mệnh mới.

Thế là, một trận đại hồng thủy bất ngờ từ trên trời giáng xuống, vùng đất ven hồ Titicaca rung chuyển dữ dội, hồng thuỷ ùn ùn tràn ra từ thung lũng. Những người khổng lồ hoảng sợ chạy thoát thân nhưng vô ích, sau khi lũ rút, cả tộc người khổng lồ đều biến mất. Sau đó, thần Viracocha lại sáng tạo ra một nhóm người mới.

Trong truyền thuyết này, mục tiêu huỷ diệt của trận đại hồng thủy chính là người khổng lồ, sự thay thế cũ mới diễn ra như vậy. Sau khi người khổng lồ biến mất, loài người mới ngay lập tức tiếp quản thế giới do người khổng lồ để lại.

Quá phấn khích trước truyền thuyết này, Arthur lập tức tuyển một số công nhân đến khai quật gần thành phố cổ Tiwanaku. Ông tin rằng chỉ cần tìm thấy bằng chứng về trận đại hồng thủy, thì có thể khẳng định rằng những gì được nói đến trong Thần thoại Inca "Unu Pachacuti" là một sự thật của lịch sử.

Ông đã làm việc này trong suốt hơn hai mươi năm, vì kiến trúc ở Tiwanaku đã trải qua bốn thời kỳ khác nhau trong lịch sử, chúng được cải tạo và dọn dẹp đến 4 lần, vì vậy, Arthur không tìm thấy hài cốt của những người khổng lồ, nhưng ông thực sự đã tìm thấy bằng chứng về trận đại hồng thủy. Vì vậy, ông kết luận rằng thành phố đã bị phá hủy bởi trận đại hồng thủy.

Vào những năm 1940, khi đó Arthur đã gần 70 tuổi, ông đã tổng kết những kết quả nghiên cứu trong gần nửa thế kỷ của mình và viết thành một cuốn sách. Nó được gọi là "Tiwanaku - Cái nôi của nền văn minh châu Mỹ". Như Arthur đã viết trong cuốn sách, thứ đã tàn phá Tiwanaku là một trận động đất mạnh và trận hồng thuỷ khủng khiếp đi kèm.

Quan điểm của Arthur thực sự gây náo động trong cộng đồng khảo cổ học, nói rằng thành phố này được xây dựng từ hàng vạn năm trước, Arthur đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu nhất và toàn diện nhất. Những nhà khảo cổ học khác không thể tìm ra sơ hở trong kết quả nghiên cứu của Arthur, điều duy nhất họ có thể làm là gạt quan điểm của Arthur ra ngoài lề.

Liệu có phải Arthur là người duy nhất cho rằng mục tiêu hủy diệt của trận đại hồng thuỷ là tộc người khổng lồ hay không?

Vì vậy, điều này đưa chúng ta trở lại câu hỏi mà chúng ta đã nêu ra ở phần đầu: Ai mới là mục tiêu thực sự của trận đại hồng thủy trong câu chuyện về con thuyền Nô-ê?

Trong "Thánh Kinh" được nhiều người biết đến ngày nay không trực tiếp nhắc đến người khổng lồ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số nghiên cứu và phát hiện mới đã chỉ ra rằng, mục tiêu huỷ diệt thực sự của trận đại hồng mà gia đình Nô-ê trải qua chính là những người khổng lồ.

Vào thế kỷ 3, ở Ba Tư xuất hiện một tôn giáo được gọi là Mani giáo. Trong Mani giáo có một cuốn sách tên là "Cuốn sách về những người khổng lồ", sau này, Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo thường cho rằng, Mani giáo đã bóp méo Thần thoại của người Do Thái để tạo ra "Cuốn sách về những người khổng lồ" này. Nhưng một khám phá vào năm 1947 đã thay đổi quan điểm này.

Phát hiện lịch sử của cậu bé chăn dê: "Những cuộn giấy Biển Chết"

Chuyện kể rằng vào một ngày năm 1947, xung quanh hang động Qumran gần Biển Chết, tại đây có một dân tộc du mục Ả Rập gọi là Bedouin, vào một ngày, cậu bé người Bedouin đi chăn dê gần khu vực Biển Chết, và lúc mặt trời sắp lặn, cậu bé chăn dê bắt đầu đếm đàn dê của mình, nhưng cậu thấy trong đàn thiếu mất một con nên vội vàng đi tìm.

