Taliban muốn chính thức gia nhập BRI của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

BRI của Trung Quốc đang vấp phải nhiều trở ngại. Việc Taliban tham gia BRI có thể tạo ra lợi thế đáng kể cho Trung Quốc, khi mà Afghanistan sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ.

Taliban có kế hoạch cử một nhóm làm việc đến Trung Quốc để chính thức tìm kiếm tư cách thành viên cho Afghanistan trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường) của Bắc Kinh.

Thông báo này được đưa ra sau khi Taliban tham dự diễn đàn BRI lần thứ ba ở Bắc Kinh vào tuần trước, sự kiện thu hút các quan chức từ Afghanistan và 34 quốc gia khác.

Quyền Bộ trưởng Thương mại Haji Nooruddin Azizi cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị Trung Quốc cho phép chúng tôi trở thành một phần của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan và Sáng kiến Vành đai và Con đường… [và] hôm nay đang thảo luận về các vấn đề kỹ thuật”.

“Chúng tôi có mọi thứ họ cần, chẳng hạn như lithium, đồng và sắt. Afghanistan hiện nay, hơn bao giờ hết, đã sẵn sàng cho sự đầu tư”.

Ông Azizi cho biết chính quyền cũng sẽ cử một nhóm kỹ thuật đến Trung Quốc để giúp họ “hiểu rõ hơn” các vấn đề có thể ngăn cản họ chính thức tham gia sáng kiến.

Trong số những vấn đề đó có thể là việc Trung Quốc là quốc gia duy nhất bổ nhiệm đại sứ tới Taliban và cũng chưa có quốc gia nào chính thức công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.

Quy mô hội nghị thượng đỉnh BRI thu hẹp đáng kể

BRI là một phần trọng tâm trong chiến lược của chính quyền Trung Quốc nhằm định vị mình là đối tác kinh tế thay thế cho Mỹ trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, chương trình này đã gặp phải nhiều trở ngại và đã bị chỉ trích rộng rãi vì có liên quan đến tham nhũng, ngoại giao "bẫy nợ", lao động cưỡng bức và tạo ra sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Trong khi cuộc họp tuần trước đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập BRI, quy mô của hội nghị thượng đỉnh đã bị thu hẹp đáng kể do các cường quốc châu Âu đã tránh xa chương trình này và quy mô đầu tư của chính chế độ này vào các đối tác của họ cũng giảm dần.

Trong khi một phần ba các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2017 đến từ châu Âu, thì chỉ có ba nhà lãnh đạo quốc gia châu Âu – nguyên thủ quốc gia Hungary, Nga và Serbia – tham dự sự kiện năm nay.

Giờ đây, các quốc gia như Ý đang rời khỏi chương trình, cho rằng chính quyền Trung Quốc đã không thực hiện đúng lời hứa của mình và rằng các quốc gia không thuộc BRI đang có kết quả vượt trội về mặt kinh tế.

Trung Quốc để mắt tới nguồn tài nguyên của Afghanistan

Bất chấp vai trò đang trở nên mờ nhạt trên trường thế giới, BRI có thể mang lại lợi thế đáng kể cho Trung Quốc nếu chế độ Taliban được phép tham gia.

Taliban, lực lượng đã giành quyền kiểm soát Afghanistan trong cuộc rút quân đầy hỗn loạn và chết chóc của Mỹ khỏi nước này vào năm 2021, kiểm soát nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc thao túng nền kinh tế toàn cầu tốt hơn và củng cố chuỗi cung ứng nội địa của chính mình.

Một số công ty Trung Quốc đã hoạt động ở đó, bao gồm cả Công ty Luyện kim Trung Quốc. Công ty này đã đàm phán với Taliban về khả năng xây dựng một dự án khai thác đồng khổng lồ.

Các cuộc thảo luận đã bị trì hoãn vì mỏ nằm gần một di tích lịch sử, nhưng ông Azizi cho biết họ vẫn tiếp tục nỗ lực.

Ông nói: “Công ty Trung Quốc đã đầu tư rất lớn và chúng tôi hỗ trợ họ”.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cho rằng an ninh vẫn là mối lo ngại chính ở Afghanistan. Nhóm khủng bố ISIS-K đã nhắm mục tiêu vào các đại sứ quán nước ngoài cũng như một khách sạn ở Kabul, nơi ở vốn được các nhà đầu tư Trung Quốc ưa chuộng.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Taliban muốn chính thức gia nhập BRI của Trung Quốc