Vì sao Đạo sĩ đã qua đời lại có thể hồi sinh? Bí quyết nằm ở đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong Đạo gia, khi bậc tu thành đắc Đạo sắp rời khỏi thế gian, họ sẽ dùng thần thông biến một vật thành thế thân mang hình dạng giống hệt với mình. Gia nhân tưởng người này đã chết, nhưng trên thực tế họ đã đạt được trường sinh bất lão, hoàn toàn tự tại tiêu diêu.

Lữ Bần Tử

Vào thời Nam Tống, có một Đạo sĩ tên là Lữ Bần Tử đến cư ngụ tại Tam Quan Đạo quán ở huyện Vĩnh Phong, phủ Quảng Tín (nay là khu Quảng Phong, thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây). Ông dựng cho mình một túp lều tranh đơn sơ trong Đạo quán, ngày ngày chuyên cần tu Đạo.

Lữ Bần Tử ẩn cư tu luyện hơn 60 năm thì đột ngột quy tiên, thi thể của ông được an táng trong ngôi mộ phía bên phải Đạo quán.

Khoảng một năm sau, nha môn huyện Vĩnh Phong cử Trương Sinh đến Hà Nam thi hành công vụ. Trương Sinh làm việc xong bèn thu xếp hành trang trở về, khi vừa bước chân ra khỏi nha phủ Hà Nam ông liền nhìn thấy Lữ Bần Tử đang đi về phía mình.

Trương Sinh biết Lữ Bần Tử là bậc cao nhân trong Đạo quán, liền chạy đến chào hỏi: “Đạo trưởng, đã lâu không gặp. Hôm nay được diện kiến tôn nhan, trông ngài ngày càng có Tiên phong Đạo cốt”.

Lữ Bần Tử đáp lễ: “Nào đâu có, ngọn gió nào đã đưa tôn huynh tới đây?”

Trương Sinh đáp: “Tôi phụng mệnh huyện nha tới đây làm công vụ, đến nay việc cũng vừa xong. Hôm nay có duyên gặp Đạo trưởng ở đây, hay là hai chúng ta hãy uống vài ly rượu nhạt, đàm đạo dăm ba câu tâm tình”.

Lữ Bần Tử nói: “Vậy xin mời tôn huynh.”

Sau đó hai người vào quán rượu, vừa nâng ly đối ẩm vừa thân mật chuyện trò.

Thời gian vùn vụt trôi qua, chớp mắt đã thấy trăng treo đầu ngõ. Lữ Bần Tử nói: “Trời đã muộn rồi, vậy hãy để bần Đạo tiễn tôn huynh trở về nhà. Giờ thì mời tôn huynh nhắm mắt lại”.

Trương Sinh nhắm hai mắt, chỉ nghe tiếng gió vù vù bên tai, đến khi mở mắt ra đã thấy tới huyện Vĩnh Phong rồi. Trương Sinh về đến nhà thì vẫn chưa đến canh ba, nghĩa là chưa tới 11 giờ đêm.

Sáng hôm sau Trương Sinh đến huyện nha báo cáo công vụ. Quan huyện cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi: “Hà Nam xa như vậy, sao cậu quay về nhanh thế?”

Trương Sinh đáp: “Tiểu nhân gặp Đạo trưởng Lữ Bần Tử ở Hà Nam, liền trò chuyện với Đạo trưởng một lúc rồi ông ấy đưa tiểu nhân trở về”.

Sau đó, Trương Sinh kể lại một lượt những điều vừa trải qua, từ việc gặp Lữ Bần Tử, hai người cùng đối ẩm chuyện trò, cho đến chuyện nhắm mắt liền trở về nhà.

Huyện lệnh bán tín bán nghi: “Chẳng phải Lữ Bần Tử đã qua đời rồi sao? Sao cậu có thể gặp ông ấy được?”

Trương Sinh nói: “Đó xác thực là Đạo trưởng, sao có thể giả được?”