Một lúc sau, cậu nghe thấy tiếng dê kêu, nên đã quyết định lần theo tiếng kêu và nghe thấy tiếng dê phát ra từ sau một tảng đá, cậu nhanh chóng chạy đến vị trí gần tảng đá, nhưng lại không thấy con dê đâu. Cậu tự nghĩ rằng: “Mày còn chơi trốn tìm với ta nữa sao, ta mà bắt được mày sẽ ăn roi”.

Lúc này tiếng dê kêu lại phát ra, nhưng lần này nó phát ra từ dưới lòng đất, cậu quay lại phía sau tảng đá thì phát hiện ra một cái hang nhỏ và tiếng dê kêu chính là dê phát ra từ đây. Cậu lẩm bẩm: “Sao lại có thể rơi vào một cái hang nhỏ như vậy được”.

Cậu bé chăn dê cũng không nghĩ ngợi nhiều, mà chỉ muốn đi vào trong hang động và cứu con dê ra ngoài. Nhưng trong hang lại tối đen như mực, khiến cậu không thể nhìn thấy gì. Vì vậy, cậu đã đứng ở cửa hang, nhặt một hòn đá, ném vào sâu trong hang. Không ngờ được rằng âm thanh truyền lại giống như hòn đá đã đập vào một cái hũ đất, cậu rất tò mò, nghĩ rằng trong hang này có cất giấu bảo vật gì đó. Sau khi đã quen với bóng tối trong hang, cậu đã đưa dê ra khỏi hang trước, sau đó đi về phía nơi phát ra tiếng động.

Trong động tối om không nhìn rõ vật gì, cậu bé chăn cừu lại gần nhìn kỹ, trên mặt đất có một cái hũ bị vỡ, lộ ra những cuộn giấy da cổ, đây là bảo vật gì? Chúng như những mảnh da dê được cuộn tròn, trên các cuộn giấy da này có viết những văn tự mà cậu không hiểu. Cậu bé chăn dê càng nghĩ càng thấy lạ, sau khi quay về về làng, cậu kể cho trưởng làng nghe về cái hang kỳ lạ về những cuộn giấy da dê kỳ lạ trong hũ đất mà cậu phát hiện ra.

Vào ngày hôm sau, trưởng làng đã đến chỗ hang động và thấy rất nhiều hũ đất mà không phải một cái, tất cả đều là những cuộn giấy da dê, nhìn có vẻ là những cuộn giấy bằng da rất cũ kỹ. Những cuốn sách da dê này sau đó đã được chuyển đến tay các nhà khảo cổ học và trở thành "Những cuộn giấy Biển Chết" nổi tiếng.

Psalms Scroll.jpg
("Psalms Scroll (11Q5)" - một trong các cuộn giấy Biển Chết. Wikipedia)

Từ trong những cuộn giấy da dê này, các học giả đã tìm thấy nhiều bản sao của "Cuốn sách về những người khổng lồ" được viết bằng tiếng Aram và tiếng Do Thái. Bản sớm nhất được tạo ra vào thế kỷ 3 trước Công nguyên, tức là hơn 300 năm trước khi Chúa Giê-su ra đời. Điều đó có nghĩa là, "Cuốn sách về những người khổng lồ" chắc chắn không phải do Mani giáo tạo ra, mà nó dựa trên những câu chuyện Thần thoại cổ xưa hơn, câu chuyện được kể trong "Cuốn sách về những người khổng lồ" đại khái như thế này.

Mục đích của đại hồng thủy là để hủy diệt ai?

Thượng Đế đã phái một nhóm Thiên sứ đến nhân gian để dạy cho con người đạo đức và lễ nghi, hướng dẫn con người làm những điều chính đáng và ngay thẳng. Nhưng khi truyền dạy cho con người, các Thiên sứ đã hoà vào thế tục, dần dần yêu những phụ nữ xinh đẹp ở thế gian. Vì vậy, họ đã chọn con gái của con người để làm vợ cho mình và sống lại ở nhân gian. Hậu duệ của họ là tộc người khổng lồ. Những Thiên sứ này được gọi là người canh gác, còn tộc người khổng lồ được gọi là Nephilim.

Nhưng những người canh gác và hậu duệ của mình ngày càng trở nên phóng túng. Họ thường tiết lộ Thiên cơ cho con người. Những người canh gác cũng tạo ra nhiều quái thú, khi ở trên trái đất thì người khổng lồ và quái thú đầy dục vọng, muốn làm gì làm nấy. Tình cảnh này khiến nhà tiên tri Hê-nóc vô cùng lo lắng, nên Hê-nóc đã cầu xin Chúa giúp đỡ, Chúa đã ban cho ông một lời tiên tri và nói với ông: "Con đừng lo, người khổng lồ sẽ cầu xin con cứu giúp".

