Truyền thông Trung Quốc đăng 9 tấm áp phích tiết lộ hiện thực xã hội, lập tức bị 'phong sát'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Sohu News của Trung Quốc gần đây đã trích dẫn dữ liệu do các cơ quan có thẩm quyền công bố và thiết kế ra 9 tấm áp phích (poster), nhằm chỉ ra những vấn đề nghiêm trọng mà xã hội Trung Quốc đang phải đối mặt. Chúng ngay lập tức trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi giữa cư dân mạng Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, các tấm áp phích đã bị ‘phong sát’ hoàn toàn.

Nội dung cụ thể trong 9 tấm áp phích như sau:

Khoảng 700 triệu người có mức thu nhập khả dụng mỗi tháng dưới 8,5 triệu VND

Theo “Báo cáo Thống kê Phát triển Xã hội và Kinh tế Quốc dân năm 2022” do Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc công bố, trong năm 2022, toàn Trung Quốc có 1,412 tỷ người và thu nhập bình quân khả dụng là 31.370 CNY (nhân dân tệ) (102,5 triệu VND). Trong đó, có khoảng 700 triệu người có mức thu nhập khả dụng mỗi tháng dưới 2.614 CNY (8,5 triệu VND), tăng so với năm 2021.

Lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 24 tuổi chạm mức 20%

Theo báo cáo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, trong tháng 4/2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 - 24 tuổi là 20,4%. Đây là con số cao nhất từ khi cơ quan này công bố dữ liệu thống kê nói trên từ năm 2018.

Khoảng 50 triệu người già từ 60 - 69 tuổi vẫn đang phải làm các công việc nặng

Theo một bài báo đăng trên tờ Yicai (Đệ nhất Tài chính Kinh tế) của Trung Quốc, nước này có 150 triệu người già trong độ tuổi từ 60 đến 69 và khoảng 1/3 trong số này vẫn đang phải làm việc.

Trong đó có hơn 30 triệu người làm trong các ngành nghề nông - lâm - ngư nghiệp và hơn 40 triệu người làm trong các công trường xây dựng. Họ không có thu nhập ổn định, chỉ có thể làm các công việc trên để duy trì cuộc sống.

Ít nhất 150 triệu ‘con một’ đang phải gánh áp lực nuôi cha mẹ già

Theo hai bài báo trên CCTV Yicai, chuyên gia nhân khẩu học Trung Quốc ước chừng, tổng số con một của nước này trong năm 2010 là 150 triệu người, chủ yếu là trong độ tuổi 8x, 9x và sau 2000. Mà tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc lại có tới 267 triệu người trên 60 tuổi.

Trước tốc độ dân số già hóa nhanh chóng này, áp lực nuôi cha mẹ già của đội quân ‘con một’ đã trở thành một vấn đề nan giải trong xã hội.

Lần đầu tiên sau 61 năm dân số tăng trưởng âm

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, nước này có 9,56 triệu trẻ ra đời trong năm 2022, dân số cả nước giảm 850 nghìn người. Đây là lần đầu tiên dân số Trung Quốc tăng trưởng âm sau 61 năm.

Cụ thể, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Trung Quốc – số trẻ em trên một phụ nữ đến tuổi sinh đẻ – đã giảm từ 0,7 về 0,5 con và độ tuổi sinh sản của phụ nữ cũng tăng từ 26,4 tuổi lên 27,4 tuổi.

Tỷ lệ trẻ vị thành niên phạm tội tăng 42,8%

Theo “Sách trắng về Công tác Kiểm sát Người vị thành niên năm 2022”, từ năm 2020 - 2022, viện kiểm sát Trung Quốc đã thụ lý, điều tra và bắt giữ 142.130 nghi phạm trong độ tuổi vị thành niên. Số liệu này có xu hướng gia tăng.

Nguy cơ trầm cảm ở nhóm người thất nghiệp là 31%

Theo “Báo cáo Phát triển Sức khỏe Tâm lý Quốc dân Trung Quốc năm 2021 - 2022”, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và lo âu ở Trung Quốc lần lượt là 10,6% và 15,8%. Nguy cơ trầm cảm ở nhóm người thất nghiệp là 31%, cao gấp 3 lần nhóm người có việc làm.

Bên cạnh đó, việc học hành, kết hôn… cũng là các nhân tố khiến nguy cơ trầm cảm ở lứa tuổi thanh niên tăng cao.

Trung Quốc có khoảng 85 triệu người tàn tật

Theo “Kế hoạch Phát triển và Bảo đảm cho người tàn tật” của Quốc vụ viện Trung Quốc, quần thể người tàn tật của nước này rất lớn; hiện vẫn còn tồn tại các vấn đề nổi cộm sau: nguy cơ quay trở lại hộ nghèo cao, mức độ bảo đảm xã hội và chất lượng tìm việc không cao, các dịch vụ công cộng cho người tàn tật chưa đủ, người tàn tật chưa nhận được quyền lợi bình đẳng, v.v.

Hơn 20 triệu người mắc bệnh hiếm lạ

Theo “Báo cáo Quan sát Xu thế Bệnh hiếm tại Trung Quốc năm 2022” do một quỹ công ích ở Bắc Kinh công bố, nước này có hơn 20 triệu người mắc bệnh hiếm lạ.

Trong quá trình trị liệu lâm sàng, những căn bệnh này đều rất khó chẩn trị. Theo kết quả điều tra về 20 triệu ca bệnh trên, có tới 42% bệnh nhân từng bị chẩn đoán sai và bình quân mất tới 4,26 năm thì mới có thể tìm ra cách chữa trị.

Sau khi đăng tải, có không ít cư dân mạng dành lời khen ngợi cho Sohu News, cho rằng hiện nay ở Trung Quốc không còn mấy kênh truyền thông dám nói sự thực. Cũng có người bình luận thẳng: “Sao tôi lại có cảm giác rằng cần lưu mấy tấm áp phích này lại, lát nữa thôi là chúng sẽ biến mất”; “Sohu News không muốn sống nữa rồi”, v,v,

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa sau dịch bệnh, kinh tế và công nghệ nối đuôi nhau tháo chạy, vấn đề sinh kế của người dân ngày càng cấp bách. Trước hiện thực xã hội này, một bộ phận giới trẻ Trung Quốc lựa chọn “nằm thẳng” để bày tỏ sự bất mãn, họ không mua nhà, không mua xe, không yêu đương, không kết hôn, không sinh con, tiêu dùng ở mức thấp, duy trì mức sống tối thiểu…

(Toàn bộ ảnh trong bài lấy từ trang https://lilaoshibushinilaoshi.com/)

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Truyền thông Trung Quốc đăng 9 tấm áp phích tiết lộ hiện thực xã hội, lập tức bị 'phong sát'