Huyện lệnh muốn tìm hiểu ngọn ngành, bèn sai người đào phần mộ của Lữ Bần Tử. Nắp quan tài mở ra khiến mọi người chấn kinh sững sờ: Bên trong chỉ có bức chân dung cùng với vài bài thơ và hai chiếc giày cỏ, hoàn toàn không thấy thi thể của Lữ Bần Tử.

Huyện lệnh vẫn còn chưa hết bàng hoàng thì đã thấy đôi giày cỏ biến thành hai con hạc trắng tung cánh bay đi. Đến lúc này người ta mới biết Lữ Bần Tử là bậc chân tu đắc Đạo, ông đã dùng phép “thi giải” để che mắt thiên hạ, khiến mọi người tưởng rằng mình đã chết, còn bản thân thì tự do hành tẩu giữa nhân gian.

Nơi đôi hạc bay đi được đặt tên là “Bạch Hạc Phiến” (mảnh đất hạc trắng) để ghi nhớ kỳ tích này. Địa danh ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Đến đây có lẽ bạn đã hiểu thế nào là “thi giải”. Trong Đạo gia, khi một người tu thành Chân nhân đắc Đạo và sắp rời khỏi thế gian, họ sẽ dùng thần thông biến những vật tùy thân như quần áo, giày dép, gươm đao, cành trúc, tích trượng… trở thành thế thân mang hình dạng giống hệt với mình. Gia nhân tưởng người này đã qua đời bèn đem đi an táng, nhưng trên thực tế họ đã đạt được trường sinh bất lão, hoàn toàn tự tại tiêu diêu.

Phí Trường Phòng

“Hậu Hán Thư” quyển 82 hạ, phần “Phương thuật liệt truyện” có ghi chép về một trường hợp “thi giải” như sau:

Vào thời Đông Hán, ở vùng Nhữ Nam (nay là thị trấn Trú Mã Điếm, huyện Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) có một chàng trai trẻ tên là Phí Trường Phòng.

Một ngày, Phí Trường Phòng đang uống rượu giải sầu trong tửu quán thì tình cờ thấy một lão nhân tóc trắng đang bán thuốc trong khu chợ dưới lầu. Bên cạnh ông lão có chiếc gậy chống, trên gậy treo một bầu hồ lô đựng thuốc. Người trong khu chợ đều không rõ thân phận của ông, chỉ biết rằng thuốc của ông rất công hiệu, hễ thuốc vào là bệnh hết, mà giá thuốc lại rất rẻ, số tiền thu được ông đều đem bố thí cho người nghèo.

Phí Trường Phòng vừa uống rượu vừa xem lão nhân bán thuốc. Anh phát hiện mỗi khi chợ tan, các sạp hàng đóng cửa thì ông lão lại tung người nhảy vào trong bầu hồ lô. Những người xung quanh không một ai chú ý, duy chỉ có Phí Trường Phòng đang ở trên tửu quán là nhìn thấy rõ ràng.

Anh thầm nghĩ: “Vị lão nhân này quả thực không tầm thường, rất có thể ngài là một bậc chân Tiên, ta phải đến thăm bái ngài mới được”.

Nghĩ rồi, Phí Trường Phòng liền chuẩn bị rượu và đồ ăn ngon đến chỗ ông lão bán thuốc. Anh kính cẩn hành lễ và cung kính dâng lên ông rượu thịt. Vị lão nhân biết rằng Phí Trường Phòng là người có căn duyên, ông bèn nói với anh: “Ngày mai, đợi lúc mặt trời lặn không có người lại qua, con hãy đến tìm ta”.

Hôm sau Phí Trường Phòng lại đến như đã hẹn. Ông lão nói: “Hãy đi theo ta”.

Vừa dứt lời ông lão liền nhảy vào bầu hồ lô, Phí Trường Phòng cũng nhắm mắt, học theo lão nhân nhảy vào trong. Đến khi mở mắt ra, anh thấy trước mặt là lầu quỳnh gác ngọc, là cung điện vàng son lộng lẫy, bên trong có đầy đủ tiện nghi, mỹ tửu giai hào nhiều vô tận.

