Tâm lý học Harvard: 7 cách tăng cường sự linh hoạt cho não bộ trẻ nhỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ não trẻ em không phải là bộ não thu nhỏ của người lớn – nó đang phát triển. Làm thế nào để trẻ có một bộ não linh hoạt và đàn hồi? Các chuyên gia cho rằng cha mẹ đóng vai trò then chốt.

Qua nhiều năm nghiên cứu khoa học thần kinh và tâm lý học, nhà tâm lý học Đại học Harvard là Lisa Feldman Barrett đã đúc kết ra 7 quy tắc nuôi dạy con cái giúp nâng cao tính linh hoạt và khả năng phục hồi của não bộ trẻ em.

Dưới đây là 7 điều Giáo sư Barrett khuyên các bậc cha mẹ nên làm:

1. Làm một người làm vườn, đừng làm một thợ mộc

Thợ mộc khắc gỗ thành hình dạng họ muốn, trong khi những người làm vườn chỉ muốn cung cấp môi trường thuận lợi để cây cối tự phát triển.

Tương tự như vậy, cha mẹ có thể lựa chọn và định hướng cho con cái theo một con đường nhất định, chẳng hạn như làm một nghệ sĩ vĩ cầm trong tương lai và cung cấp cho trẻ môi trường khuyến khích sự phát triển lành mạnh theo hướng bạn đã chọn.

Giả sử bạn ao ước một ngày nào đó con mình có thể chơi vĩ cầm trong phòng giao hưởng. Nhưng việc ép chúng học (phương pháp của người thợ mộc) có thể chỉ tạo ra một đứa trẻ tinh thông âm nhạc, hoặc một đứa trẻ coi âm nhạc là công việc khó chịu.

Cách tiếp cận của người làm vườn là tạo nhiều cơ hội cho trẻ cảm thụ âm nhạc khác nhau trong nhà, xung quanh nhà nơi vui chơi của trẻ và quan sát xem trẻ quan tâm thứ nào. Con bạn có thích gõ xoong nồi không? Có thể trẻ sẽ là một “tay trống” nổi bật trong tương lai.

Một khi bạn biết loại cây mình đang trồng, bạn có thể điều chỉnh đất để nó bén rễ và phát triển tự nhiên.

2. Nói chuyện và đọc sách nhiều hơn với con

Nghiên cứu cho thấy rằng, ngay cả khi trẻ chỉ mới vài tháng tuổi và không hiểu nghĩa của từ, bộ não của trẻ vẫn sử dụng những từ đó.

Điều này đặt cơ sở thần kinh cho việc học sau này. Trẻ càng nghe nhiều từ, hiệu quả càng lớn, các em nhỏ cũng sẽ có vốn từ vựng và khả năng đọc hiểu tốt hơn. Thêm vào đó, việc dạy trẻ những từ cảm xúc như “buồn”, “vui”, “chán nản”... đặc biệt có lợi. Trẻ càng biết nhiều, hành động của trẻ càng linh hoạt.

Hãy nói cho con bạn biết điều gì gây ra cảm xúc của ai đó và cách chúng ảnh hưởng đến ai đó bằng cách trình bày chi tiết cảm xúc của người khác, ví dụ: "Con có thấy cậu bé đang khóc không? Cậu ấy ngã đau nên đầu gối thâm tím. Cậu ấy rất đau lòng, có thể muốn một cái ôm từ cha mẹ cậu ấy".

Giáo sư Barrett cho rằng các bậc cha mẹ nên xem mình là người dẫn đường để hướng dẫn con cái đi qua thế giới bí ẩn này.

Nói chuyện và đọc sách nhiều hơn với con. (Ảnh pexels)

3. Giải thích sự việc

Khi con bạn liên tục hỏi “Tại sao?”, đừng trả lời chiếu lệ. Bởi khi giải thích điều gì đó cho con, bạn đang giới thiệu những điều mới mẻ khiến con có thể đoán hiểu sự việc nhanh hơn. Khi não bộ của trẻ có khả năng dự đoán và phân tích tốt, nó sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Khi trẻ hỏi câu hỏi "Tại sao?", lời giải thích của cha mẹ cho phép trẻ hiểu lý do để cư xử theo một cách nào đó. Từ đó, trẻ biết nhìn nhận sự việc có thái độ và cách giải quyết phù hợp, lấy đó làm cơ sở cho những tình huống sau này mà trẻ gặp phải trong cuộc sống.

Nếu trẻ không làm gì đó chỉ vì “bố mẹ bảo như vậy”, trẻ sẽ gặp rắc rối khi không có bố mẹ ở bên. Đó không phải là lý do để ngăn trẻ không được làm một việc gì đó. Ví dụ: Trẻ chỉ biết không nên ăn bánh quy vì cha mẹ bảo con như vậy, trẻ sẽ không ước thúc được bản thân, không có cha mẹ nhắc nhở thì trẻ vẫn ăn bánh.