Vào một đêm, thủ lĩnh của tộc người khổng lồ là Mawi đã có một giấc mơ, Mawi mơ thấy mình đem một phiến đá có khắc rất nhiều tên dìm xuống nước, khi vớt phiến đá lên thì chỉ còn lại ba cái tên trên đó, thế là, Mawi lập tức tỉnh giấc. Giấc mơ này mang đến cho anh một điềm chẳng lành vô cùng mạnh mẽ. Ngày hôm sau, Mawi đi kể về giấc mơ với những người anh em khác trong tộc người khổng lồ, nhưng những người anh em khổng lồ của anh không quan tâm, và không ngừng cười nhạo Mawi là kẻ hèn nhát. Duy nhất chỉ có một người anh em lắng nghe giấc mơ của Mawi, người này tên là Gilgamesh, nhưng Gilgamesh ở đây không phải là Gilgamesh trong sử thi Sumer.

Quay trở lại câu chuyện chính, trong khoảng thời gian sau đó, không chỉ có thủ lĩnh Mawi, mà các anh em khác trong tộc người khổng lồ cũng gặp nhiều giấc mơ xui xẻo, trong đó, có một người trực tiếp nằm mơ thấy toàn bộ thành viên trong tộc đều đã chết. Bây giờ mọi người đều vội vàng uỷ thác cho Mawi đi tìm nhà tiên tri Hê-nóc để giải mộng. Khi Mawi tìm đến Hê-nóc, anh thấy Hê-nóc đang an nhiên ngồi trên một tảng đá lớn đợi anh. Khi thấy Mawei đi tới, Hê-nóc mỉm cười và đưa cho anh một phiến đá.

Trên phiến đá có một vài dòng chữ, với đại ý là: “Các người cùng những người canh gác, những người con của các người, và những người vợ con người của các người, đều sẽ phải đối mặt với sự hủy diệt. Hy vọng duy nhất để thoát khỏi thảm họa này là các người phải hối cải những sai lầm của mình, cầu nguyện sự khoan dung của Thượng Đế, từ nay trở đi sẽ cải tà quy chính và sẽ không bao giờ làm những điều đó nữa, nếu không một trận hồng thuỷ sẽ xuất hiện và huỷ diệt tất cả các sinh vật”.

Khi những người canh gác và những người khổng lồ xem hết lời tiên tri này, họ đã vô cùng kinh ngạc. Nhưng sau một thời gian ngắn, dường như không có chuyện gì xảy ra, sông hồ vẫn phẳng lặng như xưa, cũng không có mưa bão lớn, dường như năm tháng vẫn trôi qua yên bình. Sự kinh ngạc và sợ hãi dần dần lắng xuống, lòng kiêu hãnh và dục vọng của họ lại chiếm thế thượng phong một lần nữa và tiếp tục làm bất cứ điều gì họ muốn.

Câu chuyện trong "Những cuộn giấy Biển Chết" cũng kết thúc ở đây, bởi vì "Cuốn sách về những người khổng lồ" là một bản sao rời rạc, nên không ai biết được kết thúc là gì. Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu lâu dài, các nhà nghiên cứu hiện đại đã đi đến kết luận rằng, trận đại hồng thủy được đề cập trong “Cuốn sách về những người khổng lồ” là để trừng phạt tộc người khổng lồ, đây cũng chính là trận đại hồng thủy mà gia đình Nô-ê đã trải qua, mục tiêu huỷ diệt thực sự của trận đại hồng thuỷ là tộc người khổng lồ. Sau khi lũ rút, chỉ còn lại gia đình Nô-ê sống sót.

Vậy thì, kết quả này trùng khớp với kết quả trận đại hồng thuỷ trong truyền thuyết của người Inca mà giáo sư Arthur Posnansky đã nghiên cứu, có vẻ như trận đại hồng thuỷ hủy diệt trong câu chuyện Con thuyền Nô-ê và trận đại hồng thủy trong Thần thoại Inca có lẽ đều quy về cùng một sự việc. Vậy thì, thành phố cổ Tiwanaku mà giáo sư Arthur dành cả cuộc đời để nghiên cứu rất có thể là tàn tích còn sót lại ở Nam Mỹ sau trận đại hồng thuỷ này.

Wenzhao
Phương Lam biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mục tiêu huỷ diệt của đại hồng thủy là gì? Khảo cổ học tìm thấy sự thật không có trong Kinh Thánh