(Ảnh minh họa: epochtimes.com)

Lát sau Phí Trường Phòng lại theo lão nhân ra khỏi bầu hồ lô. Ông lão nói: “Chuyện vừa rồi, ngàn vạn lần con đừng nói cho người khác biết. Ta vốn là Thần Tiên trên Trời, vì bị trách phạt mà phải giáng hạ trần thế. Đến nay thời hạn đã mãn, ta sắp rời đi, con có nguyện ý đi theo lão phu không? Nay ta có ít rượu dưới lầu, con hãy uống cùng ta nhé”.

Phí Trường Phòng liền gọi gia nhân mang rượu lên, nhưng chỉ có một vò rượu nhỏ mà cậu ta không sao nhấc lên được. Phí Trường Phòng lại gọi thêm vài người nữa nhưng vò rượu vẫn không mảy may chuyển động. Cuối cùng họ lại huy động thêm vài chục người đến nhưng vò rượu cứ như một quả núi đứng im không hề nhúc nhích.

Lão nhân liền mỉm cười rồi bước xuống lầu, ông chỉ dùng một ngón tay đã nhấc được vò rượu ấy. Hai người lại ngồi xuống ăn uống vui vẻ. Vò rượu rất nhỏ nhưng uống mãi vẫn không hết. Vài giờ trôi qua trong nháy mắt, trong vò vẫn còn rượu, dường như uống thế nào cũng không hết được.

Phí Trường Phòng nghĩ: “Hôm nay ta may mắn gặp được Thần Tiên, được theo ngài tu luyện quả là vinh diệu cả đời này”.

Nghĩ rồi anh bèn cúi xuống bái sư, cầu Đạo. Mặc dù vậy, anh vẫn còn một mối bận tâm: “Đi theo Đạo nhân rồi, ngộ ngỡ người nhà không tìm thấy ta, không biết ta sống chết ra sao, thì ta đi sao đành?”

Ông lão hiểu tâm tư của Phí Trường Phòng, liền đưa cho anh một cành trúc, dặn anh mang về treo lên xà nhà. Phí Trường Phòng làm theo lời căn dặn. Người nhà nhìn thấy cành trúc đều tưởng là Phí Trường Phòng treo cổ tự vẫn, ai cũng khóc thương thảm thiết. Sau đó, họ làm lễ an táng rồi đem “thi thể” đi chôn cất.

Lúc ấy Phí Trường Phòng vẫn đứng bên cạnh chứng kiến cả gia đình lo hậu sự cho mình, nhưng nhờ phép che mắt của sư phụ nên không một ai hay biết. Sau đó, Phí Trường Phòng mới yên tâm theo sư phụ lên núi tu Đạo.

Giữa núi sâu rừng già, vị lão nhân bắt đầu thử thách Đạo tâm của Trường Phòng.

Trước tiên, ông bảo Phí Trường Phòng đi vào chốn rừng sâu hiểm trở, mặc cho anh bị bầy mãnh hổ vây quanh. Bầy hổ nhe nanh múa vuốt như muốn xé xác con mồi, nhưng anh vẫn giữ tâm bình thản như nước, hoàn toàn không sợ hãi.

Sau đó, ông lại bảo Phí Trường Phòng vào sơn động. Trong sơn động treo lơ lửng một tảng đá lớn ngay phía trên đỉnh đầu, tảng đá này treo bằng sợi dây làm bằng cỏ tranh. Lại có một đàn rắn không rõ từ đâu bò ra cắn sợi dây. Nhìn thì thấy như là sắp đứt, nhưng Phí Trường Phòng vẫn không hề động tâm.

Ông lão lại xuất hiện, vỗ vào vai anh và nói: “Tiểu tử rất khá, có thể dạy dỗ được”.

