Vì sao số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng mạnh sau Tết?

Giúp NTDVN sửa lỗi

21.901 F0 được phát hiện trong vòng 24 giờ qua là số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục tại Việt Nam kể từ khi bùng phát dịch đến nay.

Tối 8/2, Bộ Y tế thông báo Việt Nam ghi nhận gần 22.000 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 8 F0 nhập cảnh, còn lại 21.901 ca ghi nhận tại 63 tỉnh, thành trong nước. Đồng thời, số ca phát hiện tại cộng đồng là 14.982. Như vậy, số ca nhiễm hôm nay tiếp tục tăng thêm 5.092 ca so với ngày trước đó.

Hà Nội tiếp tục là nơi có số lượng ca nhiễm trong ngày nhiều nhất với 2.903 F0. Trong khi đó, một số địa phương khác như Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa cũng ghi nhận số lượng F0 mới trong ngày khá cao (khoảng 1.000 trường hợp).

Ngày mùng 3 Tết, Việt Nam có hơn 8.500 ca mắc Covid-19, nhưng sau đó con số đã nhanh chóng tăng trở lại trong vài ngày gần đây. Theo dự báo của các chuyên gia, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam có thể tăng thêm trong những ngày tới khi mức độ giao lưu, tiếp xúc của người dân cao hơn.

Hà Nội thêm gần 3.000 ca Covid-19 tại 30/30 quận huyện

Sở Y tế Hà Nội ngày 8/2 công bố 2.903 trường hợp Covid-19. Số nhiễm ghi nhận trong ngày giảm 85 ca so với hôm qua. Nhóm bệnh nhân Covid-19 mới trú tại 486 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Các quận huyện ghi nhận số F0 lớn nhất trong ngày: Hoàng Mai (109); Chương Mỹ (106); Nam Từ Liêm (95); Long Biên (91); Đông Anh (89);...

Từ ngày mùng Một Tết đến nay, số ca mắc mới tại Hà Nội đang có chiều hướng tăng dần trở lại sau khoảng thời gian giảm đột ngột.

Trước đó, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng dự báo thời gian này có thể ghi nhận mức giảm "giả" do người dân về quê và sẽ tăng trở lại sau Tết.

Tình hình dịch tại khu vực miền Trung phức tạp

Trong ngày 7/2, Nghệ An đã vượt qua Đà Nẵng để đứng vị trí thứ 2 về số ca với 1.247 trường hợp dương tính. Đây cũng là lần đầu tiên địa phương này vượt mốc 1.000 người nhiễm sau 24 giờ. Cùng ngày, Nghệ An đã quyết định dừng các hoạt động vui chơi, giải trí tập trung đông người sau Tết.

Xếp sau Nghệ An, trong ngày 7/2, Đà Nẵng ghi nhận 935 người mắc Covid-19. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 trong ngày của Đà Nẵng cũng đã tăng từ ngưỡng 100-200 lên khoảng 900 trường hợp.

Gần 1.300 giáo viên, học sinh Thanh Hóa mắc Covid-19 sau Tết

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều giáo viên, học sinh ở TP Thanh Hoá, thị xã Nghi Sơn… nhiễm nCoV, chưa thể trở lại trường.

Ngày 9/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay toàn tỉnh ghi nhận 191 giáo viên và 1.108 học sinh các cấp mắc Covid-19. Số ca mắc rải rác ở nhiều địa phương và tăng mạnh hơn trước Tết do người về quê từ các tỉnh thành có dịch đông hơn thường lệ và người dân di chuyển, tiếp xúc nhiều.

Số học sinh, giáo viên mắc Covid-19 được xác định là do lây nhiễm trong thời gian nghỉ Tết và được phát hiện qua quá trình sàng lọc y tế tại địa phương hoặc test nhanh khi trở lại trường hôm 7/2.

Dù số ca mắc Covid-19 tăng cao sau Tết, hiện tất cả cơ sở giáo dục ở Thanh Hóa đều tổ chức dạy học trực tiếp.

Vì sao số ca Covid-19 tăng nhanh sau Tết?

Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nhâm dần 2022, các chuyên gia dự đoán số ca nhiễm Covid-19 chắc chắn sẽ tăng nhưng nguy cơ không quá lớn, theo báo Zing news.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho rằng nguyên nhân là việc giao lưu, đi lại của người dân đã tăng cao trong dịp Tết này. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thực hiện nới lỏng, thích ứng linh hoạt hơn với dịch Covid-19.

“Điều cơ bản là chúng ta cần kiểm soát được lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như ca tử vong do Covid-19 không tăng cao. Đồng thời, phải chú ý bảo vệ người cao tuổi, nhiều bệnh nền”, ông Phu nói với báo Zing.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, khẳng định mức tăng này là bình thường và không đáng lo ngại.

“Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới đến hết ngưỡng mới ngừng lại được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất thời điểm này là đảm bảo độ phủ vaccine để hạn chế tỷ lệ diễn biến nặng”, chuyên gia này nói với Zing news.

Trong khi số ca mắc COVID-19 ghi nhận hôm 8/2 tăng vọt cao hơn 50% so với những ngày nghỉ tết, nhưng số tử vong không tăng, vẫn giữ dưới 100 ca.

'Đến lúc coi Covid là bệnh thông thường'

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng sau khi phủ vaccine diện rộng, Việt Nam nên coi Covid là bệnh thông thường, chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch.

Ông Hiếu nói với Vnexpress: "Đến thời điểm này cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự như khi bạn bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị".

Ông Hiếu nói thêm: "Việc đếm ca Covid-19 để phân loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh không hợp lý trong giai đoạn này. Số ca nhiễm bây giờ chưa phản ánh chính xác mức độ dịch. Ít nhất 50% số ca nhiễm hiện nay không làm xét nghiệm PCR mà chủ yếu là test nhanh rồi tự cách ly tại nhà. Thay vì dựa vào số ca nhiễm, các cơ quan chuyên môn có thể phân loại cấp độ dịch dựa theo số bệnh nhân nặng theo từng cấp xã, huyện, tỉnh; đồng thời phải dựa vào năng lực của hệ thống y tế".

Như vậy, số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhưng tỷ lệ diễn biến nặng thấp sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống, kinh tế, xã hội.


Vì sao số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng mạnh sau Tết?