Nếu trẻ được dạy rằng: "Con không nên ăn quá nhiều bánh quy vì con sẽ bị đau bụng và có thể còn sâu răng nữa" thì hiệu quả giáo dục trẻ sẽ tốt hơn. Cách giải thích này không chỉ giúp trẻ hiểu được hậu quả của hành động mà còn phát triển sự đồng cảm của trẻ.

4. Chú trọng vào hành động, không nhắm vào con người

Khi thấy cậu con trai lớn đánh em gái, đừng gọi cậu bé là "đứa trẻ hư". Hãy giải thích cho trẻ cụ thể: "Đừng đánh em gái của con, vì như thế sẽ làm em đau và khó chịu. Con hãy nói xin lỗi em đi!".

Quy tắc tương tự cũng được áp dụng trong trường hợp khen ngợi. Đừng gọi con gái là "gái ngoan", thay vào đó, hãy bình luận về hành vi của trẻ: “Con đã làm đúng khi không đánh lại anh trai mình”. Câu nói này sẽ giúp não bộ phát triển khái niệm hữu ích hơn về hành động và bản thân.

Một lời khuyên khác là cố gắng mô tả hành vi của các nhân vật trong truyện hơn là người cụ thể ở xung quanh. Khi ai đó không nói sự thật, đừng nói về người đó: "Sam là kẻ nói dối", mà hãy nói về hành vi: "Sam đã nói dối". Sau đó hỏi lại con: "Con nghĩ tại sao Sam lại làm điều này? Người khác sẽ cảm thấy thế nào nếu họ phát hiện ra? Họ có nên tha thứ cho Sam không?".

Bằng cách thu hút sự tò mò thay vì khẳng định sự việc, bạn đã xây dựng cho con mình sự linh hoạt mà chúng cần suy nghĩ về các vấn đề trong cuộc sống thực tế. Bạn cũng cho con hiểu rằng Sam vốn dĩ là người trung thực nhưng đã nói dối trong một số trường hợp nhất định, có lẽ cô bé ấy sẽ thành thật hơn trong những tình huống khác.

5. Giúp con bắt chước

Dọn dẹp nhà cửa hay làm cỏ trong vườn là những công việc bạn phải làm, nhưng lại có thể trở thành trò chơi cho con trẻ.

Trẻ em học một cách tự nhiên thông qua quan sát, vui chơi, và quan trọng nhất là bắt chước người lớn. Đó là một cách học hiệu quả và mang lại cho trẻ cảm giác làm chủ. Vì vậy, nếu bạn đang dọn dẹp nhà cửa hoặc làm cỏ trong vườn, hãy đưa cho con bạn một cái chổi nhỏ, một chiếc xẻng làm vườn hoặc máy cắt cỏ đồ chơi để chúng bắt đầu bắt chước cách bạn sử dụng những dụng cụ này.

Nhưng cần lưu ý rằng trẻ sẽ không phân biệt được điều tốt và điều xấu khi bắt chước, nếu bạn có một số thói quen xấu hoặc những câu nói chưa đúng, bạn phải cẩn thận.

Trẻ em học một cách tự nhiên thông qua quan sát, vui chơi. (Ảnh pexels)

6. Cho trẻ tiếp xúc với nhiều người

Trẻ em thường tiếp xúc với người thân trong gia đình và bạn bè đồng trang lứa. Nhưng hãy cố gắng đa dạng hóa các mối liên hệ của trẻ, đặc biệt là khi chúng còn là trẻ sơ sinh.

Theo nghiên cứu, những đứa trẻ thường xuyên tiếp xúc với những người nói các ngôn ngữ khác nhau có thể giữ lại hệ thống kết nối quan trọng trong não. Điều này giúp trẻ học các ngôn ngữ khác trong tương lai dễ dàng hơn.

Tương tự như vậy, những em bé được nhìn thấy nhiều khuôn mặt khác nhau có khả năng ghi nhớ, phân biệt các gương mặt tốt hơn khi trẻ lớn lên.

7. Nâng cao nhận thức về bản thân cho trẻ

Trẻ em thích tự mình khám phá và trải nghiệm mọi thứ, chẳng hạn như mặc quần áo hoặc xếp hình mà không cần sự giúp đỡ của người lớn. Điều này giúp trẻ hình thành cảm giác tự chủ.

Cha mẹ cần biết khi nào nên tham gia và đề nghị được giúp đỡ con, và khi nào nên đứng ngoài để con tự làm, bởi có thể đó là một thử thách với trẻ. Nếu bạn luôn ở bên bảo trẻ phải làm gì và quan tâm đến mọi nhu cầu của con, trẻ sẽ sống trong cảm giác bao bọc, phụ thuộc.

Để trẻ tự quyết, làm việc theo cách của riêng mình nhưng dưới sự quan sát và hướng dẫn của cha mẹ. Hãy để trẻ tự giải quyết mọi việc và hiểu được hậu quả của việc mình làm.

Tố Như
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tâm lý học Harvard: 7 cách tăng cường sự linh hoạt cho não bộ trẻ nhỏ