Sau đó, ông lại chỉ tay vào một bãi phân và bảo Phí Trường Phòng ăn. Trong bãi phân nhung nhúc đầy giòi, bốc mùi hôi thối, chỉ nhìn thôi đã buồn nôn rồi, sao có thể ăn được? Phí Trường Phòng lắc đầu: Thực là không sao ăn được!

Lão nhân thấy đệ tử không vượt qua khảo nghiệm thì cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Ông thở dài: “Ôi, đây là khảo nghiệm cuối cùng, vượt qua rồi sẽ có thể đắc Đạo thành Tiên. Vậy mà con lại không thể vượt qua được quan ải cuối cùng này, quả thực là đáng tiếc, đáng tiếc! Xem ra con không thể làm Thần, chỉ có thể làm một địa Tiên, hưởng mấy trăm năm phúc phận ở nhân gian mà thôi”.

Sau đó lão nhân đưa cho Phí Trường Phòng một thanh trúc và một cuốn sách phù chú rồi nói: “Cành trúc này có thể đưa con đến bất cứ nơi nào con muốn. Còn những câu chú ngữ này sẽ cho con quyền năng sai khiến quỷ thần”.

Phí Trường Phòng liền cưỡi lên thanh trúc, chỉ trong giây lát đã trở về nhà. Anh cứ ngỡ chỉ xa nhà có vài ngày, nhưng không ngờ lại là mười mấy năm. Thanh trúc mà sư phụ đưa cho bị ném xuống hồ Cát Bi thuộc quận Nhữ Nam, vừa rơi xuống nước liền hóa thành con rồng xanh bay đi mất.

Người nhà nhìn thấy anh quay về, ai nấy đều sợ hãi, tưởng rằng hồn ma Trường Phòng hiện về giữa thanh thiên bạch nhật. Anh bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện. Mọi người liền mở nắp quan tài, quả nhiên bên trong chỉ có một thanh trúc.

Từ đó, Phí Trường Phòng đi khắp nơi giúp dân chữa bệnh, đuổi quỷ trừ tà. Tương truyền, sau này khi qua sông Cát Thủy, Phí Trường Phòng làm rơi mất cuốn phù chú, anh đã bị chúng quỷ giết hại. Dân chúng trong vùng bèn chôn cất Phí Trường Phòng ở gần Cát Thủy. Mặc dù phần mộ nằm ở nơi đất trũng nhưng chưa bao giờ bị ngập úng, có thể nói là chuyện hiếm có xưa nay. Dân chúng còn xây dựng tòa miếu đặt tên là Tiên Ông, đó chính là thôn Tiên Ông Miếu, thị trấn Đông Hòa Điếm, huyện Bình Dư, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay.

Hiên Viên Hoàng Đế

Trong Đạo gia còn có một phương pháp thi giải khác, so với phép “trúc giải” của lão nhân tóc trắng thì còn kỳ diệu và đặc biệt hơn.

Trong “Vân Cấp Thất Thiêm”, Thái Cực Chân nhân từng nói về thi giải như sau: Trước khi bậc Chân nhân rời khỏi thế gian, họ liền biến một vật thành hình tượng của bản thân. Đó có thể là cây đao hoặc thanh kiếm, cũng có thể là thanh trúc hoặc cây gậy, hoặc là một thứ binh khí nào đó. Mỗi loại đồ vật lại tạo thành một loại phương thức “thi giải” khác nhau, như Đao giải, Kiếm giải, Trúc giải, Trượng giải, Thủy giải, Hỏa giải, Binh giải, Dược giải, v.v. Phương thuốc phối chế “thi giải” gồm có năm phần chính: thứ nhất là Kim thủy, thứ hai là Đan sa, thứ ba là Thủy ngân, thứ tư là Canh duyên, thứ năm là Hoàng thổ.

“Vân Cấp Thất Thiêm” còn viết rằng, Hiên Viên Hoàng Đế biết trước ngày quy tiên, ông nói với quần thần rằng vào giờ ấy ngày ấy ông sẽ băng hà. Quả nhiên đến đúng giờ đã định, Hoàng Đế băng hà và được an táng tại Kiều Sơn. Sau này, một trận núi lở khiến linh cữu của Hoàng Đế bật mở ra, trong linh cữu không có tử thi mà chỉ có một thanh kiếm, gọi là Ô Hiệu. Cũng chính là nói, Hoàng Đế chọn dùng phương thức “Kiếm giải” để thành Tiên.

Hiên Viên Hoàng Đế. (Tranh Epochtimes)

Cũng có tài liệu chép rằng, Hoàng Đế từng thu thập đồng trên núi Thủ Sơn để đúc đỉnh. Đỉnh vừa đúc xong liền có rồng vàng hạ xuống nghênh giá, Hoàng Đế liền cưỡi rồng thăng thiên. Quần thần thấy vậy cũng theo Hoàng Đế leo lên mình rồng, có người níu cây cung, lại có người nắm lấy râu rồng. Con rồng vàng lắc mình một cái, cả cây cung và quần thần đều ngã xuống đất.

Vậy rốt cuộc Hoàng Đế đã đạt đến cảnh giới nào trong Tiên Đạo? Trong “Bão Phác Tử”, Cát Hồng viết:

“Thượng sĩ cử hình thăng hư, vị chi Thiên Tiên
Trung sĩ du ư danh sơn, vị chi Địa Tiên
Hạ sĩ tiên tử hậu thuế, vị chi Thi giải Tiên”

Nghĩa là: Bậc Thượng sĩ đem theo nhục thân bay lên thành Tiên, gọi là Thiên Tiên; người Trung sĩ du ngoạn nơi danh sơn, gọi là Địa Tiên; còn kẻ Hạ sĩ thì trước tiên chết, sau đó thoát thai lột xác, gọi là Thi giải Tiên.

Chiểu theo lời Cát Hồng, thì rất có thể Hoàng Đế đã đạt đến cảnh giới cao nhất – Thiên Tiên.

Lý Thiếu Quân

Trong “Bão Phác Tử” còn ghi chép về nhân vật lịch sử Lý Thiếu Quân như sau:

Vào thời Hán Vũ Đế, ở Sơn Đông có một nhân sĩ tên là Lý Thiếu Quân. Hán Vũ Đế say mê phương thuật nên đã xuống chiếu chiêu mộ phương sĩ khắp thiên hạ. Lý Thiếu Quân liền dâng lên Vũ Đế một bí thuật luyện đan mà ông có.

Lý Thiếu Quân nói: “Đan sa có thể luyện ra kim đan, uống kim đan liền có thể thành Tiên. Hạ thần đã từng ngao du trên biển, gặp được một vị Tiên nhân là An Kỳ tiên sinh, ngài ấy thường ăn một loại táo to bằng quả dưa, đã triển hiện rất nhiều chuyện thần kỳ hiếm thấy”.

Hán Vũ Đế rất coi trọng Lý Thiếu Quân, thường ban thưởng cho ông nhiều bảo vật quý giá.

Trong một lần tham dự yến tiệc, Lý Thiếu Quân gặp một vị lão nhân đã hơn chín mươi tuổi. Nghe vị lão nhân giới thiệu danh tính, Lý Thiếu Quân liền nói: “Năm xưa tôi đã cùng tổ phụ của ngài đối ẩm trong một buổi dạ tiệc như hôm nay, lúc ấy ngài được tổ phụ dẫn đi cùng và vẫn còn rất nhỏ. Nay gặp lại ngài tôi liền nhận ra ngay”.

Các tân khách cùng dự tiệc đều kinh ngạc: Lý Thiếu Quân trông chỉ giống như người hơn năm mươi tuổi, nếu quả thực đã từng quen biết với tổ phụ của vị lão nhân kia, vậy thì ông ấy đã bao nhiêu tuổi rồi?

Lần khác, Lý Thiếu Quân chỉ vào một cổ vật bằng đồng của Hán Vũ Đế và nói: “Tại hạ nhận ra thứ này rồi, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tề Hoàn Công thường đặt nó trên đầu giường của ông”.

Hán Vũ Đế vô cùng hiếu kỳ, liền kiểm tra dòng chữ khắc trên cổ vật, quả nhiên là đồ đồng của nước Tề thời Xuân Thu. Vũ Đế thầm nghĩ: “Nếu đúng là như vậy, thì hẳn Lý khanh đã mấy trăm tuổi rồi. Nhưng trông Lý khanh chỉ như người hơn năm mươi tuổi, sắc mặt hồng hào, da dẻ nhẵn nhụi, hàm răng đều đặn như của thiếu niên. Xem ra, lai lịch của Lý khanh thực không hề tầm thường”.

Sau này, Lý Thiếu Quân lại đem tiên đan cùng với các bí thuật trường sinh dâng lên Vũ Đế. Ông nói: “Bệ hạ muốn có được Tiên đan, mong muốn sẽ trẻ mãi không già. Nhưng nếu bệ hạ không trừ bỏ thói xa hoa dâm dật, vẫn còn ham muốn mỹ nữ, vẫn túng dục vô độ, trong tâm buồn vui thất thường, lại thường đi khắp nơi chinh chiến thảo phạt, khiến các oan hồn phải lang thang phiêu bạt, khiến chốn thị thành không ngớt cảnh máu chảy đầu rơi… thì tuyệt đối không thể luyện thành Tiên đan, dẫu có uống Tiên đan cũng không tác dụng gì”.

Một đêm nọ, Hán Vũ Đế mộng thấy ông cùng với Lý Thiếu Quân lên núi Tung Sơn. Khi mới đi được nửa đường, bỗng có vị Tiên cầm cờ và phù tiết, cưỡi rồng từ trong mây giáng hạ xuống. Vị Tiên cất tiếng: “Thái Ất Chân nhân có lời mời Thiếu Quân, thỉnh ngài sớm lên đường”.

Hán Vũ Đế sững sờ kinh ngạc rồi đột nhiên tỉnh dậy. Ông nói: “Ta vừa mộng thấy Lý Thiếu Quân, khanh ấy sắp rời ta mà đi rồi”.

Quả nhiên vài ngày sau, Lý Thiếu Quân mắc bệnh nặng rồi qua đời. Hán Vũ Đế lắc đầu: “Lý khanh không chết, chỉ là lên Tiên giới mà thôi”.

Hán Vũ Đế lại sai người mở quan tài của Lý Thiếu Quân, quả nhiên bên trong không có thi thể mà chỉ có bộ quan phục, trông giống như ve sầu lột xác.

“Bão Phác Tử - Luận Tiên” chép: Bậc Thượng sĩ có thể đem theo nhục thân phi thăng, gọi là Thiên Tiên; người Trung sĩ du ngoạn nơi danh sơn, gọi là Địa Tiên; còn kẻ Hạ sĩ thì trước tiên chết sau đó lột xác, gọi là Thi giải Tiên. Theo đó, Lý Thiếu Quân chính là Thi giải Tiên vậy.

Phật Đồ Trừng

Không chỉ riêng Đạo giáo, mà trong Phật giáo cũng có rất nhiều vị cao tăng từng dùng phép “thi giải”. Cuốn “Cao Tăng Truyện” do hòa thượng Huệ Kiểu biên soạn đề cập đến một số vị cao tăng như thế, trong đó có Phật Đồ Trừng.

Phật Đồ Trừng là vị cao tăng đến từ Tây Vực, được hậu thế tôn xưng là “đệ nhất thần tăng” trong lịch sử Trung Quốc. Vào năm 310 đúng vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, Phật Đồ Trừng khi ấy đã 79 tuổi đến Lạc Dương và Trường An để hoằng dương Phật Pháp. Đương thời, bậc danh tăng của Thiên Trúc là hòa thượng Phật Điều và bậc danh tăng của Khang Cư là hòa thượng Tu Bồ Đề đã không quản ngàn dặm xa xôi, băng qua Lưu Sa đến Trung Thổ nghe Phật Đồ Trừng thuyết Pháp. Nhiều tăng nhân của Trung Thổ như Thích Đạo An và Trúc Pháp Nhã v.v. cũng trèo đèo lội suối đến tu học Phật Đồ Trừng.

Theo “Cao Tăng Truyện” và “Thái Bình Quảng Ký”, Phật Đồ Trừng rất giỏi thần chú tha tâm thông, có thể sai khiến quỷ thần, chỉ cần trộn dầu mè với phấn hồng rồi bôi vào lòng bàn tay là có thể thấy những việc xa ngoài ngàn dặm. Ông nghe tiếng chuông tháp mà biết được lành dữ, có khả năng tiên đoán việc tương lai, dự ngôn nào cũng vô cùng linh nghiệm.

Ban đầu Phật Đồ Trừng đến Lạc Dương để xây chùa hoằng Pháp. Nhưng loạn Vĩnh Gia nổ ra khiến kinh đô bất ổn, ông không thể thực hiện được nguyện vọng lúc ban đầu. Phật Đồ Trừng đành lui về ở ẩn nơi núi rừng, lặng lẽ quan sát thế sự đổi thay.

Về sau, Phật Đồ Trừng đến đầu quân cho bộ hạ của Thạch Lặc, giúp Thạch Lặc kiến lập nước Triệu. Thạch Lặc rất sùng kính Phật Đồ Trừng, bất cứ việc nào cũng hỏi ý kiến thần tăng trước rồi mới quyết định.

Sau khi Thạch Lặc băng hà, Thạch Hổ xưng vương và lại càng cung phụng Phật Đồ Trừng. Phật Đồ Trừng ở nước Triệu hồng dương Phật Pháp, tiến hành giáo hóa, khắp cả nước có tới 893 ngôi chùa được xây dựng và hàng trăm đệ tử mới nhập môn. Các môn đồ theo ông có đến hơn vạn người, trong số đó có rất nhiều cao tăng nổi tiếng.

Năm 348, Phật Đồ Trừng viên tịch, hưởng thọ 117 tuổi. Theo ghi chép trong “Cao tăng truyện”, không lâu sau khi Phật Đồ Trừng tạ thế, có người đã nhìn thấy và trò chuyện cùng ông. Thạch Hổ sinh nghi, bèn sai người mở quan tài kiểm tra, quả nhiên trong linh cữu không có thi thể mà chỉ có một cây tích trượng (có tài liệu cho là tảng đá) mà thôi.

“Vân Cấp Thất Thiêm” viết: “Phu thi giải giả, thi hình chi hóa dã” (người thi giải thì hình thể của thể xác cũng hóa đi).

Rất hiển nhiên, phép Trượng giải của Phật Đồ Trừng cũng tương đồng với những miêu tả về thi giải trong “Vân Cấp Thất Thiêm”, và phép thi giải của Lý Thiếu Quân cũng là như vậy. Đó đều là “vô thi, duy y quan tại yên” (không có thi thể, chỉ có áo mũ ở đó).

Khi người đã tu thành đắc Đạo lựa chọn “thi giải” để rời khỏi thế tục, họ cũng đồng thời viết nên một câu chuyện truyền kỳ. Những kỳ tích của các bậc chân tu trong lịch sử cho chúng ta thấy: tu luyện không phải điều huyền hoặc xa vời, cũng không phải là chuyện hư cấu chỉ có trên phim ảnh, mà là điều sinh mệnh hằng tìm kiếm. Chỉ có điều con người thế gian quá cố chấp, cho rằng tất cả chỉ là mê tín, nên người tu luyện mới phải lặng lẽ thi giải, lặng lẽ rời đi…

Theo Lý Minh - Xinbuxinyouni
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Đạo sĩ đã qua đời lại có thể hồi sinh? Bí quyết nằm ở đâu?